Xử lý như thế nào đối với trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam?

I. Tìm hiểu về người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam

Trong những năm gần đây, lượng người nước ngoài đến Việt Nam ngày càng tăng lên, với nhiều mục đích khác nhau như định cư, du lịch, công tác, hay tham gia các hoạt động kinh tế và thương mại. Phần lớn trong số họ đều thực hiện đúng các mục đích nhập cảnh và tuân thủ đầy đủ các quy định pháp luật của Việt Nam, góp phần vào việc thúc đẩy sự giao lưu văn hóa, kinh tế và hợp tác quốc tế. Tuy nhiên, bên cạnh những trường hợp tuân thủ pháp luật, vẫn có một số cá nhân nước ngoài khi nhập cảnh vào Việt Nam đã thực hiện những hành vi vi phạm pháp luật, có dấu hiệu cấu thành tội phạm theo quy định của Bộ luật Hình. Những hành của người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không chỉ ảnh hưởng trực tiếp đến trật tự xã hội trong nước mà còn có thể gây ra những phức tạp trong mối quan hệ ngoại giao giữa Việt Nam và các quốc gia khác. Do đó, vấn đề xử lý người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam đang trở thành một thách thức lớn, đòi hỏi sự phối hợp chặt chẽ giữa các cơ quan chức năng và sự áp dụng linh hoạt các quy định pháp lý để đảm bảo công bằng, bảo vệ lợi ích quốc gia và duy trì quan hệ tốt đẹp với cộng đồng quốc tế.

Tình hình người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam hiện nay

II. Quy định pháp luật về người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam

1. Thế nào là người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam?

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam được hiểu là cá nhân không phải công dân Việt Nam thực hiện các hành vi có dấu hiệu tội phạm đó là các hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật Hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự  thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,... tại Việt Nam. Khi người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam, họ có thể phải chịu các hình thức xử lý theo pháp luật Việt Nam, bao gồm điều tra, truy tố, xét xử và thi hành án. Trong một số trường hợp, nếu có hiệp định về dẫn độ giữa Việt Nam và quốc gia của người phạm tội, họ có thể bị yêu cầu chuyển về nước để đối mặt với các hình phạt của pháp luật nước mình.

2. Khi người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì xử lý như thế nào?

Căn cứ Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về Hiệu lực của Bộ luật Hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì: “Bộ luật Hình sự được áp dụng đối với mọi hành vi phạm tội thực hiện trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam.

Quy định này cũng được áp dụng đối với hành vi phạm tội hoặc hậu quả của hành vi phạm tội xảy ra trên tàu bay, tàu biển mang quốc tịch Việt Nam hoặc tại vùng đặc quyền kinh tế, thềm lục địa của Việt Nam.

Đối với người nước ngoài phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thuộc đối tượng được hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế, thì vấn đề trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc theo tập quán quốc tế đó; trường hợp điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của họ được giải quyết bằng con đường ngoại giao.”

Từ đó có thể thấy người nước nước ngoài phạm tội tại Việt Nam được xử lý cụ thể như sau:

  • Người phạm tội không thuộc đối tượng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự, khi này người nước ngoài phạm tội sẽ phải chịu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.
  • Người phạm tội thuộc đối tượng hưởng quyền miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế. Trong trường hợp này vấn đề trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết theo quy định của điều ước quốc tế hoặc tập quán quốc tế có liên quan. Nếu điều ước quốc tế đó không quy định hoặc không có tập quán quốc tế thì trách nhiệm hình sự của người phạm tội được giải quyết bằng con đường ngoại giao.

3. Các trường hợp người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước

Theo quy định tại Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007, người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước trong các trường hợp sau:

- Người có hành vi phạm tội mà Bộ luật hình sự Việt Nam và pháp luật hình sự của nước yêu cầu quy định hình phạt tù có thời hạn từ một năm trở lên, tù chung thân hoặc tử hình hoặc đã bị Tòa án của nước yêu cầu xử phạt tù mà thời hạn chấp hành hình phạt tù còn lại ít nhất sáu tháng.

Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam bị dẫn độ về nước trong trường hợp nào?

- Hành vi phạm tội của người nước ngoài không nhất thiết phải thuộc cùng một nhóm tội hoặc cùng một tội danh, các yếu tố cấu thành tội phạm không nhất thiết phải giống nhau theo quy định của pháp luật Việt Nam và pháp luật của nước yêu cầu dẫn độ.

- Trường hợp hành vi phạm tội của người nước ngoài xảy ra ngoài lãnh thổ của nước yêu cầu thì việc dẫn độ người phạm tội có thể được thực hiện nếu theo quy định của Bộ luật hình sự Việt Nam hành vi đó là hành vi phạm tội.

Tóm lại, khi thuộc các trường hợp nêu trên thì người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam sẽ bị dẫn độ về nước.

III. Một số thắc mắc về người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam

1. Trường hợp nào Việt Nam được từ chối dẫn độ người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam về nước?

Căn cứ Điều 35 Luật Tương trợ tư pháp 2007 quy định về từ chối dẫn độ nước ngoài thì Cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam từ chối dẫn độ người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam về nước nếu yêu cầu dẫn độ thuộc một trong các trường hợp sau:

  • Người bị yêu cầu dẫn độ là công dân Việt Nam.

- Theo quy định của pháp luật Việt Nam thì người bị yêu cầu dẫn độ không thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự hoặc chấp hành hình phạt do đã hết thời hiệu hoặc vì những lý do hợp pháp khác.

- Người bị yêu cầu dẫn độ để truy cứu trách nhiệm hình sự đã bị Tòa án của Việt Nam kết tội bằng bản án đã có hiệu lực pháp luật về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ hoặc vụ án đã bị đình chỉ theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự Việt Nam.

- Người bị yêu cầu dẫn độ là người đang cư trú ở Việt Nam vì lý do có khả năng bị truy bức ở nước yêu cầu dẫn độ do có sự phân biệt về chủng tộc, tôn giáo, giới tính, quốc tịch, dân tộc, thành phần xã hội hoặc quan điểm chính trị.

- Trường hợp yêu cầu dẫn độ có liên quan đến nhiều tội danh và mỗi tội danh đều có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật nước yêu cầu dẫn độ nhưng không đáp ứng các quy định tại khoản 1 Điều 33 Luật Tương trợ tư pháp 2007.

Ngoài những trường hợp từ chối dẫn độ trên, cơ quan tiến hành tố tụng có thẩm quyền của Việt Nam có thể từ chối dẫn độ nếu người bị yêu cầu dẫn độ đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự ở Việt Nam về hành vi phạm tội được nêu trong yêu cầu dẫn độ.

2. Nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì Việt Nam được xử lý không?

Căn cứ theo Điều 5 Bộ luật Hình sự 2015 quy định về hiệu lực của Bộ luật hình sự đối với những hành vi phạm tội trên lãnh thổ nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam thì nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam không thuộc các đối tượng được hưởng miễn trừ ngoại giao hoặc lãnh sự theo pháp luật Việt Nam, theo điều ước quốc tế mà Việt Nam là thành viên hoặc theo tập quán quốc tế thì hành vi phạm tội của họ sẽ bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam.

Do đó, nếu người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì Việt Nam vẫn được xử lý.

3. Khi người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì có được quyền mời luật sư bào chữa không?

Khi một người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam và bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của pháp luật Việt Nam thì họ hoàn toàn có quyền yêu cầu mời luật sư bào chữa để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của mình. Cụ thể Điều 16 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015 quy định về quyền bào chữa của người bị buộc tội. Theo đó, tất cả các cá nhân, bao gồm cả người nước ngoài, khi bị điều tra, truy tố hoặc xét xử vì hành vi phạm tội, đều có quyền yêu cầu sự hỗ trợ pháp lý từ  luật sư nhằm giúp họ đảm bảo quyền lợi trong suốt quá trình tố tụng.

Việc bảo vệ quyền lợi hợp pháp của người nước ngoài trong trường hợp bị truy cứu trách nhiệm hình sự là một yêu cầu thiết yếu để đảm bảo tính công bằng và minh bạch của hệ thống pháp lý Việt Nam. Vì vậy mà không chỉ công dân Việt Nam mà cả người nước ngoài khi phạm tội tại Việt Nam đều có thể mời luật sư bào chữa, không phân biệt quốc tịch hay nơi cư trú, miễn là họ tuân thủ các thủ tục và quy định pháp lý hiện hành. Quyền mời luật sư bào chữa này không chỉ giúp người bị buộc tội có cơ hội bảo vệ quyền lợi hợp pháp, mà còn góp phần đảm bảo rằng quá trình xét xử được thực hiện công minh, không có sự bất công đối với bất kỳ ai, bất kể là công dân trong nước hay người nước ngoài.

4. Người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam thì có bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú có hay không?

Theo khoản 1 Điều 123 Bộ luật Tố tụng Hình sự 2015, biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú là một biện pháp ngăn chặn có thể được áp dụng đối với bị can, bị cáo có nơi cư trú và lý lịch rõ ràng, nhằm bảo đảm sự có mặt của họ khi có yêu cầu của Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát hoặc Tòa án. Điều này cho thấy việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không phụ thuộc vào quốc tịch của người bị áp dụng biện pháp, mà dựa vào việc họ có nơi cư trú ổn định và lý lịch rõ ràng.

Vì vậy, việc áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú không phân biệt người đó là công dân Việt Nam hay người nước ngoài. Do đó, khi một người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam và có nơi cư trú cũng như lý lịch rõ ràng, họ vẫn có thể bị áp dụng biện pháp cấm đi khỏi nơi cư trú để đảm bảo sự có mặt của họ theo yêu cầu của các cơ quan chức năng.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam

Trên đây là những tư vấn của chúng tôi về người nước ngoài phạm tội tại Việt Nam. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú hân hạnh đồng hành cùng khách hàng trong việc giải quyết mọi vấn đề pháp lý. Hãy liên hệ với chúng tôi để được sử dụng dịch vụ tư vấn một cách tốt nhất nhé.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: Module 'mysqli' already loaded

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: