Đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu là phương tiện được pháp luật ghi nhận để bảo vệ quyền và lợi ích hợp pháp cho nhà thầu. Để thực hiện quyền kiến nghị có hiệu quả, nhà thầu cần phải tìm hiểu kỹ các quy định pháp luật về đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu. Thông qua bài viết này, NPLaw xin gửi đến Quý độc giả một số thông tin pháp lý cơ bản về đơn kiến nghị về kiến quả đấu thầu.
I. Vai trò của đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu
Sau khi có kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà thầu không đồng ý với kết quả đấu thầu và cho rằng quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền làm đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu. Đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu có vai trò vô cùng quan trọng trong việc bảo vệ quyền và lợi ích của nhà thầu.
Cụ thể, thông qua đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu, nhà thầu thể hiện được quan điểm, những phản hồi, những kiến nghị cụ thể đối với kết quả đấu thầu. Đồng thời, tính từ thời điểm gửi đơn kiến nghị, các bên liên quan mới phát sinh trách nhiệm giải quyết kiến nghị…
Theo quy định tại khoản 33 Điều 4 và Điều 91 Luật Đấu thầu 2013, việc kiến nghị về kết quả đấu thầu được thực hiện trong trường hợp nhà thầu nhận thấy kết quả đấu thầu ảnh hưởng đến quyền và lợi ích hợp pháp của mình.
Theo quy định tại Điều 118 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP, để được xem xét giải quyết, đơn kiến nghị phải đảm bảo các nội dung sau:
“1. Đơn kiến nghị là của nhà thầu tham dự thầu.
2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có).
3. Người có trách nhiệm giải quyết kiến nghị nhận được đơn kiến nghị theo quy định tại Điều 92 của Luật Đấu thầu.
4. Nội dung kiến nghị đó chưa được nhà thầu khởi kiện ra Tòa án.
5. Chi phí giải quyết kiến nghị theo quy định tại Khoản 8 Điều 9 của Nghị định này được nhà thầu có kiến nghị nộp cho bộ phận thường trực giúp việc của Hội đồng tư vấn đối với trường hợp kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu do người có thẩm quyền giải quyết”.
Như vậy, để đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu được xem xét giải quyết, đơn kiến nghị phải đảm bảo các điều kiện quy định của pháp luật.
Nội dung đơn kiến nghị không được quy định chi tiết tại các văn bản hiện hành, tuy nhiên, theo quy định tại khoản 2 Điều 118 về điều kiện để xem xét, giải quyết đơn kiến nghị, Nghị định số 63/2014/NĐ-CP thì: “2. Đơn kiến nghị phải có chữ ký của người ký đơn dự thầu hoặc đại diện hợp pháp của nhà thầu, được đóng dấu (nếu có)”.
Đồng thời, đúng bản chất của đơn kiến nghị, nội dung đơn kiến nghị phải thể hiện được các vấn đề mà nhà thầu kiến nghị liên quan đến kết quả đấu thầu. Trường hợp có các tài liệu chứng cứ liên quan đến nội dung kiến nghị, chủ đầu tư có thể đính kèm kiến nghị của mình để tăng sức thuyết phục và có cơ sở.
Như vậy, nội dung đơn kiến nghị phải thể hiện chữ ký và dấu hợp lệ của nhà thầu và các nội dung chính của kiến nghị khác theo đúng quy định pháp luật.
Hiện nay, pháp luật không quy định một mẫu đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu chung cho các nhà thầu. Nhà thầu có thể tự mình soạn đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu.
Tuy nhiên, nhà thầu cũng có thể tham khảo cách soạn đơn kiến nghị theo mẫu đơn kiến nghị ban hành kèm theo Nghị định số 68/2012/NĐ-CP nay đã hết hiệu lực như sau:
[TÊN NHÀ THẦU KIẾN NGHỊ] CỘNG HÒA XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
----------------
……, ngày …… tháng …… năm ……
ĐƠN KIẾN NGHỊ
Kính gửi: ……….[Ghi tên bên mời thầu hoặc chủ đầu tư hoặc người có thẩm quyền và Chủ tịch Hội đồng tư vấn]
Nhà thầu kiến nghị: ………… [Ghi tên nhà thầu kiến nghị]
Địa chỉ của nhà thầu: …………… [Ghi địa chỉ, số điện thoại, số fax, e-mail của nhà thầu]
Số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh/Quyết định thành lập của nhà thầu: ……….. [Ghi số Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh hoặc Quyết định thành lập của nhà thầu] (nếu có)
Người đại diện hợp pháp của nhà thầu: ……………. [Ghi tên người đại diện hợp pháp của nhà thầu và số chứng minh thư nhân dân]
Nội dung kiến nghị …………. [Nêu nội dung kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu hoặc về những vấn đề liên quan trong quá trình đấu thầu]
Tài liệu chứng minh kèm theo …………. [Nêu các tài liệu chứng minh kèm theo, nếu có] ………… [Ghi tên nhà thầu kiến nghị] xin cam đoan những nội dung kiến nghị nêu trong đơn kiến nghị là hoàn toàn trung thực và xin chịu trách nhiệm trước pháp luật về những nội dung nói trên./.
[ĐẠI DIỆN HỢP PHÁP CỦA NHÀ THẦU KIẾN NGHỊ]
(Ghi tên, chức danh, ký tên và đóng dấu (nếu có))
Theo quy định tại khoản 5 Điều 74 về “Trách nhiệm của chủ đầu tư”, điểm đ khoản 2 Điều 75 về “Trách nhiệm của bên mời thầu”, khoản 3 Điều 84 về “ Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp”, Luật Đấu thầu 2013 quy định như sau:
“Điều 74. Trách nhiệm của chủ đầu tư
5.Giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu.
…
Điều 75. Trách nhiệm của bên mời thầu
2. Đối với lựa chọn nhà thầu trong mua sắm thường xuyên, ngoài quy định tại các điểm a, b, c, d, đ, e, g, h và i khoản 1 Điều này, bên mời thầu còn phải thực hiện trách nhiệm sau đây:
đ) Giải quyết kiến nghị trong quá trình lựa chọn nhà thầu;
…
Điều 83. Trách nhiệm của bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp
Bộ, cơ quan ngang bộ, Ủy ban nhân dân các cấp trong phạm vi nhiệm vụ, quyền hạn của mình có trách nhiệm sau đây:
…
3. Giải quyết kiến nghị trong hoạt động đấu thầu”;
Như vậy, thẩm quyền giải quyết kiến nghị trong đấu thầu nói chung là chủ đầu tư, bên mời thầu, bộ, cơ quan ngang bộ và Ủy ban nhân dân các cấp.
Theo khoản 2 Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền như sau:
"2. Nhà thầu, nhà đầu tư đã khởi kiện ra Tòa án thì không gửi kiến nghị đến bên mời thầu, chủ đầu tư, người có thẩm quyền. Trường hợp đang trong quá trình giải quyết kiến nghị mà nhà thầu, nhà đầu tư khởi kiện ra Tòa án thì việc giải quyết kiến nghị được chấm dứt ngay."
Theo đó, nhà thầu không thể đồng thời gửi đơn kiến nghị tới chủ đầu tư, người có thẩm quyền theo quy trình kiến nghị và khởi kiện ra Tòa án theo quy định nêu trên.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013 về quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả đấu thầu như sau:
Bước 1: Nhà thầu gửi văn bản kiến nghị đến chủ đầu tư; bên mời thầu trong thời hạn 10 ngày, kể từ ngày có thông báo kết quả lựa chọn nhà thầu;
Bước 2: Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu, Chủ đầu tư, bên mời thầu phải có văn bản giải quyết kiến nghị gửi nhà thầu;
Bước 3: Trường hợp không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu
Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;
Nếu thấy cần thiết, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị căn cứ văn bản kiến nghị của nhà thầu đề nghị người có thẩm quyền xem xét tạm dừng cuộc thầu. Nếu chấp thuận, trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị, người có thẩm quyền có văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Văn bản tạm dừng cuộc thầu phải được gửi đến chủ đầu tư, bên mời thầu, nhà thầu trong thời hạn 03 ngày làm việc, kể từ ngày ra văn bản thông báo tạm dừng cuộc thầu. Thời gian tạm dừng cuộc thầu được tính từ ngày chủ đầu tư, bên mời thầu nhận được thông báo tạm dừng đến khi người có thẩm quyền ban hành văn bản giải quyết kiến nghị;
Bước 4: Người có thẩm quyền ban hành quyết định giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày nhận được ý kiến bằng văn bản của Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị.
Hội đồng tư vấn chỉ thành lập khi giải quyết kiến nghị về kết quả đấu thầu theo quy định tại khoản 2 Điều 92 Luật Đấu thầu 2013, cụ thể như sau:
"Điều 92. Quy trình giải quyết kiến nghị
2. Quy trình giải quyết kiến nghị về kết quả lựa chọn nhà thầu như sau:
…
c) Trường hợp chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị thì nhà thầu có quyền gửi văn bản kiến nghị đồng thời đến người có thẩm quyền và Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị trong thời hạn 05 ngày làm việc, kể từ ngày hết hạn trả lời hoặc ngày nhận được văn bản giải quyết kiến nghị của chủ đầu tư, bên mời thầu. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị cấp trung ương do Bộ trưởng Bộ Kế hoạch và Đầu tư thành lập; cấp bộ, cơ quan ngang bộ do Bộ trưởng, thứ trưởng cơ quan ngang bộ thành lập; cấp địa phương do người đứng đầu cơ quan quản lý nhà nước về hoạt động đấu thầu ở địa phương thành lập;
d) Khi nhận được văn bản kiến nghị, Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị có quyền yêu cầu nhà thầu, chủ đầu tư, bên mời thầu và các cơ quan liên quan cung cấp thông tin để xem xét và có văn bản báo cáo người có thẩm quyền về phương án, nội dung trả lời kiến nghị trong thời hạn 20 ngày, kể từ ngày nhận được văn bản kiến nghị của nhà thầu;…”
Như vậy, nhà thầu khi gửi đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu đến Sở Kế hoạch và Đầu tư sẽ không ngay lập tức thành lập Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị. Hội đồng tư vấn giải quyết kiến nghị chỉ được lập khi chủ đầu tư, bên mời thầu không có văn bản trả lời kiến nghị hoặc nhà thầu không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị.
Theo điểm b khoản 1 Điều 91 Luật Đấu thầu 2013 quy định khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu có quyền như sau:
"1. Khi thấy quyền và lợi ích hợp pháp của mình bị ảnh hưởng, nhà thầu, nhà đầu tư có quyền: …
b) Khởi kiện ra Tòa án vào bất kỳ thời gian nào, kể cả đang trong quá trình giải quyết kiến nghị hoặc sau khi đã có kết quả giải quyết kiến nghị.
Theo đó, nhà thầu hoàn toàn có quyền khởi kiện ra Tòa án khi giải quyết kiến nghị hoặc không đồng ý với kết quả giải quyết kiến nghị.
Căn cứ Điều 120 Nghị định 63/2014/NĐ-CP quy định về việc rút đơn kiến nghị như sau:
“Giải quyết kiến nghị đối với lựa chọn nhà thầu
...
3. Nhà thầu được quyền rút đơn kiến nghị trong quá trình giải quyết kiến nghị nhưng phải bằng văn bản”.
Như vậy, trong quá trình giải quyết kiến nghị về kết quả đấu thầu thì phía nhà thầu có thể rút đơn kiến nghị nhưng phải lập thành văn bản để gửi cho chủ đầu tư, bên mời thầu.
Hiểu được nhu cầu tìm hiểu quy định liên quan đến đến kiến nghị về kết quả đấu thầu của Quý Khách hàng, Công ty Luật TNHH Ngọc Phú sẽ hỗ trợ, tư vấn cho Quý Khách hàng các quy định pháp lý liên quan đến đơn kiến nghị về kết quả đấu thầu. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú với kinh nghiệm cung cấp dịch vụ pháp lý dày dặn tin rằng sẽ đem lại cho khách hàng sự an tâm và hài lòng khi sử dụng dịch vụ của chúng tôi. Quý độc giả có thể liên hệ ngay tới NPLaw để được các luật sư dày dặn kinh nghiệm của NPLaw tư vấn tận tình và nhanh chóng với thông tin liên hệ dưới đây:
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Hotline: 0913449968
Email: legal@nplaw.vn
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn