LỪA ĐẢO TRỰC TUYẾN VÀ CÁCH THỨC ĐỀ PHÒNG

Trong những năm gần đây, nhiều người dân khi sử dụng Internet, mạng xã hội, ứng dụng trực tuyến mất cảnh giác, thiếu hiểu biết bị các đối tượng lừa đảo đưa ra các thủ đoạn đánh trúng tâm lý, tình cảm, lợi ích kinh tế nên đã trở thành nạn nhân của lừa đảo trực tuyến.

Bài viết sau đây sẽ cung cấp thông tin về thực trạng, cách nhận diện cũng như một số cách phòng tránh những thủ đoạn lừa đảo qua mạng đáng chú ý trong thời gian gần đây.

I. Thực trạng về lừa đảo trực tuyến hiện nay

Trong những năm gần đây, sự phát triển mạnh mẽ của mạng Internet, mạng xã hội, giao dịch số đang là xu hướng và sẽ ngày càng phổ biến hơn trong tương lai. Song, đi kèm với đó, các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, đặc biệt là lừa đảo qua mạng ngày càng phổ biến, tinh vi, phức tạp, nhiều người dân không thể lường trước được, gây ảnh hưởng đến tình hình an ninh trật tự, bức xúc trong nhân dân.Từ đầu năm 2022 đến nay, Bộ Công an đã khởi tố gần 500 vụ án và hơn 1.000 bị can liên quan các loại tội phạm sử dụng công nghệ cao, bằng con số của cả năm 2020, tăng gần 50% so với cùng kỳ năm 2021. Tội phạm sử dụng công nghệ cao đang có xu hướng gia tăng và hoạt động tinh vi hơn. Trong đó, gia tăng mạnh hình thức lừa đảo tuyển cộng tác viên mua hàng trên sàn thương mại điện tử hay hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến.

Các hình thức lừa đảo trực tuyến thường gặp trên thực tiễn là:

  • Giả danh là nhân viên bưu cục thông báo người dùng trúng thưởng, hoặc kết bạn qua mạng để làm quen và gửi quà, người dùng cần nộp 1 khoản thuế, phí vận chuyển.
  • Giả danh là nhân viên ngân hàng gọi điện thoại để tư vấn hỗ trợ cho vay tiền trực tuyến.
  • Giả danh cán bộ Công an, Viện kiểm sát, Tòa án để thông báo nạn nhân liên quan đến các vụ án đang bị điều tra, gửi lệnh truy nã, lệnh bắt tạm giam, yêu cầu chuyển tiền để phục vụ công tác điều tra.
  • Thuê, mượn hoặc mua lại tài khoản ngân hàng của người khác rồi dùng để lừa đảo, đánh bạc.
  • Cố ý "chuyển nhầm" tiền đến tài khoản của người dùng, rồi yêu cầu, đe dọa nạn nhân trả lại số tiền kia với lãi cắt cổ.
  • Lập ra các trang web kêu gọi mọi người đầu tư tài chính, tiền ảo, hưởng mức lãi suất cao, rồi tự đánh sập trang web sau một thời gian hoạt động.

Lừa đảo trực tuyến thông qua giả mạo, giả danh

Các đối tượng giả mạo cán bộ ngân hàng yêu cầu cung cấp mật khẩu, mã pin hoặc thông tin thẻ tín dụng, thông tin công dân để xử lý sự cố liên quan đến các dịch vụ ngân hàng hoặc thẻ, gửi thư điện tử, tin nhắn có chứa đường dẫn truy cập vào website của dịch vụ chuyển tiền, nhận tiền từ nước ngoài, nhập thông tin đăng nhập tài khoản internet banking hoặc thông tin thẻ để nhận tiền. Thực chất đây là các website giả mạo để lừa khách hàng cài đặt các phần mềm ứng dụng gián điệp, từ đó đánh cắp thông tin từ tin nhắn hoặc khi khách hàng đăng nhập website của ngân hàng. Ngoài ra, các đối tượng còn giả mạo cơ quan công an, viện kiểm sát, tòa án thông báo người bị hại liên quan đến một vụ án bất kỳ hoặc bị xử phạt nguội vi phạm giao thông và yêu cầu chuyển tiền để phục vụ điều tra, xử lý vi phạm.

Thứ nhất, dựa vào các thủ đoạn lừa đảo, có thể thấy mấu chốt của những thủ đoạn lừa đảo là đánh vào lòng tham của nhiều người, muốn kiếm tiền nhanh, với lãi suất cao. Những công việc đem lại lợi ích và lãi suất cao trong thời gian ngắn chắc chắn là những chiêu trò lừa đảo, dù dưới hình thức nào.

Thứ hai, việc trao đổi thông tin với người hỗ trợ cũng như các thành viên khác được thực hiện qua nhóm chat trên Zalo, Telegram hoặc các ứng dụng mạng xã hội khác. Nhiều người bị lừa hàng chục triệu đồng khi “App” sập, không thể rút lại tiền, hoặc sau khi nhận tiền của người mua hàng, đối tượng lừa đảo ngắt liên lạc và không giao hàng như thỏa thuận. 

Thứ ba, Lỗi chính tả và ngữ pháp - Các công ty và tổ chức chuyên nghiệp thường có một đội ngũ biên tập để đảm bảo khách hàng nhận được nội dung chuyên nghiệp, chất lượng cao. Nếu thư email có lỗi chính tả hoặc ngữ pháp rõ ràng, thì đó có thể là thư lừa đảo.Thứ tư, Miền email không khớp. Nếu email tự nhận là từ một công ty danh tiếng, chẳng hạn như Microsoft hoặc ngân hàng của bạn nhưng email đang được gửi từ một miền email khác như Gmail.com hoặc microsoftsupport.ru thì có thể là lừa đảo.

II. Lừa đảo trực tuyến bị xử phạt như thế nào?

Theo quy định tại Điều 174 Bộ luật Hình sự  2015, sửa đổi bổ sung năm 2017, tội Lừa đảo chiếm đoạt tài sản tùy theo tính chất, mức độ vi phạm của hành vi mà sẽ bị xử phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm hoặc phạt tù từ 06 tháng đến 03 năm nếu chiếm đoạt tài sản của người khác trị giá từ 2.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng hoặc dưới 2.000.000 đồng nhưng thuộc một trong các trường hợp sau đây:

a) Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi chiếm đoạt tài sản mà còn vi phạm;

b) Đã bị kết án về tội này hoặc về một trong các tội quy định tại các điều 168, 169, 170, 171, 172, 173, 175 và 290 của Bộ luật này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;

c) Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;

d) Tài sản là phương tiện kiếm sống chính của người bị hại và gia đình họ.

III. Giải đáp thắc mắc về lừa đảo trực tuyến

1. Khi bị lừa đảo trực tuyến nên làm gì?

Theo Bộ Công an, khi bị lừa đảo, nạn nhân phải liên hệ ngay với cơ quan công an nơi gần nhất để trình báo, thực hiện các bước xác minh của cơ quan có thẩm quyền. Đặc biệt, hãy cố gắng ghi chú mọi thông tin như tên người dùng, số tài khoản hoặc mật khẩu mà bạn có thể đã chia sẻ. Ngay lập tức thay đổi mật khẩu trên những tài khoản bị ảnh hưởng đó và bất kỳ nơi nào khác mà bạn có thể sử dụng cùng một mật khẩu. Trong khi thay đổi mật khẩu, bạn nên tạo mật khẩu duy nhất cho từng tài khoản và sử dụng mật khẩu mạnh.

Với lừa đảo liên quan đến giao dịch chuyển tiền qua tài khoản, phải liên hệ ngay với các ngân hàng mà mình đã thực hiện các giao dịch thanh toán, để có hoạt động tra soát những giao dịch. Nếu nhanh chóng có thể thu hồi được.

2. Làm cách nào để có thể lấy lại tiền khi bị lừa đảo qua mạng?

Việc đầu tiên cần làm khi phát hiện mình bị lừa đảo qua mạng là thu thập tất cả các thông tin như nội dung tin nhắn, số điện thoại, tài khoản ngân hàng lừa chuyển khoản… để làm chứng cứ tố giác với cơ quan chức năng. Sau khi có đầy đủ thông tin, chứng cứ chứng minh về việc lừa đảo, người bị hại có thể tố giác hành vi lừa đảo này.Theo quy định tại Điều 145 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, sửa đổi bổ sung năm 2021 và Điều 5 Thông tư liên tịch 01/2017/TTLT-BCA-BQP-BTC-BNN&PTNT-VKSNDTC Quy định việc phối hợp giữa các cơ quan có thẩm quyền trong việc thực hiện một số quy định của BLTTHS năm 2015, sửa đổi bổ sung năm 2017 Về tiếp nhận, giải quyết tố giác, tin báo về tội phạm, kiến nghị khởi tố, Những nơi công dân có thể đến tố giác hành vi lừa đảo gồm có:

  • Cơ quan điều tra;
  • Cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra;
  • Viện kiểm sát các cấp;
  • Các cơ quan, tổ chức khác: Công an xã, phường, thị trấn, Đồn Công an, Trạm Công an; Tòa án các cấp; Cơ quan báo chí và các cơ quan, tổ chức khác.

Hồ sơ tố cáo lừa đảo trực tuyến gồm những gì?

  • Đơn trình báo lừa đảo chiếm đoạt tài sản;
  • Chứng minh nhân dân/căn cước công dân mã vạch/căn cước công dân gắn chip của bị hại (bản sao công chứng);
  • Sổ hộ khẩu của bị hại (bản sao công chứng);
  • Chứng cứ kèm theo để chứng minh (video, hình ảnh, ghi âm có chứa nguồn thông tin của hành vi phạm tội,…).

3. Đề phòng lừa đảo trực tuyến như thế nào?

Để phòng tránh, bên cạnh công tác tuyên truyền của các cơ quan có thẩm quyền tố tụng, các ban ngành đoàn thể, bản thân mỗi người cần tìm hiểu và cảnh giác. Khi nhận được các thông tin, thông báo từ mạng xã hội, cần kiểm tra lại thật kỹ; không vội vàng thực hiện các giao dịch theo yêu cầu của đối tượng. Đặc biệt cảnh giác với những hứa hẹn tặng “quà khủng” từ những người chỉ biết qua nick name trên mạng, hoặc mời nhận hàng, nộp phí qua điện thoại nhưng lại yêu cầu giữ bí mật, không cho người thân biết.

Trong trường hợp có người thân nhắn tin qua các ứng dụng Facebook, Zalo, Viber... nhờ giúp đỡ thì cần trực tiếp gọi điện thoại lại để xác nhận nội dung thông tin, tránh bị lừa đảo; không cung cấp những thông tin về tài khoản cá nhân, giấy chứng minh nhân dân, số điện thoại của bản thân và gia đình cho đối tượng. Đồng thời, khi phát hiện các dấu hiệu lừa đảo trực tuyến, cần nhanh chóng trình báo cơ quan công an để xác minh, kịp thời xử lý vụ việc, ngăn chặn hành vi phạm tội.

Trên đây là những thông tin cơ bản, cần thiết về cách thức, trình tự tố cáo lừa đảo trực tuyến. Quý bạn đọc nếu chưa nắm rõ các quy trình cũng như cần tư vấn pháp lý về các vấn đề liên quan đến lừa đảo trực tuyến, có thể liên hệ cho đội ngũ của NP Law để được giải đáp bảo vệ quyền lợi của mình. Xin cảm ơn.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan