Kinh doanh dịch vụ lữ hành bao gồm: lữ hành nội địa và lữ hành quốc tế. Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là ngành nghề kinh doanh có điều kiện. Vì vậy, khi kinh doanh trong lĩnh vực này thì tổ chức phải đáp ứng các điều kiện theo quy định và có Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Vậy muốn xin Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa thì phải đáp ứng điều kiện gì? Trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép được quy định ra sao? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.
Kinh doanh lữ hành nội địa phải đáp ứng điều kiện gì?
Theo quy định tại Điều 31 Luật Du lịch năm 2017 thì để kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, phải đáp ứng các điều kiện sau:
- Là doanh nghiệp được thành lập theo quy định của pháp luật về doanh nghiệp;
- Ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa tại ngân hàng;
- Người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành; trường hợp tốt nghiệp trung cấp trở lên chuyên ngành khác phải có chứng chỉ nghiệp vụ điều hành du lịch nội địa.

Phải đáp ứng điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa theo quy định
Theo quy định trên, người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành phải tốt nghiệp từ trung cấp trở lên chuyên ngành về lữ hành, các chuyên ngành đó bao gồm: Quản trị dịch vụ du lịch và lữ hành; Quản trị lữ hành; Điều hành tour du lịch; Marketing du lịch; Du lịch; Du lịch lữ hành; Quản lý và kinh doanh du lịch.
Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa bao gồm những tài liệu gì?
Để được cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa, doanh nghiệp phải đáp ứng các điều kiện theo quy định trên và có hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa. Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép bao gồm những tài liệu sau đây:
- Đơn đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa (Mẫu số 4 Phụ lục II ban hành kèm theo Thông tư số 06/2017/TT-BVHTTDL ngày 15 tháng 12 năm 2017);
- Bản sao có chứng thực Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp;
- Giấy chứng nhận ký quỹ kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực quyết định bổ nhiệm hoặc hợp đồng lao động giữa doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ lữ hành với người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Bản sao có chứng thực văn bằng, chứng chỉ của người phụ trách kinh doanh dịch vụ lữ hành.

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa cần những tài liệu gì?
Trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như thế nào?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 32 Luật Du lịch năm 2017 thì trình tự thủ tục xin cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:
- Doanh nghiệp đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa nộp 01 bộ hồ sơ đến cơ quan chuyên môn về du lịch cấp tỉnh, cụ thể là Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch nơi doanh nghiệp có trụ sở;
- Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ, Sở Du lịch/Sở Văn hóa, Thể thao và Du lịch/Sở Văn hóa, Thông tin, Thể thao và Du lịch thẩm định và cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa cho doanh nghiệp; trường hợp từ chối, phải thông báo bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Lệ phí cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là bao nhiêu?
Theo quy định tại Điều 4 Thông tư 33/2018/TT-BTC ngày 30 tháng 03 năm 2018 của Bộ Tài chính thì mức thu phí thẩm định cấp Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa được quy định như sau:
- Cấp mới: 3.000.000 đồng/giấy phép;
- Cấp đổi: 2.000.000 đồng/giấy phép;
- Cấp lại: 1.500.000 đồng/giấy phép.

Lệ phí cấp mới Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa là 3.000.000 đồng/giấy phép
Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa bị thu hồi trong các trường hợp nào?
Theo quy định tại khoản 1 Điều 36 Luật Du lịch năm 2017 thì Giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa sẽ bị thu hồi trong các trường hợp sau đây:
- Chấm dứt hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành, giải thể hoặc phá sản;
- Không đáp ứng một trong các điều kiện kinh doanh dịch vụ lữ hành quy định tại khoản 1 hoặc khoản 2 Điều 31 của Luật này;
- Không đổi giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành theo quy định tại khoản 1 Điều 35 của Luật này;
- Làm phương hại đến chủ quyền, lợi ích quốc gia, quốc phòng, an ninh;
- Lợi dụng hoạt động du lịch để đưa người từ Việt Nam ra nước ngoài hoặc từ nước ngoài vào Việt Nam trái pháp luật;
- Cho tổ chức, cá nhân khác sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành của doanh nghiệp để hoạt động kinh doanh;
- Không thực hiện đầy đủ nghĩa vụ quy định tại điểm i khoản 1 Điều 37 của Luật này, gây thiệt hại nghiêm trọng đến tính mạng, sức khỏe, tài sản của khách du lịch;
- Giả mạo hồ sơ đề nghị cấp, cấp đổi, cấp lại giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành.
Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không có giấy phép bị xử phạt như thế nào?
Theo quy định tại khoản 14 Điều 7 Nghị định 45/2019/NĐ-CP quy định xử phạt hành chính trong lĩnh vực du lịch thì hành vi kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa mà không có giấy phép kinh doanh sẽ bị xử phạt như sau:
14. Phạt tiền từ 90.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi đã thông báo tạm ngừng hoạt động;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền tước quyền sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Kinh doanh dịch vụ lữ hành sau khi bị cơ quan nhà nước có thẩm quyền đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành mà không có giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành;
- Sử dụng giấy phép kinh doanh dịch vụ lữ hành giả để hoạt động kinh doanh.

Kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa không có giấy phép có thể bị xử phạt lên đến 100 triệu đồng
Như vậy, đối với hành vi hoạt động kinh doanh dịch vụ lữ hành nội địa mà không có giấy phép thì doanh nghiệp sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính bằng hình thức phạt tiền với mức phạt tiền bình quân là 95.000.000 đồng.
Trên đây là toàn bộ nội dung tư vấn của Hãng Luật NPLaw về điều kiện, trình tự thủ tục, hồ sơ đề nghị cấp Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa theo quy định của pháp luật. Nếu quý khách có nhu cầu xin Giấy phép kinh doanh lữ hành nội địa xin hãy liên hệ ngay đến Hãng Luật NPLaw để được đội ngũ Luật sư, chuyên viên có nhiều năm kinh nghiệm trong việc xin cấp giấy phép tư vấn một cách chi tiết và thực hiện thủ tục một cách nhanh chóng. Hãng Luật NPLaw rất vinh hạnh khi có cơ hội được hợp tác cùng quý khách hàng. Trân trọng./.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn