Copy bài viết website là hành vi tác động trực tiếp đến quyền sở hữu trí tuệ của tác giả bài viết, và có thể xem là một hành vi nhạy cảm trong quá trình sáng tác, sáng tạo. Thông qua bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý bạn đọc các kiến thức pháp lý cần thiết liên quan đến copy bài viết website.
Những nhà sáng tạo nội dung đang vô cùng ám ảnh với hàng loạt các hành vi sao chép từ nội dung đến hình ảnh, thậm chí không hề có sự chọn lọc lại, copy ngay cả những lỗi chính tả vô tình mắc phải. Mặc dù tình trạng này diễn ra khá phổ biến, thậm chí đến mức có thể coi là vấn nạn văn hóa, nhưng lại ít thấy sự lên tiếng của tác giả. Chính vì vậy mà càng ngày càng có nhiều tác phẩm bị sao chép và không nghĩ rằng đây là một hành vi vi phạm pháp luật.
Việc copy bài viết của người khác trên website có thể xem xét trên hai trường hợp, trường hợp được tác giả cho phép và trường hợp không được tác giả cho phép.
Trường hợp tác giả cho phép thực hiện việc sao chép tác phẩm trên website, đồng thời người copy ghi nhận, thể hiện cụ thể tác giả của bài viết đó, khi đó, trên cơ sở đồng thuận giữa các bên, việc copy bài viết của người khác trên website là phù hợp.
Trường hợp tác giả không biết, không cho phép thực hiện việc sao chép tác phẩm trên website, việc copy bài viết của người khác trên website là hành vi xâm phạm đến quyền tác giả đối với bài viết đó. Vì vậy, đây là hành vi không được phép thực hiện.
Như vậy việc copy bài viết của người khác trên website phải phụ thuộc vào sự cho phép của tác giả để đánh giá sự hợp lý, hợp pháp.
Khoản 2 Điều 28 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi, bổ sung quy định hành vi “2. Xâm phạm quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này” là một hành vi xâm phạm quyền tác giả. Quy định này dẫn đến điểm c khoản 1 Điều 20 như sau: “c) Sao chép trực tiếp hoặc gián tiếp toàn bộ hoặc một phần tác phẩm bằng bất kỳ phương tiện hay hình thức nào, trừ trường hợp quy định tại điểm a khoản 3 Điều này”.
Như vậy, hành vi copy bài viết của người khác trên website là hành vi vi phạm sở hữu trí tuệ.
Điều 18 Nghị định 131/2013/NĐ-CP được sửa đổi bổ sung bởi khoản 2 Điều 3 Nghị định 28/2017/NĐ-CP quy định như sau:
“1. Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 35.000.000 đồng đối với hành vi sao chép tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
2. Biện pháp khắc phục hậu quả:
Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường mạng và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm đối với hành vi quy định tại Khoản 1 Điều này”.
Như vậy, hành vi copy bài viết website sẽ bị xử phạt hành chính lên tới 35 triệu đồng và phải thực hiện biện pháp khắc phục hậu quả.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 14 Luật sở hữu trí tuệ năm 2005 đã được sửa đổi bổ sung về các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả:
“1. Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:
a) Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
b) Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
c) Tác phẩm báo chí;
…
l) Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;...”
Như vậy, các bài viết là tác phẩm văn học, khoa học, bài viết thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác, báo chí, văn học đều là các bài viết mà pháp luật bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, đã được sửa đổi, bổ sung về thời hạn bảo hộ quyền tác giả như sau:
“2. Quyền nhân thân quy định tại khoản 3 Điều 19 và quyền tài sản quy định tại Điều 20 của Luật này có thời hạn bảo hộ như sau:
a) Tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng, tác phẩm khuyết danh có thời hạn bảo hộ là bảy mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu tiên; đối với tác phẩm điện ảnh, nhiếp ảnh, mỹ thuật ứng dụng chưa được công bố trong thời hạn hai mươi lăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình thì thời hạn bảo hộ là một trăm năm, kể từ khi tác phẩm được định hình; đối với tác phẩm khuyết danh, khi các thông tin về tác giả xuất hiện thì thời hạn bảo hộ được tính theo quy định tại điểm b khoản này;
b) Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản này có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết;
c) Thời hạn bảo hộ quy định tại điểm a và điểm b khoản này chấm dứt vào thời điểm 24 giờ ngày 31 tháng 12 của năm chấm dứt thời hạn bảo hộ quyền tác giả”.
Như vậy, thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với bài viết là suốt cuộc đời của tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết. Trường hợp bài viết có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.
Căn cứ Điều 42 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 đã được sửa đổi bổ sung quy định về việc quản lý tác phẩm khuyến danh như sau:
“2. Nhà nước đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan trong các trường hợp sau đây:
…
b) Tác phẩm khuyết danh cho đến khi danh tính của tác giả, đồng tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả, đồng chủ sở hữu quyền tác giả được xác định, trừ trường hợp quy định tại khoản 2 Điều 41 của Luật này”.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 23 Nghị định 17/2023/NĐ-CP quy định về việc sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng mà Nhà nước là đại diện quản lý quyền tác giả, quyền liên quan như sau:
“2. Tổ chức, cá nhân có nhu cầu sử dụng tác phẩm, cuộc biểu diễn, bản ghi âm, ghi hình, chương trình phát sóng quy định tại khoản 1 Điều này phải nộp hồ sơ trực tiếp hoặc qua dịch vụ bưu chính tới cơ quan chuyên môn quản lý nhà nước về quyền tác giả, quyền liên quan của Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch sau khi đã nỗ lực tìm kiếm chủ thể quyền mà không thể tìm được hoặc không liên hệ được”.
Như vậy, bài viết trên website không để tên tác giả là tác phẩm khuyết danh và không thể tùy ý sử dụng.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu pháp lý về copy bài viết trên website của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với bề dày kinh nghiệm trong lĩnh vực tư sở hữu trí tuệ sẽ tư vấn cho Quý Khách hàng các vấn đề về copy bài viết website. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn