TÌM HIỂU VỀ HỢP ĐỒNG CHUYỂN NHƯỢNG QUYỀN SỬ DỤNG KIỂU DÁNG CÔNG NGHIỆP

I. Tìm hiểu về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Kiểu dáng công nghiệp được xem là sự sáng tạo của một cá nhân hoặc tổ chức và được đăng ký bảo hộ theo quy định pháp luật về sở hữu trí tuệ. Và chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp cũng là một trong các quyền của người đăng ký dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề này, hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây nhé!

1. Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp là gì?

Căn cứ theo khoản 4 và khoản 13 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022), kiểu dáng công nghiệp là hình dáng bên ngoài của sản phẩm được thể hiện bằng hình khối, đường nét, màu sắc hoặc sự kết hợp những yếu tố này và cũng là một trong các đối tượng quyền sở hữu công nghiệp của tổ chức, cá nhân.

Đồng thời tại Điều 141 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022) cũng quy định chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp là việc chủ sở hữu đối tượng sở hữu công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình. Việc chuyển quyền sử dụng đối tượng sở hữu công nghiệp phải được thực hiện dưới hình thức hợp đồng bằng văn bản.

Như vậy, hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp là văn bản thỏa thuận về việc chủ sở hữu kiểu dáng công nghiệp cho phép tổ chức, cá nhân khác sử dụng kiểu dáng công nghiệp thuộc phạm vi quyền sử dụng của mình.

2. Đối tượng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Căn cứ tại khoản 2 Điều 3 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022) quy định kiểu dáng công nghiệp là một trong những đối tượng quyền sở hữu công nghiệp và cá nhân, tổ chức được phép chuyển nhượng đối với quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp thông qua hợp đồng bằng văn bản. 

Đồng thời, tại điểm a khoản 3 Điều 6 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022) quy định quyền sở hữu công nghiệp đối với kiểu dáng công nghiệp được xác lập trên cơ sở quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan nhà nước có thẩm quyền theo thủ tục đăng ký.

Như vậy, đối tượng hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp là kiểu dáng công nghiệp đã được đăng ký và có quyết định cấp văn bằng bảo hộ của cơ quan có thẩm quyền.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

1. Quy định khi thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Theo quy định tại khoản 3 Điều 142 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022), bên được chuyển quyền không được ký kết hợp đồng thứ cấp với bên thứ ba, trừ trường hợp được bên chuyển quyền cho phép.

Hợp đồng chuyển quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp có thể được thỏa thuận ký kết theo các dạng quy định tại Điều 143 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022) như sau:

  • Hợp đồng độc quyền;
  • Hợp đồng không độc quyền;
  • Hợp đồng sử dụng đối tượng kiểu dáng công nghiệp thứ cấp.

Ngoài ra, theo khoản 2 Điều 144 hợp đồng chuyển nhượng sử dụng kiểu dáng công nghiệp không được có các điều khoản hạn chế bất hợp lý quyền của bên được chuyển quyền, đặc biệt là các điều khoản không xuất phát từ quyền của bên chuyển quyền sau đây:

  • Cấm bên được chuyển quyền cải tiến kiểu dáng công nghiệp; buộc bên được chuyển quyền phải chuyển giao miễn phí cho bên chuyển quyền các cải tiến đối tượng sở hữu công nghiệp do bên được chuyển quyền tạo ra hoặc quyền đăng ký sở hữu công nghiệp, quyền sở hữu công nghiệp đối với các cải tiến đó;
  • Trực tiếp hoặc gián tiếp hạn chế bên được chuyển quyền xuất khẩu hàng hoá, dịch vụ được sản xuất hoặc cung cấp theo hợp đồng chuyển nhượng sử dụng kiểu dáng công nghiệp sang các vùng lãnh thổ không phải là nơi mà bên chuyển quyền nắm giữ quyền sở hữu công nghiệp tương ứng hoặc có độc quyền nhập khẩu hàng hoá đó;
  • Buộc bên được chuyển quyền phải mua toàn bộ hoặc một tỷ lệ nhất định các nguyên liệu, linh kiện hoặc thiết bị của bên chuyển quyền hoặc của bên thứ ba do bên chuyển quyền chỉ định mà không nhằm mục đích bảo đảm chất lượng hàng hoá, dịch vụ do bên được chuyển quyền sản xuất hoặc cung cấp;
  • Cấm bên được chuyển quyền khiếu kiện về hiệu lực của quyền sở hữu công nghiệp hoặc quyền chuyển giao của bên chuyển quyền.

- Các điều khoản trong hợp đồng thuộc các trường hợp theo quy định trên mặc nhiên bị vô hiệu.

2. Quyền và nghĩa vụ các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Pháp luật sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định cụ thể về quyền và nghĩa vụ của các bên trong hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp, tuy nhiên dựa trên các quy định pháp luật liên quan thì quyền và nghĩa vụ cơ bản của mỗi bên như sau: 

Quyền và nghĩa vụ của bên chuyển nhượng:

  • Nhận tiền thanh toán từ bên nhận chuyển nhượng sử dụng kiểu dáng công nghiệp theo đúng thời gian và phương thức thanh toán trong hợp đồng;
  • Yêu cầu bên nhận chuyển nhượng phải trả tiền lãi theo lãi suất thỏa thuận (nếu có) hoặc theo quy định pháp luật về lãi suất tương ứng với thời gian chậm trả nếu chậm thanh toán tiền và các chi phí khác;
  • Giao đủ toàn bộ giấy tờ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp kể từ khi Hợp đồng này có hiệu lực;
  • Đảm bảo điều kiện về quyền sở hữu đối với kiểu dáng công nghiệp không bị tranh chấp bởi bên thứ ba, không vi phạm bản quyền;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận.

Quyền và nghĩa vụ của bên nhận chuyển nhượng:

  • Nhận toàn bộ giấy tờ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp kể từ khi Hợp đồng này có hiệu lực;
  • Có trách nhiệm thực hiện mọi nghĩa vụ liên quan đến kiểu dáng công nghiệp sau khi được chuyển quyền sử dụng đối với kiểu dáng công nghiệp;
  • Chịu hoàn toàn trách nhiệm liên quan đến nghĩa vụ nộp thuế liên quan đến việc chuyển giao quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp;
  • Quyền và nghĩa vụ khác theo thỏa thuận.

III. Giải đáp các câu hỏi liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

1. Tại sao cần phải thực hiện hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp?

Theo quy định khoản 2 Điều 141 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sđ, bs năm 2009, 2022), các bên khi chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp buộc phải lập hợp đồng bằng văn bản theo quy định pháp luật thì việc chuyển nhượng mới phát sinh hiệu lực.

2. Các cách giải quyết khi xảy ra tranh chấp về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Khi xảy ra tranh chấp kiểu dáng công nghiệp, các bên có thể tự thỏa thuận với nhau hoặc yêu cầu cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

- Giải quyết tranh chấp bằng Tòa án;

- Có thể gửi Đơn yêu cầu xử lý vi phạm gửi tới Cục Sở hữu trí tuệ để xử lý bằng biện pháp hành chính theo Nghị định số 99/2013/NĐ-CP.

3. Có được đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp không?

Luật Sở hữu trí tuệ hiện hành không có quy định về đơn phương chấm dứt hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp, tuy nhiên đây là quyền sở hữu trí tuệ thuộc quyền tài sản theo quy định pháp luật dân sự. Do đó, theo khoản 1 Điều 428 Bộ luật Dân sự 2015 thì một bên có quyền đơn phương chấm dứt thực hiện hợp đồng và không phải bồi thường thiệt hại khi bên kia vi phạm nghiêm trọng nghĩa vụ trong hợp đồng hoặc các bên có thỏa thuận hoặc pháp luật có quy định. Và phải thông báo ngay cho bên kia biết về việc chấm dứt hợp đồng, nếu không thông báo mà gây thiệt hại thì phải bồi thường.

IV. Dịch vụ tư vấn và soạn thảo các văn bản liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp

Hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp là một công cụ pháp lý quan trọng trong các giao dịch liên quan đến quyền sở hữu trí tuệ. Để đảm bảo tính pháp lý và hạn chế rủi ro, các cá nhân và tổ chức nên cân nhắc sử dụng các dịch vụ tư vấn giải pháp chuyên nghiệp. Những lợi ích mà dịch vụ này mang lại bao gồm: các luật sư sẽ đảm bảo hợp đồng được soạn thảo đúng quy định pháp luật và đầy đủ nội dung cần thiết; luật sư sẽ giải thích chi tiết các điều khoản trong đồng và các quy định liên quan; trong trường hợp xảy ra tranh chấp, luật sư sẽ hỗ trợ các bên bảo vệ quyền lợi của mình.

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ là đơn vị có kinh nghiệm trong việc tư vấn cụ thể và soạn thảo các văn bản liên quan đến hợp đồng chuyển nhượng quyền liên quan theo yêu cầu của khách hàng. 

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về hợp đồng chuyển nhượng quyền sử dụng kiểu dáng công nghiệp mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan