Súng hơi thuộc súng săn, là một loại vũ khí mang tính chất nguy hiểm nếu sử dụng sai mục đích, không đúng cách. Do đó, để đảm bảo an toàn cho tính mạng và sức khỏe cộng đồng cần phải được cấp giấy phép sử dụng súng hơi thì mới có thể được sử dụng loại súng này. Vậy giấy phép sử dụng súng hơi là gì? Ai là người được cấp giấy phép sử dụng súng hơi?
Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng NPLaw tìm hiểu và làm rõ những vấn đề liên quan đến loại súng nêu trên.
Pháp luật hiện nay chỉ đưa ra quy định cấm hành vi tàng trữ, sử dụng trái phép đối với vũ khí (trong đó có súng hơi) tại Khoản 2 Điều 5 Luật Quản lý, sử dụng vũ khí, vật liệu nổ và công cụ hỗ trợ 2017 mà không có quy định đối tượng nào được phép sử dụng và cấp phép sử dụng súng hơi. Đối với những loại vũ khí khác như vũ khí thô sơ, vũ khí quân dụng,... thì chỉ những đối tượng thuộc Điều 18, Điều 24, Điều 55 Luật này mới được phép sử dụng khi đáp ứng các điều kiện cần thiết liên quan thì mới được trang bị. Tuy nhiên, theo quan điểm của tác giả thì xét một cách tổng thể đối với những loại vũ khí nói chung đều mang tính chất nguy hiểm, có ảnh hưởng đến tính mạng và sức khỏe của con người nếu sử dụng bừa bãi, không đúng nơi, đúng lúc. Điều này cũng đúng đối với súng hơi, vì nó cũng được xem là một loại vũ khí. Do đó, nếu được phép trang bị và sử dụng súng hơi thì đa phần chỉ là những đối tượng hoạt động trong các đơn vị mang tính chất đặc thù như công an, quân đội để nhằm mục đích an toàn xã hội, bảo vệ người dân. Ngoài ra, những đối tượng này cũng đã trải qua việc đào tạo, huấn luyện cách sử dụng thì mới được cấp giấy phép sử dụng súng hơi.
Căn cứ theo quy định của pháp luật hiện hành thì các cá nhân là công dân Việt Nam không thể thực hiện đăng ký xin cấp giấy phép sử dụng súng hơi cũng như trở thành chủ sở hữu của loại súng này được. Đây là hành vi trái pháp luật và nếu có hành vi tự ý mua, sử dụng súng săn thì sẽ bị xử lý theo quy định. Do đó, không thể thực hiện thủ tục xin cấp giấy phép sử dụng súng hơi.
Căn cứ theo quy định tại Điểm h Khoản 3 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP thì việc sử dụng súng hơi mà không có giấy phép sẽ bị phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng. Ngoài ra, còn phải chịu hình thức phạt bổ sung theo Điểm a Khoản 7 Điều 11 Nghị định này là bị tịch thu súng hơi.
Căn cứ theo quy định tại Điểm e Khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP thì việc kinh doanh online nhỏ lẻ, hoạt động thương mại một cách độc lập, thường xuyên nhằm mục đích sinh lợi thì không phải đăng ký kinh doanh. Hơn nữa, việc kinh doanh mặt hàng kính ngắm quang học cho súng hơi, mặt hàng này không thuộc danh mục hàng hóa dịch vụ cấm kinh doanh, hạn chế kinh doanh và kinh doanh có điều kiện nên hoàn toàn có thể tiến hành kinh doanh mà không cần phải đăng ký.
Căn cứ theo quy định tại Điểm d Khoản 2 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017 thì nếu sử dụng súng hơi làm chết 01 người trở lên sẽ bị phạt từ 01 đến 05 năm tù.
Đồng thời theo Khoản 3 Điều 306 Bộ luật này thì người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 50.000.000 đồng, phạt quản chế hoặc cấm cư trú từ 01 năm đến 05 năm.
Việc sử dụng súng hơi tự chế là vi phạm điều cấm của pháp luật, do đó sẽ bị xử lý tùy theo mức độ của hành vi.
Về hành chính, việc chế tạo và sử dụng súng hơi có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng theo quy định tại Điểm d Khoản 4 Điều 11 Nghị định 144/2021/NĐ-CP.
Về hình sự, nếu việc sử dụng súng hơi tự chế đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm, thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm theo quy định tại Khoản 1 Điều 306 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017. Ngoài ra, nếu việc phạm tội này có tổ chức thì mức phạt có thể nâng lên 01 đến 05 năm tù theo Khoản 2 Điều này.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn