Đơn đăng ký biến động đất đai – thuật ngữ được sử dụng phổ biến hiện nay. Vậy pháp luật đã quy định như thế nào về đơn đăng ký biến động đất đai. Cùng NPLaw tìm hiểu về vấn đề này như sau:
Với nhu cầu sử dụng đất hiện nay, đơn đăng ký biến động đất đai được xem là một loại giấy tờ phổ biến. Mặc dù, pháp luật đã quy định rất chặt chẽ về thủ tục đăng ký biến động đất đai và những đơn từ liên quan. Tuy nhiên, khi triển khai trên thực tế thì vẫn xảy ra nhiều khó khăn nhất định. Vì vậy, việc nắm rõ quy định về đơn đăng ký biến động đất đai sẽ rất hữu ích cho những cá nhân có nhu cầu.
Hiện nay, pháp luật không đưa ra định nghĩa về đơn đăng ký biến động đất đai. Tuy nhiên, thông qua quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, đơn đăng ký biến động đất đai được hiểu là mẫu đơn được dùng khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất đã thực hiện việc đăng ký cấp giấy hoặc đã được cấp giấy mà có thay đổi thông tin về người sử dụng đất, diện tích, tình trạng thửa đất….
Theo quy định tại khoản 4 Điều 95 Luật Đất đai 2013, khi người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản trên đất đã đăng ký hoặc đã được cấp giấy chứng nhận nhưng có sự thay đổi về diện tích thửa, người sử dụng đất do thừa kế, chuyển nhượng, tặng cho… thì cần thực hiện việc đăng ký biến động đất đai. Vấn đề này đã được hướng dẫn cụ thể tại Điều 83, Điều 84, Điều 85 Nghị định 43/2014/NĐ-CP. Mặt khác, để thực hiện thủ tục này, cần phải có văn bản (đơn từ) thể hiện thông tin người có nhu cầu, thửa đất, lý do cần đăng ký biến động… Vì vậy, đơn đăng ký biến động đất đai – cần thiết khi chủ thể có nhu cầu muốn thực hiện việc đăng ký biến động đất đai.
Hiện nay, mẫu đơn đăng ký biến động đất đai được quy định cụ thể tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT, cụ thể là mẫu 09/ĐK, gồm các thông tin về người kê khai như thông tin về người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất, người quản lý đất; thông tin về giấy chứng nhận đã được cấp như số vào sổ cấp, ngày cấp; nội dung biến động, lý do biến động; tình hình thực hiện nghĩa vụ tài chính; các giấy tờ kèm theo…
Theo quy định tại Điều 60 Nghị định 43/2014/NĐ-CP; khoản 19 Điều 1 Nghị định 148/2020/NĐ-CP, đơn đăng ký biến động đất đai có thể nộp tại:
+ Văn phòng đăng ký đất đai, chi nhánh Văn phòng đăng ký đất đai.
+ Ủy ban nhân dân cấp xã
Theo quy định tại khoản 2 Điều 61 Nghị định 43/2014/NĐ-CP được sửa đổi bởi khoản 40 Điều 2 Nghị định 01/2017/NĐ-CP, thời gian thực hiện thủ tục hành chính về đất đai là:
Đăng ký biến động do đổi tên người sử dụng đất, chủ sở hữu tài sản gắn liền với đất hoặc thay đổi về hình dạng, kích thước, diện tích, số hiệu, địa chỉ thửa đất hoặc thay đổi hạn chế quyền sử dụng đất hoặc thay đổi về nghĩa vụ tài chính hoặc thay đổi về tài sản gắn liền với đất so với nội dung đã đăng ký là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ.
Vì vậy, thời hạn giải quyết đơn đăng ký biến động đất đai là không quá 10 ngày kể từ ngày nhận được đơn hợp lệ.
Hiện nay, đơn đăng ký biến động đất đai đã được quy định và hướng dẫn cụ thể tại Thông tư 33/2017/TT-BTNMT. Vì vậy, chủ thể có nhu cầu “đăng ký biến động đất đai” có thể tải mẫu 09/ĐK về để điền đơn. Tuy nhiên, chủ thể này cần đọc kĩ các thông tin được hướng dẫn hoặc đến cơ quan có chức năng nêu trên để được hướng dẫn chi tiết hơn nhằm tránh sai sót khi điền thông tin liên quan.
Thứ nhất, cần kê khai theo đúng tên và địa chỉ như trên giấy chứng nhận đã được cấp, trường hợp có thay đổi tên thì ghi cả thông tin trước và sau khi thay đổi và nộp giấy tờ chứng minh sự thay đổi.
Thứ hai, đối với trường hợp chuyển đổi quyền sử dụng đất nông nghiệp mà không thuộc trường hợp “dồn điền đổi thửa”; chuyển nhượng, cho thuê, cho thuê lại, thừa kế, tặng cho, góp vốn bằng quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất; chuyển quyền sử dụng đất, quyền sở hữu tài sản gắn liền với đất của vợ hoặc chồng thành của chung vợ và chồng; trường hợp xác nhận thay đổi thông tin về pháp nhân, số Giấy chứng minh nhân dân, số thẻ Căn cước công dân, địa chỉ vào Giấy chứng nhận thì không cần kê khai, không xác nhận các thông tin tại Điểm 5 của mục I, các mục II, III và IV của Đơn này.
- Thứ ba, đối với trường hợp xác định lại diện tích đất ở cho hộ gia đình, cá nhân đã được cấp Giấy chứng nhận thì không cần kê khai, không xác nhận các thông tin tại Điểm 5 của Mục I, các mục II và IV của Đơn này.
Trên đây là những thông tin xoay quanh về đơn đăng ký biến động đất đai. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về đơn đăng ký biên động đất đai. Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng luật NPLaw
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn