Đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài cần lưu ý những gì?

Khi mở rộng hoạt động kinh doanh, nhiều doanh nghiệp lựa chọn đặt tên chi nhánh bằng tiếng nước ngoài để tạo dấu ấn thương hiệu và tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, việc đặt tên chi nhánh bằng tiếng nước ngoài cần tuân thủ các quy định pháp luật nhằm đảm bảo tính hợp pháp và tránh những rắc rối không đáng có. 

Trong bài viết này, NPLAW sẽ tư vấn các quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài. 

I. Tìm hiểu về đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài

Tên chi nhánh của doanh nghiệp là một yếu tố quan trọng giúp phân định rõ các chi nhánh cũng như thuận tiện trong quá trình giao dịch, trong hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp. 

Việc đặt tên chi nhánh bằng tiếng nước ngoài giúp doanh nghiệp nâng cao uy tín và tiếp cận thị trường quốc tế. Tuy nhiên, để đảm bảo hợp pháp và tránh rủi ro, doanh nghiệp cần tuân thủ các quy định về tên gọi, đăng ký và sử dụng đúng pháp luật. Trước khi đặt tên, doanh nghiệp nên kiểm tra kỹ lưỡng và tham khảo ý kiến chuyên gia pháp lý nếu cần thiết.

II. Quy định pháp luật về đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài

1. Hiểu thế nào về đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài?

Theo khoản 1 Điều 44 Luật Doanh nghiệp 2020 thì chi nhánh là đơn vị phụ thuộc của doanh nghiệp, có nhiệm vụ thực hiện toàn bộ hoặc một phần chức năng của doanh nghiệp, bao gồm cả chức năng đại diện theo ủy quyền. Ngành, nghề kinh doanh của chi nhánh phải đúng với ngành, nghề kinh doanh của doanh nghiệp.

Đặt tên chi nhánh bằng tiếng nước ngoài được hiểu là việc doanh nghiệp sử dụng một ngôn ngữ khác ngoài tiếng Việt để đặt tên cho chi nhánh của mình khi đăng ký hoạt động.

2. Có được đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài không?

Căn cứ khoản 2 Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký tên chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh như sau:

“2. Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh, văn phòng đại diện, địa điểm kinh doanh của doanh nghiệp có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài”.

Như vậy, các doanh nghiệp có thể đăng ký tên chi nhánh của mình bằng tiếng nước ngoài thuộc hệ chữ La-tinh và không thể đặt tên nước ngoài không sử dụng hệ chữ La-tinh như Trung Quốc, Nhật Bản, Hàn Quốc...

3. Khi đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài, cần đáp ứng điều kiện gì?

Căn cứ Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP quy định về việc đăng ký tên chi nhánh, cần lưu ý: 

  • Tên chi nhánh phải được viết bằng các chữ cái trong bảng chữ cái tiếng Việt, các chữ cái F, J, Z, W, chữ số và các ký hiệu.
  • Tên chi nhánh phải bao gồm tên doanh nghiệp kèm theo cụm từ “Chi nhánh”.
  • Ngoài tên bằng tiếng Việt, chi nhánh có thể đăng ký tên bằng tiếng nước ngoài và tên viết tắt. Tên bằng tiếng nước ngoài là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. 
  • Phần tên riêng trong tên chi nhánh không được sử dụng cụm từ “công ty”, “doanh nghiệp”.
  • Tên chi nhánh được in hoặc viết với khổ chữ nhỏ hơn tên tiếng Việt của doanh nghiệp trên các giấy tờ giao dịch, hồ sơ tài liệu và ấn phẩm do chi nhánh phát hành.
  • Đối với những doanh nghiệp 100% vốn nhà nước khi chuyển thành đơn vị hạch toán phụ thuộc do yêu cầu tổ chức lại thì được phép giữ nguyên tên doanh nghiệp nhà nước trước khi tổ chức lại.

III. Một số thắc mắc về đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài

1. Thủ tục đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài được thực hiện thế nào?

Bước 1: Chuẩn bị tên gọi chi nhánh

Tên bằng tiếng nước ngoài của chi nhánh là tên được dịch từ tên tiếng Việt sang một trong những tiếng nước ngoài hệ chữ La-tinh. Tên viết tắt được viết tắt từ tên tiếng Việt hoặc tên bằng tiếng nước ngoài.

Bước 2: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký chi nhánh

Căn cứ khoản 1 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hồ sơ đăng ký chi nhánh bao gồm:

- Với công ty trách nhiệm hữu hạn (TNHH) 1 thành viên: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định của chủ sở hữu công ty TNHH 1 thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).

- Với công ty TNHH 2 thành viên trở lên: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).

- Với công ty cổ phần: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng quản trị (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).

- Với công ty hợp danh: Thông báo thành lập chi nhánh; nghị quyết, quyết định, biên bản họp của Hội đồng thành viên (bản sao); giấy tờ pháp lý của người đứng đầu (bản sao - Chứng minh nhân dân/Căn cước công dân/hộ chiếu còn hạn…).

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký chi nhánh

Hiện để thực hiện thủ tục đăng ký thành lập chi nhánh công ty, có hai hình thức:

- Đăng ký trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện qua Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt chi nhánh.

- Đăng ký online qua Cổng thông tin đăng ký doanh nghiệp quốc gia bằng chữ ký số công cộng hoặc tài khoản đăng ký kinh doanh.

Bước 4: Cơ quan có thẩm quyền xử lý hồ sơ

Căn cứ khoản 3 Điều 31 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, Phòng Đăng ký kinh doanh - Sở Kế hoạch và Đầu tư là cơ quan giải quyết việc đăng ký thành lập chi nhánh là 03 ngày làm việc.

2. Có giới hạn nào về độ dài hoặc cấu trúc khi đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài không?

Theo quy định tại Điều 40 Luật Doanh nghiệp 2020 và Điều 20 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, không có quy định cụ thể về giới hạn độ dài và cấu trúc của tên chi nhánh công ty. Tuy nhiên, tên chi nhánh cần phải đảm bảo rõ ràng, dễ nhận diện và không quá dài để tránh gây nhầm lẫn trong các giao dịch và tài liệu pháp lý. Để đảm bảo tính khả dụng và tiện lợi trong sử dụng, tên chi nhánh nên được tối giản và dễ nhớ.

3. Cơ quan nào có thẩm quyền xem xét và phê duyệt thủ tục đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài?

Theo khoản 2 Điều 45 Luật Doanh nghiệp 2020, Cơ quan đăng ký kinh doanh nơi doanh nghiệp đặt chi nhánh là cơ quan có thẩm quyền xem xét và phê duyệt thủ tục đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài khi nộp hồ sơ đăng ký chi nhánh. 

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề đặt tên chi nhánh là tiếng nước ngoài. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác, hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan