Những điều cần biết khi hợp tác làm việc

Trong môi trường kinh doanh hiện đại, hợp tác làm việc giữa các cá nhân và tổ chức ngày càng trở nên phổ biến. Đây là cách thức hiệu quả để tận dụng nguồn lực, chia sẻ rủi ro và gia tăng cơ hội phát triển. Tuy nhiên, nếu không có sự chuẩn bị kỹ lưỡng về mặt pháp lý, các bên dễ rơi vào tranh chấp, ảnh hưởng đến quyền lợi và hoạt động kinh doanh. Vì vậy, việc hiểu rõ quy định pháp luật và các điều khoản quan trọng trong hợp đồng hợp tác là điều cần thiết.

Sau đây, kính mời quý độc giả hãy cùng NPLAW tìm hiểu các vấn đề liên quan đến hợp tác làm việc nhé!

I. Thực trạng liên quan đến hợp tác làm việc

Hợp tác làm việc là một xu hướng phổ biến trong nền kinh tế hiện nay, đặc biệt trong các lĩnh vực như khởi nghiệp, kinh doanh dịch vụ, và đầu tư. Tuy nhiên, trên thực tế, nhiều quan hệ hợp tác vẫn chưa được quy định chặt chẽ bằng văn bản hoặc thiếu sự rõ ràng về quyền và nghĩa vụ của các bên, dẫn đến tranh chấp và khó khăn trong việc thực thi thỏa thuận. Một số trường hợp hợp tác làm việc chỉ được thiết lập bằng lời nói, khiến khi có mâu thuẫn xảy ra, các bên gặp khó khăn trong việc chứng minh thỏa thuận. 

Ngoài ra, việc phân chia lợi nhuận, chịu trách nhiệm tài chính và nghĩa vụ pháp lý giữa các bên chưa được xác định cụ thể cũng là nguyên nhân dẫn đến nhiều tranh cãi. Chính vì vậy, việc nắm rõ quy định pháp luật và có sự chuẩn bị kỹ lưỡng ngay từ đầu là điều kiện quan trọng để đảm bảo quan hệ hợp tác diễn ra minh bạch và bền vững.

II. Các quy định liên quan đến hợp tác làm việc

1. Thế nào là hợp tác làm việc?

Hợp tác làm việc là sự liên kết giữa hai hay nhiều cá nhân, tổ chức nhằm cùng thực hiện một công việc, dự án hoặc hoạt động kinh doanh trên cơ sở thỏa thuận về quyền, nghĩa vụ và lợi ích chung. Theo quy định tại khoản 2 Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015, hợp tác làm việc có thể được xác lập thông qua hợp đồng hợp tác. Trong đó các bên cam kết cùng đóng góp tài sản, công sức và chia sẻ lợi nhuận hoặc chịu rủi ro theo thỏa thuận. Cụ thể, khoản 1 Điều 504 Bộ luật Dân sự 2015 quy định:

“Hợp đồng hợp tác là sự thỏa thuận giữa các cá nhân, pháp nhân về việc cùng đóng góp tài sản, công sức để thực hiện công việc nhất định, cùng hưởng lợi và cùng chịu trách nhiệm.”

Như vậy, hợp tác làm việc không chỉ đơn thuần là sự phân công lao động giữa các bên mà còn đòi hỏi sự thống nhất về mục tiêu, trách nhiệm và cơ chế phân chia lợi ích. Tùy theo lĩnh vực hoạt động, quan hệ hợp tác có thể được điều chỉnh bởi các quy định khác nhau, chẳng hạn như Luật Doanh nghiệp 2020 đối với mô hình công ty hợp danh hoặc góp vốn vào doanh nghiệp, hay Luật Đầu tư 2020 nếu hợp tác có yếu tố đầu tư. Việc hiểu rõ các quy định này sẽ giúp các bên tham gia hợp tác hạn chế rủi ro pháp lý và đảm bảo quyền lợi của mình

2. Nội dung cần có trong hợp đồng hợp tác làm việc chi tiết gồm những nội dung nào? Nội dung nào quan trọng nhất? Tại sao?

Hiện nay, không có biểu mẫu chung nào cho hợp đồng hợp tác làm việc. Các bên có thể tự lập hợp đồng. Tuy nhiên, theo quy định tại Điều 505 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng hợp tác làm việc phải có các nội dung chủ yếu sau đây:

(i) Mục đích hợp tác, thời hạn hợp tác;

(ii) Họ, tên, nơi cư trú của cá nhân; tên, trụ sở của pháp nhân tham gia ký hợp đồng hợp tác;

(iii) Tài sản đóng góp của các bên (nếu có);

(iv) Sức lao động tham gia đóng góp (nếu có);

(v) Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức giữa các bên;

(vi) Quyền và nghĩa vụ của các thành viên hợp tác;

(vii) Quyền, nghĩa vụ của người đại diện các bên (nếu có);

(viii) Điều kiện tham gia và rút khỏi hợp đồng hợp tác của thành viên;

(ix) Điều kiện các bên được chấm dứt Hợp đồng hợp tác.

Trong hợp đồng hợp tác làm việc, các nội dung trên đều đóng vai trò quan trọng nhằm đảm bảo quyền lợi và trách nhiệm của các bên. Tuy nhiên, nội dung “Phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức” được xem là quan trọng nhất vì nó quyết định quyền lợi tài chính của các bên tham gia hợp tác. 

Căn cứ Điều 505 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng hợp tác không chỉ xác định mục tiêu hợp tác, trách nhiệm và nghĩa vụ của các bên, mà còn quy định rõ ràng cách thức đóng góp tài sản, công sức và phân chia lợi nhuận. Trong thực tế, nhiều tranh chấp trong hợp tác làm việc phát sinh do các bên không thống nhất về tỷ lệ hưởng lợi, cách thức thanh toán hoặc nghĩa vụ chia sẻ rủi ro.

Nếu hợp đồng không quy định rõ ràng phương thức phân chia lợi nhuận, có thể dẫn đến tình trạng một bên hưởng lợi nhiều hơn so với công sức hoặc vốn góp của bên còn lại. Đồng thời, khi xảy ra rủi ro hoặc thua lỗ, hợp đồng cũng cần có cơ chế để các bên cùng chịu trách nhiệm thay vì đẩy nghĩa vụ cho một bên duy nhất. Do đó, việc quy định chặt chẽ nội dung này trong hợp đồng hợp tác là yếu tố then chốt để hạn chế tranh chấp và đảm bảo sự công bằng giữa các bên.

3. Tranh chấp trong hợp tác làm việc được xử lý như thế nào?

Tùy vào sự thỏa thuận của các bên trong hợp đồng lựa chọn phương thức giải quyết khi có tranh chấp thì sẽ áp dụng tương ứng khi xảy ra tranh chấp trong hợp tác làm việc theo điểm g khoản 2 Điều 398 Bộ luật dân sự 2015. Căn cứ theo Điều 317 Luật thương mại 2005, các bên có thể lựa chọn giải quyết tranh chấp thông qua các hình thức sau:

(i) Thương lượng giữa các bên.

(ii) Hoà giải giữa các bên do một cơ quan, tổ chức hoặc cá nhân được các bên thỏa thuận chọn làm trung gian hoà giải.

(iii) Giải quyết tại Trọng tài hoặc Toà án.

Trong đó, thủ tục giải quyết tranh chấp trong thương mại tại Trọng tài, Toà án được tiến hành theo các thủ tục tố tụng của Trọng tài, Toà án do pháp luật quy định.

4. Thành viên hợp tác làm việc có những quyền và nghĩa vụ gì?

Những quyền và nghĩa vụ của thành viên hợp tác được quy định tại Điều 507 Bộ luật dân sự 2015, bao gồm:

(i) Được hưởng hoa lợi, lợi tức thu được từ hoạt động hợp tác.

(ii) Tham gia quyết định các vấn đề liên quan đến thực hiện hợp đồng hợp tác, giám sát hoạt động hợp tác.

(iii) Bồi thường thiệt hại cho các thành viên hợp tác khác do lỗi của mình gây ra.

(iv) Thực hiện quyền, nghĩa vụ khác theo hợp đồng.

III. Các thắc mắc thường gặp liên quan đến hợp tác làm việc

1. Thoả thuận hợp tác làm việc bằng miệng thì khi có tranh chấp có khởi kiện được không?

Căn cứ theo khoản 2 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng hợp tác làm việc được luật quy định phải được lập bằng văn bản. Vì thế nếu thỏa thuận hợp tác làm việc bằng miệng thì khi có tranh chấp không thể khởi kiện được do thỏa thuận bằng lời nói nên giá trị chứng minh rất thấp, nếu khởi kiện ra tòa án, bạn sẽ rất khó chứng minh là đã có thỏa thuận đó cũng như các nội dung của thỏa thuận nếu đối phương phủ nhận.

2. Thoả thuận hợp tác làm việc có bắt buộc lập thành văn bản không?

Theo quy định tại khoản 2 Điều 504 Bộ luật dân sự 2015, hợp đồng hợp tác làm việc được luật quy định phải được lập bằng văn bản. Vì thế thỏa thuận hợp tác làm việc bắt buộc phải lập thành văn bản theo đúng pháp luật quy định

3. Thỏa thuận hợp tác làm việc có bắt buộc thỏa thuận phân chia lợi nhuận không?

Căn cứ tại khoản 5 Điều 505 Bộ luật dân sự 2015, phương thức phân chia hoa lợi, lợi tức là một trong các nội dung chủ yếu phải được thể hiện trong hợp đồng hợp tác. Vì thế thỏa thuận phân chia lợi nhuận là nội dung bắt buộc được luật đề cập và phải được các bên thể hiện trong hợp đồng hợp tác. Đây cũng được xem là nội dung quan trọng nhất giúp xác định được quyền và trách nhiệm của các bên một cách rõ ràng, cụ thể trong trường hợp có tranh chấp xảy ra trong quá trình hợp tác

4. Khi nào các thành viên được rút khỏi hợp đồng hợp tác?

Có thể thấy pháp luật luôn tôn trọng sự thỏa thuận của các bên. Vì vậy, theo khoản 1 Điều 510 Bộ luật Dân sự 2015, các thành viên trong hợp đồng hợp tác làm việc có quyền rút khỏi hợp đồng hợp tác trong trường hợp sau đây:

(i) Theo điều kiện đã thỏa thuận trong hợp đồng hợp tác;

(ii) Có lý do chính đáng và được sự đồng ý của hơn một nửa tổng số thành viên hợp tác.

Khi thành viên rút khỏi hợp đồng hợp tác có quyền yêu cầu nhận lại tài sản đã đóng góp. Ngoài ra, họ còn được chia phần tài sản trong khối tài sản chung; đồng thời, phải thanh toán các nghĩa vụ theo thỏa thuận. Trường hợp việc phân chia tài sản bằng hiện vật làm ảnh hưởng đến hoạt động hợp tác thì tài sản được tính giá trị thành tiền để chia.

Việc rút khỏi hợp đồng hợp tác không làm chấm dứt quyền, nghĩa vụ của người này được xác lập, thực hiện trước thời điểm rút khỏi hợp đồng hợp tác.

Ngoài ra, các bên cũng có thể đơn phương rút khỏi Hợp đồng hợp tác nếu không thuộc trường hợp nêu trên. Lúc này, thành viên rút khỏi hợp đồng được xác định là bên vi phạm hợp đồng và có thể phải bồi thường.

5. Hợp đồng hợp tác làm việc chấm dứt trong trường hợp nào?

Căn cứ theo khoản 1 Điều 512 Bộ luật Dân sự 2015, hợp đồng hợp tác làm việc chấm dứt nếu thuộc 01 trong các trường hợp sau:

(i) Theo thỏa thuận ghi trong Hợp đồng;

(ii) Hết thời hạn hợp tác;

(iii) Mục đích hợp tác đã đạt được;

(iv) Theo quyết định của cơ quan nhà nước có thẩm quyền

(v) Trường hợp khác theo quy định của pháp luật.

Đồng thời, khi chấm dứt hợp đồng hợp tác, các khoản nợ phát sinh từ hợp đồng phải được thanh toán; nếu tài sản chung không đủ để trả nợ thì phải lấy tài sản riêng của các thành viên hợp tác để thanh toán theo Điều 509 Bộ luật Dân sự 2015.

Trường hợp các khoản nợ đã được thanh toán xong mà tài sản chung vẫn còn thì được chia cho các thành viên hợp tác theo tỷ lệ tương ứng với phần đóng góp của mỗi người, trừ trường hợp có thỏa thuận khác.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan đến hợp tác làm việc

Công ty Luật TNHH Ngọc Phú cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý toàn diện liên quan đến hợp tác làm việc, bao gồm:

  • Tư vấn về quy định pháp lý và điều kiện khi hợp tác làm việc.
  • Hỗ trợ chuẩn bị hồ sơ hợp tác làm việc.
  • Tư vấn các giải pháp xử lý khi phát sinh tranh chấp hoặc vi phạm trong quá trình hợp tác làm việc.

Để biết thêm chi tiết và được tư vấn pháp lý cụ thể, vui lòng liên hệ với chúng tôi. Công ty Luật TNHH Ngọc Phú luôn sẵn sàng hỗ trợ bạn trong mọi vấn đề pháp lý liên quan đến hợp tác làm việc.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan