Quy định pháp luật về hợp đồng thuê nhà kinh doanh

Việc ký kết hợp đồng thuê nhà kinh doanh giúp các bên (bên cho thuê và bên thuê) đảm bảo quyền lợi và nghĩa vụ của mình, đồng thời tạo sự minh bạch và rõ ràng trong các thỏa thuận. Bên cho thuê cần bảo vệ quyền sở hữu tài sản của mình và đảm bảo nguồn thu ổn định từ việc cho thuê, trong khi bên thuê cần có một môi trường kinh doanh ổn định, phù hợp với mục đích kinh doanh của mình. Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLaw tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê nhà kinh doanh nhé!

I. Nhu cầu ký kết hợp đồng thuê nhà kinh doanh

Nhu cầu ký kết hợp đồng thuê nhà kinh doanh hiện nay đang ngày càng trở nên phổ biến, đặc biệt trong bối cảnh thị trường bất động sản phát triển mạnh mẽ và các hoạt động kinh doanh, dịch vụ ngày càng đa dạng. 

Hợp đồng thuê nhà kinh doanh còn là cơ sở pháp lý vững chắc, giúp các bên phòng ngừa và giải quyết các tranh chấp, mâu thuẫn có thể phát sinh trong quá trình thuê. Ngoài ra, hợp đồng cũng giúp các bên đảm bảo tuân thủ quy định pháp luật về thuế, bảo vệ tài sản và quyền lợi trong suốt quá trình hợp tác. Vì vậy, nhu cầu ký kết hợp đồng thuê nhà kinh doanh không chỉ giúp bảo vệ lợi ích mà còn hỗ trợ các doanh nghiệp duy trì hoạt động kinh doanh hiệu quả.

II. Quy định về hợp đồng thuê nhà kinh doanh

1. Hợp đồng thuê nhà kinh doanh là gì?

Hợp đồng thuê nhà kinh doanh là thỏa thuận pháp lý giữa bên cho thuê và bên thuê, trong đó bên cho thuê đồng ý cho bên thuê sử dụng một bất động sản (như mặt bằng, cửa hàng, văn phòng) để phục vụ mục đích kinh doanh. Hợp đồng này nhằm xác định các điều khoản và điều kiện mà cả hai bên phải tuân thủ trong suốt thời gian thuê.

2. Bên cho thuê nhà kinh doanh có cần thành lập công ty không?

Việc xác định bên cho thuê nhà kinh doanh có cần thành lập công ty hay không phụ thuộc vào quy mô, tính chất hoạt động cho thuê và mục đích kinh doanh. 

Theo Luật Kinh doanh bất động sản 2023, các quy định cụ thể như sau:

Bên cho thuê nhà cần thành lập doanh nghiệp (công ty), hợp tác xã hoặc liên hiệp hợp tác xã nếu hoạt động cho thuê nhà thuộc loại hình kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, được thực hiện với mục đích sinh lợi và có quy mô lớn. Trong trường hợp này, hoạt động cho thuê nhà được xem như một ngành nghề kinh doanh bất động sản và bên cho thuê phải đăng ký ngành nghề kinh doanh phù hợp theo quy định.

Tuy nhiên, theo khoản 3 và khoản 4, Điều 9 Luật Kinh doanh bất động sản 2023, bên cho thuê nhà không cần thành lập công ty nhưng vẫn cần thực hiện đầy đủ nghĩa vụ về kê khai và nộp thuế theo quy định của pháp luật  nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Cho thuê nhà ở quy mô nhỏ, không thường xuyên: Đây là trường hợp cá nhân hoặc tổ chức chỉ thực hiện cho thuê một hoặc vài tài sản với mục đích sinh lợi nhưng không mang tính chất kinh doanh chuyên nghiệp.
  • Cho thuê nhà ở không nhằm mục đích kinh doanh: Nếu việc cho thuê nhà chỉ để đáp ứng nhu cầu tạm thời, không mang tính chất thương mại, người cho thuê không phải thành lập doanh nghiệp.

Như vậy, nếu hoạt động cho thuê thuộc loại hình kinh doanh bất động sản chuyên nghiệp, bên cho thuê phải thành lập doanh nghiệp. Ngược lại, nếu quy mô nhỏ hoặc không nhằm mục đích kinh doanh, bên cho thuê chỉ cần thực hiện các nghĩa vụ thuế và đảm bảo thủ tục công chứng theo quy định.

3. Hợp đồng thuê nhà kinh doanh chi tiết gồm những nội dung nào? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao?

Hợp đồng thuê nhà kinh doanh thường bao gồm các nội dung cơ bản sau đây để đảm bảo tính hợp pháp và rõ ràng trong giao dịch giữa các bên:

  • Thông tin các bên (tên, địa chỉ, số điện thoại, số CMND/CCCD hoặc giấy phép đăng ký kinh doanh, đại diện hợp pháp của các bên);
  • Mô tả chi tiết về tài sản cho thuê;
  • Mục đích sử dụng mặt bằng;
  • Thời gian thuê và gia hạn hợp đồng;
  • Phương thức và thời hạn thanh (chuyển khoản, tiền mặt,…), tiền thuê và thời gian thanh toán (một lần hay nhiều lần);
  • Quyền và nghĩa vụ của các bên;
  • Sự kiện bất khả kháng (như thiên tai, hỏa hoạn, dịch bệnh,...);
  • Hiệu lực và chấm dứt hợp đồng;
  • Giải quyết tranh chấp (như thương lượng, hòa giải, yêu cầu tòa án hoặc trọng tài giải quyết tranh chấp theo quy định pháp luật).

Trong các nội dung trên, nội dung quan trọng nhất là mô tả chi tiết về tài sản cho thuê và mục đích sử dụng mặt bằng là quan trọng nhất vì nó xác định chính xác đối tượng thuê và đảm bảo tài sản được sử dụng đúng mục đích đã thỏa thuận. Điều này giúp tránh xung đột về việc sử dụng nhà và đảm bảo quyền lợi cho cả hai bên trong quá trình thực hiện hợp đồng.

4. Lưu ý khi soạn hợp đồng thuê nhà kinh doanh

Khi soạn hợp đồng thuê nhà kinh doanh, các bên cần lưu ý một số điểm quan trọng để đảm bảo hợp đồng có tính pháp lý vững chắc và bảo vệ quyền lợi của cả hai bên. Đầu tiên, cần xác định rõ thông tin các bên (bên cho thuê và bên thuê). Thứ hai, cần mô tả chi tiết bất động sản cho thuê (bao gồm diện tích, vị trí, tình trạng mặt bằng, các tiện ích đi kèm như điện, nước, bảo vệ,…) để đảm bảo không có sự hiểu lầm về tài sản cho thuê.

Một điểm quan trọng khác là mục đích sử dụng mặt bằng, phải xác định rõ bên thuê sử dụng mặt bằng cho mục đích gì (ví dụ: mở quán ăn, cửa hàng, văn phòng) nhằm tránh việc thay đổi mục đích sử dụng khi chưa được sự đồng ý của bên cho thuê. Cần chú ý đến thời gian thuê và các điều kiện gia hạn hợp đồng, xác định rõ ngày bắt đầu và kết thúc hợp đồng, cũng như các điều kiện gia hạn (nếu có) để tránh tranh cãi về việc chấm dứt hợp đồng trước hạn.

Hơn nữa, giá thuê và phương thức thanh toán cần phải ghi rõ mức giá thuê, kỳ hạn thanh toán và phương thức thanh toán để tránh sự bất đồng về tài chính. Đồng thời, hợp đồng cần quy định về quyền và nghĩa vụ của các bên, bao gồm trách nhiệm bảo trì, sửa chữa và bảo vệ tài sản cho thuê, nhằm đảm bảo mỗi bên thực hiện đúng nghĩa vụ của mình. Cuối cùng, cần có các điều khoản về xử lý vi phạm hợp đồng và giải quyết tranh chấp, để trong trường hợp xảy ra tranh chấp, các bên có cơ sở pháp lý để giải quyết nhanh chóng và hiệu quả.

Tóm lại, việc soạn thảo hợp đồng thuê nhà kinh doanh phải rõ ràng, chi tiết và công bằng để tránh các rủi ro pháp lý sau này.

III. Giải đáp một số câu hỏi về hợp đồng thuê nhà kinh doanh

1. Bên cho thuê nhà kinh doanh có cần phải đóng thuế không?

(1) Đối với cá nhân cho thuê nhà: Cá nhân cho thuê nhà kinh doanh cần nộp các loại thuế sau:

  • Thuế thu nhập cá nhân (TNCN): Cá nhân cho thuê nhà sẽ phải nộp thuế TNCN theo tỷ lệ 5% trên tổng doanh thu cho thuê nhà nếu thu nhập từ cho thuê vượt quá mức miễn thuế (hiện nay là 100 triệu đồng/năm). Nếu thu nhập thấp hơn mức này, cá nhân không cần phải nộp thuế TNCN nhưng vẫn phải kê khai thuế.
  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Cá nhân cho thuê nhà không phải nộp thuế GTGT nếu họ không đăng ký kinh doanh hoặc thu nhập không đạt ngưỡng chịu thuế. Tuy nhiên, nếu cá nhân là hộ kinh doanh và hoạt động cho thuê nhà có doanh thu từ 100 triệu đồng/năm trở lên, họ sẽ phải nộp thuế GTGT với mức thuế suất là 5% (trường hợp áp dụng thuế theo phương pháp khấu trừ).

(2) Đối với doanh nghiệp cho thuê nhà: Doanh nghiệp cho thuê nhà có nghĩa vụ nộp các loại thuế sau:

  • Thuế giá trị gia tăng (GTGT): Doanh nghiệp cho thuê nhà sẽ phải nộp thuế GTGT với mức thuế suất 10% đối với dịch vụ cho thuê bất động sản. Trong một số trường hợp, doanh nghiệp có thể áp dụng thuế suất 5% theo chế độ khấu trừ thuế nếu đáp ứng đủ các điều kiện.
  • Thuế thu nhập doanh nghiệp (TNDN): Doanh nghiệp cho thuê nhà sẽ phải nộp thuế TNDN theo tỷ lệ 20% trên lợi nhuận thu được từ hoạt động cho thuê nhà. Nếu doanh nghiệp thuộc diện được ưu đãi thuế, có thể áp dụng mức thuế thấp hơn.
  • Lệ phí môn bài: Doanh nghiệp cũng phải đóng lệ phí môn bài hàng năm tùy theo doanh thu của doanh nghiệp. Mức lệ phí môn bài sẽ dao động từ 300.000 đồng đến 1.000.000 đồng/năm, tùy vào mức doanh thu.

Như vậy, bên cho thuê nhà kinh doanh cần phải đóng thuế GTGT, TNCN đối với bên cho thuê là cá nhân, TNDN đối với bên cho thuê là doanh nghiệp và lệ phí môn bài theo quy định của pháp luật

2. Hợp đồng thuê nhà kinh doanh có bắt buộc phải công chứng không?

Theo quy định hiện hành của Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng thuê nhà để kinh doanh không bắt buộc phải công chứng, chứng thực, miễn là hợp đồng được lập thành văn bản và đáp ứng các điều kiện có hiệu lực theo quy định pháp luật (Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015).

3. Hợp đồng thuê nhà kinh doanh viết tay được không?

Hợp đồng thuê nhà kinh doanh có thể được lập bằng tay và vẫn có giá trị pháp lý nếu đáp ứng đầy đủ các điều kiện theo quy định tại Điều 117 Bộ luật Dân sự 2015. Tuy nhiên, hợp đồng viết tay cần đảm bảo rõ ràng, đầy đủ các nội dung quan trọng như thông tin bên thuê, bên cho thuê, thời hạn thuê, giá thuê, phương thức thanh toán, quyền và nghĩa vụ của các bên. 

4. Bên thuê có bắt buộc phải cung cấp bên cho thuê ngành nghề mình kinh doanh không?

Bên thuê không bắt buộc phải cung cấp thông tin về ngành nghề kinh doanh cho bên cho thuê, trừ khi điều này được yêu cầu cụ thể trong hợp đồng thuê nhà hoặc có liên quan đến các quy định pháp luật khác. Tuy nhiên, trong thực tế, việc cung cấp thông tin về ngành nghề kinh doanh có thể cần thiết để bên cho thuê đánh giá mục đích sử dụng mặt bằng có phù hợp với loại hình bất động sản, giấy phép xây dựng, hoặc các quy định liên quan (chẳng hạn như hạn chế về tiếng ồn, ô nhiễm môi trường). Điều này cũng giúp tránh các rủi ro pháp lý nếu mục đích sử dụng không phù hợp với thỏa thuận ban đầu hoặc quy định pháp luật. Vì vậy, dù không bắt buộc, bên thuê nên cung cấp thông tin rõ ràng và trung thực khi được yêu cầu nhằm đảm bảo mối quan hệ hợp tác minh bạch, tránh tranh chấp sau này.

5. Giáo viên có được thành lập hộ kinh doanh để đứng tên hợp đồng thuê nhà, kinh doanh quán ăn không?

Theo quy định tại điểm b, khoản 2, Điều 17 Luật Doanh nghiệp 2020, cán bộ, công chức, viên chức không được thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp. Tuy nhiên, quy định này không đề cập đến việc cấm thành lập hộ kinh doanh. 

Đồng thời, tại khoản 1, Điều 79 Nghị định 01/2021/NĐ-CP, hộ kinh doanh do cá nhân hoặc thành viên hộ gia đình đăng ký và chịu trách nhiệm bằng toàn bộ tài sản của mình. Pháp luật không có quy định cấm viên chức, bao gồm giáo viên, đăng ký hộ kinh doanh, miễn là hoạt động kinh doanh phù hợp với quy định pháp luật.

Ngoài ra, theo quy định tại khoản 2, Điều 20 Luật Phòng chống tham nhũng 2018 không cấm giáo viên (viên chức) thành lập hộ kinh doanh. Quy định này chủ yếu tập trung vào việc cấm cán bộ, công chức, viên chức tham gia thành lập hoặc quản lý doanh nghiệp trong lĩnh vực từng quản lý hoặc có khả năng xung đột lợi ích. 

Như vậy, pháp luật không cấm giáo viên thành lập hộ kinh doanh nên giáo viên hoàn toàn có quyền đăng ký thành lập hộ kinh doanh để kinh doanh quán ăn và đứng tên trên hợp đồng thuê nhà phục vụ mục đích kinh doanh của hộ kinh doanh.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về hợp đồng thuê nhà kinh doanh

Trên đây là bài viết của NPLaw về hợp đồng thuê nhà kinh doanh, với đội ngũ luật sư và chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm NPLaw luôn sẵn sàng đồng hành, tư vấn và hỗ trợ các vấn đề liên quan đến hợp đồng thuê nhà kinh doanh. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ với NPLaw theo thông tin liên hệ sau:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan