Thủ tục rút gọn trong tố tụng là thủ tục được rút ngắn về thời gian tố tụng, giản lược một số thủ tục nhất định nhưng vẫn bảo đảm các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, nhằm giúp cho việc điều tra, truy tố, xét xử được nhanh chóng đối với những vụ án nhất định. Bài viết dưới đây sẽ giúp ta tìm hiểu rõ hơn về thủ tục rút gọn.
Việc quy định thủ tục rút gọn trong Bộ luật Tố tụng hình sự hiện nay giúp đẩy nhanh việc điều tra, truy tố, xét xử đối với những vụ án ít nghiêm trọng, có tính chất giản đơn, hành vi phạm tội quả tang, người phạm tội tự thú, chứng cứ rõ ràng. Chính vì vậy, mục đích của thủ tục rút gọn là nhanh chóng đưa những người phạm tội có tính chất nêu trên ra xét xử trước Tòa án, để tiết kiệm thời gian, công sức. Tuy nhiên, thủ tục rút gọn vẫn yêu cầu phải tuân thủ các nguyên tắc chung của tố tụng hình sự, bảo đảm không để lọt tội phạm, không làm oan người vô tội nên vẫn còn xảy ra khá nhiều bất cập khi áp dụng vào thực tế.
Tìm hiểu về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như sau:
Thủ tục rút gọn được hiểu là thủ tục tố tụng đặc biệt trong tố tụng hình sự. Theo đó, các vụ án được giải quyết theo thủ tục rút gọn sẽ giảm thiểu về trình tự, thủ tục và rút ngắn về thời hạn tố tụng.
Tuy nhiên, không phải vụ án nào cũng có thể áp dụng thủ tục rút gọn mà thủ tục này chỉ được áp dụng khi có những điều kiện do luật tố tụng hình sự quy định nhằm giúp cho việc giải quyết vụ án hình sự nhanh chóng, tiết kiệm thời gian, chi phí và các nguồn lực khác của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng, người tham gia tố tụng cũng như của các cơ quan, tổ chức cá nhân khác trong quá trình tố tụng hình sự.
Theo Điều 457 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định thẩm quyền áp dụng thủ tục rút gọn thuộc về cơ quan tiến hành tố tụng là Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát và Tòa án. Khi thỏa mãn các điều kiện quy định tại Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, các cơ quan này tùy theo từng giai đoạn tố tụng cụ thể phải ra quyết định áp dụng thủ tục rút gọn.
Quy định pháp luật về thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự như sau:
Căn cứ Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định điều kiện áp dụng thủ tục rút gọn như sau:
- Thủ tục rút gọn được áp dụng trong giai đoạn điều tra, truy tố, xét xử sơ thẩm khi có đủ các điều kiện:
+ Người thực hiện hành vi phạm tội bị bắt quả tang hoặc người đó tự thú;
+ Sự việc phạm tội đơn giản, chứng cứ rõ ràng;
+ Tội phạm đã thực hiện là tội phạm ít nghiêm trọng;
+ Người phạm tội có nơi cư trú, lý lịch rõ ràng.
- Thủ tục rút gọn được áp dụng trong xét xử phúc thẩm khi có một trong các điều kiện:
+ Vụ án đã được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo;
+ Vụ án chưa được áp dụng thủ tục rút gọn trong xét xử sơ thẩm nhưng có đủ các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 456 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 và chỉ có kháng cáo, kháng nghị giảm nhẹ hình phạt hoặc cho bị cáo được hưởng án treo.
Trình tự và thủ tục rút gọn trong tố tụng hình sự được quy định các giai đoạn như sau:
Giai đoạn 1: Tạm giữ, tạm giam để điều tra, truy tố, xét xử (Điều 459 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
Thời hạn tạm giữ không được quá 03 ngày kể từ ngày Cơ quan điều tra nhận người bị bắt.
Thời hạn tạm giam trong giai đoạn điều tra không quá 20 ngày, trong giai đoạn truy tố không quá 05 ngày, trong giai đoạn xét xử sơ thẩm không quá 17 ngày, trong giai đoạn xét xử phúc thẩm không quá 22 ngày.
Giai đoạn 2: Giai đoạn điều tra (Điều 460 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
Thời hạn điều tra theo thủ tục rút gọn là 20 ngày kể từ ngày ra quyết định khởi tố vụ án.
Khi kết thúc điều tra, Cơ quan điều tra ra quyết định đề nghị truy tố.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đề nghị truy tố, Cơ quan điều tra phải giao quyết định đề nghị truy tố cho bị can hoặc người đại diện của bị can, gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định đề nghị truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát.
Giai đoạn 3: Giai đoạn truy tố (Điều 461 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
Trong thời hạn 05 ngày kể từ ngày nhận được quyết định đề nghị truy tố và hồ sơ vụ án, Viện kiểm sát ra một trong các quyết định:
- Truy tố bị can trước Tòa án bằng quyết định truy tố;
- Không truy tố bị can và ra quyết định đình chỉ vụ án;
- Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ vụ án.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định truy tố, Viện kiểm sát phải giao quyết định cho bị can hoặc người đại diện của họ; gửi cho Cơ quan điều tra, người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ và chuyển quyết định truy tố cùng hồ sơ vụ án cho Tòa án.
Giai đoạn 4: Giai đoạn xét xử sơ thẩm (Điều 462, Điều 463 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
Chuẩn bị xét xử sơ thẩm
Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử;
- Trả hồ sơ để điều tra bổ sung;
- Tạm đình chỉ vụ án;
- Đình chỉ vụ án.
Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp sơ thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo; gửi cho người bào chữa, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Phiên tòa xét xử sơ thẩm
- Phiên tòa xét xử sơ thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
- Sau phần thủ tục bắt đầu phiên tòa, Kiểm sát viên công bố quyết định truy tố.
- Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa xét xử sơ thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhưng không tiến hành nghị án.
Giai đoạn 5: Giai đoạn xét xử phúc thẩm (Điều 464, Điều 465 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
Chuẩn bị xét xử phúc thẩm
Việc nhận và thụ lý hồ sơ vụ án được Tòa án cấp phúc thẩm thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. Sau khi thụ lý vụ án, Tòa án phải chuyển ngay hồ sơ vụ án cho Viện kiểm sát cùng cấp. Trong thời hạn 05 ngày Viện kiểm sát phải trả hồ sơ vụ án cho Tòa án.
Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày thụ lý vụ án, Thẩm phán được phân công xét xử ra một trong các quyết định:
- Đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm;
- Đình chỉ xét xử phúc thẩm vụ án.
Trường hợp quyết định đưa vụ án ra xét xử phúc thẩm thì trong thời hạn 07 ngày kể từ ngày ra quyết định, Tòa án phải mở phiên tòa xét xử vụ án.
Trong thời hạn 24 giờ kể từ khi ra quyết định đưa vụ án ra xét xử, Tòa án cấp phúc thẩm phải gửi quyết định đó cho Viện kiểm sát cùng cấp, người bào chữa; giao cho bị cáo hoặc người đại diện của bị cáo, bị hại, đương sự hoặc người đại diện của họ.
Phiên tòa xét xử phúc thẩm
Việc xét xử phúc thẩm theo thủ tục rút gọn do một Thẩm phán tiến hành.
Các trình tự, thủ tục khác tại phiên tòa phúc thẩm được thực hiện theo thủ tục chung quy định tại Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 nhưng không tiến hành nghị án.
Theo Điều 343 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định bản án, quyết định và những phần của bản án, quyết định sơ thẩm của Tòa án không bị kháng cáo, kháng nghị thì có hiệu lực pháp luật kể từ ngày hết thời hạn kháng cáo, kháng nghị. Hiện không có quy định khác đối với bản án sơ thẩm theo thủ tục rút gọn nên có thể hiểu, hiệu lực của bản án sơ thẩm theo thủ tục rút gọn tương tự với bản án sơ thẩm theo thủ tục thông thường trong tố tụng hình sự.
Về cơ bản thủ tục rút gọn trong các giai đoạn chuẩn bị xét xử sơ thẩm, giai đoạn xét xử phúc thẩm giống với thủ tục tố tụng thông thường. Tuy nhiên có một số điểm khác biệt như sau:
- Đối với thời gian tiến hành tố tụng (Điều 172, Điều 460 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015) thì thời hạn tiến hành tố tụng theo thủ tục rút gọn ngắn hơn so với thủ tục thông thường.
- Giai đoạn truy tố: ( Điều 277, 461 Bộ luật tố tụng Hình sự 2015)
So với thủ tục tố tụng thông thường, thủ tục rút gọn đã rút ngắn thời gian tố tụng đi rất nhiều, giản lược đi một số thủ tục không cần thiết. Thủ tục rút gọn mang một ý nghĩa quan trọng, góp phần giải quyết nhanh chóng, kịp thời một số vụ án hình sự nhất định.
Ưu điểm trong trong thủ tục rút gọn tố tụng hình sự như sau:
- Giúp các cơ quan tiến hành tố tụng giải quyết vụ án nhanh chóng, kịp thời đáp ứng yêu cầu của công tác phòng chống tội phạm, giải quyết được tình trạng quá tải của cơ quan tiến hành tố tụng. Việc phát hiện, xử lý tội phạm bằng thủ tục rút gọn nhanh chóng kịp thời còn đáp ứng mục đích giáo dục, phòng ngừa chung đối với toàn xã hội trong những hoàn cảnh đặc biệt.
- Việc này cũng nhằm tiết kiệm chi phí của Nhà nước trong việc giải quyết các vụ án mà tội phạm ít nghiêm trọng, chứng cứ rõ ràng, không có các tình tiết phức tạp… Thêm vào đó, việc áp dụng thủ tục rút gọn sớm khắc phục được hậu quả do tội phạm gây ra, bảo vệ quyền lợi của người bị hại khi công lý sớm được thực thi.
Trên đây là những thông tin xoay quanh thủ tục rút gọn. Để có thể hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về thủ tục rút gọn, quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn, hỗ trợ cụ thể về các vấn đề pháp lý nhanh chóng nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn