Để bảo vệ tốt nhất, đảm bảo quyền và lợi ích hợp pháp của con người trước mọi hoàn cảnh, tình huống, Nhà nước ta luôn quan tâm và xây dựng một hệ thống pháp luật dân chủ, công bằng hướng tới bảo vệ công lý, bảo vệ quyền con người. Nhất là trong tố tụng hình sự, nguyên tắc suy đoán vô tội được ghi nhận trong Hiến pháp 2013 và Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 để định hướng cho việc xây và thực thi pháp luật hình sự.
Sau đây, Quý bạn đọc hãy cùng NPLAW tìm hiểu quy định pháp về nguyên tắc suy đoán vô tội nhé.
Trong Tiếng Anh, suy đoán vô tội là “presumption of innocence” hay “the right to be presumed innocent”, có thể hiểu là quyền được giả định vô tội.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013 thì: “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Hoặc theo quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì suy đoán vô tội là “Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
Như vậy, dựa vào các quy định trên, ta có thể hiểu một người bị buộc tội được coi là không có tội cho tới khi chứng minh được họ có tội theo trình tự, thủ tục do pháp luật quy định và có bản án kết tội của Toà án đã có hiệu lực pháp luật.
Nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 như sau:
“Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Theo quy định như trên, nguyên tắc suy đoán vô tội bao gồm các nội dung sau đây:
- Một là, người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi tội của họ được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 quy định và bị kết tội bởi một bản án có hiệu lực pháp luật.
- Hai là, khi chưa được chứng minh theo trình tự, thủ tục do luật quy định, chưa có bản án kết tội của toà án đã có hiệu lực pháp luật thì người bị buộc tội phải được coi là người không có tội. Cho nên, cơ quan tiến hành tố tụng, người tiến hành tố tụng không được đối xử với người bị buộc tội như người phạm tội, không được định kiến, thiên lệch khi giải quyết vụ án ngay cả khi bị áp dụng các biện pháp cưỡng chế, ngăn chặn.
- Ba là, việc chứng minh phải thực hiện theo đúng trình tự, thủ tục theo quy định pháp luật. Nghiêm cấm sử dụng các hình thức như bức cung, mớm cung trong quá trình thu thập chứng cứ, vì như thế sẽ làm vụ án đi theo hướng sai lệch và vụ án không được sáng tỏa.
- Bốn là, khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục luật định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội. Mọi nghi ngờ trong quá trình tố tụng đều phải được giải thích theo hướng có lợi cho người bị buộc tội.
Trách nhiệm chứng minh tội phạm thuộc về bên người buộc tội, người bị buộc có thể sử dụng quyền im lặng để không gây bất lợi cho mình.
Nguyên tắc suy đoán vô tội, có ý nghĩa vô cùng quan trọng trong quá trình xét xử, giải quyết vụ án hình sự, cụ thể như sau:
- Giúp hoạt động, quá trình chứng minh được thực hiện đúng trình tự, thủ tục, quy định pháp luật và giúp loại trừ những yếu tố, vấn đề còn nghi ngờ về hành vi phạm tội
- Nguyên tắc suy đoán vô tội cũng mang ý nghĩa định hướng cho việc xây dựng và thi hành pháp luật tố tụng hình sự; tạo ra một hành lang pháp lý trong việc điều chỉnh các mối quan hệ giữa các chủ thể tố tụng. Bảo đảm quyền cá nhân, sự công bằng, khách quan được duy trì trật tự và phát huy.
- Nguyên tắc suy đoán vô tội phản ánh được sự nhân văn, nhân đạo của pháp luật dân chủ và pháp quyền nhằm bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của cá nhân, tránh các trường hợp buộc tội và kết án thiếu căn cứ.
Hiện nay, nguyên tắc suy đoán vô tội được quy định tại khoản 1 Điều 31 Hiến pháp 2013, Điều 13 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
“Điều 31.
1. Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự luật định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật”.
“Điều 13. Suy đoán vô tội
Người bị buộc tội được coi là không có tội cho đến khi được chứng minh theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định và có bản án kết tội của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật.
Khi không đủ và không thể làm sáng tỏ căn cứ để buộc tội, kết tội theo trình tự, thủ tục do Bộ luật này quy định thì cơ quan, người có thẩm quyền tiến hành tố tụng phải kết luận người bị buộc tội không có tội”.
Có thể thấy, Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 đã có những quy định khá đầy đủ về nguyên tắc suy đoán vô tội. Tuy nhiên, vẫn còn một số bất cập như sau:
Thứ nhất, pháp luật quy định về nguyên tắc suy đoán vô tội còn một số bất cập, không thống nhất với nhau như:
- Về quyền im lặng của người bị buộc tội: mặc dù đã ghi nhận quyền im lặng của người bị buộc tội nhưng tại khoản 3 Điều 466 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 lại quy định người bị buộc tội có thể bị xử lý về hành vi từ chối khai báo. Quy định này mâu thuẫn với quyền không bị buộc phải đưa ra lời khai chống lại chính mình hoặc buộc phải nhận mình có tội.
“Điều 466. Xử lý người có hành vi cản trở hoạt động tố tụng của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng
Người bị buộc tội, người tham gia tố tụng khác có một trong các hành vi sau đây thì tuỳ mức độ vi phạm có thể bị cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng quyết định áp giải, dẫn giải, phạt cảnh cáo, phạt tiền, tạm giữ hành chính, buộc khắc phục hậu quả hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật:
3. Từ chối khai báo hoặc từ chối cung cấp tài liệu, đồ vật”.
Thứ hai, trên thực tế, việc áp dụng nguyên tắc suy đoán vô tội chưa được áp dụng và phổ biến đến người bị buộc tội.
Thứ ba, Khi xét xử lưu động, không đảm bảo quyền được suy đoán vô tội của bị cáo bởi các cơ quan tố tụng, bởi vì vụ án được xét xử lưu động nhằm mục đích để mọi người chứng kiến, rút kinh nghiệm và được giáo dục pháp luật cho nên cơ quan có thẩm quyền đã ngầm kết tội bị cáo trước khi xét xử.
Từ những bất cập trên thì sau đây là các giải pháp để nguyên tắc suy đoán vô tội được áp dụng vào thực tiễn một cách hiệu quả:
Một là, hoàn thiện quy định của pháp luật về nguyên tắc suy đoán vô tội.
Hai là, thường xuyên mở lớp đào tạo, bồi dưỡng nghiệp vụ cho cán bộ, công chức có thẩm quyền tiến hành tố tụng. Để nâng cao nghiệp vụ trong xét xử.
Ba là, cần đẩy mạnh công tác tuyên truyền, phổ biến pháp luật đến người dân, nhất là nâng cao nhận thức của người dân về quyền được suy đoán vô tội trong các tình huống, trường hợp nào. Đảm bảo tốt quyền lợi của bản thân, tránh những trường hợp không biết, gây thiệt hại cho bản thân.
Bốn là, nên bổ sung nguyên tắc suy đoán vô tội ở giai đoạn thi hành án hình sự.
Như vậy, nguyên tắc suy đoán vô tội được coi là nguyên tắc nền tảng trong tư pháp hình sự, ảnh hưởng tới tính khách quan, công bằng trong quá trình giải quyết vụ án hình sự.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn