TÁC PHẨM ÂM NHẠC

Tác phẩm âm nhạc là tác phẩm được thể hiện dưới dạng nhạc nốt trong bản nhạc hoặc các ký tự âm nhạc khác hoặc được định hình trên bản ghi âm, ghi hình có hoặc không có lời, không phụ thuộc vào việc trình diễn hay không trình diễn. Vậy tác phẩm âm nhạc có được bảo hộ quyền tác giả hay không? Làm thế nào để bảo vệ quyền tác giả của tác phẩm âm nhac? Hãy cùng NPLaw tìm hiểu về những quy định pháp luật hiện hành liên quan đến vấn đề này bên dưới nhé.

I. Thực trạng xâm phạm quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc hiện nay?

Hiện nay có rất nhiều các tác phẩm âm nhạc được cho là đạo nhái, ăn cắp ý tưởng từ các tác phẩm khác. Do đó, việc bảo hộ quyền tác giả cho các tác phẩm âm nhạc là vấn đề đáng quan tâm, dưới đây là điều kiện để tác phẩm âm nhạc được bảo hộ theo quy định của pháp luật hiện hành.

tác phẩm âm nhạcII. Tác phẩm âm nhạc có được bảo hộ quyền tác giả hay không?

Theo khoản 5 Điều 1 Luật Sở hữu trí tuệ sửa đổi 2009 quy định các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả gồm:

Tác phẩm văn học, nghệ thuật và khoa học được bảo hộ bao gồm:

  • Tác phẩm văn học, khoa học, sách giáo khoa, giáo trình và tác phẩm khác được thể hiện dưới dạng chữ viết hoặc ký tự khác;
  • Bài giảng, bài phát biểu và bài nói khác;
  • Tác phẩm báo chí;
  • Tác phẩm âm nhạc;
  • Tác phẩm sân khấu;
  • Tác phẩm điện ảnh và tác phẩm được tạo ra theo phương pháp tương tự (sau đây gọi chung là tác phẩm điện ảnh);
  • Tác phẩm tạo hình, mỹ thuật ứng dụng;
  • Tác phẩm nhiếp ảnh;
  • Tác phẩm kiến trúc;
  • Bản họa đồ, sơ đồ, bản đồ, bản vẽ liên quan đến địa hình, kiến trúc, công trình khoa học;
  • Tác phẩm văn học, nghệ thuật dân gian;
  • Chương trình máy tính, sưu tập dữ liệu.

Như vậy, tác phẩm âm nhạc là một trong những loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả, do đó tác phẩm âm nhạc sẽ được bảo hộ quyền tác giả.

III. Một số quy định của pháp luật về bảo hộ tác phẩm âm nhạc?

1. Quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc bao gồm những quyền nào?

Quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc bao gồm quyền nhân thân và quyền tài sản. Cụ thể:

  • Quyền nhân thân bao gồm các quyền sau đây:
  • Đặt tên cho tác phẩm;
  • Đứng tên thật hoặc bút danh trên tác phẩm; được nêu tên thật hoặc bút danh khi tác phẩm được công bố, sử dụng;
  • Công bố tác phẩm hoặc cho phép người khác công bố tác phẩm;
  • Bảo vệ sự toàn vẹn của tác phẩm, không cho người khác sửa chữa, cắt xén hoặc xuyên tạc tác phẩm dưới bất kỳ hình thức nào gây phương hại đến danh dự và uy tín của tác giả.

Quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc

 

  • Quyền tài sản bao gồm các quyền sau đây:
  • Làm tác phẩm phái sinh;
  • Biểu diễn tác phẩm trước công chúng;
  • Sao chép tác phẩm;
  • Phân phối, nhập khẩu bản gốc hoặc bản sao tác phẩm;
  • Truyền đạt tác phẩm đến công chúng bằng phương tiện hữu tuyến, vô tuyến, mạng thông tin điện tử hoặc bất kỳ phương tiện kỹ thuật nào khác;
  • Cho thuê bản gốc hoặc bản sao tác phẩm điện ảnh, chương trình máy tính.

2. Điều kiện tác phẩm âm nhạc được bảo hộ?

Tác phẩm âm nhạc là một tài sản trí tuệ và được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả. Pháp luật hiện hành có quy định quyền tác giả là quyền của tổ chức, cá nhân đối với tác phẩm do mình sáng tạo ra hoặc sở hữu. Quyền tác giả phát sinh kể từ khi tác phẩm được sáng tạo và được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định, không phân biệt nội dung, chất lượng, hình thức, phương tiện, ngôn ngữ, đã công bố hay chưa công bố, đã đăng ký hay chưa đăng ký. Do đó, đối với các tác phẩm âm nhạc cũng vậy, khi tác giả mới chỉ nảy ra ý tưởng thì chưa được coi là tác phẩm, mà ý tưởng đó cần phải được thể hiện bằng nốt nhạc, khuông nhạc, giai điệu bài hát, thành một bài hát hoàn chỉnh thì quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc đó sẽ được phát sinh. Tác phẩm âm nhạc là đối tượng được pháp luật cho phép bảo hộ và pháp luật khuyến khích tác giả/chủ sở hữu đăng ký bản quyền cho tác phẩm âm nhạc của mình.

Quyền tác giả vốn dĩ là quyền của chủ sở hữu đối với chính tác phẩm là thành quả của quá trình lao động trí óc. Không hề có quy định bắt buộc về việc mọi tác phẩm phải thực hiện đăng ký quyền tác giả. Tuy nhiên, khi tác phẩm được sáng tạo ra cần có sự bảo hộ chính đáng của pháp luật về sở hữu trí tuệ. Trong một số tranh chấp, việc minh chứng được quyền sở hữu nhờ vào sự bảo hộ của nhà nước chính là tiền đề đảm bảo cho chính quyền lợi của chủ sở hữu. 

Tác phẩm được bảo hộ khi là tài sản lao động trí tuệ của tác giả, được thể hiện dưới một hình thức vật chất nhất định. Bên cạnh đó trong nội dung chính sách của Nhà nước về sở hữu trí tuệ được quy định tại Khoản 1 Điều 8 Luật sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi bổ sung 2009 có quy định như sau: “Công nhận và bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ của tổ chức, cá nhân trên cơ sở bảo đảm hài hòa lợi ích của chủ thể quyền sở hữu trí tuệ với lợi ích công cộng; không bảo hộ các đối tượng sở hữu trí tuệ trái với đạo đức xã hội, trật tự công cộng, có hại cho quốc phòng, an ninh”. Do đó, nội dung của tác phẩm còn phải đảm bảo nguyên tắc không trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng, không gây hại cho quốc phòng, an ninh.

Như vậy, đối với một tác phẩm âm nhạc, điều kiện để được bảo hộ dưới dạng quyền tác giả bao gồm:

  • Được sáng tạo và thể hiện dưới một hình thức nhất định;
  • Nội dung không làm mất đi thuần phong mỹ tục, trái đạo đức xã hội, trật tự công cộng. 

3. Thời hạn bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là bao lâu?

Thời hạn bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ âm nhạc tuân theo quy định tại điểm b khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 như sau:

Tác phẩm không thuộc loại hình quy định tại điểm a khoản 1 Điều 27 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 sửa đổi bổ sung 2009 có thời hạn bảo hộ là suốt cuộc đời tác giả và năm mươi năm tiếp theo năm tác giả chết; trường hợp tác phẩm có đồng tác giả thì thời hạn bảo hộ chấm dứt vào năm thứ năm mươi sau năm đồng tác giả cuối cùng chết.

Quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc

 

Như vậy, thời hạn bảo hộ quyền tác giả cho tác phẩm âm nhạc là cho tới khi tác giả, hoặc đồng tác giả cuối cùng mất và trong vòng 50 năm tiếp theo sau năm tác giả mất.

4. Trình tự, thủ tục bảo hộ quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc?

Thủ tục đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc sẽ bao gồm các bước sau:

Bước 1: Chuẩn bị thông tin và tài liệu cần thiết cho việc đăng ký bản quyền âm nhạc

Các thông tin sẽ bao gồm: Tên tác phẩm, ngày hoàn thành tác phẩm, ngày công bố tác phẩm ra công chúng, hình thức công bố tác phẩm, thông tin chủ sở hữu tác phẩm…

Bước 2: Soạn hồ sơ đăng ký bản quyền âm nhạc

Việc soạn hồ sơ rất quan trọng và là căn cứ để Cục bản quyền xem xét trước khi cấp giấy chứng nhận đăng ký bản quyền tác phẩm cho tác giả, chủ sở hữu tác phẩm, đăng ký bản quyền âm nhạc

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký tại cơ quan đăng ký:

Hồ sơ đăng ký sẽ được nộp tại Cục bản quyền tác giả tại Hà nội hoặc 02 văn phòng Cục tại Hồ Chí Minh và Đà Nẵng

Bước 4: Theo dõi hồ sơ đăng ký bản quyền tại cơ quan đăng ký

Hồ sơ sẽ được theo dõi sau khi nộp để kịp thời bổ sung hoặc sửa đổi hồ sơ (nếu có) theo yêu cầu của chuyên viên thẩm định hồ sơ

Bước 5: Nộp lệ phí đăng ký bản quyền âm nhạc và nhận bản gốc giấy chứng nhận đăng ký

Sau khi hồ sơ đăng ký được chấp nhận hợp lệ, cơ quan đăng ký sẽ cấp giấy chứng nhận đăng ký cho chủ sở hữu, để có thể nhận được giấy chứng nhận đăng ký, khách hàng cần nộp chi phí để cấp và nhận giấy chứng nhận quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc.

IV. Một số câu hỏi thường gặp về bảo hộ quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc

1. Hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc bao gồm những tài liệu gì?

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc bao gồm các loại giấy tờ sau:

  • Tờ khai đăng ký quyền tác giả
  • 02 bản sao tác phẩm đăng ký quyền tác giả 
  • 01 bản lưu tại Cục Bản quyền tác giả, 01 bản đóng dấu ghi số Giấy chứng nhận đăng ký gửi trả lại cho chủ thể được cấp Giấy chứng nhận đăng ký.
  • Đối với những tác phẩm có đặc thù riêng như tranh, tượng, tượng đài, phù điêu, tranh hoành tráng gắn với công trình kiến trúc; tác phẩm có kích thước quá lớn, cồng kềnh bản sao tác phẩm đăng ký được thay thế bằng ảnh chụp không gian ba chiều.
  • Giấy uỷ quyền, nếu người nộp hồ sơ là người được uỷ quyền;
  • Tài liệu chứng minh quyền nộp hồ sơ, nếu người nộp hồ sơ thụ hưởng quyền đó của người khác do được thừa kế, chuyển giao, kế thừa;
  • Văn bản đồng ý của các đồng tác giả, nếu tác phẩm có đồng tác giả;
  •  Văn bản đồng ý của các đồng chủ sở hữu, nếu quyền tác giả, quyền liên quan thuộc sở hữu chung.

Bốn tài liệu cuối cùng phải được làm bằng tiếng Việt; trường hợp làm bằng tiếng nước ngoài thì phải được dịch ra tiếng Việt và có công chứng/chứng thực. Các tài liệu gửi kèm hồ sơ nếu là bản sao phải có công chứng, chứng thực.

2. Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc tại đâu?

Nộp hồ sơ đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc tại: 

  • Tác giả, nhà soạn nhạc, nhạc sĩ sau khi hoàn thành sáng tác tác phẩm có thể tiến hành thủ tục nộp hồ sơ đăng ký bản quyền âm nhạc tại Cục bản quyền tác giả có trụ sở chính tại Hà Nội và 02 văn phòng đại diện của Cục bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh và Đà Nẵng.
  • Thêm một  cách đơn giản để có thể đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc là khách hàng có thể ủy quyền cho tổ chức đại diện quyền tác giả nộp đơn đăng ký bản quyền cho khách hàng.
  • Việc ủy quyền cho công ty dịch vụ sẽ giúp khách hàng có thể tránh được những phiền toái không cần thiết trong quá trình đăng ký bản quyền tác phẩm âm nhạc tại Việt Nam.

Hồ sơ đăng ký quyền tác giả đối với tác phẩm âm nhạc có thể được nộp qua đường bưu điện hoặc nộp hồ sơ giấy trực tiếp tới 1 trong 03 cơ quan đăng ký nêu trên.

3. Thời hạn cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc là bao lâu?

Trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận hồ sơ hợp lệ, Cục Bản quyền tác giả có trách nhiệm cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc, Giấy chứng nhận đăng ký quyền liên quan tác phẩm âm nhạc (sau đây gọi chung là Giấy chứng nhận) cho người nộp hồ sơ. Trong trường hợp từ chối thì Cục Bản quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp hồ sơ.

4. Bị mất giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc có được cấp lại hay không?

Tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc có nhu cầu xin đổi hoặc cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc có thể trực tiếp hoặc uỷ quyền cho tổ chức, cá nhân khác nộp đơn nêu rõ lý do và hồ sơ xin đổi hoặc cấp lại.

Cục Bản quyền tác giả cấp lại Giấy chứng nhận trong trường hợp Giấy chứng nhận bị mất; đổi Giấy chứng nhận trong trường hợp bị rách nát, hư hỏng hoặc thay đổi chủ sở hữu quyền tác giả.

5. Mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm đến quyền phân phối tác phẩm âm nhạc đến công chúng là bao nhiêu?

Căn cứ theo Nghị định 131/2013/NĐ-CP quy định mức xử phạt đối với hành vi xâm phạm quyền phân phối tác phẩm:

  • Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với hành vi phân phối tác phẩm mà không được phép của chủ sở hữu quyền tác giả.
  • Biện pháp khắc phục hậu quả:
  • Buộc dỡ bỏ bản sao tác phẩm vi phạm dưới hình thức điện tử, trên môi trường internet và kỹ thuật số hoặc buộc tiêu hủy tang vật vi phạm. 

V. Dịch vụ tư vấn về đăng ký quyền tác giả của tác phẩm âm nhạc

Trên đây là tất cả các thông tin chi tiết mà NPLaw của chúng tôi cung cấp để hỗ trợ quý khách hàng về vấn đề tác phẩm âm nhạc. Trường hợp Quý Khách hàng còn bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề nêu trên hoặc các vấn đề pháp lý khác thì hãy liên hệ ngay cho NPLaw để được đội ngũ chúng tôi trực tiếp tư vấn và hướng dẫn giải quyết.

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw 

Hotline: 0913449968 

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan