TRƯNG DỤNG TÀI SẢN LÀ GÌ? QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT VỀ TRƯNG DỤNG TÀI SẢN

Trưng dụng tài sản hiện nay tại Việt Nam hầu như rất ít xảy ra trên thực tế. Việc trưng dụng tài sản được thực hiện theo trình tự, thủ tục chặt chẽ theo quy định của pháp luật. Để hiểu rõ hơn về trưng dụng tài sản, NPLaw xin giới thiệu tới quý bạn đọc bài viết về trưng dụng tài sản.

/upload/images/dau-tu/house-prop-660-080719010504.jpg

 

I. Trưng dụng tài sản được hiểu như thế nào?

Trưng dụng tài sản là khái niệm được đề cập tại khoản 2 Điều 2 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008. Theo đó:

Trưng dụng tài sản là việc Nhà nước sử dụng có thời hạn tài sản của tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư thông qua quyết định hành chính trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.

Thế nào là trưng dụng tài sản?

 

Thế nào là trưng dụng tài sản?

Người có tài sản trưng dụng là tổ chức, cá nhân, hộ gia đình, cộng đồng dân cư trong nước, tổ chức, cá nhân nước ngoài có quyền sở hữu tài sản hoặc quyền sử dụng tài sản thuộc đối tượng trưng dụng.

II. Các trường hợp nào áp dụng trưng dụng tài sản

Căn cứ Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 thì việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp sau đây:

- Khi đất nước trong tình trạng chiến tranh hoặc trong tình trạng khẩn cấp về quốc phòng theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về tình trạng khẩn cấp;

- Khi an ninh quốc gia có nguy cơ bị đe dọa theo quy định của pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi mục tiêu quan trọng về an ninh quốc gia có khả năng bị xâm phạm hoặc cần được tăng cường bảo vệ theo quy định của pháp luật về quốc phòng và pháp luật về an ninh quốc gia;

- Khi phải đối phó với nguy cơ hoặc để khắc phục thảm họa do thiên tai, dịch bệnh gây ra trên diện rộng hoặc nếu không ngăn chặn kịp thời sẽ gây hậu quả nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe và tài sản của nhân dân, tài sản của Nhà nước.

III. Quy định pháp luật về trưng dụng tài sản

1. Quyết định trưng dụng tài sản do ai quyết định, thực hiện theo trình tự nào?

Theo Điều 24 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản gồm: Bộ trưởng Bộ Tài chính, Bộ trưởng Bộ Quốc phòng, Bộ trưởng Bộ Công an, Bộ trưởng Bộ Giao thông vận tải, Bộ trưởng Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ trưởng Bộ Y tế, Bộ trưởng Bộ Công thương, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

Việc thực hiện quyết định trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản, trường hợp không thể quyết định bằng văn bản thì được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói. Trình tự thực hiện trưng dụng tài sản thông qua hai hình thức như sau: 

- Thứ nhất, quyết định bằng văn bản: 

+ Người có thẩm quyền ban hành quyết định trưng dụng tài sản bằng văn bản;

+ Giao quyết định trưng dụng tài sản cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản; trường hợp người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản trưng dụng vắng mặt thì quyết định trưng dụng tài sản phải được giao cho Ủy ban nhân dân cấp xã nơi có tài sản trưng dụng;

+ Bàn giao, tiếp nhận tài sản trưng dụng.

- Thứ hai, quyết định bằng lời nói:

+ Người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản được quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói. Khi quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, người có thẩm quyền quyết định trưng dụng tài sản phải viết giấy xác nhận việc trưng dụng tài sản ngay tại thời điểm trưng dụng. 

+ Chậm nhất là 48 giờ, kể từ thời điểm quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói, cơ quan của người đã quyết định trưng dụng tài sản bằng lời nói có trách nhiệm xác nhận bằng văn bản việc trưng dụng tài sản và gửi cho người có tài sản trưng dụng hoặc người đang quản lý, sử dụng hợp pháp tài sản một bản. Văn bản xác nhận phải có các nội dung chủ yếu được quy định tại khoản 1 Điều 25 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.

2. Thời hạn trưng dụng tài sản là bao lâu?

- Căn cứ Điều 28 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định thời hạn trưng dụng tài sản bắt đầu từ khi quyết định trưng dụng có hiệu lực thi hành đến:

+ Không quá 30 ngày, kể từ ngày bãi bỏ tình trạng chiến tranh, tình trạng khẩn cấp đối với trường hợp quy định tại khoản 1 Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008;

+ Không quá 30 ngày, đối với trường hợp quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.

- Trường hợp hết thời hạn trưng dụng tài sản quy định nêu trên nhưng mục đích của việc trưng dụng tài sản chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 15 ngày.

- Quyết định gia hạn trưng dụng tài sản phải được thể hiện bằng văn bản và gửi cho người có tài sản trưng dụng trước khi kết thúc thời hạn trưng dụng.

3. Hủy bỏ quyết định trưng dụng tài sản trong những trường hợp nào?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008, có 03 trường hợp phải hủy bỏ quyết định trưng dụng tài sản, bao gồm:

- Quyết định trưng dụng tài sản trái với quy định của Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008;

- Khi quyết định trưng dụng tài sản chưa được thực hiện nhưng điều kiện trưng dụng tài sản quy định tại Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 không còn;

- Khi quyết định trưng dụng tài sản chưa được thực hiện nhưng vì lý do khách quan mà tài sản không còn tồn tại.

IV. Giải đáp một số thắc mắc về trưng dụng tài sản

1. Người có tài sản có quyền từ chối cho nhà nước trưng dụng tài sản hay không?

Điều 12 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định một trong những hành vi bị nghiêm cấm khi thực hiện trưng dụng tài sản là trì hoãn, từ chối hoặc chống lại việc thực hiện quyết định trưng mua, trưng dụng tài sản, quyết định huy động người vận hành, điều khiển tài sản trưng dụng.

Theo đó, người có tài sản không có quyền từ chối cho nhà nước trưng dụng tài sản và không được trì hoãn việc thực hiện quyết định trưng dụng tài sản.

2. Tài sản bị trưng dụng bao lâu thì được Nhà nước trả lại?

Căn cứ khoản 1 Điều 33 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 thì tài sản trưng dụng được hoàn trả khi hết thời hạn trưng dụng theo quyết định trưng dụng tài sản.

Trường hợp hết thời hạn trưng dụng tài sản quy định nêu trên nhưng mục đích của việc trưng dụng tài sản chưa hoàn thành thì được gia hạn nhưng thời gian gia hạn không quá 15 ngày. Sau thời gian gia hạn thì Nhà nước thực hiện hoàn trả tài sản cho người có tài sản trưng dụng.

3. Tài sản đã bị trưng dụng thì thuộc sở hữu Nhà nước có đúng không?

Theo khoản 2 Điều 8 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 quy định quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng; quyền quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng trong thời gian trưng dụng thuộc về Nhà nước.

Tài sản đã bị trưng dụng thì thuộc sở hữu Nhà nước có đúng không?Tài sản đã bị trưng dụng thì thuộc sở hữu Nhà nước có đúng không?

Như vậy, quyền quản lý, sử dụng tài sản trưng dụng thuộc về Nhà nước chỉ trong thời gian trưng dụng. Còn quyền sở hữu tài sản trưng dụng vẫn thuộc về người có tài sản trưng dụng, không thuộc sở hữu của Nhà nước.

4. Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi nào?

Việc trưng dụng tài sản chỉ được thực hiện khi:

  • Trong trường hợp thật cần thiết vì lý do quốc phòng, an ninh và vì lợi ích quốc gia.
  • Nhà nước có nhu cầu sử dụng tài sản mà các biện pháp huy động khác không thực hiện được, thuộc một trong các trường hợp quy định tại Điều 5 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008.

5. Trường hợp nào việc trưng dụng tài sản gây ra thiệt hại thì cần bồi thường?

Theo quy định hiện hành, có 03 trường hợp việc trưng dụng tài sản gây thiệt hại cần phải bồi thường, bao gồm:

- Tài sản trưng dụng bị mất;

- Tài sản trưng dụng bị hư hỏng;

- Người có tài sản trưng dụng bị thiệt hại về thu nhập do việc trưng dụng tài sản trực tiếp gây ra.

Bên cạnh đó, theo Điều 34 Luật trưng mua, trưng dụng tài sản 2008 cũng quy định mức bồi thường thiệt hại do việc trưng dụng tài sản gây ra. 

V. Dịch vụ tư vấn và thực hiện liên quan đến trưng dụng tài sản

Trên đây là bài viết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ Quý Khách hàng về vấn đề trưng dụng tài sản. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan