VĂN BẰNG BẢO HỘ LÀ GÌ? NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ VĂN BẰNG BẢO HỘ

Văn bằng bảo hộ là một trong những loại giấy tờ quan trọng khi thực hiện các hoạt động liên quan đến quyền sở hữu công nghiệp. Vậy, văn bằng bảo hộ là gì? Trong bài viết này, NPLaw sẽ cung cấp đến bạn những thông tin cần biết liên quan đến vấn đề văn bằng bảo hộ.

Thực trạng nhu cầu xin cấp văn bằng bảo hộ hiện nay

I. Thực trạng nhu cầu xin cấp văn bằng bảo hộ hiện nay

Thực tế hiện nay cho thấy, các hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ tại Việt Nam đang có chiều hướng gia tăng, diễn biến phức tạp. 

Việc xin cấp văn bằng bảo hộ là một biện pháp nhằm bảo vệ quyền và lợi ích của chủ sở hữu quyền sở hữu trí tuệ, hạn chế sản các hành vi xâm phạm đến quyền sở hữu trí tuệ. Ở Việt Nam, việc bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ ngày càng được quan tâm, nhất là khi pháp luật sở hữu trí tuệ ra đời, các cá nhân, tổ chức đã dần ý thức được tầm quan trọng giá trị của quyền sở hữu trí tuệ và có các biện pháp bảo vệ. Do đó, các chủ sở hữu cần phải tự bảo vệ tài sản “trí tuệ của mình”, một trong những biện pháp đảm bảo nhất đó là xin cấp văn bằng bảo hộ quyền Sở hữu trí tuệ.

II. Một số quy định của pháp luật về văn bằng bảo hộ

1. Khái niệm văn bằng bảo hộ

Theo quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định:

Khái niệm văn bằng bảo hộ

Văn bằng bảo hộ là văn bản do cơ quan nhà nước có thẩm quyền cấp cho tổ chức, cá nhân nhằm xác lập quyền sở hữu công nghiệp đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý; quyền đối với giống cây trồng.

2. Phân loại văn bằng bảo hộ

Tại khoản 3 Điều 92 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định văn bằng bảo hộ bao gồm:

  • Bằng độc quyền sáng chế;
  • Bằng độc quyền giải pháp hữu ích;
  • Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp;
  • Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn;
  • Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu;
  • Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý.

3. Hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Tại Điều 93 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định về hiệu lực của văn bằng bảo hộ như sau:

- Văn bằng bảo hộ có hiệu lực trên toàn lãnh thổ Việt Nam. 

- Bằng độc quyền sáng chế có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết hai mươi năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền giải pháp hữu ích có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn.

- Bằng độc quyền kiểu dáng công nghiệp có hiệu lực từ ngày cấp và kéo dài đến hết năm năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn hai lần liên tiếp, mỗi lần năm năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký thiết kế bố trí mạch tích hợp bán dẫn có hiệu lực từ ngày cấp và chấm dứt vào ngày sớm nhất trong số những ngày sau đây:

  • Kết thúc mười năm kể từ ngày nộp đơn;
  • Kết thúc mười năm kể từ ngày thiết kế bố trí được người có quyền đăng ký hoặc người được người đó cho phép khai thác thương mại lần đầu tiên tại bất kỳ nơi nào trên thế giới;
  • Kết thúc mười lăm năm kể từ ngày tạo ra thiết kế bố trí.

- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu có hiệu lực từ ngày cấp đến hết mười năm kể từ ngày nộp đơn, có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm.

- Giấy chứng nhận đăng ký chỉ dẫn địa lý có hiệu lực vô thời hạn kể từ ngày cấp.

4. Trường hợp chấm dứt hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Căn cứ theo Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) thì văn bằng bảo hộ bị chấm dứt hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • Chủ văn bằng bảo hộ không nộp lệ phí duy trì hiệu lực hoặc gia hạn hiệu lực theo quy định;
  • Chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp;
  • Chủ văn bằng bảo hộ không còn tồn tại hoặc chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu không còn hoạt động kinh doanh mà không có người kế thừa hợp pháp;
  • Nhãn hiệu không được chủ sở hữu hoặc người được chủ sở hữu cho phép sử dụng trong thời hạn năm năm liên tục trước ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực mà không có lý do chính đáng, trừ trường hợp việc sử dụng được bắt đầu hoặc bắt đầu lại trước ít nhất ba tháng tính đến ngày có yêu cầu chấm dứt hiệu lực;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu tập thể không kiểm soát hoặc kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể;
  • Chủ Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu đối với nhãn hiệu chứng nhận vi phạm quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận hoặc không kiểm soát, kiểm soát không có hiệu quả việc thực hiện quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận;
  • Các điều kiện địa lý tạo nên danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm mang chỉ dẫn địa lý bị thay đổi làm mất danh tiếng, chất lượng, đặc tính của sản phẩm đó.

Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ sáng chế không nộp lệ phí duy trì hiệu lực trong thời hạn quy định thì khi kết thúc thời hạn đó, hiệu lực văn bằng tự động chấm dứt kể từ ngày bắt đầu năm hiệu lực đầu tiên mà lệ phí duy trì hiệu lực không được nộp. 

Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp ghi nhận việc chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ vào Sổ đăng ký quốc gia về sở hữu công nghiệp và công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp.

Trong trường hợp chủ văn bằng bảo hộ tuyên bố từ bỏ quyền sở hữu công nghiệp thì cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp quyết định chấm dứt hiệu lực văn bằng bảo hộ kể từ ngày nhận được tuyên bố của chủ văn bằng bảo hộ.

5. Trường hợp huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

Căn cứ theo Điều 95 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) thì:

- Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hiệu lực trong các trường hợp sau đây:

  • Người nộp đơn đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
  • Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế;
  • Đơn đăng ký sáng chế đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen nhưng không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen có trong đơn đó.

Trường hợp huỷ bỏ hiệu lực của văn bằng bảo hộ

- Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực nếu toàn bộ hoặc một phần văn bằng bảo hộ đó không đáp ứng quy định về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ, sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên trong các trường hợp sau đây:

  • Người nộp đơn đăng ký không có quyền đăng ký và không được người có quyền đăng ký chuyển nhượng quyền đăng ký đối với sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, thiết kế bố trí, nhãn hiệu;
  • Đối tượng sở hữu công nghiệp không đáp ứng các điều kiện bảo hộ;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn đăng ký sở hữu công nghiệp làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn;
  • Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
  • Sáng chế được cấp văn bằng bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
  • Sáng chế không đáp ứng nguyên tắc nộp đơn đầu tiên theo quy định.

Văn bằng bảo hộ bị hủy bỏ toàn bộ hoặc một phần hiệu lực thì toàn bộ hoặc một phần bị hủy bỏ của văn bằng bảo hộ đó không phát sinh hiệu lực kể từ thời điểm cấp văn bằng. 

Tổ chức, cá nhân có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí. Thời hiệu thực hiện quyền yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ là suốt thời hạn bảo hộ, trừ trường hợp yêu cầu hủy bỏ hiệu lực văn bằng bảo hộ đối với nhãn hiệu vì lý do không đáp ứng quy định về quyền đăng ký, điều kiện bảo hộ, sửa đổi, bổ sung đơn, bộc lộ sáng chế, nguyên tắc nộp đơn đầu tiên thì thời hiệu là năm năm kể từ ngày cấp văn bằng bảo hộ hoặc từ ngày đăng ký quốc tế nhãn hiệu có hiệu lực tại Việt Nam.

III. Các trường hợp bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ

Theo quy định tại Điều 117 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, được bổ sung, sửa đổi bởi điểm a, điểm b khoản 42 Điều 1 và khoản 83 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 về từ chối cấp văn bằng bảo hộ như sau:

- Đơn đăng ký sáng chế, kiểu dáng công nghiệp, nhãn hiệu, chỉ dẫn địa lý bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

  • Có cơ sở để khẳng định rằng đối tượng nêu trong đơn không đáp ứng đầy đủ các điều kiện bảo hộ;
  • Có cơ sở để khẳng định rằng người nộp đơn không có quyền đăng ký đối tượng sở hữu công nghiệp hoặc đăng ký nhãn hiệu với dụng ý xấu;
  • Đơn đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ nhưng không phải là đơn có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất theo quy định;
  • Đơn thuộc trường hợp có nhiều đơn đăng ký cùng đáp ứng các điều kiện để được cấp văn bằng bảo hộ và cùng có ngày ưu tiên hoặc ngày nộp đơn sớm nhất mà không được sự thống nhất của tất cả những người nộp đơn;
  • Việc sửa đổi, bổ sung đơn làm mở rộng phạm vi đối tượng đã bộc lộ hoặc nêu trong đơn hoặc làm thay đổi bản chất của đối tượng yêu cầu đăng ký nêu trong đơn.

- Ngoài các trường hợp nêu trên, đơn đăng ký sáng chế bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong các trường hợp sau đây:

  • Sáng chế được yêu cầu bảo hộ vượt quá phạm vi bộc lộ trong bản mô tả ban đầu của đơn đăng ký sáng chế;
  • Sáng chế không được bộc lộ đầy đủ và rõ ràng trong bản mô tả sáng chế đến mức căn cứ vào đó người có hiểu biết trung bình về lĩnh vực kỹ thuật tương ứng có thể thực hiện được sáng chế đó;
  • Đối với sáng chế được trực tiếp tạo ra dựa trên nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen, đơn đăng ký sáng chế không bộc lộ hoặc bộc lộ không chính xác về nguồn gốc của nguồn gen hoặc tri thức truyền thống về nguồn gen;
  • Đơn đăng ký sáng chế được nộp trái với quy định về kiểm soát an ninh đối với sáng chế trước khi nộp đơn đăng ký ở nước ngoài.

- Đơn đăng ký thiết kế bố trí bị từ chối cấp văn bằng bảo hộ trong trường hợp không đáp ứng yêu cầu về hình thức đơn đăng ký sở hữu công nghiệp theo quy định.

IV. Một số thắc mắc thường gặp về cấp văn bằng bảo hộ

1. Người thứ ba có được phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ hay không? Thời gian phản đối cấp văn bằng bảo hộ của người thứ ba là bao lâu?

Căn cứ theo khoản 39 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2022 thì:

- Ý kiến của người thứ ba về việc cấp văn bằng bảo hộ:

Kể từ ngày đơn đăng ký sở hữu công nghiệp được công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp đến trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền có ý kiến với cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp về việc cấp hoặc không cấp văn bằng bảo hộ đối với đơn đó. Ý kiến phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh.

Văn bản nêu ý kiến của người thứ ba được coi là một nguồn thông tin tham khảo cho quá trình xử lý đơn đăng ký sở hữu công nghiệp.

- Phản đối đơn đăng ký sở hữu công nghiệp

+ Trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ, trong các thời hạn sau đây, bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ:

  • Chín tháng kể từ ngày đơn đăng ký sáng chế được công bố;
  • Bốn tháng kể từ ngày đơn đăng ký kiểu dáng công nghiệp được công bố;
  • Năm tháng kể từ ngày đơn đăng ký nhãn hiệu được công bố;
  • Ba tháng kể từ ngày đơn đăng ký chỉ dẫn địa lý được công bố.

+ Ý kiến phản đối này phải được lập thành văn bản kèm theo tài liệu hoặc trích dẫn nguồn thông tin để chứng minh và phải nộp phí, lệ phí.

+ Cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm xử lý ý kiến phản đối theo trình tự, thủ tục do Bộ trưởng Bộ Khoa học và Công nghệ quy định.

Như vậy, trước ngày ra quyết định cấp văn bằng bảo hộ trong thời hạn quy định thì bất kỳ người thứ ba nào cũng có quyền phản đối việc cấp văn bằng bảo hộ.

2. Đã được cấp văn bằng bảo hộ rồi có được quyền sửa đổi văn bằng bảo hộ hay không?

Theo khoản 1 Điều 97 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) quy định: 

- Chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp sửa đổi những thông tin sau đây trên văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí:

  • Thay đổi, sửa chữa thiếu sót liên quan đến tên và quốc tịch của tác giả, tên và địa chỉ của chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức quản lý chỉ dẫn địa lý;
  • Sửa đổi bản mô tả tính chất, chất lượng đặc thù, khu vực địa lý mang chỉ dẫn địa lý; sửa đổi quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể, quy chế sử dụng nhãn hiệu chứng nhận. 

Đã được cấp văn bằng bảo hộ rồi có được quyền sửa đổi văn bằng bảo hộ hay không?

- Theo yêu cầu của chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý, cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp có trách nhiệm sửa chữa thiếu sót trong văn bằng bảo hộ do lỗi của cơ quan đó. Trong trường hợp này, chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý không phải nộp phí, lệ phí.

- Chủ văn bằng bảo hộ có quyền yêu cầu cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp thu hẹp phạm vi quyền sở hữu công nghiệp; trong trường hợp này, đơn đăng ký sở hữu công nghiệp tương ứng phải được thẩm định lại về nội dung và người yêu cầu phải nộp phí thẩm định nội dung.

Như vậy, theo quy định nêu trên thì chủ văn bằng bảo hộ, tổ chức, cá nhân thực hiện quyền đăng ký chỉ dẫn địa lý có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền sửa đổi những thông tin sau đây trên văn bằng bảo hộ với điều kiện phải nộp phí, lệ phí.

3. Thời hạn công bố các quyết định liên quan đến văn bằng bảo hộ là bao nhiêu ngày?

Căn cứ theo quy định tại Điều 99 Luật sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi, bổ sung năm 2009, 2019, 2022) về công bố các quyết định liên quan đến văn bằng bảo hộ:

Quyết định cấp, chấm dứt, hủy bỏ, sửa đổi văn bằng bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp được cơ quan quản lý nhà nước về quyền sở hữu công nghiệp công bố trên Công báo sở hữu công nghiệp trong thời hạn sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định.

Như vậy, thời hạn công bố các quyết định liên quan đến văn bằng bảo hộ là sáu mươi ngày, kể từ ngày ra quyết định.

V. Luật sư tư vấn về văn bằng bảo hộ

Một trong những Công ty Luật cung cấp dịch vụ pháp luật về bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ uy tín là Công ty Luật TNHH Ngọc Phú. Khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi, quý khách sẽ được hỗ trợ tận tình bởi các chuyên viên và Luật sư có trình độ chuyên môn cao và kinh nghiệm dày dặn. Quý khách sẽ được nghe ý kiến tư vấn về quy trình giải quyết các vấn đề về văn bằng bảo hộ. Kế đó, quý khách có thể đưa ra quyết định lựa chọn Luật sư của NPLaw bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp hoặc là người đại diện theo ủy quyền khi tham gia tố tụng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan