BẢO HIỂM NÔNG NGHIỆP – NHỮNG QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT NGƯỜI DÂN CẦN LƯU Ý

Trong những năm gần đây, nền nông nghiệp nước ta đang ngày càng phát triển. Tuy nhiên, nông nghiệp là ngành nghề dễ bị ảnh hưởng bởi nhiều trường hợp bất khả kháng như mưa, bão, sâu bệnh, lũ lụt... làm cho sản lượng của nông nghiệp không đạt được doanh thu như mong muốn, nhiều khi bị thua lỗ. Chính vì thế, để bảo vệ người làm nông nghiệp mà Nhà nước đã coi bảo hiểm nông nghiệp như là một bộ phận trong chiến lược phát triển nông thôn. Bảo hiểm nông nghiệp có nhiều lợi ích cho nông dân khi giúp giảm cú sốc sinh kế cho nông dân khi các sự kiện rủi ro lớn xảy ra. Vậy hiện nay, pháp luật có quy định như thế nào về hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp, hãy cùng NPLAW tìm hiểu thông qua bài viết sau đây. 

I. Hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp có tác dụng gì? Khi nào cần hợp đồng này?

Theo quy định tại khoản 3 Điều 3 Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì bảo hiểm nông nghiệp là loại hình bảo hiểm cho đối tượng sản xuất trong ngành nông nghiệp, lâm nghiệp, thủy sản, theo đó bên mua bảo hiểm đóng phí bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm bồi thường cho người được bảo hiểm khi xảy ra sự kiện bảo hiểm.

Khi tham gia hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp có tác dụng sau:

- Bù đắp thiệt hại khi bị thiên tai hoặc khi giá cả biến động bất lợi;

- Bảo hiểm nông nghiệp có thể bồi thường cho những nông dân khi xảy ra thiệt hại lớn về cây trồng, vật nuôi hoặc nuôi trồng thủy sản với các rủi ro cụ thể được quy định trong hợp đồng bảo hiểm. Khoản bồi thường này có thể giúp nông dân giải quyết được các nhu cầu hàng ngày như lương thực và thanh toán hóa đơn, khắc phục hậu quả làm ăn thua lỗ và thúc đẩy tái đầu tư để phục hồi sản xuất nhanh hơn. 

- Bảo hiểm giúp nông dân tiếp cận dễ dàng hơn với các khoản vay từ ngân hàng, cải thiện mối quan hệ với các doanh nghiệp nông nghiệp, thúc đẩy khuyến khích nông dân đầu tư vào sản xuất thông qua mở rộng quy mô, cải tiến kỹ thuật, ứng dụng khoa học công nghệ vào sản xuất. 

- Bảo hiểm giúp nông dân kinh doanh dễ dàng hơn. 

Bảo hiểm nông nghiệp được thực hiện theo nguyên tắc tự nguyện thỏa thuận, không giới hạn tổ chức, cá nhân tham gia bảo hiểm, đối tượng bảo hiểm, rủi ro được bảo hiểm và phạm vi địa bàn. 

II. Các nội dung chính trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

Theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì ngoài các nội dung theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm, bên mua bảo hiểm và doanh nghiệp bảo hiểm thỏa thuận cụ thể và ghi rõ tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp các nội dung sau:

- Tên, địa chỉ liên hệ của cá nhân và đơn vị trực thuộc của doanh nghiệp bảo hiểm chịu trách nhiệm giải quyết các vấn đề phát sinh liên quan đến việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp.

Các nội dung của hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

- Cách thức xác định số tiền bảo hiểm.

- Các trường hợp áp dụng mức miễn thường, giảm trừ số tiền bồi thường (nếu có).

- Công tác giám định tổn thất; cơ quan, tổ chức giám định tổn thất; chi phí giám định tổn thất.

- Xác định sự kiện bảo hiểm, căn cứ bồi thường; các trường hợp bồi thường căn cứ vào công bố hoặc xác nhận thiên tai, dịch bệnh của cơ quan, tổ chức có thẩm quyền; các trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, thỏa thuận cụ thể về các chỉ số có liên quan trực tiếp đến tổn thất của đối tượng bảo hiểm, cơ quan, tổ chức xác định mức độ chênh lệch chỉ số thực tế so với chỉ số được bảo hiểm; cách thức xác định số tiền bồi thường.

- Hình thức bồi thường; hồ sơ bồi thường (trong đó thỏa thuận cụ thể các tài liệu bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm có trách nhiệm cung cấp cho doanh nghiệp bảo hiểm); thời hạn bồi thường.

- Trách nhiệm của các bên trong công tác kiểm soát rủi ro, đề phòng, hạn chế tổn thất và phòng, chống gian lận bảo hiểm theo quy định tại Nghị định này.

- Trách nhiệm của bên mua bảo hiểm, người được bảo hiểm trong việc thực hiện đầy đủ quy trình, tiêu chuẩn kỹ thuật trong sản xuất nông nghiệp (nếu có).

III. Bồi thường bảo hiểm nông nghiệp như thế nào?

Căn cứ tại Điều 9 Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì bồi thường bảo hiểm nông nghiệp được quy định như sau:

- Khi xảy ra sự kiện bảo hiểm, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện giải quyết bồi thường theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp và quy định pháp luật.

- Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm phải trả cho người được bảo hiểm được xác định trên cơ sở giá thị trường của đối tượng bảo hiểm tại thời điểm, nơi xảy ra tổn thất và mức độ thiệt hại thực tế, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm. Trường hợp bảo hiểm theo chỉ số, doanh nghiệp bảo hiểm trả tiền bồi thường cho người được bảo hiểm dựa trên sự thay đổi của chỉ số thực tế so với chỉ số đã được thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm và quy định pháp luật.

- Số tiền bồi thường mà doanh nghiệp bảo hiểm trả cho người được bảo hiểm không vượt quá số tiền bảo hiểm, trừ trường hợp có thỏa thuận khác trong hợp đồng bảo hiểm.

IV. Giải quyết tranh chấp trong hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp

Khi xảy ra tranh chấp hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp thì việc giải quyết tranh chấp theo quy định tại Điều 10 Nghị định 58/2018/NĐ-CP, cụ thể như sau:

- Tranh chấp phát sinh trong việc thực hiện hợp đồng bảo hiểm nông nghiệp trước hết được giải quyết trên cơ sở thương lượng theo thỏa thuận tại hợp đồng bảo hiểm, quy định của Luật kinh doanh bảo hiểm và các quy định pháp luật có liên quan.

- Trường hợp không giải quyết được bằng thương lượng, các bên liên quan có quyền đưa vụ việc ra Tòa án có thẩm quyền tại Việt Nam để giải quyết theo quy định pháp luật.

V. Giải đáp một số thắc mắc liên quan đến bảo hiểm nông nghiệp

1. Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm không?

Theo quy định tại khoản 1 Điều 7 Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì Doanh nghiệp bảo hiểm có quyền thực hiện bảo hiểm nông nghiệp theo phương thức đồng bảo hiểm nhằm phân tán, chia sẻ rủi ro, đảm bảo an toàn tài chính, duy trì môi trường cạnh tranh lành mạnh.

2. Doanh nghiệp muốn tham gia nhận tái bảo hiểm phải đảm bảo yêu cầu gì?

Căn cứ theo quy định tại Điều 8 Nghị định 58/2018/NĐ-CP thì doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải đảm bảo các yêu cầu sau:

- Đối với trường hợp tái bảo hiểm trong nước, doanh nghiệp tham gia nhận tái bảo hiểm phải bảo đảm:

+ Đáp ứng các yêu cầu về vốn, biên khả năng thanh toán và tuân thủ các quy định về nhận tái bảo hiểm theo quy định tại Luật kinh doanh bảo hiểm và các văn bản hướng dẫn thi hành.

+ Có chương trình tái bảo hiểm nông nghiệp bảo đảm an toàn, hiệu quả và tuân thủ quy định pháp luật.

- Trường hợp tái bảo hiểm ra nước ngoài, doanh nghiệp bảo hiểm thực hiện theo quy định pháp luật về tái bảo hiểm ra nước ngoài.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan