Có được kinh doanh dịch vụ đòi nợ không?

Đòi nợ thuê là một trong những vấn đề quá quen thuộc với mọi người hiện nay. Người vay nợ liên tục gặp phải những rắc rối khó giải quyết khi chưa thanh toán được khoản nợ của mình, thậm chí là bị tổn hại đến sức khỏe tinh thần hoặc nguy hiểm hơn là bị đe dọa đến tính mạng. Những trường hợp vừa nêu không phải là hiếm gặp, nhất là khi đi vay nặng lãi. Vậy pháp luật có những quy định như thế nào về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, hãy cùng NPLaw tìm hiểu thông qua bài viết dưới đây.

I. Có được kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê không

Dịch vụ đòi nợ là dịch vụ mà cá nhân, tổ chức, doanh nghiệp, công ty, tập đoàn ủy quyền cho tổ chức được pháp luật cho phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện hoạt động đòi nợ trong khuôn khổ pháp luật.Ban đầu dịch vụ đòi nợ thuê không gây nguy hại cho xã hội nhưng trên thực tế hiện nay đã có là sự biến tướng của nó, hay nói một cách chính xác là việc các cá nhân, tổ chức đòi nợ thuê lợi dụng việc đăng ký kinh doanh ngành, nghề này để tiến hành các hoạt động đòi nợ bằng các biện pháp trái pháp luật, mà trong đó nguy hại và phổ biến nhất là hành vi cưỡng đoạt tài sản của người bị cho là mắc nợ.

Vì vậy ngày 17/6/2020, Quốc hội biểu quyết thông qua Luật Đầu tư 2020 (hình thức bắt đầu có hiệu lực thi hành từ ngày 01/01/2021).

Theo đó, bổ sung ngành nghề "Kinh doanh dịch vụ đòi nợ" vào danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

Đối với các hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ ký kết trước ngày 01/01/2021 chấm dứt hiệu lực kể từ ngày 01/01/2021; các bên tham gia hợp đồng được thực hiện các hoạt động để thanh lý hợp đồng cung cấp dịch vụ đòi nợ theo quy định của pháp luật về dân sự và quy định khác của pháp luật có liên quan.

Như vậy, thời điểm hiện tại pháp luật quy định không được kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê.

II. Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê được pháp luật quy định ra sao

1. Hiểu đúng về dịch vụ đòi nợ thuê trước khi bị cấm

Nguyên nhân đưa ra quy định cấm hành nghề đòi nợ thuê vì trong những năm vừa qua có rất nhiều nhóm thu hồi nợ thuộc nhóm anh chị xã hội, tạo ra hiệu ứng phản cảm. Cụ thể, có những trường hợp đòi nợ thuê xâm hại đời sống, sức khỏe, tinh thần của nhiều người. Tuy nhiên, đó chỉ là một phần tiêu cực. Chúng ta có thể nhìn nhận một điều là việc thu hồi nợ là một hoạt động rất bình thường của tất cả các nền kinh tế. Ở nước ngoài, ngành ngân hàng khi muốn thu hồi nợ thì cũng tìm đến các công ty thu hồi nợ. Bởi những công ty này làm chuyên nghiệp, họ có nhân lực và hoạt động tuân thủ luật pháp.

Theo Nghị định 104/2007/NĐ- về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định về điều kiện hành nghề kinh doanh đòi nợ rất chặt chẽ. Theo đó nội dung hoạt động dịch vụ đòi nợ gồm:

  • Đại diện chủ nợ để xác định các khoản nợ, các nội dung liên quan đến việc thực hiện nghĩa vụ trả nợ của khách nợ, đôn đốc khách nợ trả nợ, thu nợ.
  • Đại diện chủ nợ làm việc với tổ chức hoặc cá nhân có liên quan để thu nợ.
  • Đại diện khách nợ để xác định các khoản nợ, biện pháp xử lý nợ với chủ nợ.
  • Tư vấn pháp luật cho chủ nợ hoặc khách nợ về việc xác định nợ, biện pháp, quy trình, thủ tục xử lý nợ.

2. Quy định của pháp luật hiện hành về kinh doanh dịch vụ đòi nợ

Theo quy định tại điểm h khoản 1 Điều 6 Luật Đầu tư 2020, thì kinh doanh dịch vụ đòi nợ là một trong những ngành nghề bị cấm kinh doanh.Những cá nhân, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì chịu mức xử phạt như sau:

a. Đối với cá nhân

Căn cứ theo khoản 1 Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP thì mức xử phạt đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục cấm đầu tư kinh doanh: 

1. Phạt tiền từ 60.000.000 đồng đến 80.000.000 đồng đối với hành vi kinh doanh dịch vụ thuộc danh mục ngành, nghề cấm đầu tư kinh doanh.

2. Hình thức xử phạt bổ sung:

Tịch thu tang vật, phương tiện vi phạm đối với hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

3. Biện pháp khắc phục hậu quả:

Buộc nộp lại số lợi bất hợp pháp có được do thực hiện hành vi vi phạm quy định tại khoản 1 Điều này.

Như vậy đối với cá nhân mức phạt tiền từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng và có thể áp dụng các hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác. 

b. Đối với tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

Mức phạt đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê là từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng thì trường hợp là tổ chức mức phạt sẽ gấp đôi tức là mức phạt sẽ từ 120 triệu đồng đến 160 triệu đồng (Căn cứ theo khoản 4 Điều 4 Nghị định 98/2020/NĐ-CP sửa đổi bởi điểm b khoản 1 ĐIều 3 Nghị định 17/2022/NĐ-CP). 

III. Giải đáp thắc mắc về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê

1. Cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ trái pháp luật bị xử lý như thế nào

Kể từ ngày 01/01/2020 thì cá nhân, tổ chức không được đầu tư, kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, nên đối với cá nhân kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê sẽ bị xử phạt hành chính từ 60 triệu đồng đến 80 triệu đồng và có thể được áp dụng thêm các thức hình thức xử phạt bổ sung và biện pháp khắc phục hậu quả khác (Điều 7 Nghị định 98/2020/NĐ-CP

2. Người đòi nợ thuê có hành vi đe doạ con nợ thì bị xử phạt như thế nào

Khi tiến hành việc đòi nợ, đa số người đòi nợ thuê đều sử dụng mọi biện pháp để gây ra sức ép, để con nợ phải trả tiền. Các đối tượng sẽ sử dụng hình thức bạo lực hoặc các thủ đoạn gây sức ép lên tinh thần; và tính mạng của con nợ nhằm đòi được nợ. Tất cả các hành vi này đều là các hành vi cố ý gây tổn thương tính mạng; sức khỏe, nhân phẩm, danh dự của con người.Căn cứ theo Bộ luật Hình sự năm 2015 sửa đổi, bổ sung năm 2017. Tùy vào mức độ, tính chất; mà có thể phải chịu trách nhiệm hình sự về một trong các tội sau đây:

  • Tội đe dọa giết người theo quy định tại Điều 133 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 07 năm tù
  • Tội cố ý gây thương tích hoặc gây tổn hại cho sức khoẻ của người khác theo quy định tại Điều 134 Bộ luật Hình sự 2015; với khung hình phạt cao nhất là tù chung thân.
  • Tội làm nhục người khác theo quy định tại Điều 155 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 05 năm

Ngoài ra, các đối tượng đòi nợ thuê tự ý chiếm dụng tài sản của con nợ; với lý do để bù lại khoản tiền họ đang nợ. Bản chất đây là những hành vi cưỡng đoạt tài sản; thậm chí là cướp tài sản. Trong trường hợp này, người đi đòi nợ thuê có thể bị truy cứu trách nhiệm hình sự với các tội danh:

  • Tội cướp tài sản được quy định tại Điều 168 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là chung thân; và có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.
  • Tội cưỡng đoạt tài sản tại Điều 170 Bộ luật Hình sự; với khung hình phạt cao nhất là 20 năm tù giam; hoặc có thể bị phạt tiền từ 10.000.000 đồng đến 100.000.000 đồng.

3. Có được tố cáo kinh doanh dịch vụ đòi nợ không.

Theo quy định của Luật tố cáo năm 2018 thì “Tố cáo là việc công dân theo thủ tục do Luật này quy định báo cho cơ quan, tổ chức, cá nhân có thẩm quyền biết về hành vi vi phạm pháp luật của bất cứ cơ quan, tổ chức, cá nhân nào gây thiệt hại hoặc đe dọa gây thiệt hại lợi ích của Nhà nước, quyền, lợi ích hợp pháp của công dân cơ quan, tổ chức”. Chính vì vậy khi phát hiện cá nhân, cơ quan, tổ chức kinh doanh dịch vụ đòi nợ thì người dân có thể tố cáo lên cơ quan chức năng có thẩm quyền theo quy định của pháp luật.

Trên đây là nội dung bài viết về kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê. Hy vọng qua bài viết sẽ cung cấp cho quý bạn đọc thông tin hữu ích. Nếu quý bạn đọc còn có bất kỳ vấn đề nào vướng mắc liên quan đến kinh doanh dịch vụ đòi nợ thuê, hay đang rơi vào trường hợp bị đòi nợ hay bất cứ vấn đề pháp lý nào hãy liên hệ ngay chúng tôi để được tư vấn. NPLaw chuyên cung cấp dịch vụ tư vấn pháp lý, giải quyết tranh chấp đất đai, hợp đồng, cung cấp dịch vụ luật sư, làm các thủ tục giấy phép con… Hỗ trợ khách hàng tối đa, trở thành một địa chỉ uy tín, đáng tin cậy của mọi cá nhân, tổ chức.


CÔNG TY LUẬT TNHH NGỌC PHÚ

Tổng đài tư vấn và CSKH: 1900 9343

Hotline: 0913 41 99 96

Email: legal@nplaw.vn

Tài liệu tham khảo:

Bài viết liên quan