Theo quy định pháp luật, vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ. Trong một vụ án thì chứng cứ có vai trò rất quan trọng, là một yếu tố nói lên sự thật của vụ việc, giúp Tòa án xét xử đúng người đúng tội. Vậy pháp luật có quy định như thế nào về vật chứng. Hãy cùng NPLAW tìm hiểu những quy định của pháp luật về vật chứng nhé.
Theo quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì vật chứng là: vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Từ khái niệm trên, ta có thể hiểu vật chứng là vật, có liên quan đến tội phạm và người phạm tội như đó là công cụ, phương tiện để phạm tội, mang dấu vết của người phạm tội khi thực hiện hành vi phạm tội để lại.
Hiện nay, có rất nhiều người dễ nhầm lẫn giữa tang vật và vật chứng. Vậy hãy cùng NPLAW phân biệt tang vật và vật chứng nhé.
Nội dung | Tang vật | Vật chứng |
Cơ sở pháp lý | Luật xử lý vi phạm hành chính 2012 | Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 |
Khái niệm | Hiện nay, không có quy định pháp luật về khái niệm tang vật là gì, tuy nhiên, ta có thể căn cứ tại khoản 6 Điều 5 Nghị định 118/2021/NĐ-CP để có thể hiểu tang vật là ma túy, vũ khí, vật liệu nổ, công cụ hỗ trợ, vật có giá trị lịch sử, giá trị văn hóa, bảo vật quốc gia, cổ vật, hàng lâm sản quý hiếm, vật thuộc loại cấm tàng trữ, cấm lưu hành. | Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án. |
Tịch thu khi nào? | Tịch thu tang vật là một trong các biện pháp xử lý vi phạm hành chính, khi có hành vi vi phạm hành chính có tính chất nghiêm trọng do cá nhân, tổ chức thực hiện với lỗi cố ý | Khi tịch thu vật chứng phải có căn cứ chứng minh các vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội, vật mang dấu vết tội phạm, vật là đối tượng của tội phạm, tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án |
Cách xử lý |
Đối với tang vật, phương tiện đang bị tạm giữ do bị chiếm đoạt, sử dụng trái phép để vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu thì trả lại cho chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp; Trường hợp chủ sở hữu, người quản lý hoặc người sử dụng hợp pháp có lỗi cố ý trong việc để người vi phạm sử dụng tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thì tang vật, phương tiện đó bị tịch thu sung vào ngân sách nhà nước. Đối với tang vật, phương tiện vi phạm hành chính thuộc trường hợp bị tịch thu nhưng đã đăng ký biện pháp bảo đảm thế chấp tài sản theo quy định của pháp luật dân sự thì bên nhận thế chấp được nhận lại tang vật, phương tiện hoặc trị giá tương ứng với nghĩa vụ được bảo đảm; Trong trường hợp này, cá nhân, tổ chức vi phạm phải nộp một khoản tiền tương đương trị giá tang vật, phương tiện vi phạm vào ngân sách nhà nước. Điều 126 Luật xử lý vi phạm hành chính 2012, sửa đổi bổ sung 2020, điểm a khoản 2 Điều 23 Nghị định số 118/2021/NĐ-CP. |
Vật chứng được xử lý như sau: - Vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy; - Vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội mà có thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước; - Vật chứng không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy. Khoản 2 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015. |
Trên đây, là những điểm phân biệt giữa tang vật và chứng cứ.
Trong hình sự, tang vật sẽ là chứng cứ nếu có căn cứ, cơ sở chứng minh tang vật đó có liên quan đến quá trình phạm tội hoặc tội phạm.
Theo khái niệm được quy định tại Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì vật chứng bao gồm các loại sau:
- Vật chứng là vật được dùng làm công cụ, phương tiện phạm tội
- Vật chứng mang dấu vết phạm tội
- Vật chứng là đối tượng của tội phạm
- Tiền hoặc vật khác có giá trị chứng minh tội phạm và người phạm tội hoặc có ý nghĩa trong việc giải quyết vụ án.
Căn cứ theo Điều 89 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Vật chứng là một trong những nguồn chứng cứ nên phải được bảo quản nguyên vẹn, không để mất mát, lẫn lộn, hư hỏng. Cho nên, việc bảo quản vật chứng được thực hiện như sau:
- Phải niêm phong vật chứng ngay sau khi thu thập nếu đó là vật chứng cần được niêm phong. Việc niêm phong, mở niêm phong được lập biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án và thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
- Phải giám định ngay sau khi thu thập nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ, chất nổ, chất cháy, chất độc, chất phóng xạ, vũ khí quân dụng và phải chuyển ngay để bảo quản tại Kho bạc Nhà nước hoặc cơ quan chuyên trách khác. Nếu vật chứng là tiền, vàng, bạc, kim khí quý, đá quý, đồ cổ lưu dấu vết của tội phạm thì tiến hành niêm phong; còn khi vật chứng là vi khuẩn nguy hại, bộ phận cơ thể người, mẫu mô, mẫu máu và các mẫu vật khác của cơ thể người thì được bảo quản tại cơ quan chuyên trách theo quy định của pháp luật;
- Vật chứng không thể đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng để bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng giao vật chứng đó cho chủ sở hữu, người quản lý hợp pháp đồ vật, tài sản hoặc người thân thích của họ hoặc chính quyền địa phương, cơ quan, tổ chức nơi có vật chứng bảo quản;
- Vật chứng thuộc loại mau hỏng hoặc khó bảo quản thì cơ quan có thẩm quyền trong phạm vi quyền hạn của mình quyết định bán theo quy định của pháp luật và chuyển tiền đến tài khoản tạm giữ của cơ quan có thẩm quyền tại Kho bạc Nhà nước để quản lý;
- Vật chứng đưa về cơ quan có thẩm quyền tiến hành tố tụng bảo quản thì cơ quan Công an nhân dân, Quân đội nhân dân, cơ quan được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn điều tra, truy tố; cơ quan thi hành án dân sự có trách nhiệm bảo quản vật chứng trong giai đoạn xét xử và thi hành án.
Cơ sở pháp lý: Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Theo quy định tại Điều 105 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015 thì vật chứng được thu nhập như sau:
- Thu thập kịp thời, đầy đủ, mô tả đúng thực trạng vào biên bản và đưa vào hồ sơ vụ án.
- Trường hợp vật chứng không thể đưa vào hồ sơ vụ án thì phải chụp ảnh, có thể ghi hình để đưa vào hồ sơ vụ án.
Sau thu thập vật chứng thì phải tiến hành niêm phong, bảo quản theo quy định của pháp luật.
Việc xử lý vật chứng do cơ quan có thẩm quyền thực hiện theo đúng quy định pháp luật, khi xử lý vật chứng phải được ghi vào biên bản.
Việc xử lý vật chứng được thực hiện như sau:
- Nếu vật chứng là công cụ, phương tiện phạm tội, vật cấm tàng trữ, lưu hành thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước hoặc tiêu hủy;
- Khi vật chứng là tiền bạc hoặc tài sản do phạm tội thì bị tịch thu, nộp ngân sách nhà nước;
- Còn đối với vật chứng mà không có giá trị hoặc không sử dụng được thì bị tịch thu và tiêu hủy.
- Trong trường hợp nếu vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm hoặc sản phẩm của chúng thì được xử lý như sau:
+ Nếu vật chứng là động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm còn sống thì ngay sau khi có kết luận giám định phải giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành để trả về tự nhiên, giao cho trung tâm cứu hộ, khu bảo tồn thiên nhiên, vườn quốc gia hoặc giao cho cơ quan, tổ chức khác theo quy định của pháp luật.
+ Còn nếu là cá thể động vật chết hoặc sản phẩm động vật hoang dã, động vật nguy cấp, quý, hiếm thuộc loại mau hỏng, khó bảo quản thì phải tiêu hủy hoặc giao cho cơ quan quản lý chuyên ngành có thẩm quyền xử lý theo quy định của pháp luật.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 106 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015, điểm a, b khoản 1 Điều 7 Nghị quyết số: 05/2018/NQ-HĐTP.
Khi có căn cứ, chứng minh được rằng vật chứng là giả mạo, không đúng sự thật thì ta có thể kháng nghị theo thủ tục tái thẩm đối với bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án.
Căn cứ theo quy định tại khoản 3 Điều 398 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
“Điều 398. Căn cứ để kháng nghị theo thủ tục tái thẩm
Bản án, quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật bị kháng nghị theo thủ tục tái thẩm khi có một trong các căn cứ:
3. Vật chứng, biên bản về hoạt động điều tra, truy tố, xét xử, biên bản hoạt động tố tụng khác hoặc những chứng cứ, tài liệu, đồ vật khác trong vụ án bị giả mạo hoặc không đúng sự thật”.
Bảo quản vật chứng trong vụ án hình sự là một việc rất quan trọng, bởi vì nếu làm mất hay hư hỏng vật chứng thì rất khó có thể dùng để làm chứng cứ trong một vụ án hình sự. Mà không có chứng cứ hoặc chứng cứ đó bị hư hỏng thì khó có thể làm sáng tỏa vụ án, có khi làm vụ án đi theo hướng sai lệch hoặc bế tắc.
Cho nên, việc bảo quản vật chứng rất quan trọng, nếu trong quá trình bảo quản để mất mát, hư hỏng, phá hủy niêm phong, tiêu dùng, sử dụng trái phép, chuyển nhượng, đánh tráo, cất giấu, hủy hoại vật chứng của vụ án thì có thể bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự tùy theo mức độ và hành vi của người có trách nhiệm bảo quản vật chứng.
Đối với trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Trong quá trình bảo quản vật chứng, thì người có trách nhiệm bảo quản vật chứng mà để mất mát, hư hỏng vật chứng của vụ án thì tuỳ vào tính chất, mức độ vi phạm mà bị xử lý kỷ luật hoặc bị truy cứu trách nhiệm hình sự theo quy định của luật.
Còn đối với trường hợp thêm, bớt, sửa đổi, đánh tráo, hủy, làm hư hỏng vật chứng của vụ án nhằm làm sai lệch hồ sơ vụ án thì người có trách nhiệm bảo quản vật chứng phải chịu trách nhiệm hình sự; nếu gây thiệt hại thì phải bồi thường theo quy định của luật.
Cơ sở pháp lý: khoản 2 Điều 90 Bộ luật Tố tụng hình sự 2015.
Kho vật chứng là nơi tiếp nhận, quản lý, bảo quản vật chứng thu thập được của các vụ án để phục vụ công tác điều tra, truy tố hoặc công tác xét xử, thi hành án do cơ quan tiến hành tố tụng cùng cấp hoặc cấp trên hoặc cơ quan khác được giao nhiệm vụ tiến hành một số hoạt động điều tra chuyển giao.
Việc xuất kho đối với vật chứng đã thu thập được của các vụ án theo lệnh của thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng.
Như vậy, không có quy định về thời gian bao lâu để chuyển vật chứng sang cơ quan thi hành án. Chỉ có quy định về việc xuất kho vật chứng sẽ theo lệnh của thủ trưởng cơ quan thụ lý vụ án và chỉ đạo của thủ trưởng cơ quan quản lý kho vật chứng.
Cơ sở pháp lý: khoản 1 Điều 3, điểm b khoản 1 Điều 7 Nghị định số 18/2002/NĐ-CP (được sửa đổi bởi khoản 5 Điều 1 Nghị định 70/2013/NĐ-CP).
Như vậy, vật chứng rất quan trọng trong một vụ án hình sự, là một nguồn chứng cứ góp phần làm sáng tỏa vụ án.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn