Tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn nước ngoài vốn là một trong những hình thức tranh chấp phức tạp trong các hình thức tranh chấp kinh doanh thương mại. Để giải quyết tốt nhất tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài, các bên tham gia phải nắm vững các quy định pháp luật cũng như linh hoạt cách thức xử lý và áp dụng. Nhằm hỗ trợ tốt hơn cho Quý bạn đọc, bằng bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý độc giả các thông tin pháp lý về tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Hiện nay, nền kinh tế Việt Nam đón nhận sự đầu tư mạnh mẽ từ các nhà đầu tư nước ngoài, kéo theo đó là sự tăng nhanh về số lượng cũng như quy mô của các công ty có vốn đầu tư nước ngoài. Cùng với đó, trong quá trình hoạt động, các công ty có vốn đầu tư nước ngoài và nhà đầu tư trong nước phát sinh nhiều dạng tranh chấp. Số lượng và tính chất các tranh chấp không ngừng tăng nhanh và phức tạp, đòi hỏi người làm luật cũng như bản thân các bên trong tranh chấp phải thật cẩn thận để có thể hướng đến bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho chính mình.
Khoản 20, khoản 21 và khoản 22 Điều 3 Luật Đầu tư năm 2020 giải thích các khái niệm như sau:
“20. Nhà đầu tư trong nước là cá nhân có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
21. Tổ chức kinh tế là tổ chức được thành lập và hoạt động theo quy định của pháp luật Việt Nam, gồm doanh nghiệp, hợp tác xã, liên hiệp hợp tác xã và tổ chức khác thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh .
22. Tổ chức kinh tế có vốn đầu tư nước ngoài là tổ chức kinh tế có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông”.
Căn cứ nội dung giải thích trên, có thể hiểu nhà đầu tư trong nước là cá nhân hoặc tổ chức kinh tế, trong đó cá nhân phải có quốc tịch Việt Nam, tổ chức kinh tế không có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Công ty có vốn đầu tư nước ngoài là công ty được thành lập và hoạt động theo pháp luật Việt Nam, có nhà đầu tư nước ngoài là thành viên hoặc cổ đông.
Tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài là một hình thức tranh chấp kinh doanh thương mại. Các dạng tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài đồng thời là các dạng tranh chấp kinh doanh thương mại, trong đó các dạng tranh chấp thường gặp nhất bao gồm:
Căn cứ khoản 1 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh như sau:
“1. Tranh chấp liên quan đến hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam được giải quyết thông qua thương lượng, hòa giải. Trường hợp không thương lượng, hòa giải được thì tranh chấp được giải quyết tại Trọng tài hoặc Tòa án theo quy định tại các khoản 2, 3 và 4 Điều này. …”
Theo đó, pháp luật quy định các phương thức giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài gồm: thương lượng, hòa giải, Trọng tài, Tòa án.
Khoản 5 Điều 4 Luật Đầu tư năm 2020 quy định như sau: “5. Đối với hợp đồng trong đó có ít nhất một bên tham gia là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư, các bên có thể thỏa thuận trong hợp đồng việc áp dụng pháp luật nước ngoài hoặc tập quán đầu tư quốc tế nếu thỏa thuận đó không trái với quy định của pháp luật Việt Nam”.
Điều 664 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“1. Pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam.
2. Trường hợp điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc luật Việt Nam có quy định các bên có quyền lựa chọn thì pháp luật áp dụng đối với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài được xác định theo lựa chọn của các bên.
3. Trường hợp không xác định được pháp luật áp dụng theo quy định tại khoản 1 và khoản 2 Điều này thì pháp luật áp dụng là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó”.
Như vậy, pháp luật áp dụng khi giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài là pháp luật do các bên thỏa thuận áp dụng không trái với quy định pháp luật Việt Nam hoặc pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với quan hệ dân sự có yếu tố nước ngoài đó.
Căn cứ điểm d, khoản 3 Điều 14 Luật Đầu tư năm 2020 quy định về giải quyết tranh chấp trong hoạt động đầu tư kinh doanh như sau:
“3. Tranh chấp giữa các nhà đầu tư trong đó có ít nhất một bên là nhà đầu tư nước ngoài hoặc tổ chức kinh tế quy định tại các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật này được giải quyết thông qua một trong những cơ quan, tổ chức sau đây:
a) Tòa án Việt Nam;
b) Trọng tài Việt Nam;
c) Trọng tài nước ngoài;
d) Trọng tài quốc tế;
đ) Trọng tài do các bên tranh chấp thỏa thuận thành lập”.
Trong đó, các điểm a, b và c khoản 1 Điều 23 của Luật Đầu tư năm 2020 được dẫn chiếu quy định như sau:
“a) Có nhà đầu tư nước ngoài nắm giữ trên 50% vốn điều lệ hoặc có đa số thành viên hợp danh là cá nhân nước ngoài đối với tổ chức kinh tế là công ty hợp danh;
b) Có tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ;
c) Có nhà đầu tư nước ngoài và tổ chức kinh tế quy định tại điểm a khoản này nắm giữ trên 50% vốn điều lệ”.
Khoản 1, khoản 2 Điều 683 Bộ luật Dân sự năm 2015 quy định như sau:
“1. Các bên trong quan hệ hợp đồng được thỏa thuận lựa chọn pháp luật áp dụng đối với hợp đồng, trừ trường hợp quy định tại các khoản 4, 5 và 6 Điều này. Trường hợp các bên không có thỏa thuận về pháp luật áp dụng thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng đó được áp dụng.
2. Pháp luật của nước sau đây được coi là pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng:
a) Pháp luật của nước nơi người bán cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng mua bán hàng hóa;
b) Pháp luật của nước nơi người cung cấp dịch vụ cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng dịch vụ;
c) Pháp luật của nước nơi người nhận quyền cư trú nếu là cá nhân hoặc nơi thành lập nếu là pháp nhân đối với hợp đồng chuyển giao quyền sử dụng hoặc chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ;
d) Pháp luật của nước nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc đối với hợp đồng lao động. Nếu người lao động thường xuyên thực hiện công việc tại nhiều nước khác nhau hoặc không xác định được nơi người lao động thường xuyên thực hiện công việc thì pháp luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với hợp đồng lao động là pháp luật của nước nơi người sử dụng lao động cư trú đối với cá nhân hoặc thành lập đối với pháp nhân;
đ) Pháp luật của nước nơi người tiêu dùng cư trú đối với hợp đồng tiêu dùng”.
Như vậy, trường hợp Hợp đồng không thỏa thuận chọn luật thì luật của nước có mối liên hệ gắn bó nhất với Hợp đồng được áp dụng để giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài.
Căn cứ quy định tại Luật Thi hành án dân sự năm 2008, đã được sửa đổi, bổ sung, nhận thấy quy trình, trình tự tiến hành thi hành án đối với bản án giải quyết tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài được thực hiện như sau:
Bước 01: Đương sự yêu cầu thi hành án dân sự. Việc yêu cầu này có thể chính đương sự hoặc người được đương sự ủy quyền thực hiện thông qua hình thức gửi văn bản yêu cầu hoặc yêu cầu bằng lời nói tại cơ quan thi hành án dân sự.
Trong một số trường hợp, yêu cầu thi hành án của đương sự không phải điều kiện bắt buộc để thi hành án.
Bước 02: Cơ quan thi hành án tiếp nhận và xem xét trả lời đơn yêu cầu thi hành án. Đơn yêu cầu thi hành án có thể bị từ chối nếu thuộc một trong các trường hợp sau:
a) Người yêu cầu không có quyền yêu cầu thi hành án hoặc nội dung yêu cầu không liên quan đến nội dung của bản án, quyết định; bản án, quyết định không làm phát sinh quyền, nghĩa vụ của các đương sự theo quy định của Luật này;
b) Cơ quan thi hành án dân sự được yêu cầu không có thẩm quyền thi hành án;
c) Hết thời hiệu yêu cầu thi hành án.
Bước 03: Thủ trưởng cơ quan thi hành án dân sự ra quyết định thi hành án khi có yêu cầu thi hành án, hoặc chủ động ra quyết định thi hành án trong một số trường hợp.
Việc chủ động ra quyết định thi hành án áp dụng đối với phần bản án, quyết định về Hình phạt tiền, truy thu tiền, tài sản thu lợi bất chính, án phí, lệ phí Tòa án; Trả lại tiền, tài sản cho đương sự; Tịch thu sung quỹ nhà nước, tịch thu tiêu hủy vật chứng, tài sản; các khoản thu khác cho Nhà nước; Thu hồi quyền sử dụng đất và tài sản khác thuộc diện sung quỹ nhà nước; Quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời; Quyết định của Tòa án giải quyết phá sản.
Để tìm hiểu thêm các thông tin pháp lý liên quan đến tranh chấp giữa nhà đầu tư trong nước và công ty có vốn đầu tư nước ngoài, Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng. Với kinh nghiệm hoạt động trong lĩnh vực pháp lý doanh nghiệp, giải quyết tranh chấp, NPLaw tin rằng sẽ cùng Quý Khách hàng đi đến kết quả tốt đẹp nhất, bảo vệ tốt nhất quyền và lợi ích hợp pháp cho Quý Khách hàng.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.com
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn