Trả tiền bảo hiểm tiền gửi - Những vấn đề cần lưu ý

Thời gian gần đây những vấn đề liên quan đến việc gửi tiền đang được người dân vô cùng quan tâm, đặc biệt là vấn đề về bảo hiểm tiền gửi. Để đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp cho người gửi tiền thì chính sách bảo hiểm tiền gửi đang ngày càng dần được hoàn thiện và giúp người dân dễ dàng tiếp cận hơn. Vậy hôm nay hãy cùng NPLaw tìm hiểu về thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi như thế nào để có thể bảo đảm quyền lợi cho bản thân mình nhé.

I. Quy định thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi 

Việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi là một cách làm giúp người dân an tâm hơn khi gửi tiền tích góp của mình. Do đó để đảm bảo quyền lợi cho cả người gửi và tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tại điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 đã quy định rất rõ về thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi. 

1. Thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi 

Như đã đề cập ở trên thì thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi được quy định tại điều 9 Thông tư 24/2014/TT-NHNN. Điều 9 của thông tư đã nêu rõ những thủ tục cần phải làm khi thực hiện việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi như sau: 

1. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm sẽ do người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm gửi và bao gồm các hồ sơ sau: 

  • Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam;
  • Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi theo mẫu quy định của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, trong đó ghi rõ số tiền gửi được bảo hiểm (bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) và khoản nợ tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi (nếu có, bao gồm cả tiền gốc và tiền lãi) của từng người được bảo hiểm tiền gửi tính đến ngày phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi; số tiền bảo hiểm đề nghị trả cho từng người được bảo hiểm tiền gửi.
  • Bản sao văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán hoặc văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền của Ngân hàng Nhà nước theo quy định tại Điều 8 Thông tư này.

2. Sau đó người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi sẽ thực hiện các thủ tục đề nghị trả tiền bảo hiểm sau: 

  • Sau khi Ngân hàng Nhà nước có văn bản văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản, người đại diện theo pháp luật của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi tiếp tục là người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi để thực hiện các thủ tục đề nghị Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam trả tiền bảo hiểm cho người gửi tiền.
  • Nếu tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bị khuyết người đại diện theo pháp luật hoặc trong trường hợp cần thiết khác, Ngân hàng Nhà nước sẽ chỉ định cán bộ của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi hoặc cán bộ của Ngân hàng Nhà nước là người đại diện tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện các thủ tục đề nghị trả tiền bảo hiểm.

3. Trong thời hạn 5 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm theo quy định tại khoản 1 Điều 9 này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ tiến hành kiểm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền bảo hiểm phải chi trả.

Như vậy thì các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải có trách nhiệm cung cấp hồ sơ, chứng từ theo yêu cầu của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để phục vụ việc kiểm tra, xác định số tiền chi trả.

Trong trường hợp kiểm tra chứng từ, sổ sách phát hiện có dấu hiệu vi phạm vượt quá thẩm quyền xử lý của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam sẽ báo cáo, kiến nghị Ngân hàng Nhà nước xem xét, kiểm tra, thanh tra, xử lý.

Sau đó căn cứ vào kết quả kiểm tra của Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam và hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm do tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cung cấp, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam lập danh sách người được trả tiền bảo hiểm và số tiền bảo hiểm trả cho từng người.

4. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc kiểm tra theo quy định tại khoản 3 Điều này, Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi. Sau đó phải thông báo công khai các thông tin sau: 

  • Địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam; 
  • Niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm và số tiền bảo hiểm trả cho từng người tại địa điểm đã thông báo.

2. Quy trình trả tiền bảo hiểm tiền gửi 

Sau khi hiểu rõ thủ tục trả tiền bảo hiểm tiền gửi thì quy trình trả tiền bảo hiểm tiền gửi sẽ được tiến hành theo quy định tại điều 26 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 chi tiết như sau: 

  • Trong thời hạn 10 ngày kể từ khi phát sinh thời điểm nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi phải gửi hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. 
  • Trong thời hạn 5 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định pháp luật, tổ chức bảo hiểm tiền gửi sẽ tiến hành kiếm tra các chứng từ, sổ sách để xác định số tiền chi trả
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày kết thúc quá trình kiểm tra các chứng từ, sổ sách thì tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có phương án trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi. Ngoài ra cần phải thông báo công khai các thông tin sau: địa điểm, thời gian, phương thức trả tiền bảo hiểm trên ba số liên tiếp của một tờ báo trung ương, một tờ báo địa phương nơi đặt trụ sở chính, các chi nhánh của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi và trên một báo điện tử của Việt Nam. Công ty cũng phải niêm yết danh sách người được trả tiền bảo hiểm tại địa điểm đã thông báo. 
  • Người được bảo hiểm tiền gửi sau khi nhận tiền bảo hiểm cần phải xuất trình giấy tờ chứng minh quyền sở hữu hợp pháp đối với các khoản tiền gửi được bảo hiểm tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi. 
  • Tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thể trực tiếp trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi hoặc ủy quyền cho tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khác thực hiện. 
  • Sau thời hạn 10 năm kể từ ngày tổ chức bảo hiểm tiền gửi có thông báo lần thứ nhất về việc trả tiền bảo hiểm, những khoản tiền bảo hiểm không có người nhận sẽ được xác lập quyền sở hữu nhà nước và bổ sung vào nguồn vốn hoạt động của tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Với người có quyền sở hữu khoản tiền gửi được bảo hiểm sẽ không có quyền yêu càu tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả số tiền bảo hiểm đó. ​​​​​​​

3. Hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm 

Vậy khi cần đề nghị trả tiền bảo hiểm tiền gửi thì các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi cần phải chuẩn bị những hồ sơ gì để gửi cho tổ chức bảo hiểm tiền gửi. Dưới đây là danh sách hồ sơ đề nghị trả tiền bảo hiểm mà các tổ chức tham gia cần phải chuẩn bị: 

  • Văn bản đề nghị trả tiền bảo hiểm 
  • Danh sách người được bảo hiểm tiền gửi 
  • Số tiền gửi của từng người được bảo hiểm tiền gửi 
  • Số tiền bảo hiểm đề nghị tổ chức bảo hiểm tiền gửi chi trả ​​​​​​​

II. Những điều cần biết về trả tiền bảo hiểm tiền gửi

Ngoài việc tìm hiểu xem thủ tục quy trình việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi diễn ra như thế nào? Bạn đọc cũng cần phải hiểu rõ một số thông tin cơ bản liên quan đến vấn đề trả tiền bảo hiểm tiền gửi để quyền và lợi ích của mình được đảm bảo một cách tốt nhất cũng như đưa ra sự lựa chọn phù hợp cho hoàn cảnh của mình. Dưới đây NPLaw sẽ giúp bạn giải đáp một số thắc mắc liên quan đến việc trả tiền bảo hiểm tiền gửi.

1. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi 

Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi được quy định tại điều 22 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012: 

"Điều 22. Thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm

Nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm phát sinh kể từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt hoặc văn bản chấm dứt áp dụng hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán mà tổ chức tín dụng là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi vẫn lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền."Hiểu đơn giản thì nếu các tổ chức tín dụng hay chính là các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi lâm vào tình trạng phá sản hoặc Ngân hàng Nhà nước Việt Nam có văn bản xác định chi nhánh ngân hàng nước ngoài là tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đã mất khả năng chi trả tiền gửi cho người gửi tiền. Khi đó thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi sẽ tính từ thời điểm Ngân hàng Nhà nước Việt Nam ra văn bản chấm dứt kiểm soát đặc biệt; văn bản chấm dứt áp dụng; hoặc văn bản không áp dụng các biện pháp phục hồi khả năng thanh toán đối với các tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi đó. 

2. Thời hạn trả tiền bảo hiểm tiền gửi 

Nếu phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm tiền gửi thì trong vòng bao lâu người gửi tiền có thể nhận được số tiền bảo hiểm tiền gửi. Theo quy định tại điều 23 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 thì thời hạn trả tiền bảo hiểm tiền gửi là 60 ngày. Thời hạn này sẽ tính từ thời điểm phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Và tổ chức bảo hiểm tiền gửi phải có trách nhiệm trả tiền bảo hiểm cho người được bảo hiểm tiền gửi. 

3. Hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi

Đây là vấn đề được rất nhiều người quan tâm và thắc mắc liên quan đến bảo hiểm tiền gửi. Số tiền bảo hiểm tiền gửi người gửi tiền sẽ nhận được là bao nhiêu và có quy định nào về hạn mức trả tiền bảo hiểm tiền gửi hay không? 

Trước hết bạn cần phải hiểu thế nào là hạn mức trả tiền bảo hiểm? Hạn mức trả tiền bảo hiểm được hiểu là số tiền tối đa mà tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho tất cả các khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm. Hạn mức này do Chính phủ quy định theo quy định của Ngân hàng Nhà nước Việt Nam trong từng thời kỳ. Ngày 20/10/2021, Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định 32/2021/Qđ-TTg về hạn mức trả tiền bảo hiểm. Theo quyết định thì số tiền tối đa tổ chức bảo hiểm tiền gửi trả cho khoản tiền gửi được bảo hiểm của một người tại một tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi khi phát sinh nghĩa vụ trả tiền bảo hiểm là 125.000.000 đồng. 

Trên đây là những thông tin về quy định pháp luật về trả tiền bảo hiểm tiền gửi mà các bạn cần lưu ý khi thực hiện các giao dịch gửi tiền. Để hiểu rõ hơn về các vấn đề liên quan đến bảo hiểm tiền gửi và có thể bảo vệ được quyền lợi của mình một cách tốt nhất, khách hàng có thể liên hệ NPLaw để nhận được dịch vụ tư vấn pháp lý chuyên nghiệp, nhanh chóng, hiệu quả và chi phí hợp lý nhất. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan