TÌM HIỂU VỀ MỞ NHẠC TẠI CƠ SỞ KINH DOANH

Trong bối cảnh kinh doanh hiện đại, âm nhạc đã trở thành một phần không thể thiếu trong trải nghiệm của khách hàng, từ quán cà phê ấm cúng cho đến các trung tâm mua sắm rộng lớn, từ nhà hàng sang trọng cho đến các phòng gym năng động. Mở nhạc tại các cơ sở kinh doanh là một giải pháp giúp thu hút khách hàng và tăng doanh thu. Vậy, pháp luật đã quy định như thế nào về mở nhạc tại cơ sở kinh doanh. Hãy cùng NPLaw tìm hiểu qua bài viết sau:

Thực trạng mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

I. Thực trạng mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

Hiện nay, các cơ sở kinh doanh từ quán cà phê, nhà hàng, cửa hàng bán lẻ, đến các không gian giải trí như bar, club đều có xu hướng chọn lựa âm nhạc theo đặc điểm riêng của mình. Pháp luật hiện đã có những quy định liên quan đến việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh. Tuy nhiên, nhiều cơ sở kinh doanh không tuân thủ quy định của pháp luật, chẳng hạn như thời gian được mở nhạc hoặc âm lượng mở nhạc. Bên cạnh đó, vấn đề bản quyền âm nhạc trong các cơ sở kinh doanh là một điểm gây tranh cãi và thường xuyên bị lơ là.  

II. Quy định pháp luật tại mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

Quy định về việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

1. Quy định về việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

Theo quy định tại khoản 4 Điều 6 Luật Bảo vệ môi trường 2020, pháp luật nghiêm cấm hành vi gây tiếng ồn, độ rung vượt mức cho phép theo quy chuẩn kỹ thuật môi trường. 

Theo quy định tại Mục 2.1 Quy chuẩn quốc gia về tiếng ồn - Thông tư 39/2010/TT - BTNMT, tại khu vực thông thường trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 70 dBA trong khoảng thời gian 21 giờ đến 6 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 55 dBA. Tuy nhiên, đối với khu vực đặc biệt, trong khoảng thời gian từ 6 giờ đến 21 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 55 dBA trong khoảng thời gian 21 giờ đến 6 giờ, giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn là 45 dBA. Do vậy, có thể thấy, tùy khu vực với tùy khoảng thời gian mà pháp luật sẽ đặt ra một giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn.

2. Mở nhạc tại cơ sở kinh doanh to ảnh hưởng đến người khác có bị xử phạt không 

Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP và Mục 2.1 Quy chuẩn kỹ thuật quốc gia về tiếng ồn ban hành kèm Thông tư 39/2010/TT-BTNMT, việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh cần phải tuân thủ giới hạn tối đa cho phép về tiếng ồn ở khu vực đó. Vì vậy, khi cơ sở kinh doanh mở nhạc quá to, vượt quá mức cho phép thì cơ sở kinh doanh đó sẽ bị xử phạt theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

3. Thẩm quyền xử phạt việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh gây ồn ào 

Theo quy định tại khoản 3 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, thẩm quyền xử phạt vi phạm hành chính được quy định từ Điều 56 đến Điều 67 Nghị định này, cụ thể như: Ủy ban nhân dân cấp xã; Uỷ ban nhân dân cấp huyện; Ủy ban nhân dân cấp tỉnh; Chiến sĩ công dân nhân dân; Trưởng Công an cấp xã, Trưởng đồn Công an, Trưởng trạm Công an cửa khẩu, khu chế xuất, Trưởng Công an cửa khẩu Cảng hàng không quốc tế; Trưởng Công an cấp huyện; Trưởng phòng Công an cấp tỉnh gồm: Trưởng phòng Cảnh sát phòng, chống tội phạm về môi trường và Trưởng phòng Quản lý xuất nhập cảnh; Giám đốc Công an cấp tỉnh; Chánh thanh tra Sở Tài nguyên và Môi trường, Trưởng đoàn thanh tra chuyên ngành về tài nguyên và môi trường của Sở Tài nguyên và Môi trường, Tổng cục Môi trường... 

4. Các hình thức và mức xử phạt đối với việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh

Theo quy định tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP, hình thức xử phạt đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kĩ thuật về tiếng ồn gồm có: cảnh cáo (với hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kĩ thuật dưới 2 dBA; phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng nếu vượt quy chuẩn kỹ thuật từ 2 Dba đến 40 Dba trở lên, đối với cá nhân. Đối với tổ chức, mức xử phạt tiền sẽ là gấp đôi so với mức phạt của cá nhân theo quy định tại khoản 2 Điều 6 Nghị định 45/2022/NĐ-CP.

Ngoài 02 hình thức nêu trên, nếu việc mở nhạc tại cơ sở kinh doanh vượt quá mức cho phép, tùy mức độ vi phạm mà pháp luật sẽ đặt thêm hình thức xử phạt bổ sung khác nhau, cụ thể: đình chỉ hoạt động gây ô nhiễm tiếng ồn của cơ sở từ 03 tháng đến 06 tháng; đình chỉ hoạt động của cơ sở từ 06 tháng đến 12 tháng.

Bên cạnh đó, còn có thể bị áp dụng thêm các biện pháp khắc phục hậu quả như: Buộc thực hiện biện pháp giảm thiểu tiếng ồn đạt quy chuẩn kỹ thuật trong thời hạn do người có thẩm quyền xử phạt ấn định trong quyết định xử phạt vi phạm hành chính; Buộc chi trả kinh phí trưng cầu giám định, kiểm định, đo đạc và phân tích mẫu môi trường trong trường hợp có vi phạm về tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật môi trường hoặc gây ô nhiễm tiếng ồn theo định mức.

III. Giải đáp một số câu hỏi về mở nhạc tại cơ sở kinh doanh 

Mở nhạc tại cơ sở kinh doanh to sau 22h đêm thì sẽ bị xử lý như thế nào? 

1. Mở nhạc tại cơ sở kinh doanh to sau 22h đêm thì sẽ bị xử lý như thế nào? 

Theo quy định tại Luật Bảo vệ môi trường 2020, Nghị định 45/2022/NĐ-CP, pháp luật hiện hành chỉ đặt ra biện pháp xử lý đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quá quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn. Vì vậy, nếu mở nhạc tại cơ sở kinh doanh to sau 22h đêm mà rơi vào các trường hợp được nêu tại Điều 22 Nghị định 45/2022/NĐ-CP thì cá nhân/tổ chức đó sẽ bị xử lý theo quy định pháp luật, cụ thể như sau: 

- Phạt cảnh cáo đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn dưới 02 dBA. 

- Phạt tiền từ 1.000.000 đồng đến 5.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 02 dBA đến dưới 05 dBA. 

- Phạt tiền từ 5.000.000 đồng đến 20.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 05 dBA đến dưới 10 dBA. 

- Phạt tiền từ 20.000.000 đồng đến 40.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 10 dBA đến dưới 15 dBA. 

- Phạt tiền từ 40.000.000 đồng đến 60.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 15 dBA đến dưới 20 dBA. 

- Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 20 dBA đến dưới 25 dBA. 

- Phạt tiền từ 80.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 25 dBA đến dưới 30 dBA. 

- Phạt tiền từ 100.000.000 đồng đến 120.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 30 dBA đến dưới 35 dBA. 

- Phạt tiền từ 120.000.000 đồng đến 140.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 35 dBA đến dưới 40 dBA. 

-  Phạt tiền từ 140.000.000 đồng đến 160.000.000 đồng đối với hành vi gây tiếng ồn vượt quy chuẩn kỹ thuật về tiếng ồn từ 40 dBA trở lên.

2. Mở nhạc tại cơ sở kinh doanh có vi phạm quyền sở hữu trí tuệ không? 

Khi mở nhạc tại cơ sở kinh doanh nhưng thuộc trường hợp được quy định phải xin phép hoặc không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền thì phải tuân theo. Đơn cử, khi mở nhạc nhưng thuộc quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2022 và Điều 34 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, thì cơ sở kinh doanh đó phải tuân thủ quy định của pháp luật về việc phải trả tiền bản quyền.

3. Mở nhạc tại cơ sở kinh doanh bài hát đã đăng ký tác quyền thì bị phạt như thế nào? 

Tác quyền được hiểu là quyền tác giả, khi mở nhạc tại cơ sở kinh doanh bài hát đã đăng ký bản quyền, đã được công bố nhằm mục đích thương mại thì theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ 2005, sửa đổi 2009, 2022 và Điều 34 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, cơ sở kinh doanh đó phải trả tiền bản quyền. Vì vậy, khi mở nhạc để sử dụng các hoạt động kinh doanh thương mại khác mà không trả tiền sử dụng cho chủ sở hữu theo quy định thì sẽ bị phạt từ 10.000.000 đồng đến 15.000.000 đồng đối với cá nhân hoặc từ 20.000.000 đồng đến 30.000.000 đồng đối với tổ chức, tùy vào mức độ vi phạm theo quy định tại khoản 2 Điều 2 và điểm b khoản 2 Điều 29 Nghị định 131/2013/NĐ-CP.

4. Mở nhạc tại quán cà phê có phải trả tiền bản quyền? Trả tiền như thế nào?

- Theo quy định tại Điều 33 Luật Sở hữu trí tuệ 2005 (sửa đổi 2009, 2022) và Điều 34 Nghị định 17/2023/NĐ-CP có quy định, tổ chức, cá nhân sử dụng tác phẩm, bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhằm mục đích thương mại để sử dụng tại nhà hàng, quán cà phê, khách sạn, cửa hàng, siêu thị… không phải xin phép nhưng phải trả tiền bản quyền. Do vậy, khi sử dụng bản ghi âm, ghi hình đã công bố nhưng rơi vào trường hợp giới hạn quyền liên quan thì cơ sở kinh doanh đó phải trả tiền bản quyền, việc không trả tiền bản quyền sẽ được coi là vi phạm quyền sở hữu trí tuệ.

- Theo quy định tại khoản 3 Điều 34 Nghị định 17/2023/NĐ-CP, tỷ lệ phân chia tiền bản quyền trong trường hợp bản ghi âm, ghi hình được sử dụng được thực hiện theo thỏa thuận của chủ sở hữu quyền tác giả, người biểu diễn, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình đó. Trường hợp không đạt được thỏa thuận thì thực hiện phân chia theo tỷ lệ như sau: Chủ sở hữu quyền tác giả hưởng 50%, người biểu diễn hưởng 25%, chủ sở hữu quyền liên quan đối với bản ghi âm, ghi hình hưởng 25% trên tổng số tiền bản quyền thu được. Vì vậy, nếu không đạt được sự thỏa thuận, thì tỷ lệ phân chia phải tuân theo quy định pháp luật.

 IV. Dịch vụ tư vấn pháp lý về mở nhạc tại cơ sở kinh doanh

Trên đây là những thông tin xoay quanh về mở nhạc tại cơ sở kinh doanh. Để có thể được hỗ trợ cũng như tìm hiểu thông tin, quy định của pháp luật về mở nhạc tại cơ sở kinh doanh. Quý khách có thể liên hệ NPLaw để được tư vấn bởi đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý dày dặn kinh nghiệm.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan