Tìm hiểu về chi nhánh của thương nhân nước ngoài

 

Thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam là một quyết định quan trọng và cần được cân nhắc kỹ lưỡng. Đây không chỉ là một bước đi quan trọng trong việc mở rộng hoạt động kinh doanh, mà còn liên quan đến việc tuân thủ các quy định pháp luật của Việt Nam. Vậy pháp luật Việt Nam đã quy định như thế nào về vấn đề này. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết sau.

 Thực trạng thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài 

I. Thực trạng thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài 

Trong bối cảnh hội nhập toàn cầu và sự phát triển mạnh mẽ của thương mại quốc tế, các thương nhân không chỉ giới hạn hoạt động kinh doanh của mình trong phạm vi quốc gia nơi họ sinh sống. Thay vào đó, họ đang nắm bắt cơ hội để mở rộng sự hiện diện của mình trên nhiều vùng lãnh thổ khác nhau trên toàn thế giới. Việc thành lập các chi nhánh tại những địa điểm tiềm năng trở thành chiến lược phổ biến, giúp họ tiếp cận được với thị trường mới, khách hàng mới và tạo ra nguồn thu nhập đa dạng. Trong số các quốc gia được chọn làm điểm đến, Việt Nam đã thu hút được sự chú ý của nhiều thương nhân nhờ vào tiềm năng phát triển kinh tế đầy hứa hẹn. Tuy nhiên, việc mở rộng hoạt động kinh doanh ra quốc tế không chỉ mang lại cơ hội mà còn đầy rẫy thách thức. Một trong số đó là việc tuân thủ pháp luật của từng quốc gia mà họ chọn để hoạt động. Điều này đòi hỏi thương nhân phải nắm rõ và tuân thủ nghiêm ngặt các quy định pháp lý, từ đó tạo dựng được uy tín và lòng tin từ khách hàng cũng như đối tác kinh doanh.

II. Quy định pháp luật về chi nhánh của thương nhân nước ngoài  

Quy định pháp luật về chi nhánh của thương nhân nước ngoài 

1. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài được hiểu là gì? 

Theo khoản 7 Điều 3 Luật Thương mại 2005, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được hiểu là đơn vị phụ thuộc của thương nhân nước ngoài, được thành lập và hoạt động thương mại tại Việt Nam theo quy định của pháp luật Việt Nam hoặc điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

2. Quyền và nghĩa vụ của chi nhánh của thương nhân nước ngoài theo pháp luật Việt Nam

* Về quyền, căn cứ tại Điều 19 Luật Thương mại 2005, quyền của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau: 

- Thuê trụ sở, thuê, mua các phương tiện, vật dụng cần thiết cho hoạt động của Chi nhánh. 

- Tuyển dụng lao động là người Việt Nam, người nước ngoài để làm việc tại Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

- Giao kết hợp đồng tại Việt Nam phù hợp với nội dung hoạt động được quy định trong giấy phép thành lập Chi nhánh và theo quy định của Luật này. 

- Mở tài khoản bằng đồng Việt Nam, bằng ngoại tệ tại ngân hàng được phép hoạt động tại Việt Nam. 

- Chuyển lợi nhuận ra nước ngoài theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

- Có con dấu mang tên Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

- Thực hiện các hoạt động mua bán hàng hóa và các hoạt động thương mại khác phù hợp với giấy phép thành lập theo quy định của pháp luật Việt Nam và điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên. 

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật. 

* Về nghĩa vụ, căn cứ tại Điều 20 Luật Thương mại 2005, nghĩa vụ của chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quy định cụ thể như sau: 

- Thực hiện chế độ kế toán theo quy định của pháp luật Việt Nam; trường hợp cần áp dụng chế độ kế toán thông dụng khác thì phải được Bộ Tài chính nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam chấp thuận. 

- Báo cáo hoạt động của Chi nhánh theo quy định của pháp luật Việt Nam. 

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

 3. Điều kiện để được cấp giấy phép thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài  

Theo quy định tại Điều 8 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, thương nhân nước ngoài được cấp Giấy phép thành lập Chi nhánh khi đáp ứng các điều kiện dưới đây:

- Thương nhân nước ngoài được thành lập, đăng ký kinh doanh theo quy định của pháp luật quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia Điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc được pháp luật các quốc gia, vùng lãnh thổ này công nhận;

- Thương nhân nước ngoài đã hoạt động ít nhất 05 năm, kể từ ngày được thành lập hoặc đăng ký;

- Trong trường hợp Giấy đăng ký kinh doanh hoặc giấy tờ có giá trị tương đương của thương nhân nước ngoài có quy định thời hạn hoạt động thì thời hạn đó phải còn ít nhất là 01 năm tính từ ngày nộp hồ sơ;

- Nội dung hoạt động của Chi nhánh phải phù hợp với cam kết mở cửa thị trường của Việt Nam trong các điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên và phù hợp với ngành nghề kinh doanh của thương nhân nước ngoài;

- Trường hợp nội dung hoạt động của Chi nhánh không phù hợp với cam kết của Việt Nam hoặc thương nhân nước ngoài không thuộc quốc gia, vùng lãnh thổ tham gia điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên, việc thành lập Chi nhánh phải được sự chấp thuận của Bộ trưởng Bộ quản lý chuyên ngành.

III. Một số thắc mắc về chi nhánh của thương nhân nước ngoài  

Giấy phép thành lập chi nhánh là điều kiện bắt buộc để thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài 

1. Giấy phép thành lập chi nhánh là điều kiện bắt buộc để thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài  

Trong tất cả trường hợp thành lập chi nhánh nói chung và chi nhánh của thương nhân nước ngoài nói riêng, Giấy phép thành lập chi nhánh là điều kiện bắt buộc và cơ bản nhất đó một chi nhánh được chính thức thành lập và đi vào hoạt động. 

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 5 Điều 35 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, việc thu hồi giấy phép thành lập chi nhánh của chi nhánh thương nhân nước ngoài là cơ sở để chấm dứt hoạt động của Chi nhánh. 

Vì vậy, giấy phép thành lập chi nhánh là điều kiện bắt buộc để thành lập chi nhánh của thương nhân nước ngoài.

2. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài có được giao kết hợp đồng thuê trụ sở không?  

Theo quy định tại khoản 1 Điều 19 Luật Thương mại 2005, chi nhánh của thương nhân nước ngoài được giao kết hợp đồng thuê trụ sở để phục vụ cho hoạt động của Chi nhánh. Như vậy, chi nhánh của thương nhân nước ngoài có quyền được giao kết hợp đồng thuê trụ sở.

3. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam không hoạt động bao lâu thì bị thu hồi Giấy phép thành lập?  

Theo quy định tại Điều 44 Nghị định 07/2016/NĐ-CP, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam bị thu hồi Giấy phép thành lập trong các trường hợp sau: 

- Không hoạt động trong 01 năm và không phát sinh các giao dịch với Cơ quan cấp giấy phép. 

- Không báo cáo về hoạt động của Văn phòng đại diện, Chi nhánh trong 02 năm liên tiếp. 

- Không gửi báo cáo cung cấp tài liệu hoặc giải trình những vấn đề có liên quan đến hoạt động của mình theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền tới Cơ quan cấp Giấy phép trong thời hạn 06 tháng, kể từ ngày hết hạn gửi báo cáo hoặc có yêu cầu bằng văn bản. 

- Trường hợp khác theo quy định pháp luật.

4. Chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại không?  

Theo quy định tại Điều 91 Luật Thương mại 2005, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam có quyền tự tổ chức khuyến mại hoặc thuê thương nhân kinh doanh dịch vụ khuyến mại thực hiện việc khuyến mại cho mình. Vì vậy, chi nhánh của thương nhân nước ngoài tại Việt Nam được quyền tổ chức khuyến mại.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến chi nhánh của thương nhân nước ngoài

Trên đây là những thông tin xoay quanh về chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về chi nhánh của thương nhân nước ngoài. Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968 

Email: Legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan