Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản dựa trên những tiêu chí nào?

Ngày nay, việc tổ chức các buổi đấu giá tài sản ngày càng nhiều và để đảm bảo tính khách quan, công khai, minh bạch thì tổ chức đấu giá tài sản được thành lập để đáp ứng nhu cầu. Vậy tổ chức đấu giá tài sản bao gồm những tổ chức nào? Được pháp luật quy định như thế nào? Hãy cùng NPLAW tìm hiểu nhé.

I. Lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản dựa trên các tiêu chí nào?

Căn cứ quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTP, phụ lục I ban hành kèm theo Thông tư số 02/2022/TT-BTP các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản được phân theo nhóm như sau:

1. Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá.

- Cơ sở vật chất bảo đảm cho việc đấu giá:

+ Có trụ sở ổn định, địa chỉ rõ ràng kèm theo thông tin liên hệ (số điện thoại, fax, địa chỉ thư điện tử...)

+ Địa điểm bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá được bố trí ở vị trí công khai, thuận tiện

- Trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá

+ Có máy in, máy vi tính, máy chiếu, thùng đựng phiếu trả giá bảo đảm an toàn, bảo mật và các phương tiện khác bảo đảm cho việc đấu giá

+ Có hệ thống camera giám sát hoặc thiết bị ghi hình tại nơi bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá; nơi tổ chức cuộc đấu giá

- Có trang thông tin điện tử đang hoạt động

- Đã được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt đủ điều kiện thực hiện hình thức đấu giá trực tuyến

- Có nơi lưu trữ hồ sơ đấu giá

2. Nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.

- Phương án đấu giá đề xuất việc tổ chức đấu giá đúng quy định của pháp luật, bảo đảm tính công khai, minh bạch, khách quan

- Phương án đấu giá đề xuất thời gian, địa điểm bán, tiếp nhận hồ sơ tham gia đấu giá, địa điểm tổ chức cuộc đấu giá, buổi công bố giá thuận lợi cho người tham gia đấu giá; hình thức đấu giá, bước giá, số vòng đấu giá có tính khả thi và hiệu quả cao

- Phương án đấu giá đề xuất cách thức bảo mật thông tin, chống thông đồng, dìm giá

- Phương án đấu giá đề xuất thêm các địa điểm, hình thức niêm yết, thông báo công khai khác nhằm tăng mức độ phổ biến thông tin đấu giá

- Phương án đấu giá đề xuất giải pháp bảo đảm an toàn, an ninh trật tự cho việc tổ chức thực hiện đấu giá

- Phương án đấu giá đề xuất các giải pháp giải quyết các tình huống phát sinh trong quá trình tổ chức thực hiện việc đấu giá

3. Nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản.

- Trong năm trước liền kề đã thực hiện hợp đồng dịch vụ đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá (Tổ chức đấu giá tài sản liệt kê tất cả các cuộc đấu giá tài sản đã thực hiện. Người có tài sản không yêu cầu nộp bản chính hoặc bản sao hợp đồng

- Trong năm trước liền kề đã tổ chức đấu giá thành các cuộc đấu giá cùng loại tài sản với tài sản dự kiến đưa ra đấu giá có mức chênh lệch trung bình giữa giá trúng đấu giá so với giá khởi điểm (Tổ chức đấu giá tài sản liệt kê tất cả các cuộc đấu giá tài sản đã thực hiện. Người có tài sản không yêu cầu nộp bản chính hoặc bản sao hợp đồng)

- Thời gian hoạt động trong lĩnh vực đấu giá tài sản tính từ thời điểm có Quyết định thành lập hoặc được cấp Giấy đăng ký hoạt động (Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh đối với doanh nghiệp đấu giá tài sản được thành lập trước ngày Luật Đấu giá tài sản có hiệu lực)

- Số lượng đấu giá viên của tổ chức đấu giá tài sản

- Kinh nghiệm hành nghề của đấu giá viên của tổ chức đấu giá tài sản (Tính từ thời điểm được cấp Thẻ đấu giá viên theo Nghị định số 05/2005/NĐ-CP ngày 18/01/2005 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản hoặc đăng ký danh sách đấu giá viên tại Sở Tư pháp theo Nghị định số 17/2010/NĐ-CP ngày 04/3/2010 của Chính phủ về bán đấu giá tài sản hoặc Thẻ đấu giá viên theo Luật Đấu giá tài sản)

- Nộp thuế thu nhập doanh nghiệp hoặc đóng góp vào ngân sách Nhà nước trong năm trước liền kề, trừ thuế giá trị gia tăng.

- Đội ngũ nhân viên làm việc theo hợp đồng lao động

- Có người tập sự hành nghề trong tổ chức đấu giá tài sản trong năm trước liền kề hoặc năm nộp hồ sơ đăng ký tham gia lựa chọn

4. Nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp.

- Bằng mức thù lao dịch vụ đấu giá theo quy định của Bộ Tài chính

- Giảm dưới 20% mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá (không áp dụng đối với mức thù lao phần trăm trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm theo quy định của Bộ Tài chính)

- Giảm từ 20% trở lên mức tối đa thù lao dịch vụ đấu giá (không áp dụng đối với mức thù lao phần trăm trên phần chênh lệch giá trị tài sản theo giá trúng đấu giá với giá khởi điểm theo quy định của Bộ Tài chính)

5. Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

- Có tên trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố

- Không có tên trong danh sách tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố

6. Nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

Trên đây là các tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản.

II. Có những tổ chức đấu giá tài sản nào theo quy định hiện nay?

Tổ chức bán đấu giá tài sản có hai loại: Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản và doanh nghiệp đấu giá tài sản.

- Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đơn vị sự nghiệp công lập thuộc Sở Tư pháp, có trụ sở, con dấu và tài khoản riêng. Giám đốc Trung tâm dịch vụ đấu giá tài sản là đấu giá viên. Được thành lập do quyết định của Ủy ban nhân dân cấp tỉnh.

- Doanh nghiệp đấu giá tài sản: sẽ được thành lập, tổ chức và hoạt động dưới hình thức doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh theo quy định của Luật đấu giá tài sản 2016 và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Cơ sở pháp lý: khoản 12 Điều 5, Điều 22, khoản 1 Điều 23 Luật đấu giá tài sản 2016.

1. Tổ chức đấu giá tài sản không được thực hiện những hành vi nào?

Để đảm bảo tính hợp pháp, tổ chức đấu giá tài sản không được thực hiện các hành vi sau đây:

- Cho tổ chức khác sử dụng tên, Giấy đăng ký hoạt động của tổ chức mình để hành nghề đấu giá tài sản;

- Tổ chức đấu giá có hành vi thông đồng, móc nối với người có tài sản đấu giá, người tham gia đấu giá, tổ chức thẩm định giá, tổ chức giám định tài sản đấu giá, cá nhân, tổ chức khác để làm sai lệch thông tin tài sản đấu giá, dìm giá, làm sai lệch hồ sơ đấu giá hoặc kết quả đấu giá tài sản;

- Gây khó khăn, cản trở người tham gia đấu giá trong việc đăng ký tham gia đấu giá, tham gia cuộc đấu giá;

- Vì mục đích trục lợi mà để lộ thông tin về người đăng ký tham gia đấu giá;

- Ngoài thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo quy định của pháp luật, chi phí dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá theo thỏa thuận thì tổ chức đấu giá không được nhận bất kỳ một khoản tiền, tài sản hoặc lợi ích nào khác từ người có tài sản đấu giá;

- Các hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của luật có liên quan.

Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 9 Luật đấu giá tài sản 2016.

III. Quy định về quyền và nghĩa vụ của tổ chức đấu giá tài sản

1. Tổ chức đấu giá tài sản có các quyền 

- Cung cấp dịch vụ đấu giá tài sản;

- Tuyển dụng đấu giá viên làm việc cho tổ chức theo quy định của pháp luật;

- Yêu cầu người có tài sản đấu giá cung cấp đầy đủ, chính xác thông tin, giấy tờ có liên quan đến tài sản đấu giá;

- Tổ chức đấu giá tài sản sẽ nhận được thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản;

- Cử đấu giá viên điều hành cuộc đấu giá;

- Theo thỏa thuận các bên mà tổ chức đấu giá sẽ thực hiện dịch vụ làm thủ tục chuyển quyền sở hữu, quyền sử dụng tài sản, quản lý tài sản và dịch vụ khác liên quan đến tài sản đấu giá;

- Theo ủy quyền của người có tài sản đấu giá mà tổ chức đấu giá xác định giá khởi điểm khi bán đấu giá tài sản mà thuộc sở hữu của cá nhân, tổ chức tự nguyện lựa chọn bán thông qua đấu giá;

- Phân công đấu giá viên hướng dẫn người tập sự hành nghề đấu giá;

- Có quyền đơn phương chấm dứt, hủy bỏ hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản hoặc yêu cầu Tòa án tuyên bố hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản vô hiệu theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định của Luật đấu giá tài sản 2016;

- Các quyền khác theo quy định của pháp luật.

2. Tổ chức đấu giá tài sản có các nghĩa vụ

- Đảm bảo đấu giá tài sản được thực hiện theo nguyên tắc, trình tự, thủ tục quy định tại Luật đấu giá tài sản 2016 và chịu trách nhiệm về kết quả đấu giá tài sản;

- Ban hành Quy chế cuộc đấu giá;

- Tổ chức cuộc đấu giá liên tục theo đúng thời gian, địa điểm đã thông báo, trừ trường hợp bất khả kháng;

- Yêu cầu người có tài sản đấu giá giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá; trường hợp được người có tài sản đấu giá giao bảo quản hoặc quản lý thì giao tài sản và các giấy tờ liên quan đến tài sản đấu giá cho người mua được tài sản đấu giá;

- Bồi thường thiệt hại khi thực hiện đấu giá theo quy định của pháp luật;

- Thực hiện nghĩa vụ theo hợp đồng dịch vụ đấu giá tài sản mà các bên đã giao kết;

- Lập Sổ theo dõi tài sản đấu giá, Sổ đăng ký đấu giá;

- Đề nghị Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở cấp, thu hồi Thẻ đấu giá viên;

- Mua bảo hiểm trách nhiệm nghề nghiệp cho đấu giá viên của tổ chức;

- Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở danh sách đấu giá viên đang hành nghề, người tập sự hành nghề đấu giá tại tổ chức;

- Báo cáo Sở Tư pháp nơi tổ chức có trụ sở về tổ chức, hoạt động hàng năm hoặc trong trường hợp đột xuất theo yêu cầu; đối với doanh nghiệp có chi nhánh thì còn phải báo cáo Sở Tư pháp nơi chi nhánh của doanh nghiệp đăng ký hoạt động;

- Chấp hành các yêu cầu của cơ quan nhà nước có thẩm quyền về việc kiểm tra, thanh tra;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

Cơ sở pháp lý: Điều 24 Luật đấu giá tài sản 2016.

IV. Có thể tổ chức đấu giá tài sản thông qua hình thức đấu giá trực tuyến hay không?

Theo quy định tại điểm d khoản 1 Điều 40 Luật đấu giá tài sản 2016 thì có các hình thức đấu giá như sau: đấu giá trực tiếp bằng lời nói tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu trực tiếp tại cuộc đấu giá; đấu giá bằng bỏ phiếu gián tiếp; đấu giá trực tuyến.

Như vậy, đấu giá trực tuyến là một trong những hình thức đấu giá. Cho nên, tổ chức đấu giá tài sản có thể thương lượng với người có tài sản để lựa chọn hình thức đấu giá trực tuyến.

V. Giải đáp thắc mắc về tổ chức đấu giá tài sản

1. Thời gian thông báo công khai về lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản hiện nay?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 4 Thông tư 02/2022/TT-BTP thì thời gian thông báo công khai việc lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản trong thời hạn ít nhất là 03 ngày làm việc trước ngày người có tài sản đấu giá thông báo quyết định lựa chọn, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

2. Muốn đấu giá tài sản là một căn biệt thự thì cần căn cứ vào các tiêu chí nào để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản một cách phù hợp?

Theo quy định tại Điều 3 Thông tư 02/2022/TT-BTP thì tiêu chí lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản bao gồm các tiêu chí sau:

- Nhóm tiêu chí về cơ sở vật chất, trang thiết bị cần thiết bảo đảm cho việc đấu giá đối với loại tài sản đấu giá.

- Nhóm tiêu chí về phương án đấu giá khả thi, hiệu quả.

- Nhóm tiêu chí về năng lực, kinh nghiệm và uy tín của tổ chức đấu giá tài sản.

- Nhóm tiêu chí về thù lao dịch vụ đấu giá, chi phí đấu giá tài sản phù hợp.

- Có tên trong danh sách các tổ chức đấu giá tài sản do Bộ Tư pháp công bố.

- Nhóm tiêu chí khác phù hợp với tài sản đấu giá do người có tài sản đấu giá quyết định.

Như vậy, nếu căn biệt thự thuộc tài sản đấu giá thì cần căn cứ vào 6 tiêu chí trên để lựa chọn tổ chức đấu giá tài sản một cách phù hợp nhất.

3. Tổ chức đấu giá tài sản trực tuyến có phải ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 9 Nghị định 62/2017/NĐ-CP như sau:

“Tổ chức đấu giá tài sản sử dụng Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình hoặc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản khác có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá bằng hình thức đấu giá trực tuyến.

Trường hợp cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng tự đấu giá thì Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến để tổ chức cuộc đấu giá.

Đấu giá viên được tổ chức đấu giá tài sản phân công, thành viên được Hội đồng đấu giá tài sản, tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng phân công chịu trách nhiệm tổ chức thực hiện cuộc đấu giá trực tuyến”.

Căn cứ quy định trên thì việc ký hợp đồng với tổ chức đấu giá tài sản có Trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến trong các trường hợp sau:

- Tổ chức đấu giá chưa có trang thông tin điện tử đấu giá trực tuyến của tổ chức mình.

- Đối với cuộc đấu giá do Hội đồng đấu giá tài sản thực hiện hoặc trường hợp tổ chức mà Nhà nước sở hữu 100% vốn điều lệ do Chính phủ thành lập để xử lý nợ xấu của tổ chức tín dụng.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan