Tìm hiểu về thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba cùng NPLaw

Trong hợp đồng mua bán hàng hóa, nghĩa vụ chính của bên bán là giao hàng cho bên mua. Ngược lại, nghĩa vụ chính của bên mua là thanh toán tiền hàng cho bên bán. Tuy nhiên, trong một số trường hợp, bên mua không trực tiếp thực hiện thanh toán tiền hàng cho bên bán mà thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba. Vậy, thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba là gì? Quy định của pháp luật liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba như thế nào? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu các vấn đề trên thông qua bài viết dưới đây.

I. Tìm hiểu về thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

1. Thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba được hiểu như thế nào?

Hiện nay, pháp luật chưa đưa ra định nghĩa như thế nào là thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba. Tuy nhiên, dựa vào đặc trưng của giao dịch này có thể hiểu, thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba là việc người mua hàng thực hiện nghĩa vụ thanh toán không trực tiếp cho người bán mà chuyển tiền cho một bên khác theo yêu cầu của bên bán hoặc theo thỏa thuận trong hợp đồng.

2. Vai trò của bên thứ ba trong việc thanh toán tiền hàng

Như đã trình bày ở nội dung trên, thì bên thứ ba là bên nhận thanh toán trực tiếp từ người mua hàng hóa thay vì người bán hàng hóa. Vì vậy, bên thứ ba nhận thanh toán có nhiều vai trò quan trọng như:

  • Là trung gian thanh toán giữa các bên: Thực hiện công việc nhận thanh toán từ bên mua và chuyển thanh toán cho bên bán. Lúc này, bên thứ ba có vai trò trong việc xác thực giá trị thanh toán của bên mua hàng và giữ số tiền thanh toán đó trước khi chuyển cho bên bán;
  • Hạn chế rủi ro lừa đảo: Bên thứ ba sẽ thực hiện việc xác minh giá trị thanh toán của bên mua trước khi chuyển cho bên bán. Vì vậy, hạn chế được nguy cơ bị lừa đảo của bên bán, nhất là đối với các giao dịch trực tuyến;
  • Đảm bảo giao dịch được thực hiện tuân thủ quuy định của pháp luật: Khi thực hiện việc nhận thanh toán cho bên bán, bên thứ ba sẽ đảm bảo các giao dịch này tuân thủ các quy định của pháp luật có liên quan như pháp luật về thuế, quản lý ngoại hối,… Từ đó, giảm rủi ro pháp lý cho các bên;
  • Hỗ trợ các bên khi phát sinh tranh chấp: Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến nghĩa vụ thanh toán giữa các bên, bên thứ ba sẽ làm minh chứng trong việc xác định nghĩa vụ và trách nhiệm trong việc thanh toán giữa các bên, từ đó, hỗ trợ quá trình giải quyết tranh chấp phát sinh;…

3. Các hình thức thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba hiện nay

Hiện nay, có một số hình thức thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba như sau:

  • Bên mua thực hiện thanh toán đến tài khoản của bên thứ ba theo chỉ định của bên bán hoặc theo thỏa thuận giữa các bên;
  • Bên mua thực hiện thanh toán đến bên thứ ba là ngân hàng trung gian, sau đó, ngân hàng trung gian thực hiện việc chuyển tiền cho bên bán;
  • Bên thứ ba là ngân hàng của bên mua phát hành thư tín dụng, cam kết thanh toán cho bên bán hoặc bên thứ ba khi các điều kiện (như giao hàng, cung cấp chứng từ) được đáp ứng.
  • Bên mua, bên bán và bên thứ ba ký hợp đồng ba bên, trong đó bên mua thanh toán trực tiếp cho bên thứ ba;…

II. Quy định pháp luật liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

1. Quy định pháp luật thương mại liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

Điều 50 Luật Thương mại 2005 quy định:

“1. Bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền mua hàng và nhận hàng theo thỏa thuận.

2. Bên mua phải tuân thủ các phương thức thanh toán, thực hiện việc thanh toán theo trình tự, thủ tục đã thỏa thuận và theo quy định của pháp luật.

3. Bên mua vẫn phải thanh toán tiền mua hàng trong trường hợp hàng hoá mất mát, hư hỏng sau thời điểm rủi ro được chuyển từ bên bán sang bên mua, trừ trường hợp mất mát, hư hỏng do lỗi của bên bán gây ra.”.

Căn cứ quy định trên, bên mua có nghĩa vụ thanh toán tiền hàng theo các phương thức, trình tự, thủ tục thanh toán theo thỏa thuận giữa các bên và theo quy định của pháp luật. Vì vậy, nếu các bên có thỏa thuận và pháp luật có quy định về việc thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba thì bên mua phải đảm bảo tuân thủ các quy định và thỏa thuận trên.

2. Quy định pháp luật thuế liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

Hiện nay, việc thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba được điều chỉnh bởi nhiều văn bản quy phạm pháp luật về thuế như sau:

  • Theo Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC thì các giao dịch thanh toán tiền hàng từ 20 triệu đồng trở lên qua bên thứ ba chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào nếu thực hiện qua hình thức thanh toán không dùng tiền mặt;
  • Theo Điều 4 Thông tư 96/2015/TT-BTC thì chi phí thanh toán tiền hàng qua bên thứ ba được tính là chi phí hợp lý để giảm thu nhập chịu thuế khi có hóa đơn, chứng từ đầy đủ và thực hiện thanh toán qua ngân hàng hoặc các hình thức thanh toán không dùng tiền mặt được pháp luật công nhận;…

III. Một số thắc mắc về thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

1. Thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba có được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào không?

Hiện nay, việc thanh toán tiền hàng cho bên thức ba chỉ được khấu trừ thuế giá trị gia tăng khi đáp ứng những điều kiện luật định. Cụ thể: Căn cứ Điều 15 Thông tư 219/2013/TT-BTC (sửa đổi, bổ sung bởi Thông tư 26/2015/TT-BTC), để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng đầu vào khi thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba, phải đáp ứng các điều kiện như sau:

  • Có hóa đơn hợp lệ;
  • Thanh toán không dùng tiền mặt (đối với các giao dịch có giá trị từ 20 triệu đồng trở lên);
  • Có hợp đồng và chứng từ rõ ràng.

2. Những vấn đề cần lưu ý khi thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

Khi thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba, cần lưu ý những vấn đề như sau:

  • Việc thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba nên được nêu rõ trong hợp đồng;
  • Cần có văn bản ủy quyền về việc nhận thanh toán trong trường hợp bên thứ ba được ủy quyền nhận thanh toán;
  • Chứng từ ngân hàng được trích xuất phải đáp ứng các điều kiện theo quy định của pháp luật để được khấu trừ thuế giá trị gia tăng;
  • Nên lập biên bản thể hiện việc thanh toán giữa các bên để có cơ sở giải quyết khi phát sinh tranh chấp;…

3. Khi xảy ra tranh chấp liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba thì nên làm gì?

Khi phát sinh tranh chấp liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba các bên cần giải quyết sơ bộ về quyền và nghĩa vụ của các bên theo hợp đồng để xác định nguyên nhân phát sinh tranh chấp và đề xuất hướng giải quyết. Tuy nhiên, nếu không thể giải quyết sơ bộ được, tùy vào trường từng trường hợp cụ thể mà các bên có thể lựa chọn các cơ chế giải quyết tranh chấp như thương lượng, hòa giải, trọng tài hoặc tòa án để giải quyết tranh chấp phát sinh.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ Quý khách hàng về thanh toán tiền hàng cho bên thứ ba. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw theo thông tin bên dưới để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan