Tư vấn pháp lý về xin giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

Trong bối cảnh nền kinh tế ngày càng phát triển, việc kinh doanh các sản phẩm rượu thủ công đã và đang trở thành một ngành nghề tiềm năng. Tuy nhiên, sản xuất và kinh doanh rượu thủ công là một lĩnh vực đặc thù, chịu sự quản lý chặt chẽ của pháp luật, nhằm đảm bảo an toàn cho sức khỏe cộng đồng và phòng chống các tệ nạn xã hội. Chính vì vậy, việc xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là một trong những yêu cầu bắt buộc đối với các tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào lĩnh vực này. 

Sau đây, NPLaw sẽ tư vấn những vấn đề pháp lý về xin giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

I. Tìm hiểu về giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

Sản xuất rượu bao gồm: Sản xuất rượu công nghiệp và sản xuất rượu thủ công. Theo đó sản xuất rượu thủ công là hoạt động sản xuất rượu bằng dụng cụ truyền thống, không sử dụng máy móc, thiết bị công nghiệp. Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là một loại giấy phép quan trọng đối với các tổ chức, cá nhân muốn tham gia vào ngành sản xuất rượu thủ công và kinh doanh sản phẩm này. Việc sản xuất rượu thủ công không chỉ đơn giản là một hoạt động kinh tế mà còn liên quan trực tiếp đến vấn đề an toàn thực phẩm, sức khỏe cộng đồng và quy định pháp lý chặt chẽ của nhà nước.

Hiện nay, quy định về giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh chịu sự điều chỉnh của Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP

II. Quy định pháp luật về giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

1. Thế nào là giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh?

Theo khoản 2 Điều 4 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, thương nhân sản xuất rượu công nghiệp, sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, phân phối rượu, bán buôn rượu, bán lẻ rượu có độ cồn từ 5,5 độ trở lên phải có giấy phép. Hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

Như vậy giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là một loại giấy phép được cấp bởi cơ quan nhà nước có thẩm quyền, cho thương nhân sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh có độ cồn từ 5,5 độ trở lên . 

2. Để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cần đáp ứng những điều kiện nào?

Để được cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh cần đáp ứng những điều kiện theo Điều 9 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, cụ thể:

  • Là doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh được thành lập theo quy định của pháp luật.
  • Bảo đảm các điều kiện về an toàn thực phẩm và ghi nhãn hàng hóa rượu theo quy định.

3. Thủ tục và hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh?

Về thủ tục: 

Theo khoản 2 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, thủ tục xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh như sau:

  • Thương nhân nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua đường bưu điện hoặc trực tuyến (nếu đủ điều kiện áp dụng) đến cơ quan có thẩm quyền cấp giấy phép. Cụ thể Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. 

  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.

Về hồ sơ: 

Theo Điều 20 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, hồ sơ xin cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh gồm:

  • Đơn đề nghị cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh.
  • Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã hoặc hộ kinh doanh.
  • Bản sao Bản công bố sản phẩm rượu hoặc bản sao Giấy tiếp nhận bản công bố hợp quy hoặc Giấy xác nhận công bố phù hợp quy định an toàn thực phẩm (đối với rượu chưa có quy chuẩn kỹ thuật); bản sao Giấy chứng nhận cơ sở đủ điều kiện an toàn thực phẩm, trừ trường hợp đối với cơ sở thuộc loại kinh doanh thực phẩm nhỏ lẻ theo quy định của pháp luật về an toàn thực phẩm.
  • Bản liệt kê tên hàng hóa rượu kèm theo bản sao nhãn hàng hóa rượu mà tổ chức, cá nhân sản xuất hoặc dự kiến sản xuất.

III. Một số thắc mắc về giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

1. Cơ quan nào có thẩm quyền cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh?

Theo Khoản 1 Điều 25 Nghị định số 105/2017/NĐ-CP, được sửa đổi bổ sung bởi Nghị định số 17/2020/NĐ-CP, Phòng Kinh tế hoặc Phòng Kinh tế và Hạ tầng thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện là cơ quan cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. 

2. Thời hạn cấp giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh là bao lâu?

  • Trong thời hạn 10 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ đầy đủ, hợp lệ, cơ quan nhà nước có thẩm quyền xem xét, thẩm định và cấp giấy phép cho thương nhân. Trường hợp từ chối cấp phải trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
  • Trường hợp chưa đủ hồ sơ hợp lệ, trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, cơ quan cấp giấy phép phải có văn bản yêu cầu bổ sung.

Như vậy, thời hạn cấp giấy phép có thể từ 10 - 20 ngày làm việc tùy trường hợp hồ sơ có hợp lệ hay có yêu cầu bổ sung. 

3. Sản xuất rượu thủ công khi không có giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh bị xử phạt thế nào?

Theo khoản 3 Điều 6 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định:

 “Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

…a) Kinh doanh hàng hóa, dịch vụ thuộc ngành, nghề đầu tư kinh doanh có điều kiện mà không có giấy phép kinh doanh theo quy định;”

Như vậy, khi không có giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh sẽ bị xử phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng (Mức phạt tiền áp dụng đối với hành vi vi phạm hành chính do cá nhân thực hiện. Trường hợp hành vi vi phạm hành chính do tổ chức thực hiện thì phạt tiền gấp hai lần mức phạt tiền quy định đối với cá nhân). 

4. Giấy đăng ký sản xuất rượu thủ công bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại mới nhất hiện nay được quy định như thế nào?

Điều kiện sản xuất rượu thủ công để bán cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp để chế biến lại bao gồm:

  • Có hợp đồng mua bán với doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp.
  • Trường hợp không bán rượu cho doanh nghiệp có Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp, tổ chức, cá nhân sản xuất rượu thủ công phải làm thủ tục cấp Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh theo quy định.

Theo đó, hộ gia đình, cá nhân sản xuất rượu thủ công có độ cồn từ 5,5 độ trở lên bán cho cơ sở có giấy phép sản xuất rượu để chế biến lại phải đăng ký với Ủy ban nhân dân cấp xã nơi đặt cơ sở sản xuất.

5. Rượu sản xuất trong nước sẽ do doanh nghiệp sản xuất hay do một đơn vị nào khác dán tem lên sản phẩm?

Theo khoản 4 Điều 3 Thông tư 23/2021/TT-BTC (có hiệu lực từ ngày 01/07/2022) quy định về dán tem lên sản phẩm là rượu như sau: Đối với rượu sản xuất để tiêu thụ trong nước: tổ chức, cá nhân có Giấy phép sản xuất rượu (bao gồm Giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh, Giấy phép sản xuất rượu công nghiệp) để tiêu thụ trong nước, sau đây gọi chung là tổ chức, cá nhân sản xuất rượu trong nước phải thực hiện dán tem điện tử đúng quy định cho sản phẩm rượu tại địa điểm sản xuất sau khi rượu được đóng chai và trước khi đưa sản phẩm rượu đi tiêu thụ trong nước.

Như vậy, rượu sản xuất trong nước sẽ do doanh nghiệp sản xuất tự dán tem rượu trước khi đưa đi tiêu thụ và tự chịu trách nhiệm về việc dán tem.

6. Sản xuất rượu để kinh doanh có bắt buộc phải có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn trong nghề sản xuất rượu thực hiện không?

Theo Điều 8 và Điều 9 Nghị định 105/2017/NĐ-CP, chỉ có điều kiện sản xuất rượu công nghiệp mới yêu cầu có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn phù hợp với ngành, nghề sản xuất rượu. Đối với sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh thì không yêu cầu có cán bộ kỹ thuật có trình độ, chuyên môn.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề giấy phép sản xuất rượu thủ công nhằm mục đích kinh doanh. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan