Khoa học, công nghệ thông tin ngày càng phát triển, càng mang lại nhiều lợi ích cho cuộc sống. Tuy nhiên, mặt trái của nó là xuất hiện các tội phạm mới, điển hình là các tội phạm trên không gian mạng. Tình trạng bị quấy rối tình dục trên không gian mạng đang diễn ra khá là phổ biến và gây tác động tiêu cực đến xã hội. Đặc biệt là phụ nữ, trẻ em gái - là những nạn nhân chủ yếu của hành vi quấy rối tình dục trên mạng xã hội; họ càng cần được biết và hiểu rõ về hành vi này để tự bảo vệ mình.
Trong bài viết này, các vấn đề về quấy rối tình dục trên mạng xã hội sẽ được phân tích từ thực trạng đến nguyên nhân và mức phạt đối với hành vi quấy rối tình dục trên không gian mạng.
Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLAW tìm hiểu về quấy rối tình dục trên mạng xã hội nhé!
Tổ chức Plan International đấu tranh vì quyền lợi của trẻ em gái đã tiến hành khảo sát lấy ý kiến của 14.000 thiếu nữ và phụ nữ trẻ độ tuổi từ 15-25 tại 22 quốc gia, trong đó có Brazil, Ấn Độ, Nigeria, Tây Ban Nha, Thái Lan, Mỹ. Kết quả khảo sát cho thấy cứ 5 thiếu nữ và phụ nữ trẻ thì có 1 người từ bỏ hoặc ngừng sử dụng một nền tảng truyền thông xã hội sau khi bị quấy rối. Theo khảo sát, các vụ tấn công phổ biến nhất là trên Facebook với 39% thiếu nữ được hỏi cho biết đã bị quấy rối, tiếp đến là Instagram (23%), WhatsApp (14%), Snapchat (10%), Twitter (9%) và TikTok (6%). Gần 50% thiếu nữ cho biết họ bị đe dọa bạo lực thể chất hoặc tình dục.
Kết quả điều tra của UNICEF gần đây cho thấy, 74% trẻ em và trẻ vị thành niên ở Việt Nam tin rằng các em có nguy cơ bị xâm hại tình dục hoặc bị lợi dụng trên mạng. Một thực trạng đáng lo ngại là số tuổi của trẻ em bị xâm hại qua mạng ngày càng trẻ hoá. Vấn nạn quấy rối tình dục đã và đang gây bức xúc trong dư luận, nhưng số lượng nạn nhân bị quấy rối tình dục trên mạng xã hội vẫn tăng lên hàng ngày.
Quấy rối tình dục là là hành vi có tính chất tình dục gây ảnh hưởng tới nhân phẩm của nữ giới và nam giới, đây là hành vi không được chấp nhận, không mong muốn và không hợp lý làm xúc phạm đối với người nhận, và tạo ra môi trường làm việc bất ổn, đáng sợ, thù địch và khó chịu.
Quấy rối tình dục qua mạng được hiểu là hành vi tình dục có tác động tiêu cực đối với nạn nhân trên bất kỳ nền tảng kỹ thuật số nào (dù công khai hay riêng tư). Đây được công nhận là một hình thức của bạo lực tình dục.
Quấy rối tình dục được biểu hiện bằng hành vi và lời nói. Nó bao gồm:
- Quấy rối tình dục bằng hành vi mang tính thể chất như tiếp xúc, hay cố tình động chạm không mong muốn, sờ mó, vuốt ve, cấu véo, ôm ấp hay hôn cho tới tấn công tình dục, cưỡng dâm, hiếp dâm.
- Quấy rối tình dục bằng lời nói gồm các nhận xét không phù hợp về mặt xã hội, văn hóa và không được mong muốn, bằng những ngụ ý về tình dục như những truyện cười gợi ý về tình dục hay những nhận xét về trang phục hay cơ thể của một người nào đó khi có mặt họ hoặc hướng tới họ. Hình thức này còn bao gồm cả những lời đề nghị và những yêu cầu không mong muốn hay lời mời đi chơi mang tính cá nhân một cách liên tục.
- Quấy rối tình dục bằng hành vi phi lời nói gồm các hành động không được mong muốn như ngôn ngữ cơ thể khiêu khích, biểu hiện không đứng đắn, cái nhìn gợi tình, nháy mắt liên tục, các cử chỉ của các ngón tay. Hình thức này cũng bao gồm việc phô bày các tài liệu khiêu dâm, hình ảnh, vật, màn hình máy tính, các áp phích, thư điện tử, ghi chép, tin nhắn liên quan tới tình dục.
Dù ở bất kỳ xã hội nào, ở bất kỳ không gian nào thì phụ nữ và trẻ em gái vẫn được xem là nhóm đối tượng chịu nhiều thiệt thòi, dễ bị tổn thương và dễ bị lạm dụng. Phụ nữ là đối tượng thường bị quấy rối theo hướng tình dục nhiều hơn nam giới và chịu tổn thương nhiều hơn. Những kẻ có dụng tâm xấu, đặc biệt khi được tiếp tay bởi mạng xã hội với nhiều tính năng ẩn danh thì thường xuyên nhắn vào đối tượng nữ giới để quấy rối. Vì họ cho rằng các cô gái thường yếu đuối và ít phản kháng hoặc thường chọn im lặng thay vì đối đầu tìm ra chân tướng kẻ quấy rối mình. Những kẻ biến thái thường xuyên gửi những hình ảnh tục tĩu qua tin nhắn để quấy rối nhưng không phải bất kỳ người phụ nữ nào khi gặp tình trạng này cũng có thể dũng cảm công khai kẻ quấy rối ấy trên mạng xã hội.
Với sự phát triển của Internet, cùng với mạng xã hội, thanh, thiếu niên đã trở thành "công dân số" từ rất sớm. Việt Nam hiện có khoảng 68 triệu người dùng Internet, trong đó hơn 1/3 ở độ tuổi 15-24. Nạn nhân của việc quấy rối trên mạng hầu hết là các cô gái trẻ vì họ ít có cảnh giác và hầu như không có kiến thức để tự vệ trên không gian mạng.
Trên không gian mạng, những hành vi quấy rối thông thường có thể là những bình luận khiếm nhã bình phẩm về ngoại hình phụ nữ như “ngon”, gạ gẫm, tán tỉnh, chia sẻ hay gửi những hình ảnh, clip nhạy cảm, bị tung tin sai sự thật… Internet là ảo nhưng có thể để lại những tổn thương, những hậu quả thật với nạn nhân.
Kẻ lạm dụng chủ yếu thông qua các nền tảng mạng xã hội, sẽ tiếp cận, dụ dỗ, lôi kéo, thậm chí là ép buộc trẻ em tham gia vào các hành vi liên quan đến tình dục, bao gồm hiếp dâm, cưỡng dâm, giao cấu, dâm ô với trẻ em và lạm dụng trẻ em vào mục đích mại dâm, khiêu dâm dưới mọi hình thức.
Chúng thực hiện cách thức khá giống nhau như: bắt chuyện, làm quen, sau đó là lời nói thô tục và thậm chí gửi clip đồi truỵ
Theo quy định của pháp luật hiện hành, tùy theo tính chất, mức độ, hành vi quấy rối tính dục qua mạng có thể xử phạt hành chính hoặc truy cứu trách nhiệm hình sự. Về xử phạt hành chính, căn cứ điểm g khoản 3 Điều 102 Nghị định 15/NĐ-CP ngày 3/2/2020 của Chính phủ quy định xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực bưu chính, viễn thông, công nghệ thông tin và tần số vô tuyến điện: phạt tiền từ 10 triệu đồng đến 20 triệu đồng đối với một trong các hành vi cung cấp, trao đổi, truyền đưa hoặc lưu trữ, sử dụng thông tin số nhằm đe dọa, quấy rối, xuyên tạc, vu khống, xúc phạm uy tín của tổ chức, danh dự, nhân phẩm, uy tín của người khác.
Ngoài ra, hành vi quấy rối, làm phiền người khác có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về tội Làm nhục người khác (Điều 155 Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi bổ sung năm 2017) hoặc vu khống người khác (Điều 156 Bộ luật Hình sự). Theo đó, người nào xúc phạm nghiêm trọng nhân phẩm, danh dự của người khác thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm. Phạm tội 2 lần trở lên; sử dụng mạng máy tính hoặc mạng viễn thông, phương tiện điện tử để phạm tội thì bị phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm…
Hiện nay, pháp luật chưa có quy định về truy cứu trách nhiệm hình sự với hành vi quấy rối tình dục trên mạng xã hội. Tuy nhiên,nếu chứng minh được hành vi quấy rối tình dục đã xúc phạm nghiêm trọng đến nhân phẩm; danh dự người khác; thì người thực hiện hành vi này có thể bị xử lý hình sự về Tội làm nhục người khác theo Điều 155 Bộ luật Hình sự.
Để có thể giải quyết triệt để vấn đề này, bạn có thể yêu cầu người đó dừng hành vi đó lại bởi người đó đã vi phạm trực tiếp quyền nhân thân. Nếu người đó còn tiếp diễn thì bạn có thể chặn người này trên mạng xã hội và thu thập chứng cứ để tố cáo với cơ quan công an. Lúc này, cơ quan công an sẽ điều tra về người này và bạn sẽ bảo vệ được danh dự, nhân phẩm của mình.
Như vậy, tình trạng quấy rối tình dục trên mạng xã hội vẫn đang được tiếp diễn phổ biến, tiềm tàng nhiều nguy hại cho xã hội. Với thực trạng đó, rất có thể, trong tương lai, hành vi này sẽ được diễn ra với nhiều cách thức tinh vi hơn, mở rộng phạm vi nạn nhân hơn chứ nạn nhân không chỉ còn là phụ nữ và trẻ em gái nữa.
Quý khách có nhu cầu tư vấn, hỗ trợ pháp lý về các tội phạm có tính chất tương tự hành vi quấy rối tình dục trên mạng xã hội hãy liên hệ ngay đến Hãng luật NPLAW để được tư vấn tận tình và nhanh chóng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú - Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn