ĐIỀU KIỆN KINH DOANH DỊCH VỤ TƯ VẤN DU HỌC TẠI VIỆT NAM

Du học là một hoạt động quan trọng trong hệ thống giáo dục nói chung, góp phần lớn trong việc phát triển và nâng cao chất lượng nhân lực, tiến tới công cuộc hội nhập và toàn cầu hóa. Nhu cầu xây dựng và đem lại các chương trình quốc tế về hợp tác đào tạo, tạo cơ hội tham gia các khóa học chương trình đào tạo ngắn hạn, dài hạn và tu nghiệp nước ngoài,... thích ứng với những thay đổi chung của Thế giới về giáo dục đào tạo được đặt ra, tạo nên một làn sóng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học mạnh mẽ. Thế nhưng, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là gì? Pháp luật quy định về điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học như thế nào? NPLaw sẽ giải đáp các thắc mắc của Quý bạn đọc về kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thông qua bài viết dưới đây.

I. Thực trạng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học hiện nay

Hiện nay, với nhu cầu ngày càng tăng cao của xã hội, kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là một ngành nghề “hot” và cũng cạnh tranh cao khi có vô vàn công ty, tổ chức tư vấn du học được thành lập và hoạt động. Nhìn chung các đơn vị tư vấn du học trên địa bàn đã dần dần đi vào ổn định, đa số các đơn vị đã tạo được niềm tin cho học sinh và phụ huynh. Hầu hết các đơn vị thực hiện đúng thẩm quyền theo quy định của pháp luật, cung cấp công khai thông tin liên quan đến cơ sở đào tạo, tình trạng kiểm định và công nhận chất lượng đào tạo của cơ quan chức năng nước sở tại cho người đi du học. Trong số đó cũng không ít các tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bất hợp pháp hay vi phạm các quy định của pháp luật.

II. Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là gì?

1. Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là gì?

Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là tổng hợp các hoạt động được pháp luật cho phép nhằm việc đưa ra tư vấn, lời khuyên, định hướng ra nước ngoài học tập cho các đối tượng có nhu cầu, được thực hiện trong khuôn khổ pháp luật liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học là gì?

2. Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm những dịch vụ nào?

Kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gồm các dịch vụ sau:

  • Giới thiệu, tư vấn thông tin về chính sách giáo dục của các quốc gia và vùng lãnh thổ; tư vấn lựa chọn trường học, khóa học, ngành nghề và trình độ phù hợp với khả năng và nguyện vọng của người học;
  • Tổ chức quảng cáo, hội nghị, hội thảo, hội chợ, triển lãm về du học theo quy định của pháp luật;
  • Tổ chức chiêu sinh, tuyển sinh du học;
  • Tổ chức bồi dưỡng kỹ năng cần thiết cho công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập;
  • Tổ chức đưa công dân Việt Nam ra nước ngoài học tập, đưa cha mẹ hoặc người giám hộ tham quan nơi đào tạo ở nước ngoài theo quy định của pháp luật;
  • Các hoạt động khác liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

III. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

1. Có những tổ chức nào được mở kinh doanh tư vấn du học?

Tổ chức được mở kinh doanh tư vấn du học theo quy định pháp luật Việt Nam bao gồm:

  • Doanh nghiệp được thành lập và hoạt động theo quy định của Luật doanh nghiệp;
  • Các đơn vị sự nghiệp có chức năng kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
  • Tổ chức giáo dục nước ngoài hoạt động hợp pháp tại Việt Nam.

Có những tổ chức nào được mở kinh doanh tư vấn du học?

2. Điều kiện kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học phải đáp ứng điều kiện tại khoản 3 Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP để được cấp phép hoạt động thì:

“Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”.

Như vậy, theo quy định trên thì để có thể kinh doanh dịch vụ tư vấn đi du học thì cần phải có đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương và bắt buộc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo.

IV. Hồ sơ, thủ tục xin cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

1. Hồ sơ cần chuẩn bị

Hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học bao gồm:

  • Văn bản đề nghị cấp giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học; với những nội dung chủ yếu gồm: Mục tiêu, nội dung hoạt động; khả năng khai thác và phát triển dịch vụ du học ở nước ngoài; kế hoạch và các biện pháp tổ chức thực hiện; phương án giải quyết khi gặp vấn đề rủi ro đối với người được tư vấn du học;
  • Bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, quyết định thành lập hoặc giấy chứng nhận đăng ký đầu tư;
  • Danh sách đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học bao gồm các thông tin chủ yếu sau đây: Họ và tên, ngày tháng năm sinh, giới tính, trình độ chuyên môn, trình độ ngoại ngữ, vị trí công việc sẽ đảm nhiệm tại tổ chức dịch vụ tư vấn du học; bản sao được cấp từ sổ gốc, bản sao được chứng thực từ bản chính hoặc bản sao kèm theo bản chính để đối chiếu văn bằng tốt nghiệp đại học, chứng chỉ ngoại ngữ, chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học, cụ thể gồm:
  • Đối với người trực tiếp tư vấn du học: Sơ yếu lý lịch có xác nhận của xã phường, bản công chứng CMND công chứng; bản công chứng Văn bằng đại học; bản công chứng chứng chỉ ngoại ngữ tương ứng thị trường tư vấn du học, tối thiểu bậc 4 trong khung ngoại ngữ 6 bậc, bản công chứng chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn; (nên có tối thiểu 2 nhân sự)
  • Đối với nhân sự khác: Sơ yếu lý lịch có xác nhận của xã phường, bản công chứng CMND công chứng; Hợp đồng lao động.

2. Trình tự, thủ tục thực hiện

Bước 1: Thành lập công ty

  • Trước khi thực hiện xin cấp phép tư vấn du học, thì doanh nghiệp cần phải đăng ký thành lập công ty, trong đó bắt buộc phải đăng ký kinh doanh ngành nghề sau: 8650- Dịch vụ hỗ trợ giáo dục. Chi tiết: Dịch vụ tư vấn du học.

Bước 2: Thủ tục cấp giấy chứng nhận kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

  • Chuẩn bị bộ hồ sơ đề nghị cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học với các tài liệu nêu trên.
  • Tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học gửi trực tiếp hoặc qua bưu điện 01 bộ hồ sơ đến Sở Giáo dục và Đào tạo nơi kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;
  • Trong thời hạn 15 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ, Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo thẩm định hồ sơ, thẩm tra tính xác thực của tài liệu và cấp Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học. 
  • Trường hợp chưa đáp ứng các điều kiện theo quy định thì thông báo bằng văn bản cho tổ chức dịch vụ tư vấn du học và nêu rõ lý do.

V. Giải đáp một số thắc mắc thường gặp liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

1. Đội ngũ nhân viên của tổ chức tư vấn du học có phải bắt buộc có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học không?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì: “Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có … có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định của Bộ Giáo dục và Đào tạo”. 

Như vậy, đối với đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học tại những tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, bắt buộc phải có chứng chỉ bồi dưỡng nghiệp vụ tư vấn du học.

2. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung tâm tư vấn du học sử dụng nhân viên tư vấn du học không có chứng chỉ nghiệp vụ là bao lâu?

Căn cứ điểm đ khoản 1, điểm d khoản 7 Điều 20 Nghị định 88/2022/NĐ-CP thì “Sử dụng nhân viên tư vấn du học không có chứng chỉ nghiệp vụ tư vấn du học theo quy định” là một trong các hành vi vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp, thuộc vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp.

Theo quy định tại khoản 1 Điều 5 Nghị định số 88/2022/NĐ-CP về thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp thì:

Điều 5. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính và thi hành biện pháp khắc phục hậu quả

1. Thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực giáo dục nghề nghiệp là 01 năm”.

Như vậy, thời hiệu xử phạt vi phạm hành chính đối với Trung tâm tư vấn du học sử dụng nhân viên tư vấn du học không có chứng chỉ nghiệp vụ theo quy định là 01 năm.

3. Cho mượn Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học thì doanh nghiệp bị xử phạt thế nào?

Căn cứ điểm a khoản 3, khoản 6, điểm đ khoản 7 Điều 20 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp như sau:

“3. Phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với một trong các hành vi sau:

a) Ủy quyền hoặc cho thuê hoặc cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học;...

6. Hình thức xử phạt bổ sung: Đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 2 và khoản 3 Điều này.

7. Biện pháp khắc phục hậu quả:

đ) Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm quy định tại các khoản 3, 4 và 5 Điều này;...”

Như vậy, doanh nghiệp cho mượn giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thể bị xử phạt vi phạm hành chính với mức phạt tiền từ 50.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng , bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học có thời hạn từ 03 tháng đến 06 tháng và bị buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được vào ngân sách nhà nước đối với hành vi vi phạm.

4. Doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ hoạt động thì có bị thu hồi Giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh không?

Căn cứ khoản 4, điểm g khoản 7 Điều 20 Nghị định 88/2022/NĐ-CP quy định về vi phạm quy định về hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học các trình độ đào tạo trong giáo dục nghề nghiệp thì:

“4. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi tiếp tục tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học...

7. Biện pháp khắc phục hậu quả: ...

g) Kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 4 Điều này...”

Theo quy định trên, doanh nghiệp tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học trong thời gian bị đình chỉ hoạt động có thể bị kiến nghị cơ quan có thẩm quyền thu hồi giấy chứng nhận đăng ký hoạt động kinh doanh dịch vụ tư vấn du học.

5. Nhân viên tư vấn trong trung tâm kinh doanh dịch vụ tư vấn du học cần có chứng chỉ ngoại ngữ không?

Căn cứ quy định tại khoản 3 Điều 107 Nghị định 46/2017/NĐ-CP thì: “Đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học có trình độ đại học trở lên; có năng lực sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương; …”. 

Như vậy, đối với đội ngũ nhân viên trực tiếp tư vấn du học tại những tổ chức kinh doanh dịch vụ tư vấn du học, không bắt buộc phải có chứng chỉ ngoại ngữ nhưng phải có khả năng sử dụng ít nhất một ngoại ngữ từ bậc 4 trở lên theo Khung năng lực ngoại ngữ 6 bậc dùng cho Việt Nam và tương đương.

VI. Dịch vụ tư vấn và thực hiện các thủ tục liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học

Trên đây là nội dung tư vấn pháp lý của Công ty Luật TNHH Ngọc Phú (NPLaw) liên quan đến kinh doanh dịch vụ tư vấn du học theo pháp luật Việt Nam. Trong trường hợp Quý Khách hàng có bất kỳ thắc mắc nào liên quan đến vấn đề này, hãy liên hệ ngay đến Công ty Luật TNHH Ngọc Phú để được đội ngũ Luật sư của chúng tôi tư vấn tận tình và nhanh chóng. 

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú – Hãng luật NPLaw

Hotline: 0913449968

Email: legal@nplaw.vn


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan