Xử lý hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra

 

Theo quy định pháp luật, việc đảm bảo tính trung thực và khách quan trong các hoạt động điều tra là nguyên tắc cốt lõi trong phòng, chống tội phạm. Tuy nhiên, hiện nay vẫn tồn tại những trường hợp các cá nhân có thẩm quyền ép buộc cấp dưới thực hiện hành vi làm sai kết quả điều tra. Mời bạn đọc cùng theo dõi bài viết dưới đây để tìm hiểu thêm các quy định liên quan đến hành vi vi phạm này.

I. Thực trạng về ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra

Hành vi ép buộc cấp dưới trong công tác điều tra thường xuất hiện ở những tình huống áp lực từ cấp trên nhằm bảo vệ lợi ích nhóm hoặc che giấu sai phạm. Hành vi này không chỉ làm suy giảm niềm tin của công chúng vào hệ thống pháp luật mà còn tiềm ẩn nguy cơ làm sai lệch hoàn toàn bản chất của sự việc. Nhiều trường hợp, việc ép buộc cấp dưới làm sai lệch kết quả điều tra đã dẫn đến hậu quả nghiêm trọng như bỏ lọt tội phạm, kết án oan người vô tội, hoặc gây ra những xung đột pháp lý kéo dài.

II. Quy định pháp luật về ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra

1. Ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra là như thế nào?

Ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra được hiểu là hành vi sử dụng quyền lực, đe dọa hoặc lợi dụng mối quan hệ nhằm gây áp lực buộc cấp dưới thực hiện các hành động trái pháp luật hoặc trái đạo đức nghề nghiệp dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra vụ án, vụ việc theo quy định pháp luật.

2. Ép buộc cấp dưới làm sai lệch kết quả điều tra có bị coi là vi phạm pháp luật không?

Theo điểm e khoản 2 Điều 36 Quy định số 69-QĐ/TW, một trong những hành vi vi phạm quy định phòng, chống tội phạm gồm: “Chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xét đặc xá, giảm án không đúng quy định”.

Ngoài ra, hành vi này còn có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo Điều 375 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc.

Như vậy, việc ép buộc cấp dưới làm sai lệch kết quả điều tra là hành vi vi phạm pháp luật.

3. Việc ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra có thể dẫn đến những hậu quả pháp lý nào?

Việc ép buộc cấp dưới làm sai lệch kết quả điều tra có thể dẫn đến việc bị xử lý như sau:

  • Xử lý kỷ luật: theo điểm e khoản 2 Điều 36 Quy định số 69-QĐ/TW, hành vi chỉ đạo, ép buộc cấp dưới do mình trực tiếp phụ trách thực hiện sai quy định dẫn đến làm sai lệch kết quả điều tra, truy tố, xét xử, thi hành án hoặc xét đặc xá, giảm án không đúng quy định có thể bị xử lý kỷ luật bằng hình thức cảnh cáo hoặc cách chức (nếu có chức vụ) hoặc khai trừ, tùy theo tính chất, mức độ vi phạm.
  • Truy cứu trách nhiệm hình sự: người có hành vi vi phạm có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội làm sai lệch hồ sơ vụ án, vụ việc theo Điều 375 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017 với khung hình phạt cao nhất là phạt tù từ 10 năm đến 15 năm.

Ngoài ra, hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra gây thiệt hại cho tổ chức, cá nhân khác thì người vi phạm có nghĩa vụ phải bồi thường toàn bộ thiệt hại do hành vi vi phạm của mình gây ra cho theo quy định về dân sự.

III. Một số thắc mắc về ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra

1. Người bị ép buộc làm sai lệch kết quả điều tra có quyền và nghĩa vụ gì theo quy định của pháp luật?

Về nghĩa vụ: cán bộ, công chức khi bị ép buộc làm sai lệch kết quả điều tra có nghĩa vụ kịp thời báo cáo bằng văn bản với người ra quyết định; trường hợp người ra quyết định vẫn quyết định việc thi hành thì phải có văn bản và người thi hành phải chấp hành nhưng không chịu trách nhiệm về hậu quả của việc thi hành, đồng thời báo cáo cấp trên trực tiếp của người ra quyết định theo quy định tại khoản 5 Điều 9 Luật cán bộ, công chức 2008.

Về quyền: cán bộ, công chức được pháp luật bảo vệ khi thi hành công vụ theo khoản 5 Điều 11 Luật cán bộ, công chức 2008. Trường hợp bị buộc thực hiện hành vi trái luật thì có quyền tố giác hành vi vi phạm đến các cơ quan có thẩm quyền để được xem xét và bảo vệ.

2. Có thể tố giác hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra ở đâu và bằng cách nào?

Theo quy định hiện nay, cá nhân, tổ chức có thể tố giác hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra đến các cơ quan có thẩm quyền theo khoản 2 Điều 145 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 như sau:

  • Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố;
  • Cơ quan, tổ chức khác tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm.

Mọi tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố phải được tiếp nhận đầy đủ, giải quyết kịp thời. Cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tiếp nhận không được từ chối tiếp nhận tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố.

 

3. Các biện pháp bảo vệ trước hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra là gì?

Để bảo vệ mình trước hành vi ép buộc làm sai lệch kết quả điều tra, cấp dưới có thể áp dụng các biện pháp pháp lý như sau:

  • Lưu giữ các tài liệu, chứng cứ chứng minh việc bị ép buộc làm sai kết quả điều tra.
  • Báo cáo với cấp trên hoặc cơ quan có thẩm quyền: Khi phát hiện bị ép buộc, người bị ép buộc có quyền báo cáo trực tiếp sự việc đến cá nhân hoặc các cơ quan có thẩm quyền giải quyết.

Ngoài ra, các cá nhân, tổ chức liên quan có thể tham vấn ý kiến của luật sư hoặc chuyên gia pháp lý để hiểu rõ quyền, nghĩa vụ của mình và lựa chọn được phương án bảo vệ phù hợp.

4. Biết việc ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra nhưng không khai báo thì có được xem là đồng phạm không? Có bị xử lý không?

Theo khoản 1 Điều 17 Bộ luật hình sự 2015, sửa đổi, bổ sung 2017: “Đồng phạm là trường hợp có hai người trở lên cố ý cùng thực hiện một tội phạm”.

Như vậy, việc biết hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra nhưng không tố giác, báo cáo đến cơ quan có thẩm quyền thì không thuộc trường hợp là đồng phạm. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến vấn đề ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra

Trên đây là bài viết của NPLaw về xử lý hành vi ép buộc cấp dưới làm sai kết quả điều tra hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan