Tội giết người không thành bị xử lý như thế nào?

Giết người là tội ác xảy ra khi một người cố ý tước đoạt tính mạng của người khác một cách trái pháp luật. Trong thời gian vừa qua, những vụ án giết người liên tục xảy ra mặc dù Nhà nước luôn răn đe, đồng thời nghiêm túc xử lý những người có hành vi phạm tội. Thực tế như vậy đã phản ánh một phần về ý thức xã hội đối với tính mạng con người. Bởi tính chất phức tạp từ nhiều yếu tố và chia thành nhiều giai đoạn nên hầu như mọi vụ án giết người đều gây khó khăn, trắc trở cho cơ quan chức năng trong việc điều tra, xử lý. Thông qua bài viết dưới đây, NPLaw sẽ cung cấp cho các bạn một số hiểu biết về Tội Giết người không thành gắn liền với các quy định của pháp luật.

I. Thế nào là giết người không thành?

Giết người không thành là hành vi được thực hiện bởi người có mục đích tước đoạt tính mạng người khác nhưng không thực hiện được vì yếu tố chủ quan hoặc khách quan. 

Giết người không thành có thể sẽ gây hiểu nhầm với việc không phạm tội. Tuy nhiên, chủ thể thực hiện hành vi giết người nhưng không thành vẫn có thể chịu trách nhiệm hình sự nếu thỏa mãn các yếu tố cấu thành. 

II. Giết người không thành phạm tội gì?

Khi có hành vi giết người không thành, người thực hiện có thể chịu trách nhiệm hình sự với Tội Giết người quy định tại Điều 123 Bộ luật hình sự 2015, nếu phạm tội chưa đạt. Hoặc có thể phạm vào những tội khác, nếu tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, mà đã hội tụ đầy đủ các yếu tố cấu thành nên tội đó. 

Giết người là hành vi nguy hiểm xâm phạm đến tính mạng của người khác, là đối tượng được pháp luật bảo vệ, vậy nên luật đã quy định rõ ràng, cụ thể về dấu hiệu phạm tội cũng như mức độ hình phạt đối với người thực hiện hành vi.

III. Luật quy định tội giết người không thành như thế nào?

Theo Bộ luật hình sự 2015, giết người không thành có thể được xem là phạm tội chưa đạt hoặc tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội dựa vào yếu tố chủ quan hoặc khách quan.

Theo Điều 15 Bộ luật hình sự 2015, phạm tội chưa đạt là cố ý thực hiện tội phạm nhưng không thực hiện được đến cùng vì những nguyên nhân ngoài ý muốn của người phạm tội. Người phạm tội chưa đạt vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Như vậy, giết người không thành được xem là phạm tội chưa đạt khi người phạm tội cố ý thực hiện hành vi giết người nhưng vì yếu tố khách quan tác động vào nên hậu quả chết người không xảy ra. Yếu tố đó có thể là người phạm tội nhầm khách thể hoặc do công cụ, phương tiện không có tác dụng. Ví dụ hành vi đâm nhầm vào người đã chết trước đó, đầu độc nhưng nhầm thuốc giả, …

Theo Điều 16 Bộ luật hình sự 2015, tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội là tự mình không thực hiện tội phạm đến cùng, tuy không có gì ngăn cản. Từ đó, giết người không thành được xem là tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội khi người phạm tội tự mình chấm dứt hành vi giết người mà không bị ngăn cản bởi bất kỳ yếu tố nào, là do chính bản thân họ từ bỏ việc giết người. Ví dụ anh A vì nóng giận, ghen tuông nên mua dao chuẩn bị thực hiện hành vi giết người yêu và tình nhân của A, tuy nhiên khi chuẩn bị thực hiện hành vi thì A nghĩ lại không thể vì nguyên nhân vậy mà tước đoạt tính mạng của họ và hủy hoại cả cuộc sống của A sau này nên A dừng lại không thực hiện tiếp.

Nhằm bảo vệ tính mạng của con người, an toàn cho xã hội, đồng thời có biện pháp xử lý thích đáng đối với những người gây nên tội ác, pháp luật đã quy định những hình phạt cụ thể đối với tội giết người không thành.

IV. Tội giết người không thành bị xử phạt bao nhiêu năm tù?

Đối với người phạm tội chưa đạt thì theo Điều 15 Bộ luật hình sự 2015, họ phải chịu trách nhiệm hình sự về tội phạm chưa đạt. Như vậy, người có hành vi giết người không thành là tội phạm và chịu trách nhiệm hình sự đối với tội chưa đạt đó.

Theo Khoản 3 Điều 57 Bộ luật hình sự 2015, đối với trường hợp phạm tội chưa đạt, nếu điều luật được áp dụng có quy định hình phạt cao nhất là tù chung thân hoặc tử hình thì áp dụng hình phạt tù không quá 20 năm; nếu là tù có thời hạn thì mức hình phạt không quá ba phần tư mức phạt tù mà điều luật quy định.

Đối với người tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội, theo Điều 16 Bộ luật hình sự 2015 thì họ chỉ được miễn trách nhiệm hình sự về tội định phạm đó, cụ thể là tội giết người. Trong trường hợp hành vi của họ đã có đủ yếu tố cấu thành một tội khác ví dụ như tội cố ý gây thương tích thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự về tội này.

Ngoài các vấn đề được nêu trên, có lẽ các bạn còn khá nhiều vướng mắc về tội giết người không thành. Vì vậy, dưới đây NPLaw xin giải đáp một số câu hỏi mà các bạn thường thắc mắc.

V. Các thắc mắc thường gặp về tội giết người không thành

1. Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội thì có được xem là tội giết người không thành không? Bị xử phạt như thế nào?

Tự ý nửa chừng chấm dứt việc phạm tội được xem là một trường hợp giết người không thành nhưng họ được miễn trách nhiệm hình sự về tội giết người, bởi thực tế họ đã tự động chấm dứt và từ bỏ việc giết người. Tuy nhiên, nếu hành vi của họ hội tụ đủ yếu tố cấu thành một tội khác thì họ vẫn phải chịu trách nhiệm hình sự với tội danh đó, căn cứ theo Điều 16 Bộ luật hình sự 2015.

2. Hành vi chém người khác do có ý định muốn giết người nhưng chưa thành thì bị xử phạt như thế nào?

Hành vi chém người khác do có ý định muốn giết người nhưng chưa thành sẽ bị xử phạt vào Tội giết người tại Điều 123 Bộ luật hình sự. Bởi hành vi đã có đủ các yếu tố cấu thành tội danh này.

Về khách thể, hành vi này xâm phạm đến quyền được bảo vệ về tính mạng của con người.

Về mặt khách quan, chủ thể thực hiện có hành vi chém nhằm tước đoạt mạng sống của người khác. Ở đây không cần xét đến hậu quả là có người chết hay không, bởi về mặt chủ quan, người thực hiện đã có lỗi cố ý trực tiếp.

3. Các tình tiết giảm nhẹ tội giết người không thành

Các tình tiết giảm nhẹ được quy định tại Khoản 1, Khoản 2 Điều 51 Bộ luật hình sự 2015.

4. Tìm luật sư bào chữa tội giết người không thành

Hiện nay có khá nhiều các công ty luật và văn phòng luật sư uy tín giúp bào chữa tội giết người không thành. Trong đó, hãng luật NPLaw cam kết có đội ngũ luật sư giàu năng lực, kinh nghiệm, đã từng tiếp cận nhiều vụ án tương tự, có thể hỗ trợ, tư vấn và tham gia bào chữa đối với vấn đề trên.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan