NHỮNG ĐIỀU CẦN BIẾT VỀ NGƯỜI GIÁM ĐỊNH

Trong quá trình giải quyết vụ án, khi cần thiết, Tòa án, Viện kiểm sát tự mình hoặc theo yêu cầu của đương sự quyết định trưng cầu giám định. Người giám định phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án, Viện kiểm sát. Vậy người giám định là ai? Người giám định có quyền và nghĩa vụ như thế nào trong vụ án hình sự, dân sự? NPLaw sẽ trả lời câu hỏi này trong bài viết dưới đây.

I. Khái niệm người giám định  

Trong vụ án dân sự, định nghĩa người giám định được quy định tại "Điều 79 Bộ luật tố tụng dân sự 2015 (BLTTDS)", theo đó người giám định là người có kiến thức, kinh nghiệm cần thiết theo quy định của pháp luật về lĩnh vực có đối tượng cần giám định mà Tòa án trưng cầu giám định hoặc được đương sự yêu cầu giám định theo quy định tại "Điều 102 của Bộ luật tố tụng dân sự".

Trong vụ án hình sự, định nghĩa người giám định được quy định tại Điều 68 Bộ luật tố tụng hình sự 2015 (BLTTHS), theo đó người giám định là người có kiến thức chuyên môn về lĩnh vực cần giám định, được cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định theo quy định của pháp luật.

II. Quyền và nghĩa vụ của người giám định

1.Quyền và nghĩa vụ của người giám định trong vụ án dân sự

Theo quy định tại "khoản 1 Điều 80 BLTTDS", người giám định có quyền, nghĩa vụ sau đây:

- Được đọc tài liệu có trong hồ sơ vụ án liên quan đến đối tượng giám định; yêu cầu Tòa án cung cấp tài liệu cần thiết cho việc giám định;

- Đặt câu hỏi đối với người tham gia tố tụng về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

- Phải có mặt theo giấy triệu tập của Tòa án; trình bày, giải thích, trả lời những vấn đề liên quan đến việc giám định và kết luận giám định một cách trung thực, có căn cứ, khách quan;

- Phải thông báo bằng văn bản cho Tòa án về việc không thể giám định được do việc cần giám định vượt quá khả năng chuyên môn, tài liệu cung cấp phục vụ cho việc giám định không đủ hoặc không sử dụng được;

- Phải bảo quản tài liệu đã nhận và gửi trả lại Tòa án cùng với kết luận giám định hoặc cùng với thông báo về việc không thể giám định được;

- Không được tự mình thu thập tài liệu để tiến hành giám định, tiếp xúc với người tham gia tố tụng khác nếu việc tiếp xúc đó làm ảnh hưởng đến kết quả giám định; không được tiết lộ bí mật thông tin mà mình biết khi tiến hành giám định hoặc thông báo kết quả giám định cho người khác, trừ Thẩm phán quyết định trưng cầu giám định;

- Được thanh toán các chi phí có liên quan theo quy định của pháp luật;

- Phải cam đoan trước Tòa án về việc thực hiện quyền, nghĩa vụ của mình.

/upload/images/quyen-va-nghia-vu-cua-nguoi-giam-dinh-min.jpg

Quyền và nghĩa vụ của người giám định

2. Quyền và nghĩa vụ của người giám định trong vụ án hình sự

Theo quy định tại khoản 2 điều 68 BLTTHS", người giám định có những quyền sau đây:

- Tìm hiểu tài liệu của vụ án có liên quan đến đối tượng phải giám định;

- Yêu cầu cơ quan trưng cầu, người tham gia tố tụng yêu cầu giám định cung cấp tài liệu cần thiết cho việc kết luận;

- Tham dự vào việc hỏi cung, lấy lời khai và đặt câu hỏi về những vấn đề có liên quan đến đối tượng giám định;

- Từ chối thực hiện giám định trong trường hợp thời gian không đủ để tiến hành giám định, các tài liệu cung cấp không đủ hoặc không có giá trị để kết luận, nội dung yêu cầu giám định vượt quá phạm vi hiểu biết chuyên môn của mình;

- Ghi riêng ý kiến của mình vào bản kết luận chung nếu không thống nhất với kết luận chung trong trường hợp giám định do tập thể giám định tiến hành;

- Các quyền khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Theo quy định tại "khoản 3 điều 68 BLTTHS", người giám định có những nghĩa vụ sau đây:

- Có mặt theo giấy triệu tập của cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng;

- Giữ bí mật điều tra mà mình biết được khi thực hiện giám định;

- Các nghĩa vụ khác theo quy định của Luật giám định tư pháp.

Như vậy, trong vụ án hình sự hay dân sự thì pháp luật cũng đều quy định cụ thể các quyền và nghĩa vụ của người giám định. Điều này đảm bảo cho hoạt động tố tụng diễn ra đúng pháp luật, bảo vệ được tối đa quyền và lợi ích hợp pháp của các chủ thể tham gia tố tụng.

III. Các trường hợp người giám định phải từ chối việc giám định hoặc từ chối tham gia tố tụng

1. Trong vụ án dân sự

Theo quy định tại "khoản 2 Điều 80 BLTTDS", người giám định phải từ chối giám định trong các trường hợp sau đây:

- Thuộc một trong những trường hợp quy định tại "khoản 1 và khoản 3 Điều 52 của Bộ luật tố tụng dân sự" và tại "Điều 34 của Luật giám định tư pháp", cụ thể:

+ Họ đồng thời là đương sự, người đại diện, người thân thích của đương sự.

+ Có căn cứ rõ ràng cho rằng họ có thể không vô tư trong khi làm nhiệm vụ.

+ Thuộc một trong các trường hợp mà pháp luật về tố tụng quy định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi;

+ Được trưng cầu giám định lại về cùng một nội dung trong vụ án, vụ việc mà mình đã thực hiện giám định, trừ trường hợp pháp luật có quy định khác.

 Tổ chức thuộc một trong các trường hợp sau đây thì không được thực hiện giám định tư pháp:

+ Có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan đến vụ án, vụ việc theo quy định của pháp luật về tố tụng;

+ Có căn cứ rõ ràng khác để cho rằng tổ chức này có thể không khách quan, vô tư trong khi thực hiện giám định.

- Họ đã tham gia tố tụng với tư cách là người bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp của đương sự, người làm chứng, người phiên dịch trong cùng vụ án đó;

- Họ đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó với tư cách là Thẩm phán, Hội thẩm nhân dân, Thẩm tra viên, Thư ký Tòa án, Kiểm sát viên, Kiểm tra viên.

/upload/images/tu-choi-giam-dinh-min.jpg

Từ chối giám định

2. Trong vụ án hình sự

Theo quy định tại "khoản 5 Điều 68 BLTTHS", người giám định phải từ chối tham gia tố tụng hoặc bị thay đổi khi thuộc một trong các trường hợp sau:

- Đồng thời là bị hại, đương sự; là người đại diện, người thân thích của bị hại, đương sự hoặc của bị can, bị cáo;

- Đã tham gia với tư cách là người bào chữa, người làm chứng, người phiên dịch, người dịch thuật, người định giá tài sản trong vụ án đó;

- Đã tiến hành tố tụng trong vụ án đó.

IV. Một số câu hỏi về người giám định

1. Thẩm quyền quyết định việc thay đổi người giám định thuộc về cơ quan nào?

Trong vụ án hình sự, theo quy định tại "khoản 6 Điều 68 BLTTHS", thẩm quyền quyết định việc thay đổi người giám định thuộc về cơ quan trưng cầu giám định.

Trong vụ án dân sự, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà thẩm quyền thay đổi người giám định thuộc về chủ thể cụ thể. Cụ thể, theo tại "Điều 84 BLTTDS" quy định về việc thay đổi người giám định như sau:

- Trước khi mở phiên tòa, phiên họp, việc thay đổi người giám định do Chánh án Tòa án quyết định.

- Tại phiên tòa, phiên họp, việc thay đổi người giám định do Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự quyết định sau khi nghe ý kiến của người bị yêu cầu thay đổi. Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự thảo luận tại phòng nghị án và quyết định theo đa số.

2. Người giám định cố ý kết luận giám định gian dối thì bị xử lý như thế nào?

Trong tố tụng hình sự, theo quy định tại "khoản 1 Điều 382 Bộ luật hình sự năm 2015":

“Người làm chứng, người giám định, người định giá tài sản, người phiên dịch, người dịch thuật, người bào chữa nào mà kết luận, dịch, khai gian dối hoặc cung cấp những tài liệu mà mình biết rõ là sai sự thật, thì bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm.”

Như vậy, nếu người giám định cố ý kết luận giám định gian dối có thể bị phạt cảnh cáo, phạt cải tạo không giam giữ đến 01 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 01 năm. Bên cạnh đó, người giám định có thể bị phạt tù từ 01 năm đến 03 năm nếu phạm tội thuộc quy định tại "khoản 2 Điều 382 Bộ luật hình sự năm 2015".

3. Nếu người giám định trong vụ án dân sự vắng mặt thì có được tiếp tục xét xử vụ án đó không?

Theo quy định tại "Điều 230 BLTTDS 2015" “Trường hợp người giám định vắng mặt thì Hội đồng xét xử quyết định vẫn tiến hành xét xử hoặc hoãn phiên tòa”. Như vậy, theo quy định này thì nếu người giám định trong vụ án dân sự vắng mặt thì tùy vào quyết định của Hội đồng xét xử mà hoãn hoặc vẫn tiếp tục phiên tòa.

4. Nếu người giám định bị thay đổi tại phiên toà thì có tiếp tục xét xử vụ án đó được không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 84 BLTTDS, nếu phải thay đổi người giám định tại phiên tòa thì Thẩm phán, Hội đồng xét xử, Hội đồng giải quyết việc dân sự ra quyết định hoãn phiên tòa, phiên họp. Việc trưng cầu người giám định khác được thực hiện theo quy định tại Điều 79 và Điều 81 của Bộ luật tố tụng dân sự.

V. Có nên tìm luật sư để tư vấn về người giám định không?

Là một tổ chức hành nghề luật sư có chuyên môn về lĩnh vực hình sự, NPLaw sẽ tư vấn cho quý khách hàng về người giám định, bao gồm:

- Tư vấn những trường hợp phải từ chối giám định

- Tư vấn quyền và nghĩa vụ của người giám định

- Tư vấn các vấn đề liên quan khác

Trên đây là tư vấn của chúng tôi về người giám định. Nếu quý khách có bất kỳ thắc mắc nào, xin vui lòng với liên hệ ngay với NPLaw. Là một đơn vị hoạt động chuyên nghiệp trong các lĩnh vực tư vấn hình sự, doanh nghiệp, đầu tư, sở hữu trí tuệ, đất đai, giấy phép con…NPLaw tự tin có thể giải đáp và hỗ trợ mọi vướng mắc của bạn kịp thời và hiệu quả.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Website: nplaw.vn

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan