Khi doanh nghiệp tư nhân hoạt động không mang lại hiệu quả cao, lợi nhuận thấp thì chủ doanh nghiệp có thể giải thể doanh nghiệp hoặc doanh nghiệp thuộc trường giải thể bắt buộc theo quy định của pháp luật. Vậy hiện nay, pháp luật quy định như thế nào về thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân. NP LAW sẽ giúp bạn đọc biết được các quy định về thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân thông qua bài viết sau đây.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 207 Luật Doanh nghiệp 2020 thì doanh nghiệp tư nhân giải thể trong các trường hợp sau đây:
- Doanh nghiệp giải thể tự nguyện:
+ Kết thúc thời hạn hoạt động đã ghi trong Điều lệ công ty mà không có quyết định gia hạn;
+ Theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp đối với doanh nghiệp tư nhân;
- Doanh nghiệp giải thể bắt buộc khi bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, trừ trường hợp Luật Quản lý thuế có quy định khác.
Hồ sơ giải thể doanh nghiệp tư nhân bao gồm các giấy tờ sau:
- Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
- Nghị quyết, quyết định giải thể doanh nghiệp;
- Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
- Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 208, khoản 1 Điều 210 Luật Doanh nghiệp 2020.
Đối với trường hợp giải thể theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân thì được thực hiện theo trình tự, thủ tục sau:
Bước 1: Trước khi nộp hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, doanh nghiệp phải thực hiện thủ tục chấm dứt hoạt động chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp tại Phòng Đăng ký kinh doanh nơi đặt chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh.
Bước 2: Thông qua nghị quyết, quyết định giải thể của doanh nghiệp tư nhân.
Bước 3: Thông báo việc giải thể doanh nghiệp tới Phòng đăng ký kinh doanh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
- Trong thời hạn 07 ngày làm việc kể từ ngày thông qua quyết định giải thể, doanh nghiệp gửi thông báo về việc giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ gửi Phòng Đăng ký kinh doanh phải có các giấy tờ sau:
+ Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp tư nhân;
+ Phương án giải quyết nợ (nếu có).
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông báo về việc giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh phải:
+ Đăng tải các giấy tờ mà doanh nghiệp nộp như Thông báo về việc giải thể doanh nghiệp tư nhân, quyết định giải thể, phương án giải quyết nợ (nếu có) và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp, chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể
+ Gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế. Doanh nghiệp thực hiện thủ tục hoàn thành nghĩa vụ thuế với Cơ quan thuế theo quy định của Luật Quản lý thuế.
Bước 4: Sau khi thanh toán hết các khoản nợ, doanh nghiệp nộp hồ sơ đăng ký giải thể đến Phòng đăng ký kinh doanh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp đến Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính.
Hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp bao gồm:
+ Thông báo về giải thể doanh nghiệp;
+ Báo cáo thanh lý tài sản doanh nghiệp;
+ Danh sách chủ nợ và số nợ đã thanh toán, gồm cả thanh toán hết các khoản nợ về thuế và nợ tiền đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm thất nghiệp cho người lao động sau khi quyết định giải thể doanh nghiệp (nếu có).
- Sau khi tiếp nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh gửi thông tin về việc doanh nghiệp đăng ký giải thể cho Cơ quan thuế. Trong thời hạn 02 ngày làm việc kể từ ngày nhận được thông tin của Phòng Đăng ký kinh doanh, Cơ quan thuế gửi ý kiến về việc hoàn thành nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp đến Phòng đăng ký kinh doanh. Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể nếu không nhận được ý kiến từ chối của Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp.
- Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh nhận được thông báo kèm theo quyết định giải thể của doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối bằng văn bản của bên có liên quan, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.
Cơ sở pháp lý: Điều 70 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
Theo quy định tại Điều 71 Nghị định 01/2021-NĐ-CP thì đối với trường hợp doanh nghiệp giải thể khi bị thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc theo quyết định của Tòa án thì thủ tục giải thể được thực hiện như sau:
- Trong thời hạn 01 ngày làm việc kể từ ngày ra quyết định thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp hoặc nhận được quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật, Phòng Đăng ký kinh doanh:
+ Đăng tải quyết định và thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp;
+ Chuyển tình trạng của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đang làm thủ tục giải thể;
+ Gửi thông tin về việc giải thể doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, trừ trường hợp doanh nghiệp bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp để thực hiện biện pháp cưỡng chế theo đề nghị của Cơ quan quản lý thuế.
- Trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày thanh toán hết các khoản nợ của doanh nghiệp, người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp gửi hồ sơ đăng ký giải thể doanh nghiệp cho Phòng Đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính. Hồ sơ, trình tự, thủ tục đăng ký giải thể doanh nghiệp thực hiện theo Bước 4 của thủ tục giải thể doanh nghiệp tư nhân trong trường hợp theo nghị quyết, quyết định của chủ doanh nghiệp tư nhân.
- Sau thời hạn 180 ngày kể từ ngày Phòng Đăng ký kinh doanh thông báo tình trạng doanh nghiệp đang làm thủ tục giải thể trên Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp mà Phòng Đăng ký kinh doanh không nhận được hồ sơ đăng ký giải thể của doanh nghiệp và ý kiến phản đối của bên có liên quan bằng văn bản, Phòng Đăng ký kinh doanh chuyển tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp sang tình trạng đã giải thể, gửi thông tin về việc giải thể của doanh nghiệp cho Cơ quan thuế, đồng thời ra thông báo về việc giải thể của doanh nghiệp trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc thời hạn nêu trên.
Trong trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết nhưng có người thừa kế, thì sẽ giải quyết theo các hướng sau:
- Nếu có duy nhất một người thừa kế hoặc nếu có nhiều người thừa kế mà theo thỏa thuận giữa những người thừa kế đã chọn ra được một người nhận thừa kế thì người thừa kế đó là chủ doanh nghiệp tư nhân mới.
- Trường hợp có nhiều người thừa kế nhưng không thỏa thuận được người thừa kế đứng ra làm chủ doanh nghiệp tư nhân thì phải tiến hành thành lập loại hình doanh nghiệp khác hoặc tiến hành giải thể doanh nghiệp.
Như vậy, nếu chủ doanh nghiệp tư nhân chết mà có một người thừa kế hoặc có nhiều người thừa kế nhưng đã chọn được người đứng ra nhận thừa kế theo thỏa thuận của những người thừa kế thì doanh nghiệp không bị giải thể, người thừa kế sẽ trở thành chủ doanh nghiệp tư nhân.
Còn trong trường hợp không thỏa thuận được giữa những người thừa kế thì doanh nghiệp tiến hành giải thể hoặc thành lập loại hình doanh nghiệp khác.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 193 Luật Doanh nghiệp 2020.
“Điều 193. Thực hiện quyền của chủ doanh nghiệp tư nhân trong một số trường hợp đặc biệt
.....
2. Trường hợp chủ doanh nghiệp tư nhân chết thì người thừa kế hoặc một trong những người thừa kế theo di chúc hoặc theo pháp luật là chủ doanh nghiệp tư nhân theo thỏa thuận giữa những người thừa kế. Trường hợp những người thừa kế không thỏa thuận được thì đăng ký chuyển đổi thành công ty hoặc giải thể doanh nghiệp tư nhân đó”.
Theo quy định tại khoản 3 Điều 188 Luật Doanh nghiệp 2020 thì mỗi cá nhân chỉ được quyền thành lập một doanh nghiệp tư nhân.
Đồng thời không được là chủ hộ kinh doanh, thành viên hợp danh của công ty hợp danh.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn