Quy định về hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Kinh doanh nhà hàng là một lĩnh vực thu hút nhiều nhà đầu tư nhờ tiềm năng sinh lời cao. Tuy nhiên, không phải ai cũng đủ nguồn lực để tự mình vận hành một nhà hàng. Vì vậy, nhiều nhà đầu tư lựa chọn hình thức hợp tác kinh doanh để chia sẻ rủi ro, tận dụng thế mạnh của từng bên. Trong bối cảnh đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng trở thành một công cụ quan trọng để xác lập quyền và nghĩa vụ của các bên tham gia. Vậy hợp đồng này được quy định như thế nào?

I. Tìm hiểu về hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng là thỏa thuận giữa hai hoặc nhiều bên nhằm kết hợp nguồn lực để cùng khai thác, vận hành, và hưởng lợi từ hoạt động kinh doanh nhà hàng. Đây là hình thức phổ biến trong ngành ẩm thực, giúp các bên tận dụng chuyên môn, vốn, mặt bằng, thương hiệu… để tối ưu hiệu quả kinh doanh. So với các mô hình doanh nghiệp truyền thống, hợp đồng hợp tác kinh doanh có ưu điểm như linh hoạt trong quản lý, không cần đăng ký pháp nhân mới, nhưng cũng tồn tại một số rủi ro nếu không được quy định rõ ràng.

II. Quy định pháp luật về hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

1. Thế nào là hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Khoản 14 Điều 3 Luật đầu tư 2020 quy định: “Hợp đồng hợp tác kinh doanh (sau đây gọi là hợp đồng BCC) là hợp đồng được ký giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, phân chia lợi nhuận, phân chia sản phẩm theo quy định của pháp luật mà không thành lập tổ chức kinh tế”.

Đối với hợp đồng hợp tác kinh doanh lĩnh vực nhà hàng, có thể hiểu đây là thỏa thuận giữa các nhà đầu tư nhằm hợp tác kinh doanh, khai thác và vận hành một cơ sở kinh doanh ẩm thực mà không cần thành lập pháp nhân mới.

2. Nội dung của hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Theo khoản 1 Điều 28 Luật đầu tư 2020, hợp đồng hợp tác kinh doanh có các nội dung chủ yếu sau đây:

  • Tên, địa chỉ, người đại diện có thẩm quyền của các bên tham gia hợp đồng; địa chỉ giao dịch hoặc địa điểm thực hiện dự án đầu tư;
  • Mục tiêu và phạm vi hoạt động đầu tư kinh doanh;
  • Đóng góp của các bên tham gia hợp đồng và phân chia kết quả đầu tư kinh doanh giữa các bên;
  • Tiến độ và thời hạn thực hiện hợp đồng;
  • Quyền, nghĩa vụ của các bên tham gia hợp đồng;
  • Sửa đổi, chuyển nhượng, chấm dứt hợp đồng;
  • Trách nhiệm do vi phạm hợp đồng, phương thức giải quyết tranh chấp.

Như vậy, khi ký kết hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng, các bên cần đảm bảo hợp đồng có đầy đủ các nội dung theo quy định trên.

3. Điều kiện có hiệu lực của hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Theo Điều 117 Bộ luật dân sự 2015, giao dịch dân sự có hiệu lực khi có đủ các điều kiện sau đây:

  • Chủ thể có năng lực pháp luật dân sự, năng lực hành vi dân sự phù hợp với giao dịch dân sự được xác lập;
  • Chủ thể tham gia giao dịch dân sự hoàn toàn tự nguyện;
  • Mục đích và nội dung của giao dịch dân sự không vi phạm điều cấm của luật, không trái đạo đức xã hội.
  • Đảm bảo về hình thức của giao dịch dân sự trong trường hợp luật có quy định.

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng là một giao dịch dân sự và phải đảm bảo các điều kiện có hiệu lực theo quy định chung tại Điều 117 nêu trên.

III. Một số thắc mắc về hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

1. Khi nào hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng bị vô hiệu

Theo khoản 1 Điều 407 Bộ luật dân sự 2015: “Quy định về giao dịch dân sự vô hiệu từ Điều 123 đến Điều 133 của Bộ luật này cũng được áp dụng đối với hợp đồng vô hiệu”.

Theo đó, các trường hợp hợp đồng vô hiệu bao gồm:

  • Vô hiệu do vi phạm điều cấm của luật, trái đạo đức xã hội.
  • Vô hiệu do giả tạo.
  • Vô hiệu do người chưa thành niên, người mất năng lực hành vi dân sự, người có khó khăn trong nhận thức, làm chủ hành vi, người bị hạn chế năng lực hành vi dân sự xác lập, thực hiện.
  • Vô hiệu do bị nhầm lẫn.
  • Vô hiệu do bị lừa dối, đe dọa, cưỡng ép.
  • Vô hiệu do người xác lập không nhận thức và làm chủ được hành vi của mình.
  • Vô hiệu do không tuân thủ quy định về hình thức.
  • Vô hiệu do có đối tượng không thể thực hiện được.

Như vậy, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng bị vô hiệu nếu thuộc một trong những trường hợp nêu trên.

2. Hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng không có giá trị pháp lý khi nào? Tại sao?

Điều 131 Bộ luật dân sự 2015 quy định hậu quả pháp lý của giao dịch dân sự vô hiệu như sau:

“1. Giao dịch dân sự vô hiệu không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao dịch được xác lập.

2. Khi giao dịch dân sự vô hiệu thì các bên khôi phục lại tình trạng ban đầu, hoàn trả cho nhau những gì đã nhận.

Trường hợp không thể hoàn trả được bằng hiện vật thì trị giá thành tiền để hoàn trả.

3. Bên ngay tình trong việc thu hoa lợi, lợi tức không phải hoàn trả lại hoa lợi, lợi tức đó.

...”

Như vậy, khi giao dịch dân sự vô hiệu thì không có giá trị pháp lý, không làm phát sinh, thay đổi, chấm dứt quyền, nghĩa vụ dân sự của các bên kể từ thời điểm giao kết. Do đó, hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng không có giá trị pháp lý trong trường hợp bị vô hiệu theo quy định trên.

3. Các bên có được sửa đổi, bổ sung hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng không

Điều 421 Bộ luật dân sự 2015 quy định về sửa đổi hợp đồng như sau:

“1. Các bên có thể thỏa thuận sửa đổi hợp đồng.

2. Hợp đồng có thể được sửa đổi theo quy định tại Điều 420 của Bộ luật này.

3. Hợp đồng sửa đổi phải tuân theo hình thức của hợp đồng ban đầu”.

Như vậy, các bên được quyền thỏa thuận sửa đổi, bổ sung hợp đồng nhưng phải tuân thủ theo hình thức của hợp đồng ban đầu theo quy định trên.

4. Doanh thu liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng được xác định như thế nào?

Điểm n khoản 3 Điều 5 Thông tư 78/2014/TT-BTC quy định về doanh thu đối với hợp động kinh doanh dưới hình thức hợp đồng hợp tác kinh doanh như sau:

  • Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng doanh thu bán hàng hóa, dịch vụ thì doanh thu tính thuế là doanh thu của từng bên được chia theo hợp đồng.
  • Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng sản phẩm thì doanh thu tính thuế là doanh thu của sản phẩm được chia cho từng bên theo hợp đồng.
  • Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận trước thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập trước thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng. 
  • Trường hợp các bên tham gia hợp đồng hợp tác kinh doanh phân chia kết quả kinh doanh bằng lợi nhuận sau thuế thu nhập doanh nghiệp thì doanh thu để xác định thu nhập chịu thuế là số tiền bán hàng hóa, dịch vụ theo hợp đồng.

Như vậy, doanh thu liên quan đến hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng được xác định theo quy định trên.

IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý liên quan hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng

Trên đây là bài viết của NPLaw về hợp đồng hợp tác kinh doanh nhà hàng hiện nay. Với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý giàu kinh nghiệm, NPLaw cung cấp dịch vụ pháp lý uy tín, chuyên nghiệp, đảm bảo tốt nhất quyền lợi hợp pháp cho Quý Khách hàng. Nếu cần hỗ trợ về vấn đề pháp lý, bạn có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn về hỗ trợ.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan