TRÌNH TỰ, THỦ TỤC VỀ HỖ TRỢ ĐẦU TƯ

Trong bối cảnh phát triển kinh tế - xã hội, hỗ trợ đầu tư có vai trò hết sức to lớn, góp phần phục hồi và ổn định kinh tế vĩ mô, thúc đẩy tăng trưởng cho các nhà đầu tư lớn và nhỏ. Tuy nhiên, không phải các doanh nghiệp, các nhà đầu tư cũng đều hiểu biết về quy trình hỗ trợ đầu tư này. Vì vậy việc tìm hiểu về trình tự, thủ tục về hỗ trợ đầu tư trong pháp luật hiện hành là vấn đề vô cùng quan trọng đối với những doanh nghiệp, những chủ đầu tư đang cần sự trợ giúp này.

I. Hỗ trợ đầu tư là gì?

Hỗ trợ đầu tư là các biện pháp mà Nhà nước tạo các điều kiện và cơ hội cho các nhà đầu tư trong nước hoặc nước ngoài được hưởng các chính sách thuận lợi nhất định. Có thể kể đến như về kinh tế - tài chính, khoa học kỹ thuật, nhân lực,... Trong đó đối tượng hỗ trợ đầu tư thường là những ngành nghề, đối tượng được ưu đãi đầu tư.

Ví dụ về hỗ trợ đầu tư 

Nhà nước hỗ trợ các doanh nghiệp vừa và nhỏ trong việc tiếp cận mặt bằng sản xuất, ví dụ như bố trí quỹ đất nhằm phát triển cụm công nghiệp, khu chế biến nông sản, lâm sản, thuỷ sản, hải sản tập trung cho các doanh nghiệp.

II. Tìm hiểu tình hình hỗ trợ đầu tư tại việt nam hiện nay

Các nguồn lực kinh tế của Nhà nước được sử dụng phù hợp với chiến lược, quy hoạch, kế hoạch phát triển đất nước và cơ bản được phân bổ theo cơ chế thị trường. Ngoài ra, kinh tế nhà nước giúp tạo điều kiện cho khu vực kinh tế ngoài nhà nước phát triển (như hỗ trợ, ưu đãi về vốn, hỗ trợ về hạ tầng cơ sở, chuyển giao ứng dụng khoa học công nghệ,…); giảm thiểu, khắc phục được những khuyết tật của cơ chế thị trường; bảo vệ, hỗ trợ nhóm yếu thế, dễ gặp rủi ro... Đồng thời, cần chú trọng tiếp xúc trực tiếp các nhà đầu tư lớn, hỗ trợ doanh nghiệp trong đào tạo và tuyển dụng lao động đáp ứng nhu cầu của nền kinh tế, đặc biệt nhu cầu của khu vực có vốn đầu tư nước ngoài sau các đợt đứt gãy về nguồn lao động. Tuy nhiên, trước thực trạng vẫn còn tồn tại những hạn chế, để bảo đảm vai trò chủ đạo, cần phải tăng cường kỷ luật, kỷ cương, kiểm tra, giám sát hoạt động của doanh nghiệp; đẩy mạnh đào tạo, bồi dưỡng đội ngũ cán bộ, công chức có năng lực, phẩm chất, uy tín, trách nhiệm ngang tầm nhiệm vụ, đáp ứng yêu cầu hiện nay ( nhận xét tham khảo tại báo chính phủ) .

III. Các hình thức hỗ trợ đầu tư

Các hình thức hỗ trợ đầu tư căn cứ Điều 18 Luật Đầu tư 2020 quy định hỗ trợ đầu tư, cụ thể như sau:

- Hỗ trợ phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng kỹ thuật, hạ tầng xã hội trong và ngoài hàng rào dự án đầu tư;

- Hỗ trợ đào tạo, phát triển nguồn nhân lực;

- Hỗ trợ tín dụng;

Các hình thức hỗ trợ đầu tư

- Hỗ trợ tiếp cận mặt bằng sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ cơ sở sản xuất, kinh doanh di dời theo quyết định của cơ quan nhà nước;

- Hỗ trợ khoa học, kỹ thuật, chuyển giao công nghệ;

- Hỗ trợ phát triển thị trường, cung cấp thông tin;

- Hỗ trợ nghiên cứu và phát triển.

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư quy định đối với doanh nghiệp công nghệ cao, doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ, doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn, doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.

IV. Quy định về hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật hiện nay

Hỗ trợ đầu tư theo quy định pháp luật được quy định cụ thể như sau:

- Đối với chính sách về đầu tư kinh doanh (căn cứ tại Điều 5 Luật đầu tư 2020)

+ Nhà đầu tư có quyền thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh trong các ngành, nghề mà Luật này không cấm. Đối với ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện thì nhà đầu tư phải đáp ứng các điều kiện đầu tư kinh doanh theo quy định của pháp luật.

+ Nhà đầu tư được tự quyết định và tự chịu trách nhiệm về hoạt động đầu tư kinh doanh theo quy định của Luật này và quy định khác của pháp luật có liên quan; được tiếp cận, sử dụng các nguồn vốn tín dụng, quỹ hỗ trợ, sử dụng đất đai và tài nguyên khác theo quy định của pháp luật.

+ Nhà đầu tư bị đình chỉ, ngừng, chấm dứt hoạt động đầu tư kinh doanh nếu hoạt động này gây phương hại hoặc có nguy cơ gây phương hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

+ Nhà nước công nhận và bảo hộ quyền sở hữu về tài sản, vốn đầu tư, thu nhập và các quyền, lợi ích hợp pháp khác của nhà đầu tư.

+ Nhà nước đối xử bình đẳng giữa các nhà đầu tư; có chính sách khuyến khích và tạo điều kiện thuận lợi để nhà đầu tư thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh, phát triển bền vững các ngành kinh tế.

+ Nhà nước tôn trọng và thực hiện các điều ước quốc tế về đầu tư mà nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

- Trong đó, đối tượng được hỗ trợ đầu tư theo quy định tại khoản 2 Điều 18 Luật Đầu tư 2020 bao gồm:

+ Doanh nghiệp công nghệ cao;

+ Doanh nghiệp khoa học và công nghệ, tổ chức khoa học và công nghệ;

+ Doanh nghiệp đầu tư vào nông nghiệp, nông thôn;

+ Doanh nghiệp đầu tư vào giáo dục, phổ biến pháp luật và các đối tượng khác.

Căn cứ định hướng phát triển kinh tế - xã hội và khả năng cân đối ngân sách nhà nước trong từng thời kỳ, Chính phủ quy định chi tiết các hình thức hỗ trợ đầu tư đối với các đối tượng trên.

V. Thủ tục hỗ trợ đầu tư

1. Hồ sơ xin hỗ trợ đầu tư

Tại khoản 7 Điều 2 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư như sau: Hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư là hồ sơ do nhà đầu tư hoặc cơ quan nhà nước có thẩm quyền lập để thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các thủ tục có liên quan khác để thực hiện hoạt động đầu tư theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP.

Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do nhà đầu tư đề xuất bao gồm ( căn cứ theo khoản 1 điều 33 Luật đầu tư 2020):

- Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

- Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

- Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

- Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường. Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

- Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

- Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

- Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

- Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

Ngoài ra, Hồ sơ đề nghị chấp thuận chủ trương đầu tư dự án đầu tư do cơ quan nhà nước có thẩm quyền được quy định tại khoản 2 điều 33 Luật đầu tư 2020.

2. Quy trình xin hỗ trợ đầu tư

*Căn cứ Điều 6 Nghị định 31/2021/NĐ-CP quy định về việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư như sau:

- Việc tiếp nhận hồ sơ và giải quyết các thủ tục liên quan đến hoạt động đầu tư của nhà đầu tư được thực hiện như sau:

+ Nhà đầu tư chịu trách nhiệm trước pháp luật về tính hợp pháp, chính xác, trung thực của nội dung hồ sơ và các văn bản gửi cơ quan nhà nước có thẩm quyền;

+ Cơ quan tiếp nhận hồ sơ có trách nhiệm kiểm tra tính hợp lệ của hồ sơ, không được yêu cầu nhà đầu tư nộp thêm giấy tờ khác ngoài các giấy tờ trong hồ sơ theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

+ Trường hợp có yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ, cơ quan tiếp nhận hồ sơ thông báo 01 lần bằng văn bản cho nhà đầu tư về toàn bộ nội dung cần phải sửa đổi, bổ sung đối với mỗi một bộ hồ sơ.

Thông báo phải nêu rõ căn cứ, nội dung và thời hạn sửa đổi, bổ sung hồ sơ.

Nhà đầu tư có trách nhiệm sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn ghi tại văn bản thông báo của cơ quan tiếp nhận hồ sơ.

Trường hợp nhà đầu tư không sửa đổi, bổ sung hồ sơ trong thời hạn đã được thông báo, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét dừng giải quyết hồ sơ và thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư;

+ Khi yêu cầu nhà đầu tư giải trình nội dung trong hồ sơ, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và ghi rõ thời hạn giải trình. Trường hợp nhà đầu tư không giải trình theo yêu cầu, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư xem xét thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư về việc dừng giải quyết hồ sơ;

+ Thời gian sửa đổi, bổ sung hồ sơ hoặc giải trình của nhà đầu tư về nội dung có liên quan trong hồ sơ theo quy định tại các điểm c và d khoản này và thời gian xử lý vi phạm hành chính trong lĩnh vực đầu tư (nếu có) không được tính vào thời gian giải quyết thủ tục theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định này;

+ Trường hợp từ chối cấp, điều chỉnh Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư, Quyết định chấp thuận nhà đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư, Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư ra nước ngoài và các văn bản hành chính khác về đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP, Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư có trách nhiệm thông báo bằng văn bản cho nhà đầu tư và nêu rõ lý do.

- Việc lấy ý kiến giữa các cơ quan nhà nước trong quá trình giải quyết hồ sơ thực hiện thủ tục đầu tư được thực hiện như sau:

+ Cơ quan lấy ý kiến phải xác định nội dung đề nghị có ý kiến phù hợp với chức năng, nhiệm vụ của cơ quan được lấy ý kiến và thời hạn trả lời theo quy định của Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP;

+ Trong thời hạn quy định tại điểm a khoản này, cơ quan được lấy ý kiến có trách nhiệm trả lời và chịu trách nhiệm về nội dung ý kiến thuộc chức năng, nhiệm vụ của cơ quan đó; quá thời hạn quy định mà không có ý kiến thì được coi là đã đồng ý với nội dung thuộc phạm vi quản lý của cơ quan đó.

- Cơ quan, người có thẩm quyền chỉ chịu trách nhiệm về những nội dung được giao chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết thủ tục khác có liên quan đến hoạt động đầu tư theo quy định tại Luật Đầu tư và Nghị định 31/2021/NĐ-CP; Không chịu trách nhiệm về những nội dung đã được cơ quan, người có thẩm quyền khác chấp thuận, thẩm định, phê duyệt hoặc giải quyết trước đó.

- Bộ Kế hoạch và Đầu tư, cơ quan đăng ký đầu tư và cơ quan quản lý nhà nước khác không giải quyết tranh chấp giữa các nhà đầu tư và tranh chấp giữa nhà đầu tư với các tổ chức, cá nhân có liên quan trong quá trình thực hiện hoạt động đầu tư.

- Nhà đầu tư chịu trách nhiệm theo quy định của pháp luật và mọi thiệt hại phát sinh trong trường hợp không thực hiện hoặc thực hiện không đúng thủ tục quy định tại Luật Đầu tư, Nghị định 31/2021/NĐ-CP và pháp luật có liên quan.

VI. Giải đáp thắc mắc về hỗ trợ đầu tư

1. Những hoạt động kiến trúc nào sẽ được nhà nước dùng ngân sách hỗ trợ đầu tư?

Căn cứ tại khoản 1 điều 6 Luật kiến trúc 2019 thì nhà nước sẽ hỗ trợ đầu tư cho những hoạt động kiến trúc sau đây:

- Xây dựng định hướng phát triển kiến trúc Việt Nam;

- Thống kê, điều tra, xây dựng cơ sở dữ liệu về hoạt động kiến trúc; xây dựng tiêu chuẩn, quy chuẩn kỹ thuật về kiến trúc;

- Xây dựng mẫu thiết kế kiến trúc đáp ứng tiêu chí bền vững, thân thiện với môi trường, thích ứng với biến đổi khí hậu và phòng, chống thiên tai; sử dụng năng lượng tiết kiệm và hiệu quả;

- Tuyên truyền, phổ biến, giáo dục pháp luật về kiến trúc.

2. Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá có được hỗ trợ từ nhà nước không?

Căn cứ Điều 3 Nghị định 67/2014/NĐ-CP (sửa đổi bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 17/2018/NĐ-CP) quy định về chính sách đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá như sau:

- Ngân sách trung ương đầu tư 100% kinh phí xây dựng các hạng mục thiết yếu của cảng cá loại I;

- Ngân sách trung ương đầu tư 100% tổng mức đầu tư (kể cả giải phóng mặt bằng, các hạng mục hạ tầng thiết yếu và các hạng mục khác) đối với các dự án cảng cá (cảng loại I, loại II) thuộc tuyến đảo.

Đầu tư cơ sở hạ tầng thiết yếu của cảng cá có được hỗ trợ từ nhà nước không?

- Đối với kinh phí đền bù giải phóng mặt bằng các dự án đầu tư các hạng mục thiết yếu của cảng cá do ngân sách địa phương đảm bảo, kể cả các dự án của Trung ương tại địa phương.

Theo đó tùy từng loại cảng cá mà nhà nước có những chính sách đầu tư khác nhau.

3. Có được áp dụng ưu đãi đầu tư đối với sản xuất gạch từ rác thải nhựa, túi nilon không?

Dựa theo điểm g khoản 1 Điều 16 Luật Đầu tư 2020 thì sản xuất gạch từ rác thải nhựa, túi nilon thuộc ngành, nghề có thể được áp dụng ưu đãi đầu tư, nếu không phải đáp ứng điều kiện cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội, đạo đức xã hội, sức khỏe của cộng đồng và các quy định có liên quan.

VII. Tìm luật sư tư vấn về hỗ trợ đầu tư

Trên đây là bài viết trên đã cung cấp các kiến thức về hỗ trợ đầu tư và trình tự, thủ tục hỗ trợ đầu tư mà chúng tôi tìm hiểu được. Nếu có bất cứ vấn đề  nào thắc mắc, hãy liên hệ ngay với chúng tôi để được giải đáp.  Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw với đội ngũ luật sư chuyên nghiệp và quy trình triển khai nhanh chóng, điều đó sẽ giúp bạn tiết kiệm thời gian và chi phí trong việc thực hiện các trình tự, thủ tục về hỗ trợ đầu tư.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú 

Hotline: 0913 449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan