Xâm phạm tên thương mại bị xử lý như thế nào?

Tên thương mại là một đối tượng thuộc quyền sở hữu trí tuệ và quyền sở hữu tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó. Tuy nhiên, trên thực tế, xảy ra nhiều trường hợp xâm phạm đến quyền đối với tên thương mại. Để bảo vệ đối tượng này, pháp luật đã quy định các hành vi xâm phạm đối với tên thương mại. Vậy, hành vi nào được coi là xâm phạm tên thương mại? Mức xử phạt đối với các hành vi này như thế nào? Cùng NPLaw tìm hiểu trong bài viết dưới đây!

I. Hành vi nào được xem là xâm phạm tên thương mại?

Tên thương mại là tên gọi của tổ chức, cá nhân dùng trong hoạt động kinh doanh để phân biệt chủ thể kinh doanh mang tên gọi đó với chủ thể kinh doanh khác trong cùng lĩnh vực và khu vực kinh doanh. ( khoản 21 Điều 4 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005).

Quyền sở hữu công nghiệp đối với tên thương mại được xác lập trên cơ sở sử dụng hợp pháp tên thương mại đó (điểm b, khoản 3 Điều 6 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005). Điều kiện bảo hộ tên thương mại được quy định chi tiết tại Điều 76, Điều 77 và Điều 78 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005. 

Như vậy, các hành vi vi phạm điều kiện bảo hộ tên thương mại bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

Khoản 2 Điều 129 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 luật Sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

Theo đó, việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại tương tự như nhãn hiệu, dựa trên đánh giá ba yếu tố: 

- Dấu hiệu trùng hoặc tương tự gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; 

- Sản phẩm, dịch vụ trùng hay tương tự; 

- Gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó. 

Việc xác định hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại, phải tuân theo quy định tại Điều 5 và Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP( sửa đổi bổ sung 1 số điều bởi Nghị định 119/2010/NĐ-CP) và Điều 14 Thông tư 11/2015/TT-BKHCN về hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

II. Yếu tố nào xâm phạm quyền đối với tên thương mại?

Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được quy định tại Điều 13 Nghị định 105/2006/NĐ-CP như sau:

- Yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại được thể hiện dưới dạng chỉ dẫn thương mại gắn trên hàng hoá, bao bì hàng hoá, phương tiện dịch vụ, giấy tờ giao dịch, biển hiệu, phương tiện quảng cáo và các phương tiện kinh doanh khác, trùng hoặc tương tự tới mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ.

- Căn cứ để xem xét yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại là phạm vi bảo hộ tên thương mại được xác định trên cơ sở các chứng cứ thể hiện việc sử dụng tên thương mại đó một cách hợp pháp, trong đó xác định cụ thể về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh và sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại.

- Để xác định một dấu hiệu bị nghi ngờ có phải là yếu tố xâm phạm quyền đối với tên thương mại hay không, cần phải so sánh dấu hiệu đó với tên thương mại được bảo hộ và phải so sánh sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu đó với sản phẩm, dịch vụ thuộc phạm vi bảo hộ, dựa trên các căn cứ sau đây:

+ Dấu hiệu bị nghi ngờ trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thương mại được bảo hộ; trong đó một dấu hiệu bị coi là trùng với tên thương mại được bảo hộ nếu giống với tên thương mại về cấu tạo từ ngữ, kể cả cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái; một dấu hiệu bị coi là tương tự với tên thương mại được bảo hộ nếu tương tự về cấu tạo, cách phát âm, phiên âm đối với chữ cái, gây nhầm lẫn cho người tiêu dùng về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại được bảo hộ;

+ Sản phẩm, dịch vụ mang dấu hiệu bị nghi ngờ bị coi là trùng hoặc tương tự với sản phẩm, dịch vụ mang tên thương mại được bảo hộ nếu giống nhau hoặc tương tự nhau về bản chất, chức năng, công dụng và kênh tiêu thụ.

III. Mức phạt đối với hành vi xâm phạm tên thương mại?

Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm tên thương mại được quy định tại Điều 11 Nghị định 99/2013/NĐ-CP, sửa đổi, bổ sung bởi khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP như sau:

- Phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 500.000 đồng đến 2.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây vì mục đích kinh doanh trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm đến 3.000.000 đồng:

+ Buôn bán; chào hàng; vận chuyển, kể cả quá cảnh; tàng trữ; trưng bày để bán hàng hóa, dịch vụ xâm phạm quyền tên thương mại

+ Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại điểm a khoản này.

- Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 3.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 4.000.000 đồng đến 8.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 8.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 25.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 25.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 40.000.000 đồng đến 70.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 70.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 100.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 110.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 110.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 300.000.000 đồng đến 400.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 150.000.000 đồng đến 200.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm từ trên 400.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng.

- Phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này trong trường hợp giá trị hàng hóa vi phạm trên 500.000.000 đồng.

- Phạt tiền bằng 1,2 lần mức tiền phạt quy định từ khoản 1 đến khoản 12 Điều này nhưng không vượt quá 250.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:

+  Sản xuất bao gồm: Thiết kế, chế tạo, gia công, lắp ráp, chế biến, đóng gói hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối tên thương mại.

+ In, dán, đính, đúc, dập khuôn hoặc bằng hình thức khác tem, nhãn, vật phẩm khác mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại lên hàng hóa.

+ Nhập khẩu hàng hóa mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

+ Đặt hàng, giao việc, thuê người khác thực hiện hành vi quy định tại các Điểm a, b và c khoản này.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại quy định tại Khoản 1 và Khoản 13 Điều này trong trường hợp không có căn cứ xác định giá trị hàng hóa, dịch vụ vi phạm.

- Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi sử dụng dấu hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại trên biển hiệu, giấy tờ giao dịch kinh doanh, phương tiện kinh doanh, phương tiện dịch vụ, bao bì hàng hóa.

Như vậy, mức phạt tiền tối đa đối với các hành vi xâm phạm tên thương mại đối với cá nhân là 250.000.000 đồng. Đối với cùng một hành vi vi phạm hành chính thì mức phạt tiền đối với tổ chức gấp 02 lần mức phạt tiền đối với cá nhân. Mức phạt tiền tối đa đối với tổ chức là 500.000.000 đồng.

Ngoài ra, tổ chức, cá nhân vi phạm còn có thể bị áp dụng hình phạt bổ sung và  áp dụng biện pháp khắc phục hậu quả theo quy định tại điểm c, điểm d khoản 10 Điều 1 Nghị định 126/2021/NĐ-CP. 

IV. Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến xâm phạm tên thương mại

1. Đặt trùng tên với tên trung tâm dạy thêm đã có trước đó có xem là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại không?

Khoản 2 Điều 129 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

Theo đó, việc đặt tên trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho trung tâm dạy thêm là hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

2. Sử dụng tên thương mại trùng với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm có bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại không?

Khoản 2 Điều 129 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005 quy định:

“Mọi hành vi sử dụng chỉ dẫn thương mại trùng hoặc tương tự với tên thương mại của người khác đã được sử dụng trước cho cùng loại sản phẩm, dịch vụ hoặc cho sản phẩm, dịch vụ tương tự, gây nhầm lẫn về chủ thể kinh doanh, cơ sở kinh doanh, hoạt động kinh doanh dưới tên thương mại đó đều bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.”

Như vậy, việc sử dụng tên thương mại trùng với tên thương mại của người khác đã sử dụng trước đó cho cùng loại sản phẩm bị coi là xâm phạm quyền đối với tên thương mại.

3. Khi phát hiện bị xâm phạm tên thương mại cần làm gì?

Khi nhận thấy tên thương hiệu bị xâm phạm, cá nhân, tổ chức cần nhanh chóng tiến hành các biện pháp tự bảo vệ. Cá nhân, tổ chức nên xác minh thu thập chứng cứ về hàng hóa, dịch vụ mang dấu hiệu xâm phạm quyền đối với tên thương mại, thu thập thông tin về bên bị nghi ngờ, từ đó đưa ra phương án hữu hiệu nhất. Điều 198 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung tại điểm a, khoản 1 Điều 76 Luật số 07/2022/QH15 quy định: Chủ thể quyền sở hữu trí tuệ có quyền áp dụng các biện pháp sau đây để bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ của mình:

- Áp dụng biện pháp công nghệ bảo vệ quyền, đưa thông tin quản lý quyền hoặc áp dụng các biện pháp công nghệ khác nhằm ngăn ngừa hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ.( điểm a, khoản 1 Điều 76 Luật số 07/2022/QH15).

- Yêu cầu tổ chức, cá nhân có hành vi xâm phạm quyền sở hữu trí tuệ phải chấm dứt hành vi xâm phạm, gỡ bỏ và xóa nội dung vi phạm trên môi trường mạng viễn thông và mạng Internet, xin lỗi, cải chính công khai, bồi thường thiệt hại.( điểm a, khoản 1 Điều 76 Luật số 07/2022/QH15).

- Yêu cầu cơ quan nhà nước có thẩm quyền xử lý hành vi xâm phạm quyền đối với tên thương mại theo quy định của Luật Sở hữu trí tuệ và các quy định khác của pháp luật có liên quan.( Biện pháp hành chính quy định tại Điều 214 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung tại Điều 79 Luật số 07/2022/QH15).

-  Khởi kiện ra tòa án hoặc trọng tài để bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình.( Biện pháp dân sự theo quy định tại Điều 202 Văn bản hợp nhất 11/VBHN/VPQH 2022 Luật sở hữu trí tuệ 2005 và các quy định về khởi kiện tại Bộ luật Tố tụng dân sự 2015.)

V. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến xâm phạm tên thương mại

Trên đây là nội dung giải đáp, tư vấn của chúng tôi dành cho khách hàng về quy định của pháp luật về xâm phạm quyền đối với tên thương mại. Nếu còn vướng mắc hoặc cần sự hỗ trợ pháp lý khác quý khách vui lòng liên hệ thông tin dưới đây để có thể được giải đáp nhanh nhất.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan