Hành vi chiếm giữ tài sản trái phép ảnh hưởng nghiêm trọng và trực tiếp đến quyền và lợi ích hợp pháp của công dân. Nhằm bảo vệ quyền lợi hợp pháp của mình trước hành vi chiếm giữ tài sản, mỗi cá nhân cần trang bị cho mình những kiến thức pháp lý cơ bản về vấn đề này. Do đó, thông qua bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp cho Quý bạn đọc thông tin pháp lý về các trách nhiệm pháp lý đối với hành vi chiếm giữ tài sản.
Hiện nay, việc chiếm giữ tài phạm trái phép của người khác trở nên phổ biến và xuất hiện nhiều tranh chấp phức tạp trong xã hội. Việc chiếm giữ tài sản xuất hiện ở nhiều hình thức với nhiều giá trị tài sản khác nhau, chẳng hạn như chiếm giữ các động sản nhặt được (điện thoại, túi, ví, …) hoặc chiếm giữ bất động sản (chiếm giữ nhà, chiếm giữ đất …). Chẳng hạn một tình huống thường gặp nhất là việc thấy, lấy và giữ điện thoại của người khác đánh rơi mà không trả lại chủ sở hữu, hoặc các trường hợp phức tạp hơn là việc không thấy chủ đất thường xuyên đến nên đã tự ý xây nhà trên đất, cố ý chiếm hữu đất làm phát sinh các tranh chấp phức tạp về đất đai và tài sản gắn liền với đất.
Việc chiếm giữ tài sản ảnh hưởng trực tiếp đến quyền lợi của người chủ sở hữu tài sản thực tế, là hành vi không những vi phạm đạo đức mà còn vi phạm pháp luật cần phải lên án và có những biện pháp nghiêm trị.
Chiếm giữ trái phép tài sản là hành vi cố tình không trả lại tài sản cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao cho cơ quan có trách nhiệm về tài sản bị giao nhầm, do tìm được, bắt được sau khi đã có yêu cầu nhận lại tài sản đó.
Xem xét Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017, nhận thấy cấu thành tội phạm gồm các yếu tố sau:
- Mặt khách quan:
+ Người phạm tội có được tài sản là do bị bị giao nhầm hoặc do người phạm tội tìm được, bắt được.
+ Người phạm tội có hành vi cố tình không trả lại tài sản, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hoá cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền sau khi đã có yêu cầu hoặc thông báo của chủ sở hữu tài sản, người quản lý tài sản hợp pháp hoặc của cơ quan nhà nước có thẩm quyền được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật.
+ Tài sản bị giao nhầm, tìm được, nhặt được có giá từ 10.000.000 đồng đã bị người phạm tội sử dụng và không thể thu hồi lại được, trừ trường hợp tài sản là tài sản là di vật, cổ vật hoặc vật có giá trị lịch sử, văn hóa.
- Mặt chủ quan: Có lỗi cố ý trực tiếp nhằm chiếm giữ tài sản của người bị hại trái pháp luật.
- Khách thể của tội phạm: xâm phạm đến mối quan hệ liên quan đến quyền sở hữu tài sản hợp pháp của công dân được pháp luật bảo vệ.
- Chủ thể của tội phạm: Cá nhân từ đủ 16 tuổi trở lên và có đủ năng lực trách nhiệm hình sự.
Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 quy định 02 khung hình phạt đối với người phạm tội chiếm giữ trái phép tài sản, cụ thể như sau:
- Khung hình phạt thứ nhất: phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm. Khung hình phạt này được áp dụng đối với hành vi “cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật”.
- Khung hình phạt thứ hai: phạt tù từ 01 năm đến 05 năm đối với trường hợp “người phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia”.
Theo quy định khoản 1 Điều 5 Nghị định 144/2021/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính như sau:
“1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực an ninh, trật tự, an toàn xã hội; phòng, chống tệ nạn xã hội; phòng cháy, chữa cháy; cứu nạn, cứu hộ; phòng, chống bạo lực gia đình là 01 năm”.
Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi chiếm giữ trái phép tài sản của người khác là 01 năm.
Căn cứ theo Điều 176 Bộ luật Hình sự năm 2015 được bổ sung bởi điểm d khoản 1 Điều 2 Luật sửa đổi Bộ luật Hình sự 2017 như sau:
“1. Người nào cố tình không trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc không giao nộp cho cơ quan có trách nhiệm tài sản trị giá từ 10.000.000 đồng đến dưới 200.000.000 đồng hoặc dưới 10.000.000 đồng nhưng tài sản là di vật, cổ vật bị giao nhầm hoặc do mình tìm được, bắt được, sau khi chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp hoặc cơ quan có trách nhiệm yêu cầu được nhận lại tài sản đó theo quy định của pháp luật, thì bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm.
2. Phạm tội chiếm giữ tài sản trị giá 200.000.000 đồng trở lên hoặc bảo vật quốc gia, thì bị phạt tù từ 01 năm đến 05 năm”.
Theo đó, trường hợp tài sản bị chiếm giữ có giá trị cao từ 10.000.000 đồng trở lên hoặc một số trường hợp đặc biệt khác có thể bị xử lý về hình sự về tội chiếm giữ trái phép tài sản.
Trường hợp chuyển nhầm tiền sang tài khoản người khác, người chuyển cần nhanh chóng báo cho ngân hàng để kịp thời xử lý. Trường hợp chủ tài khoản không trả lại, người chuyển nhầm có thể đề nghị ngân hàng cung cấp thông tin của chủ tài khoản nhận tiền để khởi kiện ra tòa án nơi cư trú của bị đơn, yêu cầu trả lại số tiền trên theo quy định tại khoản 1 Điều 579 Bộ luật Dân sự năm 2015: “Người chiếm hữu, người sử dụng tài sản của người khác mà không có căn cứ pháp luật thì phải hoàn trả cho chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản đó; nếu không tìm được chủ sở hữu, chủ thể có quyền khác đối với tài sản thì phải giao cho cơ quan nhà nước có thẩm quyền…”.
Theo đó, hồ sơ khởi kiện gồm: đơn khởi kiện, giấy tờ cá nhân (CMND/CCCD) và các giấy tờ liên quan đến vụ kiện như giấy tờ về chuyển tiền, xác nhận của ngân hàng, bảng kê chuyển tiền...
Ngoài ra, nếu người nhận cố tình chiếm hữu, sử dụng, không trả lại tiền cho người chuyển nhầm sau khi đã nhận được thông báo từ phía ngân hàng và người chuyển nhầm tiền thì người cố tình chiếm hữu, sử dụng trái phép số tiền đó có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về hành vi "chiếm giữ trái phép tài sản" theo Điều 176, Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017.
Theo quy định tại Điều 4 Nghị định số 30/2018/NĐ-CP quy định về nguyên tắc xác định giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ trái phép như sau:
“Điều 4. Nguyên tắc định giá tài sản
1. Phù hợp với giá thị trường của tài sản cần định giá hoặc tài sản tương tự với tài sản cần định giá tại thời điểm và nơi tài sản được yêu cầu định giá.
2. Trung thực, khách quan, công khai, kịp thời”.
Như vậy, giá trị tài sản bị chiếm đoạt, bị chiếm giữ tài phép được xác định theo nguyên tắc chung phù hợp với giá trị thị trường.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan trong trường hợp chiếm giữ tài sản của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các quy định pháp lý và giải quyết các tranh chấp phát sinh trong trường hợp bị chiếm giữ tài sản. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với kinh nghiệm giải quyết tranh chấp dày dặn tin rằng sẽ đem lại cho khách hàng sự an tâm và hài lòng khi sử dụng dịch vụ pháp lý của chúng tôi. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
Rất mong được hợp tác với Quý Khách hàng.
Trân trọng cảm ơn!
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn