TỘI LỪA DỐI KHÁCH HÀNG THEO QUY ĐỊNH PHÁP LUẬT

Hiện nay, hoạt động buôn bán hàng hóa diễn ra vô cùng sôi nổi, nhiều mặt hàng được buôn bán tràn lan ở khắp mọi nơi. Nhiều chủ thể kinh doanh vì mục đích lợi nhuận mà không hề quan tâm tới chất lượng sản phẩm mà mình bán ra hoặc có những hành vi gian lận trong quá trình cân, đong, đo, đếm hàng hóa. Đây được xem là hành vi lừa dối khách hàng theo Bộ Luật Hình sự, hãy cùng tìm hiểu qua bài viết.

I. Tội lừa dối khách hàng là gì?

Hiện nay, chưa có văn bản pháp luật quy định về định nghĩa của tội lừa dối khách hàng. Tuy nhiên, căn cứ vào yếu tố cấu thành tội phạm, tội lừa dối khách hàng có thể được hiểu là người phạm tội trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác. (Theo khoản 1 Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017))Ví dụ về tội lừa dối khách hàng: Một nhân viên làm việc ở công ty kinh doanh xăng dầu (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự) đã có hành vi cố ý đong thiếu khối lượng xăng, dầu khi bán xăng dầu cho khách hàng, thu lợi bất chính từ hành vi là 6.000.000 đồng.

II. Tội lừa dối khách hàng bị xử lý hình sự như thế nào?

1. Cấu thành tội phạm lừa dối khách hàng

Về cấu thành tội lừa dối khách hàng phải đáp ứng đầy đủ các yếu tố sau:

Chủ thể: Chỉ người từ đủ 16 tuổi trở lên mới là chủ thể của tội phạm này

Khách thể: Hành vi phạm tội xâm phạm đến quyền và lợi ích hợp pháp của khách hàng

Mặt chủ quan: 

  • Người thực hiện hành vi lừa dối khách hàng là lỗi cố ý (cố ý trực tiếp hoặc cố ý gián tiếp), tức là nhận thức rõ được hành vi phạm tội của mình có thể gây thiệt hại đến khách hàng nhưng vẫn thực hiện.
  • Động cơ, mục đích phạm tội: Vì tư lợi cá nhân.

Mặt khách quan: Tội lừa dối khách hàng có dấu hiệu như sau: Có hành vi cân, đong, đong đếm, tính gian, đánh tráo hàng hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác trong việc mua bán.

2. Các khung hình phạt của tội lừa dối khách hàng

Các khung hình phạt của tội lừa dối khách hàng được quy định cụ thể tại Điều 198 Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017) như sau:

Khung 1

Người nào trong việc mua, bán hàng hóa hoặc cung cấp dịch vụ mà cân, đong, đo, đếm, tính gian hàng hóa, dịch vụ hoặc dùng thủ đoạn gian dối khác thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt cảnh cáo, phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng hoặc phạt cải tạo không giam giữ đến 03 năm:

  • Đã bị xử phạt vi phạm hành chính về hành vi này hoặc đã bị kết án về tội này, chưa được xóa án tích mà còn vi phạm;
  • Thu lợi bất chính từ 5.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Khung 2

Phạm tội thuộc một trong các trường hợp sau đây, thì bị phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 500.000.000 đồng hoặc phạt tù từ 01 năm đến 05 năm:

  • Có tổ chức;
  • Có tính chất chuyên nghiệp;
  • Dùng thủ đoạn xảo quyệt;
  • Thu lợi bất chính 50.000.000 đồng trở lên.

Hình phạt bổ sung

Người phạm tội còn có thể bị phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng, cấm hành nghề hoặc làm công việc nhất định từ 01 năm đến 05 năm.

III. Xử phạt vi phạm hành chính đối với hành vi lừa dối khách hàng

Trong trường hợp hành vi lừa dối khách hàng chưa đủ các yếu tố cấu thành tội lừa dối khách hàng theo quy định của Bộ luật Hình sự 2015 (sửa đổi, bổ sung 2017), người vi phạm sẽ bị xử phạt hành chính.Cụ thể các hành vi vi phạm lừa dối khách hàng được quy định tại Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP quy định các mức xử phạt như sau:

Phạt tiền từ 500.000 đồng đến 1.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau đây trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị dưới 5.000.000 đồng:

  • Đánh tráo, gian lận hàng hóa, dịch vụ khi giao hàng, cung ứng dịch vụ cho khách hàng, người tiêu dùng;
  • Không đền bù, trả lại tiền hoặc đổi lại hàng hóa, dịch vụ bị đánh tráo, gian lận cho khách hàng, người tiêu dùng;
  • Tự ý bớt lại bao bì, phụ tùng, linh kiện thay thế, hàng khuyến mại, tài liệu kỹ thuật và hướng dẫn sử dụng kèm theo khi bán hàng, cung cấp dịch vụ;
  • Thực hiện hoạt động xúc tiến thương mại, đề nghị giao dịch trực tiếp với đối tượng là người không có năng lực hành vi dân sự hoặc người mất năng lực hành vi dân sự;
  • Yêu cầu hoặc buộc người tiêu dùng thanh toán chi phí hàng hóa, dịch vụ đã cung cấp mà không có thỏa thuận trước với người tiêu dùng;
  • Lợi dụng hoàn cảnh khó khăn của người tiêu dùng hoặc lợi dụng thiên tai, dịch bệnh để cung cấp hàng hóa, dịch vụ không bảo đảm chất lượng.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 5.000.000 đồng đến dưới 20.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 10.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 20.000.000 đồng đến dưới 50.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 50.000.000 đồng đến dưới 100.000.000 đồng.

Phạt tiền từ 15.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi vi phạm quy định trên trong trường hợp hàng hóa, dịch vụ giao dịch có giá trị từ 100.000.000 đồng trở lên.

Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với một trong các hành vi vi phạm sau đây:

  • Không giải trình hoặc giải trình không đúng thời hạn hoặc không cung cấp thông tin, tài liệu, bằng chứng theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước về bảo vệ quyền lợi người tiêu dùng theo quy định;
  • Từ chối tiếp nhận yêu cầu tiến hành thương lượng của người tiêu dùng hoặc không tiến hành thương lượng với người tiêu dùng trong thời hạn không quá 07 ngày làm việc kể từ ngày nhận được yêu cầu của người tiêu dùng theo quy định.

Hình thức xử phạt bổ sung:

Tước quyền sử dụng Giấy phép kinh doanh, Giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề từ 01 tháng đến 03 tháng hoặc đình chỉ hoạt động có thời hạn từ 01 tháng đến 03 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 4 và 5 Điều 61 Nghị định 98/2020/NĐ-CP trong trường hợp vi phạm nhiều lần hoặc tái phạm.Biện pháp khắc phục hậu quả:

  • Buộc thu hồi hàng hóa không bảo đảm chất lượng đối với hành vi vi phạm quy định tại điểm g khoản 1 trong các trường hợp quy định từ khoản 1 đến khoản 5 Điều này;
  • Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại các khoản 1, 2, 3, 4 và 5 Điều này.

IV. Khi phát hiện đối tượng có hành vi phạm tội lừa dối khách hàng cần làm gì?

Khi phát hiện đối tượng có hành vi phạm tội lừa dối khách hàng, tuỳ vào trường hợp bạn có thể báo ngay hoặc làm đơn trình báo lên cơ quan công an cấp quận/huyện nơi bạn đang cư trú để cơ quan công an điều tra cấp quận/huyện giải quyết, xử lý những đối tượng trong trường hợp trên.Nếu cần giải quyết nhanh gọn, tham vấn các vấn đề liên quan vấn đề liên quan tội lừa dối khách hàng, quý khách hàng tham khảo hãy liên hệ ngay tới NPLaw để chúng tôi nhanh chóng tư vấn hỗ trợ và giải quyết vụ việc. Với các luật sư có chuyên môn cao cùng kinh nghiệm dày dặn, chúng tôi sẽ hỗ trợ 24/7, giúp bạn tiết kiệm chi phí và ít đi lại.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan