Quy định pháp luật về bán phụ kiện điện thoại

Với nhu cầu ngày càng tăng, kinh doanh phụ kiện điện thoại trở thành một lĩnh vực hấp dẫn với vốn đầu tư linh hoạt, lợi nhuận cao và dễ dàng tiếp cận khách hàng. Tuy nhiên, để thành công trong thị trường cạnh tranh này, người kinh doanh cần hiểu rõ về xu hướng tiêu dùng, nguồn hàng, chiến lược bán hàng cũng như các quy định pháp luật liên quan. Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLaw tìm hiểu các vấn đề pháp lý liên quan đến bán phụ kiện điện thoại.

I. Nhu cầu bán phụ kiện điện thoại ngày nay

1. Sự phát triển của thị trường phụ kiện điện thoại và tiềm năng kinh doanh.

Thị trường phụ kiện điện thoại đang phát triển mạnh mẽ nhờ sự gia tăng không ngừng của người dùng smartphone trên toàn thế giới. Khi điện thoại thông minh trở thành một phần thiết yếu trong cuộc sống, nhu cầu sử dụng các phụ kiện điện thoại cũng ngày càng tăng cao. Tại Việt Nam, với sự phát triển mạnh mẽ của thương mại điện tử, giúp các nhà bán lẻ dễ dàng tiếp cận khách hàng mà không cần đầu tư quá nhiều vào cửa hàng vật lý.

Tuy nhiên, để tận dụng tiềm năng kinh doanh này, người bán cần có chiến lược chọn sản phẩm phù hợp, tối ưu kênh bán hàng và đảm bảo chất lượng hàng hóa. Ngoài ra, việc nắm bắt xu hướng tiêu dùng, sử dụng quảng cáo hiệu quả và tạo dựng thương hiệu uy tín sẽ giúp doanh nghiệp phát triển bền vững trong thị trường đầy cạnh tranh này. Với tốc độ tăng trưởng nhanh chóng, phụ kiện điện thoại vẫn là một lĩnh vực kinh doanh đầy hứa hẹn cho những ai biết khai thác cơ hội.

2. Những lợi ích và thách thức khi kinh doanh phụ kiện điện thoại.

Kinh doanh phụ kiện điện thoại mang lại nhiều lợi ích hấp dẫn, đặc biệt trong thời đại công nghệ phát triển mạnh mẽ. Trước hết, đây là thị trường tiềm năng với nhu cầu cao, bởi hầu hết mọi người đều sở hữu điện thoại di động và thường xuyên cần các phụ kiện như ốp lưng, cáp sạc, tai nghe, kính cường lực… Thứ hai, vốn đầu tư ban đầu thấp, không cần kho bãi lớn, giúp cá nhân hoặc doanh nghiệp nhỏ dễ dàng tham gia. Ngoài ra, lợi nhuận hấp dẫn khi giá nhập thấp nhưng giá bán có thể cao hơn gấp nhiều lần, đặc biệt với các sản phẩm hot trend. 

Mặc dù có nhiều cơ hội, nhưng kinh doanh phụ kiện điện thoại cũng đi kèm với nhiều thách thức. Cạnh tranh khốc liệt là một trong những khó khăn lớn nhất, hơn nữa, tình trạng hàng giả, hàng kém chất lượng tràn lan làm giảm uy tín của người bán nếu không kiểm soát được nguồn hàng. Ngoài ra, xu hướng tiêu dùng thay đổi nhanh chóng, nên người kinh doanh cần liên tục cập nhật sản phẩm mới để đáp ứng nhu cầu thị trường. Cuối cùng, nếu bán hàng online, người bán phải đối mặt với chi phí quảng cáo cao, chính sách thay đổi từ các sàn thương mại điện tử và rủi ro từ khách hàng như hoàn hàng, boom hàng.

II. Quy định pháp luật về bán phụ kiện điện thoại

1. Bán phụ kiện điện thoại cần đáp ứng điều kiện gì không?

- Yêu cầu về nguồn gốc, xuất xứ sản phẩm.

Theo quy định pháp luật, các sản phẩm lưu thông trên thị trường Việt Nam, bao gồm phụ kiện điện thoại, phải có nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng. Doanh nghiệp, hộ kinh doanh phải chứng minh được xuất xứ của hàng hóa thông qua các chứng từ như:

  • Hóa đơn mua hàng hợp pháp;
  • Chứng từ nhập khẩu hợp lệ đối với hàng hóa nhập khẩu;
  • Hồ sơ, tài liệu chứng minh nguồn gốc đối với hàng sản xuất trong nước.

- Các quy định về nhãn mác, chứng nhận chất lượng đối với một số loại phụ kiện.

Theo Điều 10 Nghị định 43/2017/NĐ-CP (được sửa đổi, bổ sung bởi Nghị định 111/2021/NĐ-CP), nhãn hàng hóa của phụ kiện điện thoại phải thể hiện đầy đủ các nội dung bắt buộc sau:

  • Tên hàng hóa;
  • Tên và địa chỉ của tổ chức, cá nhân chịu trách nhiệm về hàng hóa;
  • Xuất xứ hàng hóa.

Hàng nhập khẩu phải có nhãn phụ bằng tiếng Việt trước khi đưa ra thị trường. Một số loại phụ kiện điện thoại có liên quan đến an toàn điện, tần số vô tuyến hoặc môi trường cần phải có chứng nhận chất lượng trước khi lưu hành, cụ thể:

  • Cáp sạc, củ sạc: Phải đạt tiêu chuẩn an toàn điện theo QCVN 4:2009/BKHCN và được chứng nhận hợp quy theo Quyết định 3810/QĐ-BKHCN;
  • Tai nghe Bluetooth, loa không dây: Phải được chứng nhận hợp quy về tần số vô tuyến theo QCVN 112:2017/BTTTT được quy định tại Thông tư 18/2017/TT-BTTTT;
  • Pin điện thoại, pin dự phòng: Phải đáp ứng tiêu chuẩn kỹ thuật theo QCVN 101:2020/BTTTT được quy định tại Thông tư 15/2020/TT-BTTTT.

Như vậy, khi kinh doanh phụ kiện điện thoại, doanh nghiệp hoặc hộ kinh doanh cần tuân thủ các quy định về nguồn gốc, xuất xứ, nhãn hàng hóa và chứng nhận chất lượng để tránh bị xử phạt và đảm bảo quyền lợi cho người tiêu dùng.

2. Bán phụ kiện điện thoại cần thành lập công ty không?

- Khi nào cần đăng ký hộ kinh doanh hoặc thành lập công ty?

Việc bán phụ kiện điện thoại có cần thành lập công ty hay không phụ thuộc vào quy mô kinh doanh, doanh thu và mô hình hoạt động của chủ thể kinh doanh, cụ thể như sau:

  • Nếu hoạt động kinh doanh có địa điểm cố định, doanh thu ổn định và có quy mô kinh doanh nhỏ thì cần đăng ký hộ kinh doanh cá thể theo Điều 87 Nghị định 01/2021/NĐ-CP.
  • Nếu quy mô kinh doanh lớn hơn (có nhiều chi nhánh, doanh thu cao), cần thành lập công ty theo Luật Doanh nghiệp 2020.

Như vậy, nếu chỉ kinh doanh nhỏ lẻ, không có địa điểm cố định, có thể không cần đăng ký hộ kinh doanh hoặc công ty. Nếu mở cửa hàng hoặc kinh doanh có địa điểm cố định, cần đăng ký hộ kinh doanh cá thể hoặc thành lập công ty mô hình hoạt động của chủ thể kinh doanh.

- Các loại giấy phép cần thiết nếu mở cửa hàng hoặc kinh doanh online.

Khi mở cửa hàng hoặc kinh doanh online phụ kiện điện thoại, cần có các giấy phép sau:

  • Giấy phép kinh doanh;
  • Giấy chứng nhận đăng ký thuế;
  • Giấy phép bán hàng trên sàn thương mại điện tử;
  • Giấy chứng nhận hợp quy (nếu có hàng hóa thuộc danh mục quản lý).

III. Giải đáp một số câu hỏi về bán phụ kiện điện thoại

1. Bán phụ kiện điện thoại cần xuất hóa đơn bán hàng không?

Theo quy định tại Khoản 1, Điều 4 Nghị định 123/2020/NĐ-CP, người bán hàng hóa, cung cấp dịch vụ phải lập hóa đơn và giao cho người mua, kể cả trong các trường hợp đặc biệt như:

  • Hàng hóa, dịch vụ dùng để khuyến mại, quảng cáo, làm hàng mẫu;
  • Hàng hóa, dịch vụ dùng để cho, biếu, tặng, trao đổi, trả thay lương cho người lao động;
  • Hàng hóa tiêu dùng nội bộ (trừ trường hợp luân chuyển nội bộ để tiếp tục sản xuất);
  • Hàng hóa xuất ra dưới hình thức cho vay, cho mượn hoặc hoàn trả.

Như vậy, khi bán phụ kiện điện thoại cần phải lập hóa đơn đúng quy định, nếu không tuân thủ, có thể bị xử phạt theo quy định pháp luật.

2. Thủ tục thành lập công ty bán phụ kiện điện thoại như thế nào?

  • Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ 

  1. Đối với công ty tư nhân

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của cá nhân chủ doanh nghiệp tư nhân (CMND/CCCD/hộ chiếu).
  1. Đối với công ty hợp danh

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên hợp danh;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của thành viên công ty, người đại diện theo ủy quyền (nếu có);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có yếu tố nước ngoài).
  1. Đối với công ty TNHH hai thành viên trở lên hoặc công ty cổ phần:

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Danh sách thành viên (công ty TNHH 2 thành viên trở lên) hoặc danh sách cổ đông sáng lập, cổ đông nước ngoài (công ty cổ phần);
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật của công ty, thành viên góp vốn, cổ đông sáng lập, cổ đông nước ngoài (nếu có), người đại diện theo ủy quyền (nếu có);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có yếu tố vốn đầu tư nước ngoài).
  1. Đối với công ty TNHH một thành viên

  • Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp;
  • Điều lệ công ty;
  • Bản sao giấy tờ pháp lý của người đại diện theo pháp luật, chủ sở hữu công ty (cá nhân hoặc tổ chức), người đại diện theo ủy quyền (nếu có);
  • Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (nếu có yếu tố nước ngoài).
  • Bước 2: Nộp hồ sơ

  • Nộp trực tiếp tại Phòng Đăng ký kinh doanh – Sở Kế hoạch và Đầu tư tỉnh/thành phố nơi đặt trụ sở công ty.
  • Hoặc nộp online qua Cổng thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp .
  • Bước 3: Nhận kết quả

  • Trong 3 - 5 ngày làm việc, nếu hồ sơ hợp lệ, công ty sẽ được cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp.
  • Nếu hồ sơ chưa đúng, Phòng Đăng ký kinh doanh sẽ thông báo để sửa đổi, bổ sung.

3. Cửa hàng phụ kiện điện thoại kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc xuất xứ thì bị xử phạt vi phạm hành chính như thế nào?

Theo Điều 17 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, cửa hàng phụ kiện điện thoại kinh doanh hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ sẽ bị xử phạt vi phạm hành chính dựa trên giá trị của hàng hóa vi phạm. Mức phạt cụ thể được quy định như sau:

Đối với hàng hóa có giá trị dưới 1.000.000 đồng, cửa hàng có thể bị phạt cảnh cáo hoặc phạt tiền từ 300.000 - 500.000 đồng.

Đối với hàng hóa có giá trị từ 1.000.000 đồng trở lên, mức phạt sẽ tăng dần theo giá trị của hàng hóa vi phạm, cụ thể:

  • Hàng hóa có giá trị từ 1.000.000 - dưới 3.000.000 đồng: phạt từ 500.000 - 1.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 3.000.000 - dưới 5.000.000 đồng: phạt từ 1.000.000 - 3.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 5.000.000 - dưới 10.000.000 đồng: phạt từ 3.000.000 - 5.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 10.000.000 - dưới 20.000.000 đồng: phạt từ 5.000.000 - 7.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 20.000.000 - dưới 30.000.000 đồng: phạt từ 7.000.000 - 10.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 30.000.000 - dưới 40.000.000 đồng: phạt từ 10.000.000 - 15.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 40.000.000 - dưới 50.000.000 đồng: phạt từ 15.000.000 - 20.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 50.000.000 - dưới 70.000.000 đồng: phạt từ 20.000.000 - 30.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 70.000.000 - dưới 100.000.000 đồng: phạt từ 30.000.000 - 40.000.000 đồng;
  • Hàng hóa có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên: phạt từ 40.000.000 - 50.000.000 đồng.

Như vậy, tùy thuộc vào giá trị của hàng hóa không rõ nguồn gốc, xuất xứ, cửa hàng phụ kiện điện thoại kinh doanh hàng hóa sẽ bị xử phạt theo các mức khác nhau.

4. Có được nhập khẩu và kinh doanh phụ kiện điện thoại xách tay không? (Câu hỏi bổ sung)

Theo khoản 6 Điều 3 Nghị định 98/2020/NĐ-CP, không phải tất cả hàng xách tay đều là hàng nhập lậu. Hàng xách tay sẽ không bị coi là hàng nhập lậu nếu đáp ứng đủ các điều kiện sau:

  • Có hóa đơn, chứng từ hợp pháp chứng minh nguồn gốc, xuất xứ rõ ràng;
  • Không thuộc danh mục hàng cấm nhập khẩu hoặc tạm ngừng nhập khẩu theo quy định của pháp luật;
  • Có giấy phép nhập khẩu;
  • Nhập khẩu qua cửa khẩu đúng quy định của pháp luật;
  • Có dán tem nhập khẩu (nếu có quy định), đóng thuế đầy đủ theo quy định hiện hành.

Như vậy, cửa hàng được nhập khẩu và kinh doanh nếu phụ kiện điện thoại xách tay đáp ứng đủ các điều kiện trên.

5. Bán phụ kiện điện thoại online có cần kê khai thuế không? (Câu hỏi bổ sung)

Theo Điều 4 Thông tư 40/2021/TT-BTC, nếu bán phụ kiện điện thoại online và có phát sinh thu nhập, cần phải kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật. Việc đóng thuế được quy định như sau:

  • Nếu bán hàng online qua Facebook, Shopee, Lazada, Tiktok Shop, Zalo,... mà có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, cửa hàng phải kê khai và nộp thuế;
  • Nếu doanh thu dưới 100 triệu đồng/năm, cửa hàng không cần nộp thuế nhưng vẫn có thể phải kê khai tùy theo yêu cầu của cơ quan thuế.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về bán phụ kiện điện thoại

Trên đây là bài viết của NPLaw về bán phụ kiện điện thoại, với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm NPLaw luôn sẵn sàng đồng hành, tư vấn và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến bán phụ kiện điện thoại. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan