Tư vấn pháp luật về gian lận thầu

Gian lận là một trong những hành vi vi phạm nguyên tắc cạnh tranh công bằng của đấu thầu và bị cấm trong hoạt động đấu thầu. Có các hình thức gian lận thầu nào? Hành vi gian lận thầu sẽ bị xử lý như thế nào?

I. Thực trạng gian lận thầu trong xây dựng hiện nay

Công tác đấu thầu ở nước ta là một trong những khâu phát sinh nhiều tiêu cực, có lúc có nơi chỉ mang tính hình thức, ẩn chứa những điều mờ ám, thiếu minh bạch và công bằng. Từ năm 2013 đến nay, cơ quan quản lý đã điều tra khởi tố 11.700 vụ án tham nhũng chức vụ kinh tế, trong đó có 1.900 vụ án tham nhũng với 4.400 bị cáo, phần lớn liên quan đến các sai phạm về đấu thầu, mua sắm xây dựng, đầu tư công. Các vi phạm trong công tác đấu thầu đã gây ra nhiều hệ lụy, như: (i) Phá vỡ kế hoạch thực hiện chi tiêu công, mua sắm công và đầu tư công, không những làm cho các dự án bị chậm tiến độ, mà còn gây thất thoát lãng phí nguồn lực của đất nước; (ii) Làm trật tự quản lý nhà nước bị xáo trộn; (iii) Uy tín của cơ quan nhà nước bị giảm sút trong lòng nhân dân; (iv) Làm mất đi nguồn lực cán bộ do những người này vi phạm Luật Đấu thầu.

- Nhà thầu cung cấp thông tin không chính xác thì có phải là gian lận thầu không?

Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013 quy định: 

4. Gian lận, bao gồm các hành vi sau đây:

a) Trình bày sai một cách cố ý hoặc làm sai lệch thông tin, hồ sơ, tài liệu của một bên trong đấu thầu nhằm thu được lợi ích tài chính hoặc lợi ích khác hoặc nhằm trốn tránh bất kỳ một nghĩa vụ nào;

b) Cá nhân trực tiếp đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất, thẩm định kết quả lựa chọn danh sách ngắn, kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư;

c) Nhà thầu, nhà đầu tư cố ý cung cấp các thông tin không trung thực trong hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư.

Chiếu theo quy định trên, ta có thể thấy trường hợp nhà thầu cung cấp thông tin không chính xác thì là gian lận thầu.

II. Các hình thức gian lận thầu phổ biến

1. Nhà thầu không cung cấp bản gốc hợp đồng tương tự để đối chiếu

Khoản 1 Điều 16 Nghị định số 63/2014/NĐ-CP quy định sau khi mở thầu, nhà thầu có trách nhiệm làm rõ hồ sơ dự thầu theo yêu cầu của bên mời thầu. Trường hợp hồ sơ dự thầu của nhà thầu thiếu tài liệu chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm thì bên mời thầu yêu cầu nhà thầu làm rõ, bổ sung tài liệu để chứng minh tư cách hợp lệ, năng lực và kinh nghiệm. Đối với các nội dung đề xuất về kỹ thuật, tài chính nêu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu, việc làm rõ phải bảo đảm nguyên tắc không làm thay đổi nội dung cơ bản của hồ sơ dự thầu đã nộp, không thay đổi giá dự thầu.

Theo Điều 26 Thông tư số 08/2022/TT-BKHĐT của Bộ Kế hoạch và Đầu tư thì nhà thầu phải chuẩn bị sẵn sàng các tài liệu gốc để phục vụ việc xác minh khi có yêu cầu của bên mời thầu.

Do vậy, trong quá trình đánh giá hồ sơ dự thầu, trường hợp bên mời thầu có nghi ngờ về tính trung thực của các thông tin, tài liệu mà nhà thầu cung cấp về hợp đồng tương tự trong hồ sơ dự thầu thì cần yêu cầu nhà thầu làm rõ hoặc cung cấp tài liệu bản gốc để xác minh, đối chiếu (nếu cần thiết). Trường hợp nhà thầu không thực hiện việc làm rõ, cung cấp tài liệu bản gốc theo yêu cầu của bên mời thầu thì bên mời thầu có thể trực tiếp liên hệ với chủ đầu tư của các hợp đồng tương tự mà nhà thầu kê khai trong hồ sơ dự thầu… để làm rõ, xác minh tính trung thực của các thông tin, tài liệu trong hồ sơ dự thầu của nhà thầu. Trường hợp phát hiện cố ý báo cáo sai hoặc cung cấp thông tin không trung thực làm sai lệch kết quả lựa chọn nhà thầu, nhà đầu tư thì nhà thầu được coi là vi phạm hành vi gian lận trong đấu thầu quy định tại Khoản 4 Điều 89 Luật Đấu thầu 2013.

2. Nâng khống doanh thu thông qua làm giả báo cáo tài chính

Báo cáo tài chính thể hiện sức khỏe, thực lực tài chính của một doanh nghiệp, là điều kiện đầu tiên để các nhà đầu tư xem xét cho vay vốn, đầu tư. Theo đó, nâng khống doanh thu thông qua khai khống giá trị của hóa đơn bán hàng: lập hóa đơn khống như khai khống số lượng hàng bán và giá bán đối với các khách hàng giao dịch. Các thủ thuật tinh vi hơn bao gồm: Ghi doanh thu đối với hàng hóa không được khách hàng đặt trước hay đặt trước nhưng đã hủy bỏ; Ghi doanh số bán hàng đối với hàng trong kho; Ghi tiền đặt cọc được các nhà cung cấp trả lại là doanh thu. Đây được coi là hành vi gian lận trong đấu thầu theo quy định tại điểm c Khoản 89 Luật Đấu thầu 2013. 

3. Mượn bằng cấp nhân sự để tham dự đấu thầu

Các gói thầu đều có yêu cầu liên quan đến nhân sự thực hiện gói thầu, đặc biệt các gói thầu như tư vấn, xây lắp, hỗn hợp thì phần nhân sự rất quan trọng. Luật pháp cho phép nhà thầu được phép huy động nhân sự thuê ngoài, tuy nhiên đôi khi nhân sự có trình độ đó chính nhà thầu cũng không có sự liên hệ, mà khi "sưu tầm" được bằng cấp của nhân sự thường chế biến các tài liệu để xem nhân sự đó là nhân sự huy động của nhà thầu. Đã có nhiều trường hợp Bên mời thầu yêu cầu nhà thầu chứng thực nhân sự thông qua chữ ký thực hoặc mời đến thương thảo hợp đồng đã không thể thực hiện được. Do đó, cần lưu ý các thông tin sau: bằng cấp, chứng chỉ, hợp đồng lao động/ hợp đồng thuê nhân sự, kê khai thông tin về nhân sự, kê khai kinh nghiệm.

III. Xử lý hành vi gian lận thầu

1. Xử lý hành chính

Theo quy định tại Khoản 3 Điều 37 Nghị định 122/2021/ND-CP, phạt tiền từ 200.000.000 đồng đến 300.000.000 đồng đối với hành vi gian lận đấu thầu mà không phải là tội phạm theo quy định tại Điều 222 Bộ luật Hình sự. Người có hành vi gian lận trong đấu thầu có thể bị xử phạt hành chính từ 100.000.000 đồng đến 150.000.000 đồng theo Khoản 2 Điều 4. 

2. Xử lý hình sự

Theo Điều 222 Bộ luật Hình sự 2015, người có hành vi gian lận trong đấu thầu có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự trong trường hợp:

1) Hành vi gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại từ 100.000.000 đồng đến dưới 300.000.000 đồng

2) Hành vi gian lận trong đấu thầu gây thiệt hại dưới 100.000.000 đồng nhưng đã bị xử lý kỷ luật hoặc xử phạt vi phạm hành chính về hành vi gian lận trong đấu thầu mà còn vi phạm.

IV. Phương pháp phòng ngừa gian lận thầu

1. Nâng cao năng lực xử lý thầu

Cách thức tốt nhất để phòng ngừa gian lận thầu chính là nâng cao năng lực xử lý thầu của chính bên mời thầu để xác định nguy cơ gian lận trong đấu thầu và giảm thiểu gian lận trong đấu thầu. Thực hiện nghiêm túc, thắt chặt ngay từ các khâu đánh giá hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm tra, thẩm định; giám sát; quản lý dự án; thu xếp tài chính; kiểm toán, đào tạo, chuyển giao công nghệ.

2. Tham vấn luật sư

Ngoài ra, có thể tham khảo những tư vấn đề từ các chuyên gia am hiểu pháp luật, giàu kinh nghiệm như Luật sư. Với kiến thức chuyên môn, kinh nghiệm đủ dày, luật sư có thể dễ dàng đánh giá rủi ro pháp lý từ hồ sơ quan tâm, hồ sơ dự sơ tuyển, hồ sơ dự thầu, hồ sơ đề xuất; thẩm tra, thẩm định…

V. Tư vấn dịch vụ pháp lý liên quan đến gian lận thầu

Trên đây là thông tin giải đáp vướng mắc về gian lận thầu mà công ty NPLAW gửi đến Quý độc giả. Nếu Quý độc giả có bất kỳ vướng mắc nào liên quan cần giải đáp thêm, xin vui lòng liên hệ với NPLAW theo thông tin liên hệ sau:

CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan