NHỮNG VẤN ĐỀ PHÁP LÝ LIÊN QUAN ĐẾN HOẠT ĐỘNG BẢO HIỂM TIỀN GỬI

Có thể thấy, bảo hiểm tiền gửi là một trong những hoạt động diễn ra khá phổ biến hiện nay. Tuy nhiên không phải bất kì loại tiền gửi nào cũng sẽ được bảo hiểm, hơn nữa tồn tại một số hành vi có thể bị cấm trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi.

Trong phạm vi bài viết này, hãy cùng với NPlaw tìm hiểu và làm rõ các vấn đề liên quan đến hoạt động này. 

I. BẢO HIỂM TIỀN GỬI LÀ GÌ ?

1. Bảo hiểm tiền gửi là gì ? 

Dựa theo quy định tại Khoản 1 Điều 4 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, có thể hiểu rằng bảo hiểm tiền gửi chính là một sự bảo đảm về quyền lợi đối với người gửi tiết kiệm.Nếu chẳng may đơn vị gửi tiền tiết kiệm (ngân hàng hoặc tổ chức tài chính) gặp biến cố, rủi ro dẫn đến việc không thể trả lại tiền gửi hay thậm chí là phá sản, thì bên bảo hiểm tiền gửi sẽ tiến hành chi trả dựa trên những thỏa thuận đã được ký kết trước đó. 

II. QUY ĐỊNH VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI 

1. Điều kiện để tiền gửi được bảo hiểm 

Để tiền gửi có thể được bảo hiểm thì tiền gửi đó phải thỏa mãn được các điều kiện được quy định tại Điều 18 Luật bảo hiểm tiền gửi 2012. Đồng thời, không thuộc vào các trường hợp tại Điều 19 của Luật này. 

a. Tiền gửi được bảo hiểm: 

Theo đó đối với khoản tiền gửi được bảo hiểm thì bắt buộc phải là đồng Việt Nam và cần phải được gửi thông qua một trong các hình thức cụ thể như sau: 

  • Tiền gửi có kỳ hạn.
  • Tiền gửi không kỳ hạn.
  • Tiền gửi tiết kiệm.
  • Chứng chỉ tiền gửi.
  • Kỳ phiếu.
  • Tín phiếu.
  • Các hình thức tiền gửi khác theo quy định của Luật các tổ chức tín dụng hiện hành. 
b. Tiền gửi không được bảo hiểm 

Cần chú ý rằng các khoản tiền gửi không được bảo hiểm sẽ bảo gồm: 

  • Tiền gửi có tại tổ chức tín dụng của cá nhân là người sở hữu hơn 5% vốn điều lệ của chính tổ chức tín dụng đó.
  • Tiền gửi của cá nhân là thành viên trong Hội đồng quản trị, thành viên Hội đồng thành viên, thành viên thuộc Ban kiểm soát, là Tổng giám đốc (Giám đốc), là Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) của chính tổ chức tín dụng đó. 
  • Tiền gửi của cá nhân là Tổng giám đốc (Giám đốc), Phó Tổng giám đốc (Phó Giám đốc) tại chi nhánh ngân hàng nước ngoài của chính chi nhánh ngân hàng đó. 
  • Tiền mua các loại giấy tờ có giá vô danh do tổ chức tham gia vào bảo hiểm tiền gửi đã phát hành.

2. Những hành vi bị cấm trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi 

Hiện nay, có 5 hành vi bị cấm trong hoạt động bảo hiểm tiền gửi được quy định tại Điều 10 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012 bao gồm: 

  • Tổ chức tham gia vào bảo hiểm tiền gửi không nộp phí bảo hiểm tiền gửi.
  • Tổ chức bảo hiểm tiền gửi không chi trả hoặc đã trả không đầy đủ tiền bảo hiểm.
  • Có sự gian lận, làm giả các hồ sơ, giấy tờ về bảo hiểm tiền gửi.
  • Cố ý cản trở, gây khó khăn, dẫn đến các thiệt hại về quyền và lợi ích hợp pháp của tổ chức bảo hiểm tiền gửi, tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, người được bảo hiểm tiền gửi và cả cơ quan, tổ chức có liên quan đến bảo hiểm tiền gửi.
  • Có sự lạm dụng chức vụ, quyền hạn làm trái các quy định của pháp luật về bảo hiểm tiền gửi.

III. NHỮNG THẮC MẮC THƯỜNG GẶP VỀ BẢO HIỂM TIỀN GỬI 

1.  Phí bảo hiểm tiền gửi được quy định như thế nào? 

Dựa theo quy định tại công văn Số: 397/CV-BHTG8 V/v hướng dẫn tính và nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì phí bảo hiểm tiền gửi được định nghĩa là đó là một khoản tiền mà tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi bắt buộc phải đóng cho Bảo hiểm tiền gửi Việt Nam để được bảo hiểm cho tiền gửi của khách hàng của mình và người gửi tiền thì không cần phải nộp phí này. Mức phí bảo hiểm tiền gửi này sẽ được hạch toán vào chi phí hoạt động của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi.

Như vậy, khi người được bảo hiểm tham gia gửi tiền tại tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi, tổ chức này phải đóng một khoản phí với mục đích bảo hiểm cho số tiền khách hàng của mình thì mức phí đó được gọi là phí bảo hiểm tiền gửi. 

2. Nộp phí chậm có bị xử phạt hay không? 

Căn cứ theo Điều 21 Luật Bảo hiểm tiền gửi 2012, thì khi tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi nộp phí chậm, dẫn đến trễ thời hạn nộp phí theo quy định thì ngoài việc phải nộp đủ số phí còn thiếu phải chịu phạt mỗi ngày nộp chậm bằng 0,05% số tiền nộp chậm.

Do đó, nếu nộp chậm nộp phí bảo hiểm tiền gửi thì bên cạnh việc phải đóng đầy đủ mức phí còn thiếu, sẽ phải đóng thêm khoản phí phát sinh do chậm nộp phí của mình. 

3. Nếu có sự thay đổi tên tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì có thực hiện việc đề nghị cấp lại giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi không? 

Căn cứ theo quy định tại Điều 3 Thông tư 24/2014/TT-NHNN thì tên tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi là một trong các nội dung được ghi trên Giấy chứng nhận.Hơn nữa, cũng theo quy định tại khoản 2 Điều này thì: 

  • Trong thời hạn 15 ngày kể từ ngày có sự thay đổi nội dung Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi, cụ thể là thay đổi tên tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thì tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thực hiện việc đề nghị cấp lại Chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định tại khoản 3 Điều 7 Nghị định số 68/2013/NĐ-CP ngày 28 tháng 6 năm 2013 của Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành Luật Bảo hiểm tiền gửi.

Do đó, đối với trường hợp tên của tổ chức tham gia bảo hiểm tiền gửi thay đổi thì phải tiến hành việc thực hiện đề nghị cấp lại giấy chứng nhận tham gia bảo hiểm tiền gửi theo quy định nêu trên. 

Trên đây là phần tư vấn của NPLaw về vấn đề bảo hiểm gửi tiền bao gồm các điều kiện để tiền gửi được bảo hiểm, các hành vi bị cấm khi tham gia hoạt động bảo hiểm tiền gửi cũng như những giải đáp liên quan đến các thắc mắc hay gặp trên thực tế.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan