TƯ VẤN VỀ QUẢNG CÁO XUYÊN BIÊN GIỚI TẠI VIỆT NAM

Quảng cáo xuyên biên giới là hoạt động quảng cáo trên nền các nền tảng xuyên biên giới được các doanh nghiệp, tổ chức, cá nhân lựa chọn bởi hiệu quả kinh doanh của nó trong bối cảnh hiện nay. Đây là hoạt động dịch vụ nâng cao năng lực xuất khẩu và quảng bá sản phẩm đến thị trường thế giới. Tuy nhiên, tình trạng vi phạm pháp luật về vấn đề này đang diễn ra càng nhiều. Vậy pháp luật quy định như thế nào về vấn đề quảng cáo xuyên biên giới tại việt nam, hãy cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây.

I. Dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là gì?

Theo Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP) quy định:

Hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam là việc các tổ chức, cá nhân nước ngoài sử dụng trang thông tin điện tử kinh doanh dịch vụ quảng cáo từ hệ thống thiết bị cung cấp dịch vụ đặt ngoài lãnh thổ Việt Nam, cho người sử dụng tại Việt Nam, có phát sinh doanh thu tại Việt Nam.

II. Quy định về quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam được quy định Luật quảng cáo 2012, sửa đổi, bổ sung 2018, và được hướng dẫn thi hành tại Nghị định 181/2013/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung  Nghị định 70/2021/NĐ-CP.

  • Trong đó, Điều 13 Luật quảng cáo 2012, sửa đổi bổ sung 2018 quy định về quyền và nghĩa vụ của người kinh doanh dịch vụ quảng cáo.
  • Tại nghị định hướng dẫn thi hành: 
    • Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, sửa đổi bởi khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.
    • Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP, quy định về trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. 
    • Điều 15 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP, quy định về báo cáo định kỳ.

III. Điều kiện quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

1. Đối với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Căn cứ khoản 1 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung khoản 3, khoản 4 tại Điều 13 Nghị định 181/2013/NĐ-CP.

Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo, người phát hành quảng cáo và người quảng cáo ở trong nước và ngoài nước tham gia hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam phải tuân thủ các quy định của pháp luật Việt Nam về quảng cáo, quy định về an ninh mạng và quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng dịch vụ Internet và thông tin trên mạng; phải nộp thuế theo quy định pháp luật về thuế.Thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông: Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có); Đầu mối liên hệ: tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

2. Đối với người kinh doanh dịch vụ quảng cáo trong nước có hợp tác với tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Căn cứ Điều 15 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 3 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP, quy định về báo cáo định kỳ thì: 

Thực hiện báo cáo định kỳ hàng năm (vào trước ngày 31 tháng 12) hoặc báo cáo đột xuất khi có yêu cầu về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông (Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử) theo Mẫu số 01 ban hành kèm theo Nghị định này.

Báo cáo được gửi qua một trong các hình thức: gửi báo cáo trực tiếp, qua đường bưu chính hoặc qua phương tiện điện tử.

IV. Thủ tục quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

Tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới có nghĩa vụ thực hiện thủ tục thông báo thông tin liên hệ với Bộ Thông tin và Truyền thông theo thủ tục sau:

  • Hồ sơ 01 bộ gồm:
    • Văn bản thông báo cung cấp những nội dung sau:

Tên tổ chức, tên giao dịch, địa chỉ trụ sở chính nơi đăng ký hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo; địa điểm đặt hệ thống máy chủ chính cung cấp dịch vụ và hệ thống máy chủ đặt tại Việt Nam (nếu có);Đầu mối liên hệ: Tên tổ chức, cá nhân đại diện tại Việt Nam (nếu có), địa chỉ email, điện thoại liên hệ.

  • Cách thức nộp hồ sơ: 
    • Nộp trực tiếp tại Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử;
    • Nộp qua hệ thống Bưu chính; (Địa chỉ Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử: Tòa nhà 115 Trần Duy Hưng, Cầu Giấy, Hà Nội).
    • Nộp trực tuyến qua Cổng dịch vụ công của Bộ Thông tin và Truyền thông (https://dichvucong.mic.gov.vn); Cổng dịch vụ công quốc gia (https://dichvucong.gov.vn) hoặc địa chỉ thư điện tử cucptth@mic.gov.vn.
  • Trình tự thực hiện:
    • Chậm nhất là 15 ngày trước khi bắt đầu kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam, các tổ chức, cá nhân nước ngoài gửi thông báo đến Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử.
    • Cục Phát thanh, truyền hình và thông tin điện tử tiếp nhận thông báo và có trách nhiệm gửi giấy xác nhận bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được thông báo.

​​V. Giải đáp thắc mắc về quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam.

1. Các trường hợp vi phạm quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam hiện nay.

Căn cứ khoản 1 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 13 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP sửa đổi bổ sung một số điều của các nghị định quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực du lịch; thể thao; quyền tác giả, quyền liên quan; văn hóa và quảng cáo, các trường hợp vi phạm quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam gồm:

Không thông báo hoặc thông báo không đúng thông tin liên hệ đến Bộ Thông tin và Truyền thông về những nội dung theo quy định của tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam;

Không báo cáo theo quy định về hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam cho Bộ Thông tin và Truyền thông.”Căn cứ khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm b khoản 13 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP, có hành vi đặt sản phẩm quảng cáo vào nội dung vi phạm pháp luật được quy định tại khoản 1 Điều 8 Luật An ninh mạng, Điều 28 Luật Sở hữu trí tuệ.

2. Vi phạm quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam bị xử lý như thế nào? 

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với một trong các hành vi đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được bổ sung bởi điểm a khoản 13 Điều 4 Nghị định 129/2021/NĐ-CP.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều 38 Nghị định 38/2021/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi điểm b khoản 13 Điều 4 Nghị định số 129/2021/NĐ-CP.

3. Trách nhiệm và quản lý quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam như thế nào?

Căn cứ Điều 14 Nghị định 181/2013/NĐ-CP quy định chi tiết thi hành một số điều của luật quảng cáo, được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 1 Nghị định 70/2021/NĐ-CP, quy định về trách nhiệm quản lý đối với hoạt động cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới như sau: 

  • Các bộ, ngành, địa phương có trách nhiệm phát hiện và xác định các quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật theo thẩm quyền được phân công tại các quy định pháp luật về quản lý và xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực quảng cáo.
  • Bộ Thông tin và Truyền thông là cơ quan tiếp nhận các thông báo về quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật từ các bộ, ngành, địa phương và là đầu mối liên hệ, gửi yêu cầu xử lý quảng cáo vi phạm pháp luật cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới.
  • Sau khi tiếp nhận bằng chứng quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật, trong thời hạn 05 ngày, Bộ Thông tin và Truyền thông có trách nhiệm rà soát, kiểm tra nội dung vi phạm và gửi yêu cầu xử lý bằng văn bản hoặc qua phương tiện điện tử cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới. Thông tin về các quảng cáo vi phạm đã được gửi cho tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới để xử lý sẽ được thông báo công khai trên Cổng thông tin điện tử của Bộ Thông tin và Truyền thông.
  • Sau khi nhận được yêu cầu từ Bộ Thông tin và Truyền thông, trong thời gian 24 giờ, tổ chức, cá nhân nước ngoài kinh doanh dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới thực hiện việc xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu.
  • Sau thời hạn nêu trên, nếu tổ chức, cá nhân nước ngoài không xử lý quảng cáo vi phạm theo yêu cầu mà không có lý do chính đáng, Bộ Thông tin và Truyền thông sẽ thực thi các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
  • Trong trường hợp phát hiện quảng cáo xuyên biên giới vi phạm pháp luật ảnh hưởng đến an ninh quốc gia Việt Nam, cơ quan chức năng có thẩm quyền của Việt Nam thực hiện ngay các biện pháp ngăn chặn quảng cáo vi phạm pháp luật.
  • Biện pháp ngăn chặn chỉ được gỡ bỏ sau khi các quảng cáo vi phạm đã được tổ chức, cá nhân nước ngoài xử lý theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông.

4. Doanh nghiệp nước ngoài muốn cung cấp dịch vụ quảng cáo xuyên biên giới cần tuân thủ những gì?

Căn  cứ vào Nghị định 181/2013/NĐ-CP hướng dẫn Luật Quảng cáo, sửa đổi bởi Nghị định 70/2021/NĐ-CP.

Doanh nghiệp nước ngoài phải tuân thủ quy định pháp luật của Việt Nam về quảng cáo, thuế, an ninh mạng, quy định về quản lý, cung cấp, sử dụng Internet và thông tin trên mạng; Thực hiện việc ngăn chặn, gỡ bỏ thông tin vi phạm pháp luật theo yêu cầu của Bộ Thông tin và Truyền thông và của các cơ quan có thẩm quyền. Đồng thời, có nghĩa vụ cung cấp thông tin về tổ chức, cá nhân liên quan tới hoạt động quảng cáo xuyên biên giới có dấu hiệu vi phạm pháp luật cho các cơ quan chức năng có thẩm quyền khi có yêu cầu.

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về quy định pháp luật liên quan đến quảng cáo xuyên biên giới tại Việt Nam mà NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan