MỘT SỐ ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ TỘI PHẠM ẨN

Sở dĩ không phải mọi tội phạm xảy ra trên thực tế đều bị phát hiện và xử lý về hình sự. Vì vậy, việc nhận thức đúng về tội phạm ẩn và tội phạm rõ có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong công tác thống kê tội phạm. Nghiên cứu về thực trạng của tình hình tội phạm không chỉ dựa vào con số về tội phạm rõ mà còn phải dựa vào việc đánh giá về tội phạm ẩn bởi vì số liệu tội phạm rõ chỉ phản ánh được phần nào tình hình tội phạm. Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin về “tội phạm ẩn”.

I. Tội phạm ẩn là gì?

Thuật ngữ “tội phạm ẩn” do Adolphe Quetelet - nhà toán học, xã hội học của Bỉ đưa ra lần đầu tiên vào năm 1830 (Adolphe Quetelet còn là nhà sáng lập ra khoa học thống kê hiện đại). Chính ông là người đầu tiên đưa ra thuật ngữ “dark figure of crime”. Nghiên cứu về thực trạng của tình hình tội phạm không chỉ dựa vào con số về tội phạm rõ mà còn phải dựa vào việc đánh giá về tội phạm ẩn bởi vì số liệu tội phạm rõ chỉ phản ánh được phần nào tình hình tội phạm.

Hiện nay, khái niệm về tội phạm ẩn đang được hiểu theo nhiều góc độ khác nhau. Theo Timothy Mason, “tội phạm ẩn là tội phạm có thực nhưng không được tường thuật với cảnh sát”; Frank Schmalleger cho rằng, “tội phạm ẩn là thuật ngữ được đưa ra bởi các nhà tội phạm học và xã hội học mô tả số lượng tội phạm không được tường thuật hoặc không bị phát hiện và nó trả lời cho câu hỏi về độ tin cậy của thống kê tội phạm chính thức”.

Theo PGS.TS. Phạm Văn Tỉnh, “phần ẩn của tình hình tội phạm là tổng thể các hành vi phạm tội (cùng các chủ thể của hành vi đó) đã xảy ra trên thực tế, song không được phát hiện, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự ”. Còn GS.TS. Nguyễn Xuân Yêm cho rằng, “tội phạm ẩn là khái niệm chỉ một phần trong tổng thể các tội phạm đã xảy ra trong một khoảng thời gian và trên một địa bàn nhất định mà chưa được các cơ quan bảo vệ pháp luật (Cơ quan điều tra, Viện kiểm sát, Tòa án và các cơ quan khác của Công an có chức năng tiếp nhận tin tố giác và phát hiện tội phạm) phát hiện về sự kiện nói chung hoặc chưa nhận biết được sự kiện, hành vi đã phát hiện là tội phạm”.

Như vậy, tổng hợp các quan điểm nêu trên có thể hiểu về tội phạm ẩn như sau: Tội phạm ẩn là số lượng hành vi phạm tội đã xảy ra nhưng không được phát hiện, không được tường thuật, không bị xử lý theo quy định của pháp luật hình sự hoặc không có trong thống kê hình sự.

Ví dụ: Nạn nhân đã bị giết chết trong rừng và người phạm tội đã che giấu bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và không có người chứng kiến vụ việc. 

II. Nguyên nhân của tình hình tội phạm có tội phạm “ẩn”?

1. Nguyên nhân chủ quan

Theo quy định của pháp luật hình sự, việc phát hiện tội phạm có thể được thực hiện thông qua các hình thức sau đây: Tố giác và tin báo về tội phạm, như tố giác của công dân; tin báo của cơ quan Nhà nước hoặc các tổ chức xã hội; tin báo trên các phương tiện thông tin đại chúng; Trực tiếp phát hiện tội phạm của các cơ quan chức năng; Người phạm tội tự thú.

Tuy nhiên, do nhiều nguyên nhân khác nhau mà các nguồn thông tin về tội phạm nói trên đã không được thực hiện. Nguyên nhân chủ quan dẫn đến việc ẩn của tội phạm có nhiều nhưng có thể bao gồm:

- Nguyên nhân từ phía người phạm tội: Người phạm tội thực hiện bằng thủ đoạn quá tinh vi, xảo quyệt hoặc người phạm tội đã đe dọa nạn nhân, người làm chứng hoặc hối lộ cho người có chức vụ quyền hạn…

- Nguyên nhân từ phía nạn nhân: Sợ dư luận (tội phạm về tình dục); Sợ trả thù (chủ thể của tội phạm hoạt động có tính chất xã hội đen); Có sự thỏa thuận giữa người bị hại và gia đình họ với tội phạm.

– Nguyên nhân từ phía người biết về sự việc phạm tội nhưng không dám tố cáo vì sợ bị trả thù hoặc do quen thân thiết với người phạm tội nên họ không tố giác, cũng có thể do họ thỏa thuận với người phạm tội để nhận một lợi ích vật chất nào đó nên họ cũng không tố giác tội phạm.

- Nguyên nhân từ phía cơ quan chức năng: Thiếu tinh thần trách nhiệm, cán bộ có hành vi nhận hối lộ để không xử lý vụ việc hoặc do nể nang, quen biết nên bao che không xử lý vụ việc. 

2.  Nguyên nhân khách quan

Đây là một nguyên nhân nằm hoàn toàn ngoài ý muốn của cơ quan có thẩm quyền khởi tố vụ án hình sự cũng như bản thân người bị hại. Họ không có bất kỳ một thông tin nào về hành vi phạm tội, mặc dù hành vi phạm tội đã xảy ra trên thực tế. Có các trường hợp sau:

– Tội phạm thực tế đã xảy ra nhưng ngay cả người bị hại cũng không biết. Do vậy, việc phạm tội đương nhiên không được tường thuật hoặc không bị phát hiện.

– Tội phạm thực tế đã xảy ra, người bị hại biết nhưng họ không còn cơ hội để tố giác tội phạm, vụ án cũng không có bất cứ một nhân chứng nào cũng như tình tiết quan trọng nào để Cơ quan điều tra điều tra vụ án.

III. Tội phạm “ẩn” và tội phạm “rõ” được quy định như thế nào?

1. Các quy định liên quan đến tội phạm ẩn

  • Các khái niệm liên quan đến tội phạm ẩn

- Độ ẩn: Độ ẩn được hiểu là khả năng ẩn khuất khác nhau của từng loại tội phạm hoặc của từng nhóm tội. Tùy từng loại tội phạm hoặc từng nhóm tội, khả năng che dấu của người phạm tội, đối tượng bị tác động, nạn nhân, khả năng phát hiện, xử lý tội phạm của các cơ quan có thẩm quyền. Các nhà tội phạm học nước ta chia độ ẩn của các loại tội phạm thành 04 cấp độ, từ cấp 1 đến độ ẩn cấp 4 theo mức độ tăng dần.

- Thời gian ẩn: Thời gian ẩn là khoản thời gian từ khi người phạm tội thực hiện hành vi phạm tội cho đến khi hành vi phạm tội của người đó bị phát hiện. Thời gian ẩn có thể là một khoảng thời gian nhất định nhưng cũng có thể là mãi mãi, phụ thuộc vào khả năng che giấu của người phạm tội. Người phạm tội có khả năng che giấu càng tinh vi thì thời gian ẩn càng lâu.

- Tỉ lệ ẩn: Tỉ lệ ẩn được hiểu là tỉ lệ tương quan giữa tội phạm bị phát hiện và tội phạm chưa bị phát hiện. Để có cơ sở tính toán một cách tương đối chính xác tỉ lệ tội phạm ẩn phải dựa vào nhiều nguồn số liệu khác nhau (nạn nhân, cơ quan tư pháp hình sự,…).

  • Phân loại tội phạm ẩn

Trên cơ sở nghiên cứu lý luận và thực tiễn, tội phạm ẩn được chia thành ba loại: Tội phạm ẩn khách quan (hay còn gọi là tội phạm ẩn tự nhiên); tội phạm ẩn chủ quan (hay còn gọi là tội phạm ẩn nhân tạo) và tội phạm ẩn thống kê, cụ thể:

- Tội phạm ẩn khách quan: là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế, song các cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý tội phạm không có thông tin về chúng. (ví dụ: nạn nhân đã bị giết chết tại nơi hoang vu, hẻo lánh, không có người qua lại và người phạm tội đã che giấu bằng thủ đoạn tinh vi, xảo quyệt và không có người chứng kiến vụ việc).

- Tội phạm ẩn chủ quan: là những tội phạm đã xảy ra trong thực tế mà thông tin về chúng đã được cơ quan có thẩm quyền phát hiện, xử lý tội phạm nắm được, song vì nhiều lý do khác nhau, các tội phạm đó trong một thời gian nhất định hoặc vĩnh viễn không bị xử lý hoặc không thể xử lý hoặc xử lý không đúng quy định của pháp luật. Ví dụ: cán bộ điều tra đã được người dân báo về vụ phạm tội nhưng do nhận hối lộ của người phạm tội nên cơ quan điều tra chỉ lập hồ sơ xử lí hành chính (cố ý làm giảm mức độ sai phạm của hành vi để xử lí hành chính); hoặc cán bộ điều tra đã được người dân báo về vụ phạm tội nhưng không lập hồ sơ xử lí hình sự mà lại đứng ra làm trung gian xúc tiến việc bồi thường của người phạm tội đối với nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân để nạn nhân hoặc gia đình nạn nhân rút đơn (vì vậy, vụ việc không được lập hồ sơ, vào sổ sách).

- Tội phạm ẩn thống kê: cho đến nay, còn có nhiều quan điểm khác nhau về tội phạm ẩn thống kê. Theo kết quả nghiên cứu, tội phạm ẩn thống kê có thể có ở quốc gia này nhưng không có ở quốc gia khác, có thể có trong giai đoạn này nhưng không có trong giai đoạn khác. Có hay không có tội phạm ẩn thống kê phụ thuộc vào pháp luật về thống kê tội phạm của mỗi quốc gia. Hiện nay, ở nước ta quy định về thống kê tội phạm có tồn tại tội phạm ẩn thống kê. Tội phạm ẩn thống kê là toàn bộ các tội danh mà bị cáo bị tòa án xét xử trong một bản án hình sự nhưng do quy định của pháp luật về thống kê tội phạm đã không thống kê đủ số tội danh đó nên bị loại ra ngoài con số thống kê.

2. Quy định liên quan đến tội phạm rõ

Tội phạm “rõ” là tội phạm đã được xử lý về hình sự, đã được đưa vào thống kê tội phạm. Tội phạm đã được xử lý về hình sự bao gồm: Tội phạm đã có bản án kết tội có hiệu lực pháp luật (kể cả trường hợp được miễn trách nhiệm hình sự, được miễn hình phạt) và các trường hợp đã được xác định là tội phạm nhưng đã bị đình chỉ mà không được xét xử vì lý do khác nhau như đã hết thời hiệu truy cứu trách nhiệm hình sự, chủ thể thực hiện đã chết v.v.. Tội phạm đã được xử lý về hình sự như vậy được coi là tội phạm “hiện” hay tội phạm “rõ” khi đã được phản ánh trong thống kê tội phạm. Tình hình tội phạm dựa trên thống kê này mới chỉ là tình hình tội phạm “rõ”.

3. Mối quan hệ giữa tội phạm rõ và tội phạm ẩn

Tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” có mối quan hệ chặt chẽ với nhau. Trước hết, tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn” là hai phần của tội phạm đã xảy ra, có quan hệ tỉ lệ nghịch với nhau.

- Phần “rõ” càng lớn thì phần “ẩn” càng nhỏ và ngược lại. Phần “rõ” là phần mà có thể được khẳng định một cách chắc chắn vì dựa trên các con số thống kê cụ thể. Trong khi đó, phần “ẩn” là phần mà không thể có được sự khẳng định chắc chắn vì chỉ dựa trên sự suy đoán. Trong đó, phần “rõ” là một trong các cơ sở của sự suy đoán này.

- Tội phạm nói chung cũng như nhóm tội phạm hay tội cụ thể đều có phần “ẩn”. Mức độ “ẩn” ở những đơn vị thời gian, không gian khác nhau cũng như ở những nhóm tội hoặc tội khác nhau đều có thể có sự khác nhau. Ví dụ: Tội giết người (Điều 123 BLHS năm 2015) được coi là một trong những tội có độ “ẩn” thấp; trái lại, tội nhận hối lộ (Điều 354 BLHS năm 2015) được coi là các tội có độ ẩn cao. Lí do của sự khác nhau về độ “ẩn” cũng rất khác nhau nhưng trong đó có thể có lý do từ chính đặc điểm riêng biệt của tội phạm.

- Tội phạm “rõ” so với tội phạm thực tế có thể đạt các tỉ lệ khác nhau ở các phạm vi tội danh, phạm vi không gian và phạm vi thời gian khác nhau nhưng luôn có ý nghĩa đặc biệt, vì vừa phản ánh thực trạng đấu tranh chống tội phạm của Nhà nước và xã hội vừa là cơ sở cần thiết để nghiên cứu phần còn lại của tội phạm – Phần “ẩn” hay tội phạm “ẩn”.

- Nghiên cứu tình hình tội phạm là nghiên cứu tình hình tội phạm thực bao gồm cả tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn”. “Bức tranh” thực của tội phạm phải là “bức tranh” tổng hợp của cả tội phạm “rõ” và tội phạm “ẩn”. Về lí thuyết, khi nghiên cứu tình hình tội phạm cụ thể, chúng ta phải bắt đầu và chủ yếu nghiên cứu tội phạm “rõ”. Các mô tả, đánh giá, giải thích cũng như dự liệu trước hết và chủ yếu là dựa trên tội phạm “rõ”. Nghiên cứu tội phạm “ẩn” được tiến hành sau và kết quả của nó chỉ được sử dụng có tính tham khảo thêm khi nghiên cứu tình hình tội phạm.

4. Chỉ những tội phạm chưa bị đưa ra xét xử mới được coi là tội phạm ẩn?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 8 Bộ luật hình sự năm 2015 quy định: “tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội được quy định trong Bộ luật hình sự, do người có năng lực trách nhiệm hình sự hoặc pháp nhân thương mại thực hiện một cách cố ý hoặc vô ý, xâm phạm độc lập, chủ quyền, thống nhất, toàn vẹn lãnh thổ Tổ quốc, xâm phạm chế độ chính trị, chế độ kinh tế, nền văn hóa, quốc phòng, an ninh, trật tự, an toàn xã hội,… mà theo quy định của Bộ luật hình sự phải bị xử lý hình sự.”

Theo quy định trên, có thể thấy được rằng có 4 dấu hiệu để phân biệt tội phạm với các hành vi vi phạm pháp luật khác đó là: tội phạm là hành vi nguy hiểm cho xã hội, hành vi của tội phạm do người có năng lực trách nhiệm hình sự thực hiện, đây là hình vi trái pháp luật hình sự và phải chịu hình phạt theo quy định của Bộ luật hình sự.

Như vậy, chỉ cần một người thực hiện những hành vi có đầy đủ những dấu hiệu như đã phân tích ở trên thì đều được coi là tội phạm. Việc xác định một người có được coi là tội phạm hay không không phụ thuộc vào việc tội phạm đó đã bị đưa ra xét xử hay chưa.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan