Đăng ký hộ kinh doanh là một thủ tục pháp lý phổ biến trên thực tế, nhưng không phải ai cũng có thể nắm rõ quy định về loại thủ tục này. Liệu rằng bạn đã biết điều kiện để được đăng ký hộ kinh doanh là gì chưa? Hay đăng ký hộ kinh doanh cần chuẩn bị những giấy tờ cần thiết nào? Và sau khi đăng ký hộ kinh doanh cần làm gì tiếp theo?
Để có thể đăng ký hộ kinh doanh thì cần phải đáp ứng được đầy đủ tất cả các điều kiện quy định tại khoản 1 Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, bao gồm:
- Ngành, nghề đăng ký kinh doanh không bị cấm đầu tư kinh doanh
- Tên của hộ kinh doanh được đặt theo đúng quy định tại Điều 88 Nghị định này
- Có hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh hợp lệ
- Nộp đủ lệ phí đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Như vậy, nếu muốn đăng ký hộ kinh doanh thì bắt buộc phải thỏa mãn cả bốn điều kiện nêu trên.
Căn cứ theo quy định tại khoản 2 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP để đăng ký hộ kinh doanh cần chuẩn bị những giấy tờ sau:
- Giấy đề nghị đăng ký hộ kinh doanh
- Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ hộ kinh doanh, thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao biên bản họp thành viên hộ gia đình về việc thành lập hộ kinh doanh trong trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh
- Bản sao văn bản ủy quyền của thành viên hộ gia đình cho một thành viên làm chủ hộ kinh doanh đối với trường hợp các thành viên hộ gia đình đăng ký hộ kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1, 2, 3 và 4 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, thủ tục tiến hành việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện theo trình tự như sau:
Bước 1: Chuẩn bị 01 bộ hồ sơ (bao gồm các loại giấy tờ được quy định tại khoản 2 như đã đề cập trước đó) và nộp hồ sơ này đến Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh.
Bước 2: Đợi cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện tiếp nhận và xử lý hồ sơ
- Trường hợp hồ sơ hợp lệ: Khi tiếp nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện trao Giấy biên nhận và cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh cho hộ kinh doanh trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ.
- Trường hợp hồ sơ không hợp lệ: Trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ, Cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết. Thông báo phải nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ (nếu có).
Bước 3: Khiếu nại, tố cáo. Bước này chỉ xảy ra nếu sau 03 ngày làm việc kể từ ngày nộp hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh mà không nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh hoặc không nhận được thông báo yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh hoặc hộ kinh doanh có quyền khiếu nại, tố cáo theo quy định của pháp luật về khiếu nại, tố cáo.
Như vậy, nếu đã đáp ứng các điều kiện để được đăng ký hộ kinh doanh thì người thành lập hộ kinh doanh có thể tiến hành thủ tục đăng ký hộ kinh doanh theo trình tự các bước nêu trên.
Xây nhà cho thuê là một hoạt động thương mại nhằm mục đích sinh lời, được tiến hành một cách độc lập, thường xuyên và có địa điểm cố định. Căn cứ theo khoản 1 Điều 3 Nghị định 39/2007/NĐ-CP, thì hoạt động này không nằm trong danh sách những hoạt động thương mại không phải đăng ký kinh doanh. Do đó, khi xây nhà cho thuê thì phải tiến hành đăng ký kinh doanh. Bạn có quyền lựa chọn thành lập doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh, nhưng nếu việc kinh doanh này có quy mô nhỏ nên chỉ cần tiến hành đăng ký dưới dạng hộ kinh doanh.
Căn cứ theo quy định tại khoản 1 Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì việc đăng ký hộ kinh doanh được thực hiện tại cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh. Bên cạnh đó, thì tại điểm b khoản 1 Điều 14 Nghị định này cũng quy định rõ cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc Ủy ban nhân dân cấp huyện.
Như vậy, có thể đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện là Phòng Tài chính – Kế hoạch thuộc UBND cấp huyện để xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh.
Sau khi đã đăng ký hộ kinh doanh và nhận được Giấy chứng nhận, hộ kinh doanh phải thực hiện một số công việc cần thiết như sau:
Thứ nhất, kiểm tra thông tin trên Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh: Theo quy định tại khoản 2 Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP thì Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh được cấp trên cơ sở thông tin trong hồ sơ đăng ký hộ kinh doanh do người thành lập hộ kinh doanh tự khai và tự chịu trách nhiệm. Do đó, sau khi nhận được Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh thì cần phải kiểm tra ngay thông tin. Nếu phát hiện nội dung ghi trên giấy chứng nhận không chính xác, có sự sai lệch so với hồ sơ đăng ký doanh nghiệp thì doanh nghiệp có quyền yêu cầu cơ quan có thẩm quyền đính chính nội dung trong Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh. Trường hợp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh đã chính xác, đầy đủ thông tin thì theo khoản 5 Điều 82 Nghị định 01/2021/NĐ-CP hộ kinh doanh có quyền yêu cầu cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện cấp bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh và nộp phí theo quy định.
Thứ hai, nộp hồ sơ đăng ký thuế: Căn cứ điểm i khoản 2 Điều 4 Thông tư 105/2020/TT-BTC thì hộ gia đình, cá nhân có hoạt động sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ, bao gồm cả cá nhân của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu (sau đây gọi là hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh) là đối tượng thực hiện đăng ký thuế trực tiếp với cơ quan thuế. Theo khoản 8 Điều 7 Thông tư 105/2020/TT-BTC thì hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh quy định tại Điểm i Khoản 2 Điều 4 Thông tư này cần nộp hồ sơ tại Chi cục Thuế, Chi cục Thuế khu vực nơi đặt địa điểm kinh doanh.
Hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này hoặc hồ sơ khai thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh theo quy định của pháp luật về quản lý thuế
- Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 ban hành kèm theo Thông tư này (nếu có)
- Bản sao Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh (nếu có).
- Bản sao thẻ căn cước công dân hoặc bản sao giấy chứng minh nhân dân còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam; bản sao hộ chiếu còn hiệu lực đối với cá nhân là người có quốc tịch nước ngoài hoặc cá nhân là người có quốc tịch Việt Nam sinh sống tại nước ngoài.
Hồ sơ đăng ký thuế của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh của các nước có chung đường biên giới đất liền với Việt Nam thực hiện hoạt động mua, bán, trao đổi hàng hóa tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong khu kinh tế cửa khẩu, gồm:
- Tờ khai đăng ký thuế mẫu số 03-ĐK-TCT ban hành kèm theo Thông tư này
- Bảng kê cửa hàng, cửa hiệu phụ thuộc mẫu số 03-ĐK-TCT-BK01 (nếu có).
- Bản sao các giấy tờ theo quy định tại Khoản 1 Điều 2 Thông tư số 218/2015/TT-BTC ngày 31/12/2015 của Bộ Tài chính hướng dẫn chính sách và quản lý thuế đối với thương nhân thực hiện hoạt động mua bán, trao đổi hàng hoá tại chợ biên giới, chợ cửa khẩu, chợ trong Khu kinh tế cửa khẩu theo Quyết định số 52/2015/QĐ-TTg ngày 20/10/2015 của Thủ tướng Chính phủ bao gồm: Giấy chứng minh thư biên giới, giấy thông hành xuất nhập cảnh vùng biên giới, hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị xuất nhập cảnh khác được cấp theo quy định của pháp luật của nước có chung biên giới và được cơ quan có thẩm quyền của Việt Nam cấp Giấy chứng nhận đăng ký hộ kinh doanh theo quy định.
Việc đăng ký hộ kinh doanh không hề khó, chỉ cần chuẩn bị đầy đủ các giấy tờ cần thiết như đã nêu trên và đến cơ quan đăng ký kinh doanh cấp huyện, nơi đặt trụ sở hộ kinh doanh để nộp hồ sơ. Khi thực hiện đúng theo trình tự và đảm bảo chính xác thông tin trên giấy tờ thì sẽ được cơ quan cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hộ trong vòng 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ. Nếu có sai sót thì cơ quan đăng ký cũng sẽ thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ hoặc người thành lập hộ kinh doanh biết trong thời hạn 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được hồ sơ. Nếu rơi vào trường hợp này thì bạn cũng dễ dàng chỉnh sửa lại hồ sơ sao cho hợp lệ bởi trong thông báo trên có nêu rõ lý do và các yêu cầu sửa đổi, bổ sung hồ sơ. Sau 03 ngày làm việc, nếu bạn vẫn chưa nhận được phản hồi và cũng chưa nhận được giấy đăng ký kinh doanh thì bạn hãy khiếu nại, tố cáo.
Trên đây là toàn bộ phần tư vấn của NPLaw về đăng ký hộ kinh doanh. Nếu bạn đang có những vướng mắc đối với thủ tục pháp lý liên quan đến đăng ký hộ kinh doanh. Hoặc đang muốn đăng ký hộ kinh doanh nhưng không thể hoặc không có nhiều thời gian để thực hiện thì quý khách hàng có thể liên hệ với NPLaw cung cấp dịch vụ tư vấn và đăng ký hộ kinh doanh, đồng thời hỗ trợ giải quyết mọi vấn đề pháp lý một cách nhanh chóng và chính xác nhất cho quý khách hàng.
Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn