TƯ VẤN PHÁP LUẬT VỀ CHĂN NUÔI TRANG TRẠI

Chăn nuôi trang trại cần lưu ý những gì? Cơ quan nào có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn? Và làm thủ tục như thế nào để được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn? NPLAW sẽ giúp Quý khách hàng làm rõ các nội dung đó qua bài viết dưới đây

I. Thực trạng chăn nuôi trang trại hiện nay

Khoảng 10 năm gần đây, một sự bứt phá của ngành chăn nuôi là có sự chuyển đổi từ chăn nuôi tự cung, tự cấp, nhỏ lẻ phân tán sang chăn nuôi trang trại tập trung, tiếp cận dần tới công nghiệp hóa chăn nuôi. Đây có thể coi là bước đột phá mới trong phát triển của ngành chăn nuôi. Chăn nuôi trang trại phát triển sẽ đáp ứng nhu cầu thị trường ngày càng nhiều và đa dạng của nhân dân về sản phẩm chăn nuôi, nâng cao tính cạnh tranh năng suất, chất lượng sản phẩm chăn nuôi, tăng cường khả năng tiếp thu công nghệ, tiến bộ khoa học mới, là nhân tố sức mạnh thúc đẩy ngành chăn nuôi phát triển theo hướng công nghiệp hóa, hiện đại hóa. Chăn nuôi theo quy mô trang trại đã và đang là xu hướng phát triển tất yếu của ngành chăn nuôi. Bởi vì chăn nuôi trang trại mới cho được số lượng sản phẩm lớn, mới đủ khả năng và thông số mẫu đủ lớn để áp dụng các tiến bộ khoa học, các công nghệ phục vụ chăn nuôi cao sản, kiểm soát dịch bệnh dễ dàng hơn so với chăn nuôi phân tán nhỏ lẻ. Trước thực trạng đó, đòi hỏi tổ chức, cá nhân phải nắm rõ quy định pháp luật về chăn nuôi trang trại để hạn chế rủi ro pháp lý xảy ra. 

II. Chăn nuôi trang trại là gì?

1. Chăn nuôi trang trại là gì?

Chăn nuôi trang trại là hình thức tổ chức hoạt động chăn nuôi tập trung tại khu vực riêng biệt dành cho sản xuất, kinh doanh chăn nuôi theo quy định tại khoản 4 Điều 2 Luật Chăn nuôi 2018.

2. Tiêu chí xác định kinh tế chăn nuôi trang trại

Theo quy định tại điểm c khoản 1, khoản 2 Điều 3 Thông tư 02/2020/TT-BNNPTNT, tiêu chí kinh tế chăn nuôi trang trại có sự khác nhau giữa hai loại trang trại:

  • Đối với trang trại chuyên ngành: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và đạt quy mô chăn nuôi trang trại theo quy định tại Điều 52 Luật Chăn nuôi và văn bản hướng dẫn.
  • Đối với trang trại tổng hợp: Giá trị sản xuất bình quân phải đạt từ 2,0 tỷ đồng/năm trở lên và tổng diện tích đất sản xuất từ 1,0 ha trở lên.

III. Điều kiện kinh doanh chăn nuôi trang trại

Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018 quy định điều kiện kinh doanh chăn nuôi trang trại như sau:

  • Vị trí xây dựng trang trại phù hợp với chiến lược phát triển kinh tế - xã hội của địa phương, vùng, chiến lược phát triển chăn nuôi; đáp ứng yêu cầu về mật độ chăn nuôi theo quy định;
  • Có đủ nguồn nước bảo đảm chất lượng cho hoạt động chăn nuôi và xử lý chất thải chăn nuôi;
  • Có biện pháp bảo vệ môi trường theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường
  • Có chuồng trại, trang thiết bị chăn nuôi phù hợp với từng loại vật nuôi;
  • Có hồ sơ ghi chép quá trình hoạt động chăn nuôi, sử dụng thức ăn chăn nuôi, thuốc thú y, vắc-xin và thông tin khác để bảo đảm truy xuất nguồn gốc; lưu giữ hồ sơ trong thời gian tối thiểu là 01 năm sau khi kết thúc chu kỳ chăn nuôi;
  • Có khoảng cách an toàn từ khu vực chăn nuôi trang trại đến đối tượng chịu ảnh hưởng của hoạt động chăn nuôi và từ nguồn gây ô nhiễm đến khu vực chăn nuôi trang trại
  • Ngoài ra, đối với tổ chức, cá nhân chăn nuôi trang trại quy mô lớn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

IV. Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại

1. Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn theo Mẫu số 01.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này;

/upload/images/dau-tu/mau-so-01-dkcn-phu-luc-i-min.jpg

  • Bản thuyết minh về điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 02.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này.

​​​​​​​/upload/images/dau-tu/mau-so-02.dkcn-phu-luc-i-min.jpg

2. Trình tự thủ tục thực hiện

Theo khoản 3 Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định trình tự thủ tục cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn như sau:

  • Tổ chức, cá nhân gửi hồ sơ đến cơ quan có thẩm quyền.
  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, cơ quan có thẩm quyền thẩm định nội dung hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ chưa đạt yêu cầu, cơ quan có thẩm quyền yêu cầu tổ chức, cá nhân bổ sung, hoàn thiện hồ sơ.
  • Trường hợp hồ sơ đạt yêu cầu, trong thời hạn 20 ngày làm việc cơ quan có thẩm quyền thành lập đoàn đánh giá điều kiện thực tế của cơ sở chăn nuôi theo quy định tại Điều 24 Nghị định này.
  • Trường hợp cơ sở không đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 06 tháng kể từ ngày lập biên bản đánh giá, tổ chức, cá nhân khắc phục và gửi báo cáo kết quả khắc phục bằng văn bản đến cơ quan có thẩm quyền để được thẩm định và đánh giá lại điều kiện thực tế (nếu cần thiết).
  • Trường hợp cơ sở đáp ứng điều kiện, trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày kết thúc đánh giá điều kiện thực tế, cơ quan có thẩm quyền cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi theo Mẫu số 05.ĐKCN Phụ lục I ban hành kèm theo Nghị định này; trường hợp từ chối phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp về chăn nuôi trang trại

1. Lượng nước thải mà cơ sở chăn nuôi trang trại xả ra môi trường nước là 5 mét khối trên ngày có vi phạm pháp luật không?

Cơ sở chăn nuôi trang trại được phép xả lượng nước thải ra môi trường nước 5 mét khối/ngày theo quy định tại QCVN 62-MT:2016/BTNMT - Đây không phải là hành vi vi phạm pháp luật.

2. Chăn nuôi trang trại (bò) cần đáp ứng những điều kiện gì?

Để được chăn nuôi trang trại (bò) bạn cần đảm bảo các điều kiện nêu tại Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018. Đồng thời, nếu bạn muốn chăn nuôi trang trại với quy mô lớn bạn phải được cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

3. Cơ quan nào có thẩm quyền Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi trang trại (bò)?

Căn cứ vào khoản 1 Điều 23 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn tại địa phương. Trường hợp cơ sở chăn nuôi trang trại quy mô lớn nằm trên địa bàn từ hai tỉnh trở lên, Sở Nông nghiệp và Phát triển nông thôn nơi tổ chức, cá nhân đăng ký thủ tục đầu tư thực hiện cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi đối với chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

4. Chăn nuôi từ 300 vật nuôi trở lên có phải là chăn nuôi trang trại quy mô lớn không?

Căn cứ điểm a khoản 2 Điều 21 Nghị định 13/2020/NĐ-CP quy định về việc xác định quy mô chăn nuôi thì chăn nuôi từ 300 đơn vị vật nuôi trở lên được xác định là chăn nuôi trang trại quy mô lớn.

5. Tôi muốn chăn nuôi gia cầm theo hình thức chăn nuôi trang trại quy mô lớn thì nên làm thủ tục gì để được Nhà nước cho phép?

Trước hết, bạn phải đáp ứng đủ điều kiện kinh doanh chăn nuôi trang trại được quy định tại Điều 55 Luật Chăn nuôi 2018. Đồng thời, bạn phải thực hiện thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đủ điều kiện chăn nuôi.

6. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến chăn nuôi trang trại

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về các thủ tục liên quan đến chăn nuôi trang trại mà công ty NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan