Ngày nay, chúng ta rất dễ bắt gặp trên các phương tiện thông tin đại chúng hình ảnh quảng cáo khám chữa bệnh, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ thì việc sử dụng mạng internet để thực hiện quảng cáo lại càng trở nên phổ biến hơn bao giờ. Tuy nhiên, chính vì nền tảng quảng cáo rộng dẫn đến việc quảng cáo tràn lan, quảng cáo không đúng chuyên môn…dẫn đến nhiều hệ lụy.
Vậy liệu nhà nước có quy định gì về việc quảng cáo khám chữa bệnh hay không? Có cần đáp ứng điều kiện gì khi thực hiện quảng cáo hay nếu quảng cáo sai lệch thì có bị xử phạt không? Bài viết dưới đây NPLaw sẽ cung cấp cho bạn một số thông tin cần thiết về hoạt động quảng cáo khám chữa bệnh
Quảng cáo là một thuật ngữ quen thuộc mà gần như ai cũng biết đến nó. Quảng cáo luôn gần gũi và tồn tại xung quanh chúng ta, dù bạn là khách hàng hay người làm kinh doanh thì mỗi ngày bạn vẫn đang tiếp xúc với vô vàng quảng cáo. Quảng cáo mang đến cho bạn nhiều thông tin hữu ích. Vậy quảng cáo là gì?
Theo khoản 1 điều 2 VBHN số 47 năm 2018 quy định : “Quảng cáo là việc sử dụng các phương tiện nhằm giới thiệu đến công chúng sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ có mục đích sinh lợi; sản phẩm, dịch vụ không có mục đích sinh lợi; tổ chức, cá nhân kinh doanh sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ được giới thiệu, trừ tin thời sự; chính sách xã hội; thông tin cá nhân”.
Như chúng ta biết, hầu hết trong các lĩnh vực kinh doanh thì đều xuất hiện hoạt động quảng cáo. Việc thực hiện hoạt động này nhằm đạt hiệu quả cao trong kinh doanh. Và đối với dịch vụ khám chữa bệnh cũng vậy, để việc kinh doanh phát đạt hơn thì việc quảng cáo trên các phương tiện thông tin đại chúng là một trong những yếu tố quan trọng để thu hút người đến khám chữa bệnh.
Thực hiện quảng cáo để phát triển, đây là điểm chung đa số doanh nghiệp hiện nay. Nếu có hoạt quảng cáo tốt, tạo ra được những chiến dịch quảng cáo đặc sắc sẽ giúp cho các cơ sở khám chữa bệnh tìm thấy được thật nhiều khách hàng.
Căn cứ theo Điểm e khoản 4 Điều 20 Luật Quảng Cáo 2012 quy định: “Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật”Như vậy, điều kiện tiên quyết để thực hiện hoạt động quảng cáo hợp pháp là tổ chức, cá nhân hành nghề khám, chữa bệnh cần phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo đúng quy định. Việc quy định như vậy để tránh những trường hợp không có tay nghề, tay nghề kém, không được đào tạo…thực hiện nhiều cách thức để quảng cáo và thu hút khách hàng. Điều này sẽ dẫn đến nhiều rủi ro cho cả người thực hiện dịch vụ và khách hàng.
Tiếp theo, pháp luật hiện hành còn quy định về nội dung quảng cáo tại Điều 9 Nghị định 181/2013/NĐ-CP như sau:
1. Nội dung quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải phù hợp với Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh đối với cơ sở khám bệnh, chữa bệnh hoặc Chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đối với người hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
2. Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có các nội dung sau đây:
a) Tên, địa chỉ của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh nơi được cấp phép hoạt động;
b) Phạm vi hoạt động chuyên môn kỹ thuật chính ghi trong Giấy phép hoạt động hoặc Chứng chỉ hành nghề đã được cơ quan có thẩm quyền về y tế cấp phép.
Việc quy định nội dung quảng cáo như vậy để tránh việc quảng cáo tràn lan, quảng cáo sai sự thật dẫn đến nhiều hệ lụy khó lường, đặc biệt đối với ngành nghề khám chữa bệnh thì nội dung quảng cáo càng cần phải quy định chặt chẽ hơn.
Bên cạnh đó, Điều 12 Nghị định 181/2013/NĐ-CP (sửa đổi bổ bởi Điều 5 Nghị định 123/2018/NĐ-CP) còn quy định:
"1. Việc quảng cáo các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt quy định từ Điều 3 đến Điều 11 Nghị định này (trừ quảng cáo thức ăn chăn nuôi) chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
2. Bộ Y tế, Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Bộ Công Thương có trách nhiệm xác nhận nội dung quảng cáo đối với các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ đặc biệt thuộc lĩnh vực được phân công quản lý hoặc theo phân cấp thẩm quyền xác nhận theo quy định.
3. Trong thời hạn 10 ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ đầy đủ, hợp lệ về yêu cầu xác nhận nội dung quảng cáo, cơ quan quy định tại Khoản 2 Điều này phải có văn bản xác nhận nội dung quảng cáo. Trường hợp không đồng ý phải có văn bản trả lời nêu rõ lý do.”
Như vậy, có thể thấy đối với hoạt động quảng cáo dịch vụ khám chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật; và chỉ thực hiện sau khi được cơ quan nhà nước có thẩm quyền xác nhận nội dung quảng cáo.
Như đã đề cập ở trên, việc quảng cáo khám chữa bệnh cần phải tuân theo các điều kiện nhất định mà pháp luật quy định. Do vậy, đối với các cá nhân, tổ chức nào thực hiện việc quảng cáo khám chữa bệnh trái pháp luật thì đều bị xử lý theo quy định. Căn cứ Điều 56 Nghị định 38/2021/NĐ- quy định về Vi phạm các quy định về quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh thiếu nội dung về phạm vi hoạt động chuyên môn ghi trong Giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh.
2. Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây:
a) Quảng cáo việc chẩn đoán, lựa chọn giới tính phôi, thai nhi;
b) Quảng cáo, môi giới việc hiến, nhận bộ phận cơ thể người vì mục đích thương mại.
3. Phạt tiền từ 30.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh khi chưa có giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh hoặc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh.
4. Hình thức xử phạt bổ sung:
a) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 1 Điều này;
b) Tước quyền sử dụng giấy phép hoạt động khám bệnh, chữa bệnh trong thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi quy định tại khoản 2 Điều này.
5. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc tháo gỡ, tháo dỡ, xóa quảng cáo hoặc thu hồi sản phẩm in, tạp chí in quảng cáo đối với hành vi quy định tại các khoản 1, 2 và 3 Điều này.”
Từ điều luật trên có thể thấy, mức xử phạt hành chính đối với hoạt động quảng cáo khám chữa bệnh là tương đối cao. Bởi hơn hết, ngành nghề khám chữa bệnh liên quan trực tiếp đến sức khỏe, tính mạng của con người nên việc quy định mức phạt cao là điều dễ hiểu.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Nghị định 98/2021/NĐ-CP quy định:
“Điều 21. Số lưu hành của trang thiết bị y tế
1. Số lưu hành của trang thiết bị y tế là:
a) Số công bố tiêu chuẩn áp dụng đối với trang thiết bị y tế thuộc loại A, B;
b) Số giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế thuộc loại C, D.”
Theo như quy định về điều kiện quảng cáo trang thiết bị y tế đã nêu ở trên thì trang thiết bị y tế có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành đối với trang thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với trang thiết bị y tế nhập khẩu thì mới thỏa mãn điều kiện về quảng cáo trang thiết bị y tế.
Do đó, kể từ năm 2022 thì trang thiết bị y tế loại B không còn giấy chứng nhận đăng ký lưu hành. Vì thế cá nhân, tổ chức sẽ không cần thực hiện thủ tục xin xác nhận nội dung quảng cáo đối với trang thiết bị y tế loại B.Qua đó có thể thấy không phải bất cứ ngành nghề nào cũng thực hiện hoạt động quảng cáo một cách dễ dàng, đặc biệt đối với những ngành nghề như khám chữa bệnh thì để thực hiện quảng cáo khám chữa bệnh đúng pháp luật thì cá nhân, tổ chức cần đáp ứng các điều kiện pháp luật quy định. Do vậy, để có thể thực hiện việc quảng cáo một cách nhanh chóng và hiệu quả thì bạn hãy liên hệ ngay với NPLaw để được tư vấn chi tiết nhất.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn