Hiện nay, có rất nhiều trường hợp có hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả của những người đã khuất. Có thể thấy đây là một hành vi gây ảnh hưởng rất nghiêm trọng và đáng lên án. Vậy pháp luật quy định như thế nào đối với hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả? Có thể bồi thường thiệt hại do xâm phạm về thi thể, mồ mả hay không? Hãy cùng NP LAW tìm hiểu qua bài viết sau đây nhé.
Theo từ điển tiếng Việt thì: “Thi thể là xác của cá nhân khi chết”, là thân thể người chết chưa được an táng, chưa được chôn hoặc hỏa táng. Việc xâm phạm thi thể được hiểu là người gây thiệt hại chiếm đoạt một bộ phận trong thi thể của người chết với mục đích khác nhau mà không được sự đồng ý của chính người đó khi còn sống hoặc đại diện gia đình người chết.
Mồ mả là phần mộ người chết được chôn ở nghĩa trang hoặc nơi khác bao gồm phần được đắp, xây, bia đá, quan tài trong mộ, tài sản để trên hoặc trong mộ.. Xâm phạm mồ mả là hành vi xâm phạm đến vị trí mai táng xác; đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ.
Khi cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm đến thi thể, mồ mả của người khác thì có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 606, khoản 1 Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015. Ngoài ra, theo quy định tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015 sửa đổi, bổ sung 2017 thì người nào mà đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi xâm phạm thi thể, mồ mả thì phải chịu trách nhiệm hình sự.
Khi gây ra thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả thì chủ thể sau đây có trách nhiệm bồi thường thiệt hại.
Theo quy định tại khoản 1 Điều 606 Bộ luật dân sự 2015 thì chủ thể chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại là cá nhân, pháp nhân có hành vi xâm phạm đến thi thể người khác.
Khi cá nhân, pháp nhân xâm phạm đến mồ mả của người khác thì cũng có trách nhiệm bồi thường thiệt hại theo quy định tại khoản 1 Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015.
Khi gây ra thiệt hại thì phải có trách nhiệm bồi thường, dù người bị thiệt hại còn sống hay đã mất, cụ thể như sau:
Các khoản chi phí mà cá nhân, pháp nhân phải bồi thường khi xâm phạm đến thi thể:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại
- Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích thuộc hàng thừa kế thứ nhất của người chết (nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết).
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định.
Theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP thì mức lương cơ sở thời điểm hiện tại là “Từ ngày 01 tháng 7 năm 2019, mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng”.
Cơ sở pháp lý: khoản 2, 3 Điều 606 Bộ luật Dân sự 2015.
Theo quy định tại khoản 2, 3 Điều 607 Bộ luật Dân sự 2015 thì có các khoản chi phí mà cá nhân, pháp nhân xâm phạm mồ mả của người khác phải bồi thường thiệt hại gồm:
- Chi phí hợp lý để hạn chế, khắc phục thiệt hại do hành vi xâm phạm gây ra.
- Một khoản tiền để bù đắp tổn thất về tinh thần cho những người thân thích theo thứ tự hàng thừa kế của người chết (nếu không có những người này thì người trực tiếp nuôi dưỡng người chết).
Mức bồi thường bù đắp tổn thất về tinh thần do các bên thỏa thuận; nếu không thỏa thuận được thì mức tối đa đối với mỗi thi thể bị xâm phạm không quá ba mươi lần mức lương cơ sở do Nhà nước quy định (mức lương cơ sở là 1.490.000 đồng/tháng theo quy định tại khoản 2 Điều 3 Nghị định số 38/2019/NĐ-CP).
Ngoài việc có trách nhiệm bồi thường thiệt hại do xâm phạm thi thể, mồ mả như mục III của bài viết, thì chủ thể có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự về Tội xâm phạm Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt tại Điều 319 Bộ luật Hình sự 2015, sửa đổi bổ sung 2017.
Có hai khung hình phạt cho Tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt cụ thể như sau:
- Bị phạt cải tạo không giam giữ đến 02 năm hoặc phạt tù từ 03 tháng đến 02 năm đối với trường hợp có người đào, phá mồ mả, chiếm đoạt những đồ vật để ở trong mộ, trên mộ hoặc có hành vi khác xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt.
- Bị phạt tù từ 02 năm đến 07 năm, nếu thuộc các trường hợp sau đây:
+ Gây ảnh hưởng xấu đến an ninh, trật tự, an toàn xã hội;
+ Chiếm đoạt hoặc hủy hoại vật có giá trị lịch sử, văn hóa;
+ Vì động cơ đê hèn;
+ Chiếm đoạt bộ phận thi thể, hài cốt.
Như vậy, đối với tội xâm phạm thi thể, mồ mả, hài cốt thì mức phạt tù cao nhất lên đến 07 năm.
Khi bị xâm phạm về thi thể, mồ mả thì có thể nộp đơn khởi kiện để yêu cầu bồi thường thiệt hại. Sau đây, NP LAW sẽ hướng dẫn Quý bạn đọc thủ tục yêu cầu bồi thường thiệt hại do xâm phạm về thi thể, mồ mả.
Bước 1: Làm đơn khởi kiện
Đơn khởi kiện phải có các nội dung sau:
- Ngày, tháng, năm làm đơn khởi kiện;
- Tên Tòa án nhận đơn khởi kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người khởi kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người khởi kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp các bên thỏa thuận địa chỉ để Tòa án liên hệ thì ghi rõ địa chỉ đó;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền và lợi ích được bảo vệ là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có);
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người bị kiện là cá nhân hoặc trụ sở của người bị kiện là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có). Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người bị kiện thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người bị kiện;
- Tên, nơi cư trú, làm việc của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cá nhân hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan là cơ quan, tổ chức; số điện thoại, fax và địa chỉ thư điện tử (nếu có).
Trường hợp không rõ nơi cư trú, làm việc hoặc trụ sở của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan thì ghi rõ địa chỉ nơi cư trú, làm việc hoặc nơi có trụ sở cuối cùng của người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Quyền, lợi ích hợp pháp của người khởi kiện bị xâm phạm; những vấn đề cụ thể yêu cầu Tòa án giải quyết đối với người bị kiện, người có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan;
- Họ, tên, địa chỉ của người làm chứng (nếu có);
- Danh mục tài liệu, chứng cứ kèm theo đơn khởi kiện.
Hiện nay, đơn khởi kiện được soạn thảo theo Mẫu số 23-DS, ban hành kèm theo Nghị quyết 01/2017/NQ-HĐTP.
Bước 2: Nộp đơn khởi kiện tại Tòa án
Người khởi kiện gửi đơn khởi kiện kèm theo tài liệu, chứng cứ mà mình hiện có đến Tòa án có thẩm quyền giải quyết vụ án bằng các phương thức sau đây:
- Nộp trực tiếp tại Tòa án;
- Gửi đến Tòa án theo đường dịch vụ bưu chính;
- Gửi trực tuyến qua Cổng thông tin điện tử của Tòa án.
Bước 3: Tòa án thụ lý vụ án
- Sau khi nhận đơn khởi kiện và tài liệu, chứng cứ kèm theo, nếu xét thấy vụ án thuộc thẩm quyền giải quyết của Tòa án thì Thẩm phán phải thông báo ngay cho người khởi kiện biết để họ đến Tòa án làm thủ tục nộp tiền tạm ứng án phí trong trường hợp họ phải nộp tiền tạm ứng án phí.
- Trong thời hạn 07 ngày, kể từ ngày nhận được giấy báo của Tòa án về việc nộp tiền tạm ứng án phí, người khởi kiện phải nộp tiền tạm ứng án phí và nộp cho Tòa án biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
- Tòa án thụ lý vụ án kể từ khi nhận được biên lai thu tiền tạm ứng án phí.
Cơ sở pháp lý: khoản 1, 4 Điều 189, khoản 1 Điều 190, Điều 195 Bộ luật tố tụng dân sự 2015.
CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ
Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343
Hotline: 0913 41 99 96
Email: legal@nplaw.vn