TÌM HIỂU VỀ NHÀ THẦU LIÊN DANH THEO PHÁP LUẬT HIỆN NAY

I. Thực trạng liên quan đến nhà thầu liên danh

Việc liên danh trong đấu thầu giữa các nhà thầu với nhau hiện nay không còn xa lạ mà ngày càng phổ biến rộng rãi. Tuy nhiên, tình trạng các nhà thầu không nắm hoặc chưa hiểu rõ các quy định của pháp luật về đấu thầu, không hiểu rõ năng lực của đối tác gây ảnh hưởng không nhỏ đến quyền, lợi ích cho chủ đầu tư, cho chất lượng dự án cũng như cho chính các nhà thầu.

II. Các quy định liên quan đến nhà thầu liên danh

1. Nhà thầu liên danh là gì?

Tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023 quy định Nhà thầu là tổ chức, cá nhân hoặc kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.

Như vậy, nhà thầu liên danh là sự kết hợp giữa các tổ chức hoặc giữa các cá nhân với nhau theo hình thức liên danh trên cơ sở thỏa thuận liên danh tham dự thầu, đứng tên dự thầu và trực tiếp ký, thực hiện hợp đồng nếu được lựa chọn.

2. Các lưu ý đối với nhà thầu liên danh

- Nhà thầu phải lập thỏa thuận liên danh, theo đó thỏa thuận liên danh phải quy định rõ trách nhiệm của thành viên đứng đầu liên danh và trách nhiệm chung, trách nhiệm riêng của từng thành viên trong liên danh đối với toàn bộ phạm vi của gói thầu theo quy định tại khoản 26 Điều 4 Luật Đấu thầu 2023.

- Tất cả các người đại diện theo pháp luật hoặc người đại diện hợp pháp theo ủy quyền của từng thành viên liên doanh đóng dấu, ký tên lần lượt theo thứ tự ghi trong thỏa thuận liên doanh (điểm d khoản 2 Điều 138 Luật Xây dựng 2014, sửa đổi bổ sung năm 2020).

- Trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu, đối với trường hợp liên danh tham dự thầu thì từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh. Tổng giá trị của bảo đảm dự thầu không thấp hơn giá trị yêu cầu trong hồ sơ mời thầu căn cứ tại khoản 7 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023.

- Việc phân chia công việc giữa các nhà thầu hoặc thành viên phải đủ rõ ràng, không được chồng chéo nhau, tỷ lệ cũng phải được ghi nhận cụ thể.

III. Các thắc mắc liên quan đến nhà thầu liên danh

1. Việc thực hiện bảo đảm dự thầu có được áp dụng đối với nhà thầu liên danh tham dự thầu hay không?

Nhà thầu liên danh vẫn phải thực hiện bảo đảm dự thầu theo quy định tại khoản 7 Điều 14 Luật Đấu thầu 2023, theo đó, từng thành viên trong liên danh có thể thực hiện bảo đảm dự thầu riêng hoặc thỏa thuận để một thành viên chịu trách nhiệm thực hiện bảo đảm dự thầu cho thành viên đó và cho thành viên khác trong liên danh.

2. Không thỏa thuận cụ thể trách nhiệm của các nhà thầu trong Hợp đồng thầu liên danh được không?

Pháp luật không quy định cụ thể trách nhiệm của nhà thầu trong liên doanh, do đó quyền và nghĩa vụ của họ chủ yếu là được thỏa thuận trong hợp đồng. Các nhà thầu khi ký hợp đồng cần thỏa thuận rõ, chi tiết, cụ thể về quyền và nghĩa vụ các bên cũng như phương thức bồi thường, xử phạt khi vi phạm hợp đồng.

3. Có được uỷ quyền ký thay trong Hợp đồng thầu liên danh không?

Không. Căn cứ tại khoản 3 Điều 67 Luật Đấu thầu 2023, đối với nhà thầu liên danh, tất cả thành viên tham gia liên danh phải trực tiếp ký, đóng dấu (nếu có) vào văn bản hợp đồng mà không được ủy quyền ký thay.

4. Thiếu chữ ký của thành viên liên danh thì hồ sơ mời thầu có được đánh giá là hợp lệ theo quy định không?

Theo điểm a khoản 2 Điều 30 và điểm b khoản 3 Điều 24 Nghị định 24/2024/NĐ-CP quy định về việc đánh giá tính hợp lệ của hồ sơ dự thầu, hồ sơ mời thầu của nhà thầu được đánh giá là hợp lệ khi có đơn dự thầu được đại diện hợp pháp của nhà thầu ký tên, đóng dấu (nếu có) theo yêu cầu của hồ sơ dự thầu.

Đối với nhà thầu liên danh, đơn dự thầu phải do đại diện hợp pháp của từng thành viên liên danh ký tên, đóng dấu (nếu có) hoặc thành viên đứng đầu liên danh thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh.

Như vậy, thành viên đứng đầu liên danh có thể thay mặt liên danh ký đơn dự thầu theo phân công trách nhiệm trong văn bản thỏa thuận liên danh mà không bắt buộc phải có đầy đủ chữ ký của toàn bộ các nhà thầu thành viên liên danh tham gia.

5. Có được rút ngắn tiến độ gói thầu thực hiện hợp đồng với nhà thầu liên danh không?

Căn cứ theo khoản 24 Điều 131 Nghị định 24/2024/NĐ-CP, chủ đầu tư được rút ngắn tiến độ gói thầu với nhà thầu liên danh, trong trường hợp này thì chủ đầu tư cần báo cáo và được sự cho phép bởi người có thẩm quyền để thỏa thuận, điều chỉnh phạm vi công việc giữa các thành viên liên danh phù hợp với tiến độ được rút ngắn.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến nhà thầu liên danh

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về nhà thầu liên danh mà NPLaw gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan