VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN THẨM QUYỀN QUYẾT ĐỊNH CHỦ TRƯƠNG ĐẦU TƯ

Ngày nay khi nói đến “Chủ trương đầu tư” thì đã không còn quá xa lạ với người dân cũng như sự phát triển nền kinh tế của nước ta. Ngày càng có nhiều chủ trương đầu tư được đặt ra để phát triển xã hội, đi kèm với nó là những quy định của pháp luật để điều chỉnh vấn đề này. Và một trong số những quy định pháp luật không thể không nói đến đó chính là “Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư trong và ngoài nước”. Vậy thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư là các cấp nào? Trong bài viết này hãy cùng NPLaw tìm hiểu và làm rõ về các vấn đề pháp lý liên quan đến thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư.

I. Luật mới về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

Thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư được quy định tại Luật Đầu tư công năm 2019, được sửa đổi, bổ sung bởi Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đầu tư công, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật đầu tư, luật nhà ở, luật đấu thầu, luật điện lực, luật doanh nghiệp, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật thi hành án dân sự quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án năm 2022.

II. Các cấp thẩm quyền quyết định chủ trương thuộc về ai

1. Khái niệm

Khoản 7 Điều 4 Luật đầu tư công năm 2019 quy định:  “Chủ trương đầu tư là quyết định của cấp có thẩm quyền về những nội dung chủ yếu của chương trình, dự án đầu tư, làm căn cứ để lập, trình và phê duyệt quyết định đầu tư chương trình, dự án đầu tư, quyết định phê duyệt báo cáo nghiên cứu khả thi dự án đầu tư công”.

2. Thông tin pháp lý

Căn cứ Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019 và khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của luật đầu tư công, luật đầu tư theo phương thức đối tác công tư, luật đầu tư, luật nhà ở, luật đấu thầu, luật điện lực, luật doanh nghiệp, luật thuế tiêu thụ đặc biệt và luật thi hành án dân sự quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án năm 2022, theo đó:

  • Quốc hội quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
    • Chương trình mục tiêu quốc gia;
    • Dự án quan trọng quốc gia.
  • Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình đầu tư công sử dụng vốn ngân sách trung ương, trừ chương trình mục tiêu quốc gia.
  • Chính phủ quy định việc phân cấp thẩm quyền, trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư đối với chương trình, dự án sử dụng vốn từ nguồn thu hợp pháp của các cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập dành để đầu tư phù hợp với quy định về quyền tự chủ tài chính của các cơ quan, đơn vị.

Trường hợp chương trình, dự án quy định tại khoản này có sử dụng nguồn vốn của ngân sách nhà nước thì thẩm quyền, trình tự, thủ tục thực hiện theo quy định của Luật đầu tư công năm 2019 đối với chương trình, dự án sử dụng vốn ngân sách nhà nước.

  • Thủ tướng Chính phủ quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án sau đây:
    • Dự án quy định tại khoản 1 Điều 8 của Luật đầu tư công năm 2019; dự án nhóm A khác sử dụng vốn ngân sách trung ương do Bộ, cơ quan trung ương quản lý;
    • Chương trình, dự án đầu tư nhóm A sử dụng vốn vay ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, trừ chương trình mục tiêu quốc gia, chương trình đầu tư công quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều 17 Luật Đầu tư công năm 2019 (được sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022)
    • Chương trình, dự án đầu tư sử dụng vốn ODA viện trợ không hoàn lại trong các trường hợp sau: chương trình, dự án nhóm A; chương trình, dự án kèm theo khung chính sách; chương trình, dự án trong lĩnh vực quốc phòng, an ninh, tôn giáo; chương trình tiếp cận theo ngành; mua sắm các loại hàng hóa thuộc diện phải được Thủ tướng Chính phủ cho phép; sự tham gia của Việt Nam vào các chương trình, dự án khu vực; (sửa đổi bởi điểm a khoản 1 Điều 1 Luật sửa đổi Luật Đầu tư công, Luật Đầu tư theo phương thức đối tác công tư, Luật Đầu tư, Luật Nhà ở, Luật Đấu thầu, Luật Điện lực, Luật Doanh nghiệp, Luật Thuế tiêu thụ đặc biệt và Luật Thi hành án dân sự 2022).
    • Dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư.
  • Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn đầu tư công do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019.

Người đứng đầu Bộ, cơ quan trung ương quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do cơ quan, tổ chức mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019.

  • Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ODA và vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật sử dụng vốn ODA, vốn vay ưu đãi của các nhà tài trợ nước ngoài để chuẩn bị dự án đầu tư do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019.

Chính phủ quy định trình tự, thủ tục quyết định chủ trương đầu tư dự án đầu tư, quyết định phê duyệt dự án hỗ trợ kỹ thuật quy định tại khoản 5 17 Luật đầu tư công năm 2019.

  • Hội đồng nhân dân cấp tỉnh quyết định chủ trương đầu tư dự án nhóm A do địa phương quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019.
  • Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương.

  • Trường hợp điều chỉnh chủ trương đầu tư chương trình, dự án, thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án thực hiện theo quy định tại khoản 1 Điều 34 của Luật đầu tư công năm 2019.

III. Những thắc mắc thường gặp về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư

1. Dự án đầu tư công nào sẽ do Hội đồng nhân dân cấp huyện, cấp xã có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư?

Căn cứ vào khoản 7 Điều 17 Luật đầu tư công năm 2019 quy định về thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án của hội đồng nhân dân các cấp, theo đó: 

“Hội đồng nhân dân các cấp quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều này.

Trong trường hợp cần thiết, Hội đồng nhân dân quyết định việc giao cho Ủy ban nhân dân cùng cấp quyết định chủ trương đầu tư dự án quy định tại khoản này phù hợp với mục tiêu, định hướng phát triển, khả năng tài chính và đặc điểm cụ thể của địa phương”.Như vậy, Hội đồng nhân dân các cấp (bao gồm cấp huyện và cấp xã) quyết định chủ trương đầu tư chương trình, dự án nhóm B, nhóm C sử dụng vốn ngân sách địa phương, bao gồm cả vốn bổ sung có mục tiêu từ ngân sách cấp trên, các nguồn vốn hợp pháp của địa phương thuộc cấp mình quản lý, trừ dự án quy định tại khoản 4 Điều 17.

2. Cấp nào có thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư ra nước ngoài

Căn cứ Điều 56 Luật Đầu tư 2020 quy định về chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài, theo đó: 

  • Quốc hội chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
    • Dự án đầu tư có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 20.000 tỷ đồng trở lên;
    • Dự án đầu tư có yêu cầu áp dụng cơ chế, chính sách đặc biệt cần được Quốc hội quyết định.
  • Trừ các dự án đầu tư đã nêu trên, Thủ tướng Chính phủ chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài đối với các dự án đầu tư sau đây:
    • Dự án đầu tư thuộc lĩnh vực ngân hàng, bảo hiểm, chứng khoán, báo chí, phát thanh, truyền hình, viễn thông có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 400 tỷ đồng trở lên;
    • Dự án đầu tư không thuộc trường hợp quy định tại điểm a khoản này có vốn đầu tư ra nước ngoài từ 800 tỷ đồng trở lên.
    • Các dự án đầu tư không thuộc trường hợp nêu trên không phải chấp thuận chủ trương đầu tư ra nước ngoài.

Trên đây là tư vấn của NPLaw đối với vấn đề thẩm quyền quyết định chủ trương đầu tư cũng như các tình huống thường gặp trên thực tế. Nếu có bất kỳ thắc mắc nào cần hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan