Quy định về thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam mới nhất 2024

Với lợi thế về địa hình, khí hậu, môi trường, lao động, tiềm năng phát triển, Việt Nam là một quốc gia thu hút đông đảo các nhà đầu tư nước ngoài thực hiện các hoạt động đầu tư, trong đó có các nhà đầu tư Trung Quốc. Một trong những hình thức đầu tư phổ biến mà các nhà đầu tư Trung Quốc quan tâm là thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam. 

Vậy, thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam là gì? Cần những điều kiện gì để thành lập? Pháp luật quy định thế nào về thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam? Có những vướng mắc gì khi thành lập công ty Trung Quốc tại Việt Nam? 

Tìm hiểu về thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam 

Để giải đáp vướng mắc này, NPLaw xin gửi tới Quý độc giả thông tin trong bài viết dưới đây. Trong phạm vi bài viết này, tác giả sẽ tập trung phân tích các vấn đề liên quan đến thành lập công ty 100% vốn của nhà đầu tư Trung Quốc tại Việt Nam

Việc thành lập Công ty Trung Quốc ở Việt Nam, thuộc hình thức “Đầu tư thành lập tổ chức kinh tế” theo quy định tại khoản 1 Điều 21 Luật Đầu tư 2020, cũng tuân theo các quy định về hồ sơ, trình tự, thủ tục như đối với việc thành lập một công ty có vốn đầu tư nước ngoài tại Việt Nam. 

Theo quy định tại điểm c khoản 1 Điều 22 Luật Đầu tư 2020, trước khi thành lập tổ chức kinh tế, nhà đầu tư nước ngoài phải có dự án đầu tư, thực hiện thủ tục cấp, điều chỉnh Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư (IRC), trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa.

Như vậy, trước khi lập công ty, nhà đầu tư Trung Quốc phải có dự án đầu tư tại Việt Nam và thực hiện thủ tục xin cấp IRC, trừ trường hợp thành lập doanh nghiệp nhỏ và vừa khởi nghiệp sáng tạo và quỹ đầu tư khởi nghiệp sáng tạo theo quy định của pháp luật về hỗ trợ doanh nghiệp nhỏ và vừa. Sau khi có IRC, nhà đầu tư Trung Quốc sẽ làm thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp (ERC). 

Trong phạm vi bài viết này, tác giả chỉ đề cập đến trường hợp thành lập công ty 100% vốn của nhà đầu tư Trung Quốc. Do đó, việc thành lập công ty Trung Quốc cần đáp ứng các điều kiện sau:  

  1. Được góp vốn thành lập bởi nhà đầu tư Trung Quốc. 

Căn cứ theo khoản 19 Điều 3 Luật đầu tư 2020 thì có thể hiểu về Nhà đầu tư Trung Quốc là cá nhân có quốc tịch Trung Quốc, tổ chức thành lập theo pháp luật Trung Quốc thực hiện hoạt động đầu tư kinh doanh tại Việt Nam.

  1. Kinh doanh nghành, nghề hợp pháp tại Việt Nam

Để được phép hoạt động tại Việt Nam, công ty Trung Quốc không được phép kinh doanh những nghành nghề bị cấm theo quy định tại khoản 1 Điều 6 Luật đầu tư 2020.

  1. Thực hiện thủ tục cấp IRC

Nhà đầu tư Trung Quốc muốn thành lập công ty tại Việt Nam thì cần phải thực hiện thủ tục cấp IRC, ngoại trừ việc việc thành lập doanh nghiệp FDI nhỏ, vừa khởi nghiệp sáng tạo và có quỹ  đầu tư khởi nghiệp sáng tạo.

  1. Đăng ký thành lập doanh nghiệp

Nộp hồ sơ đăng ký thành lập doanh nghiệp cho Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở kế hoạch và đầu tư nơi đặt trụ sở chính.

Nhà đầu tư Trung Quốc, giống như các nhà đầu tư nước ngoài khác, có thể thành lập công ty tại Việt Nam theo một trong các loại hình công ty sau, được quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020:

  • Công ty TNHH một thành viên
  • Công ty TNHH hai thành viên trở lên
  • Công ty cổ phần
  • Công ty hợp danh

Trên thực tế, hình thức công ty TNHH và công ty cổ phần phổ biến hơn so với công ty hợp danh.

Để thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam, nhà đầu tư cần thực hiện 2 bước: 

(1) Thủ tục xin cấp IRC tại Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt địa điểm dự án (đối với dự án đầu tư ngoài khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế) hoặc Ban Quản lý khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế (đối với dự án đầu tư trong khu công nghiệp, khu chế xuất, khu công nghệ cao, khu kinh tế); 

Thủ tục để thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam

(2) Thủ tục xin cấp ERC tại Phòng đăng ký kinh doanh thuộc Sở Kế hoạch và Đầu tư nơi đặt trụ sở chính của công ty.

3.1. Bước 1: Hồ sơ xin cấp IRC

a) Văn bản đề nghị thực hiện dự án đầu tư, gồm cả cam kết chịu mọi chi phí, rủi ro nếu dự án không được chấp thuận;

b) Tài liệu về tư cách pháp lý của nhà đầu tư;

c) Tài liệu chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư gồm ít nhất một trong các tài liệu sau: báo cáo tài chính 02 năm gần nhất của nhà đầu tư; cam kết hỗ trợ tài chính của công ty mẹ; cam kết hỗ trợ tài chính của tổ chức tài chính; bảo lãnh về năng lực tài chính của nhà đầu tư; tài liệu khác chứng minh năng lực tài chính của nhà đầu tư;

d) Đề xuất dự án đầu tư gồm các nội dung chủ yếu sau: nhà đầu tư hoặc hình thức lựa chọn nhà đầu tư, mục tiêu đầu tư, quy mô đầu tư, vốn đầu tư và phương án huy động vốn, địa điểm, thời hạn, tiến độ thực hiện, thông tin về hiện trạng sử dụng đất tại địa điểm thực hiện dự án và đề xuất nhu cầu sử dụng đất (nếu có), nhu cầu về lao động, đề xuất hưởng ưu đãi đầu tư, tác động, hiệu quả kinh tế - xã hội của dự án, đánh giá sơ bộ tác động môi trường (nếu có) theo quy định của pháp luật về bảo vệ môi trường.

Trường hợp pháp luật về xây dựng quy định lập báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thì nhà đầu tư được nộp báo cáo nghiên cứu tiền khả thi thay cho đề xuất dự án đầu tư;

đ) Trường hợp dự án đầu tư không đề nghị Nhà nước giao đất, cho thuê đất, cho phép chuyển mục đích sử dụng đất thì nộp bản sao giấy tờ về quyền sử dụng đất hoặc tài liệu khác xác định quyền sử dụng địa điểm để thực hiện dự án đầu tư;

e) Nội dung giải trình về công nghệ sử dụng trong dự án đầu tư đối với dự án thuộc diện thẩm định, lấy ý kiến về công nghệ theo quy định của pháp luật về chuyển giao công nghệ;

g) Hợp đồng BCC đối với dự án đầu tư theo hình thức hợp đồng BCC;

h) Tài liệu khác liên quan đến dự án đầu tư, yêu cầu về điều kiện, năng lực của nhà đầu tư theo quy định của pháp luật (nếu có).

(khoản 1 Điều 36 Nghị định 31/2021/NĐ-CP, khoản 1 Điều 33 Luật Đầu tư 2020)

  1. Hồ sơ xin cấp ERC

Tuỳ thuộc vào loại hình công ty mà nhà đầu tư định thành lập mà hồ sơ cần tuân theo quy định tại Luật Doanh nghiệp 2020 và Nghị định 01/2021/NĐ-CP

* Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty hợp danh bao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên công ty là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

b) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(Điều 22 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

*Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên, công ty cổ phần bao gồm: 

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Danh sách thành viên đối với công ty trách nhiệm hữu hạn hai thành viên trở lên; danh sách cổ đông sáng lập và danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần.

4. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với thành viên công ty, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức; Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền của thành viên, cổ đông sáng lập, cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài là tổ chức và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với thành viên, cổ đông là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(Điều 23 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

*Hồ sơ đăng ký doanh nghiệp đối với công ty trách nhiệm hữu hạn một thành viên bao gồm:

1. Giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp.

2. Điều lệ công ty.

3. Bản sao các giấy tờ sau đây:

a) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp;

b) Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với chủ sở hữu công ty là cá nhân; Giấy tờ pháp lý của tổ chức đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức (trừ trường hợp chủ sở hữu công ty là Nhà nước); Giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo ủy quyền và văn bản cử người đại diện theo ủy quyền.

Đối với chủ sở hữu công ty là tổ chức nước ngoài thì bản sao giấy tờ pháp lý của tổ chức phải được hợp pháp hóa lãnh sự;

c) Giấy chứng nhận đăng ký đầu tư.

(Điều 24 Nghị định 01/2021/NĐ-CP)

Pháp luật không quy định về số vốn đầu tư tối thiểu khi thành lập công ty Trung Quốc tại Việt Nam. Tuy nhiên, với một số ngành nghề yêu cầu vốn pháp định như bảo hiểm, kinh doanh vàng,… nhà đầu tư cần đáp ứng vốn điều lệ công ty phải ít nhất bằng múc vốn pháp định mà pháp luật quy định trong các văn bản pháp luật chuyên ngành theo từng lĩnh vực. 

Thời gian để thành lập công ty, bên cạnh các thời hạn xử lý hồ sơ thủ tục tại cơ quan nhà nước đã được quy định trong các văn bản luật (không kể thời gian sửa đổi, bổ sung), còn phụ thuộc rất lớn vào quá trình nhà đầu tư chuẩn bị các điều kiện về cơ sở hạ tầng, lựa chọn địa điểm, ký các hợp đồng thuê địa điểm,…. Do vậy, thời gian thành lập công ty Trung Quốc phụ thuộc vào tình hình thực tế triển khai của nhà đầu tư.

Thời gian tối​​​​​​​ thiểu thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam trong bao lâu?

- Thời gian xin cấp IRC: 

Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Quốc hội: thời gian để có chấp thuận chủ trương đầu tư là trong vòng 165 ngày (khoảng 5-6 tháng). Thời gian để có IRC là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Thủ tướng Chính phủ: thời gian để có chấp thuận chủ trương đầu tư là trong vòng 58 ngày (khoảng 2 tháng). Thời gian để có IRC là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

 Đối với những dự án thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư của Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh: thời gian để có chấp thuận chủ trương đầu tư là trong vòng 35 ngày (khoảng hơn 1 tháng). Thời gian để có IRC là trong thời hạn 05 ngày làm việc kể từ ngày nhận được Quyết định chấp thuận chủ trương đầu tư.

Đối với những dự án không thuộc diện chấp thuận chủ trương đầu tư: thời gian để có IRC là 15 ngày kể từ ngày nhận được hồ sơ hợp lệ nếu hồ sơ đáp ứng các quy định pháp luật. 

- Thời gian xin cấp ERC: 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ

Vì thủ tục thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam cần chuẩn bị hồ sơ theo quy định pháp luật Việt Nam tuỳ từng thời điểm, cần liên hệ với cơ quan nhà nước tại từng địa phương để nắm được hướng dẫn, do vậy, nhà đầu tư nên liên hệ với luật sư có kinh nghiệm trong việc thành lập công ty. NPLaw tự hào là đơn vị tư vấn thủ tục thành lập doanh công ty/doanh nghiệp FDI uy tín, với hàng ngàn lượt hỗ trợ các nhà đầu tư nước ngoài vào tìm hiểu, đầu tư tại Việt Nam, chúng tôi tin tưởng sẽ cung cấp tới các nhà đầu tư dịch vụ tư vấn thành lập công ty Trung Quốc ở Việt Nam tốt nhất, chuyên nghiệp nhất, chi phí hợp lý nhất và thời gian hoàn thành thủ tục nhanh nhất! Vui lòng liên hệ NPLaw để được thông tin chi tiết:


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan