BẢO HỘ LOGO ĐỘC QUYỀN

Bảo hộ logo độc quyền là biện pháp bảo vệ dấu hiện nhận diện của doanh nghiệp trước những hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép của các đối thủ cạnh tranh. Việc logo chưa được bảo hộ độc quyền sẽ dễ bị lợi dụng làm hàng giả, hàng nhái ảnh hưởng đến uy tín doanh nghiệp. Vì logo được thiết kế, tạo dựng theo một cách độc đáo, độc quyền bởi chính doanh nghiệp cho sản phẩm/ dịch vụ của công ty.

Vậy làm sao để bảo vệ sản phẩm trí tuệ, sáng tạo này? Phương án tối ưu nhất là bảo hộ logo theo pháp luật. Doanh nghiệp khi đã bảo hộ logo độc quyền thì tránh được những tranh chấp phát sinh, những rắc rối không đáng có. 

Quý khách hàng hãy cùng tìm hiểu những thông tin hữu ích về bảo hộ logo độc quyền qua bài chia sẻ của NPLaw sau đây:

Một doanh nghiệp muốn truyền tải thông tin sản phẩm/dịch vụ của mình nhanh nhất là qua logo. Một logo không chỉ đơn giản là hình ảnh đẹp, độc đáo mà còn cả tâm sức, câu chuyện riêng của doanh nghiệp muốn gửi gắm đến khách hàng và đối tác.

Như logo trái táo khuyết của Apple là “trái táo cắn dở” (tiếng Anh dịch là “an Apple with a bite”, trong đó từ “bite” phát âm gần giống với “byte” (một thuật ngữ của công nghệ) và trái táo là nguồn cảm hứng của nhà khoa học lừng danh Newton tìm ra trọng lực ảnh hưởng lớn đến giới khoa học. Hay logo với dấu mũi tên là cách điệu của nụ cười thể hiện sự vui tươi của nhân viên Amazon tới khách hàng. Nhưng Jeff Bezos còn mang một thông điệp khác gửi tới khách hàng là sản phẩm, dịch vụ đa dạng, phong phú từ A đến Z, và sự phục vụ tận tâm từ A đến Z qua hình ảnh dấu mũi tên được nối từ A đến Z.

Bảo hộ logo độc quyền chính là bảo vệ nét riêng, nét đặc trưng, câu chuyện ý nghĩa của công ty bằng công cụ pháp luật tại các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền. Chủ sở hữu có quyền ngăn cấm hành vi xâm phạm, sử dụng trái phép của các cá nhân và tổ chức khác. Theo quy định pháp luật hiện hành chủ sở hữu logo có quyền đăng ký bảo hộ logo tại Cục bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đăng ký bảo hộ quyền tác giả) và tại Cục Sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu).

Bảo hộ logo độc quyền là gì?

Như đã phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam quy định về bảo hộ logo có hai phương pháp là đăng ký bảo hộ quyền tác giả (là tác phẩm ứng dụng thẩm mỹ) và đăng ký bảo hộ hình thức nhãn hiệu. 

Vậy quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ logo cho mỗi phương pháp sẽ được tiến hành như thế nào? Những khoản phí, lệ phí để đăng ký bảo hộ logo cho mỗi phương pháp?

Quy trình, thủ tục đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Bước 1: Chuẩn bị hồ sơ đăng ký quyền tác giả theo quy định

Bước 2: Hồ sơ có thể gửi qua đường bưu điện hoặc nộp trực tiếp tại Cục Bản quyền tác giả hoặc Văn phòng đại diện của Cục Bản quyền tác giả tại thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Đà Nẵng. 

Bước 3: Trong thời hạn 15 (mười lăm) ngày làm việc, kể từ ngày tiếp nhận hồ sơ, Cục bản quyền tác giả sẽ xem xét, xử lý và cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả khi đủ điều kiện và hợp lệ. 

Trường hợp hồ sơ không được cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả sẽ có văn bản từ chối của Cục Bản quyền tác giả nêu rõ lý do đến người nộp đơn. 

Bước 4: Cấp Giấy chứng nhận đăng ký quyền tác giả cho chủ sở hữu logo được bảo hộ. 

Các lệ phí đăng ký bảo hộ quyền tác giả tại Cục bản quyền tác giả:

  • Chi phí đăng ký bản quyền tác giả sẽ phụ thuộc vào loại hình tác phẩm mà doanh nghiệp/cá nhân muốn đăng ký.
  • Các khoản phí khác tùy vào trường hợp cụ thể

Bảo hộ logo theo quy định đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Bước 1: Xác định đối tượng và nội dung cần bảo hộ theo nhóm hàng hóa hoặc dịch vụ doanh nghiệp kinh doanh.

Bước 2: Tra cứu đánh giá khả năng đăng ký bảo hộ của nhãn hiệu theo hàng hóa hoặc dịch vụ.

Bước 3: Nộp hồ sơ đăng ký nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ 

  • Thẩm định hình thức (1-2 tháng)
  • Công bố Đơn trên Công báo (2 tháng)
  • Thẩm định nội dung (9-12 tháng)
  • Ra quyết định cấp/ từ chối cấp văn bằng bảo hộ (1-2 tháng)
  • Cấp và công bố Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu (02 - 03 tháng).

Trên thực tế thời gian đăng ký nhãn hiệu có thể chậm hơn hoặc nhanh hơn tùy thuộc vào việc thẩm định hồ sơ đăng ký của Cục Sở hữu trí tuệ vào thời điểm thẩm định. 

Bước 4: Chủ sở hữu sẽ nhận Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu do Cục Sở hữu trí tuệ cấp

Các lệ phí đăng ký bảo hộ nhãn hiệu tại Cục Sở hữu trí tuệ

  • Lệ phí nộp đơn đăng ký bảo hộ quyền sở hữu công nghiệp
  • Phí công bố đơn
  • Phí tra cứu nhãn hiệu phục vụ thẩm định nội dung 
  • Phí thẩm định nội dung nhãn hiệu
  • Phí công bố thông tin sở hữu công nghiệp
  • Phí đăng bạ thông tin sở hữu công nghiệp

Việc bảo hộ logo độc quyền được mở rộng cho mọi đối tượng là chủ sở hữu logo với cả hai hình thức bảo hộ logo theo quy định tại Luật sở hữu trí tuệ hiện hành, cụ thể như sau:

Căn cứ Điều 13 Luật sở hữu trí tuệ, tác giả, chủ sở hữu quyền tác giả có tác phẩm được bảo hộ bao gồm: 

  • Tổ chức, cá nhân Việt Nam; 
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được công bố lần đầu tiên tại Việt Nam mà chưa được công bố ở bất kỳ nước nào hoặc được công bố đồng thời tại Việt Nam trong thời hạn ba mươi ngày, kể từ ngày tác phẩm đó được công bố lần đầu tiên ở nước khác; 
  • Tổ chức, cá nhân nước ngoài có tác phẩm được bảo hộ tại Việt Nam theo điều ước quốc tế về quyền tác giả mà Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam là thành viên.

Căn cứ Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ, tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký bảo hộ nhãn hiệu bao gồm:

  • Tổ chức, cá nhân có quyền đăng ký nhãn hiệu dùng cho hàng hóa do mình sản xuất hoặc dịch vụ do mình cung cấp.
  • Tổ chức, cá nhân tiến hành hoạt động thương mại hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu cho sản phẩm mà mình đưa ra thị trường nhưng do người khác sản xuất với điều kiện người sản xuất không sử dụng nhãn hiệu đó cho sản phẩm và không phản đối việc đăng ký đó.
  • Tổ chức tập thể được thành lập hợp pháp có quyền đăng ký nhãn hiệu tập thể để các thành viên của mình sử dụng theo quy chế sử dụng nhãn hiệu tập thể.
  • Tổ chức có chức năng kiểm soát, chứng nhận chất lượng, đặc tính, nguồn gốc hoặc tiêu chí khác liên quan đến hàng hóa, dịch vụ có quyền đăng ký nhãn hiệu chứng nhận với điều kiện không tiến hành sản xuất, kinh doanh hàng hóa, dịch vụ đó; đối với địa danh, dấu hiệu khác chỉ nguồn gốc địa lý đặc sản địa phương của Việt Nam thì việc đăng ký phải được cơ quan nhà nước có thẩm quyền cho phép.
  • Hai hoặc nhiều tổ chức, cá nhân có quyền cùng đăng ký một nhãn hiệu để trở thành đồng chủ sở hữu với những điều kiện cụ thể tại khoản 5 Điều 87 Luật sở hữu trí tuệ.

Như đã phân tích ở trên, pháp luật Việt Nam quy định về bảo hộ logo tại hai nơi là: Cục bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch (đăng ký bảo hộ quyền tác giả) và bảo hộ logo tại Cục Sở hữu trí tuệ (đăng ký bảo hộ nhãn hiệu). Do đó, tùy vào việc chủ sở hữu logo lựa chọn cơ quan Nhà nước để bảo hộ logo thì logo sẽ được bảo hộ trong những trường hợp, điều kiện cụ thể như sau:

Trường hợp đăng ký bảo hộ logo tại Cục bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa, Thể thao và du lịch:

Logo thuộc loại hình tác phẩm mỹ thuật ứng dụng được bảo hộ quyền tác giả căn cứ theo Điểm b Khoản 1 Điều 14 Luật Sở hữu trí tuệ. Vì vậy, logo chỉ được bảo hộ trong trường hợp do tác giả phải trực tiếp sáng tạo bằng lao động trí tuệ của mình mà không sao chép từ tác phẩm của người khác.

Logo được bảo hộ trong trường hợp nào?

Trường hợp đăng ký bảo hộ logo tại Cục sở hữu trí tuệ

Logo muốn được cấp Văn bằng bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ, sẽ phải đăng ký bảo hộ theo quy định về bảo hộ nhãn hiệu. Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam, không có định nghĩa “logo”, nhưng “logo” có các đặc điểm thuộc dấu hiệu pháp lý đặc trưng của nhãn hiệu theo quy định tại khoản 16 Điều 4 của Luật sở hữu trí tuệ: “Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau”

Theo đó, căn cứ Điều 72 Luật sở hữu trí tuệ, logo được bảo hộ phải thuộc những trường hợp sau:

  • Là dấu hiệu nhìn thấy được dưới dạng chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, kể cả hình ba chiều hoặc sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc;
  • Có khả năng phân biệt hàng hóa, dịch vụ của chủ sở hữu nhãn hiệu với hàng hóa, dịch vụ của chủ thể khác.  

Trường hợp logo bị từ chối bảo hộ

Logo bị từ chối bảo hộ tại Cục bản quyền tác giả- Bộ Văn hóa, Thể thao và Du lịch:

Căn cứ tại Điều 52 Luật sở hữu trí tuệ, cơ quan Nhà nước về quyền tác giả phải thông báo bằng văn bản cho người nộp đơn lý do từ chối cấp Giấy chứng nhận trong thời hạn 15 ngày làm việc, kể từ ngày nhận đơn. Logo bị từ chối thường thuộc các trường hợp sau:

  • Hồ sơ đăng ký cấp giấy chứng nhận quyền tác giả không hợp lệ, không đúng quy định;
  • Tác phẩm yêu cầu bảo hộ không thuộc các loại hình tác phẩm được bảo hộ quyền tác giả;
  • Tác phẩm thuộc các yếu tố xâm phạm quyền tác giả (quy định tại Điều 7 Nghị định số 105/2006/NĐ-CP).
  • Tác phẩm trái với đạo đức xã hội, thuần phong mỹ tục, an ninh trật tự xã hội, có hại đến quốc phòng, an ninh quốc gia.

 Logo bị từ chối bảo hộ tại Cục sở hữu trí tuệ- Bộ Khoa học và Công nghệ:

Căn cứ tại Điều 73 Luật sở hữu trí tuệ, dấu hiệu của logo sẽ không được bảo hộ nếu thuộc các trường hợp sau:

  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với hình quốc kỳ, quốc huy của các nước;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với biểu tượng, cờ, huy hiệu, tên viết tắt, tên đầy đủ của cơ quan nhà nước, tổ chức chính trị, tổ chức chính trị - xã hội, tổ chức chính trị xã hội - nghề nghiệp, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội - nghề nghiệp của Việt Nam và tổ chức quốc tế, nếu không được cơ quan, tổ chức đó cho phép;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với tên thật, biệt hiệu, bút danh, hình ảnh của lãnh tụ, anh hùng dân tộc, danh nhân của Việt Nam, của nước ngoài;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với dấu chứng nhận, dấu kiểm tra, dấu bảo hành của tổ chức quốc tế mà tổ chức đó có yêu cầu không được sử dụng, trừ trường hợp chính tổ chức này đăng ký các dấu đó làm nhãn hiệu chứng nhận;
  • Dấu hiệu làm hiểu sai lệch, gây nhầm lẫn hoặc có tính chất lừa dối người tiêu dùng về nguồn gốc xuất xứ, tính năng, công dụng, chất lượng, giá trị hoặc các đặc tính khác của hàng hóa, dịch vụ.
  • Nhãn hiệu bị coi là không có khả năng phân biệt sẽ bị từ chối cấp bằng nếu nhãn hiệu thuộc các trường hợp sau:
  • Hình và hình hình học đơn giản, chữ số, chữ cái, chữ thuộc các ngôn ngữ không thông dụng, trừ trường hợp các dấu hiệu này đã được sử dụng và thừa nhận rộng rãi với danh nghĩa một nhãn hiệu;
  • Dấu hiệu, biểu tượng quy ước, hình vẽ hoặc tên gọi thông thường của hàng hóa, dịch vụ bằng bất kỳ ngôn ngữ nào đã được sử dụng rộng rãi, thường xuyên, nhiều người biết đến;
  • Dấu hiệu chỉ thời gian, địa điểm, phương pháp sản xuất, chủng loại, số lượng, chất lượng, tính chất, thành phần, công dụng, giá trị hoặc các đặc tính khác mang tính mô tả hàng hóa, dịch vụ, trừ trường hợp dấu hiệu đó đã đạt được khả năng phân biệt thông qua quá trình sử dụng trước thời điểm nộp đơn đăng ký nhãn hiệu;
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu của người khác đã đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự mà đăng ký nhãn hiệu đó đã chấm dứt hiệu lực chưa quá năm năm, trừ trường hợp hiệu lực bị chấm dứt vì lý do nhãn hiệu không được sử dụng
  • Dấu hiệu trùng hoặc tương tự đến mức gây nhầm lẫn với nhãn hiệu được coi là nổi tiếng của người khác đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ trùng hoặc tương tự với hàng hóa, dịch vụ mang nhãn hiệu nổi tiếng hoặc đăng ký cho hàng hóa, dịch vụ không tương tự, nếu việc sử dụng dấu hiệu đó có thể làm ảnh hưởng đến khả năng phân biệt của nhãn hiệu nổi tiếng hoặc việc đăng ký nhãn hiệu nhằm lợi dụng uy tín của nhãn hiệu nổi tiếng

Trường hợp logo bị từ chối bảo hộ

Bảo hộ logo độc quyền được pháp luật mở rộng cho chủ sở hữu logo quyền lựa chọn bảo vệ đứa con tinh thần của mình trước các hành vi xâm phạm. Vậy giữa hai hình thức bảo hộ logo độc quyền là đăng ký bảo hộ quyền tác giả và bảo hộ nhãn hiệu thì phương pháp nào sẽ tối ưu hơn, tránh được tất cả mọi rủi ro về xâm phạm?

NPLaw xin tư vấn cụ thể, chi tiết qua bản so sánh sau để Quý khách hàng có cái nhìn rõ ràng về bảo hộ logo độc quyền theo quy định pháp luật:

Yếu tố so sánh

Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu

Đăng ký bảo hộ quyền tác giả

Mục đích

Nhận hiện giữa hàng hóa/ dịch vụ của mình với những doanh nghiệp cùng lĩnh vực kinh doanh 

Chứng minh quyền sở hữu với tác phẩm sáng tạo, trí tuệ của mình, không nhằm mục đích phân biệt hàng hóa/ dịch vụ

Cơ chế thẩm định

Tác phẩm được thẩm định chuyên sâu với các nhãn hiệu đã được đăng ký trước 

Dựa vào cam đoan, cam kết của chủ sở hữu và tác giả đăng ký

Phạm vi bảo hộ

Logo được cấp Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu sẽ được bảo vệ từ chữ cái, từ ngữ, hình vẽ, hình ảnh, hình ba chiều, sự kết hợp các yếu tố đó, được thể hiện bằng một hoặc nhiều mầu sắc.  

Theo đó, logo sẽ bảo vệ một cách toàn diện, tuyệt đối nếu có một bên khác sử dụng logo tương tự sẽ bị coi là vi phạm trong nhóm hàng hóa/dịch vụ đã đăng ký.

Logo được cấp Giấy đăng ký bảo hộ quyền tác giả sẽ công nhận việc tạo ra tác phẩm mỹ thuật ứng dụng.


 

Thời hạn bảo hộ

Hiệu lực 10 năm, từ ngày cấp Giấy chứng nhận (có thể gia hạn nhiều lần liên tiếp, mỗi lần mười năm)

Logo là tác phẩm mỹ thuật ứng dụng (căn cứ theo các đặc tính). Do đó, thời hạn bảo hộ là 75 năm; kể từ khi tác phẩm được công bố lần đầu. 

Quyền tác giả là loại quyền phát sinh mặc nhiên tại từ khi ý tưởng sáng tạo được chuyển thể thành một hình thức khách quan nào đó mà người khác có thể nhận thấy. Từ khi tác phẩm được định hình, chủ thể quyền tác giả đã được bảo hộ quyền về mặt pháp lý.  Như vậy, pháp luật sở hữu trí tuệ không bắt buộc chủ thể quyền phải tiến hành đăng ký mới được bảo hộ. Tuy nhiên, việc đăng ký bản quyền tác phẩm cũng hết sức cần thiết. Đây là thủ tục ghi nhận quyền tác giả. Khi có tranh chấp về quyền tác giả, văn bằng bảo hộ sẽ có giá trị quan trọng trong việc chứng minh quyền tác giả.

Qua bảng phân tích trên, việc bảo hộ logo theo hình thức đăng ký bảo hộ nhãn hiệu, và đăng ký bảo hộ bản quyền tác giả sẽ ưu việt, vững chắc, và hợp pháp. Doanh nghiệp muốn được phòng ngừa, ngăn chặn các xâm phạm trong tương lai thì tốt nhất lựa chọn bảo hộ logo theo cả hai hình thức sẽ đảm bảo mọi rủi ro phát sinh sau này.

Mỗi doanh nghiệp, mỗi chủ sở hữu logo có những nhu cầu khác nhau về bảo hộ logo của mình. Vì vậy, để tránh việc tốn thời gian, công sức, và chi phí khi đăng ký bảo hộ logo độc quyền thì Quý khách hàng hãy liên hệ với đội ngũ luật sư, chuyên viên pháp lý chuyên về lĩnh vực sở hữu trí tuệ của Hãng luật NPLaw. Luật sư của NPLaw sẽ tư vấn Quý khách hàng tìm được cách bảo vệ logo của công ty một cách toàn diện, chính xác, và phù hợp nhất. 


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan

A PHP Error was encountered

Severity: Core Warning

Message: PHP Startup: Unable to load dynamic library 'pdo_mysql.so' (tried: /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so: cannot open shared object file: No such file or directory), /opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so (/opt/alt/php72/usr/lib64/php/modules/pdo_mysql.so.so: cannot open shared object file: No such file or directory))

Filename: Unknown

Line Number: 0

Backtrace: